Hiện nay, do đặc thù của một số công việc cũng như khả năng tài chính của doanh nghiệp nên có một số công việc, dự án được các bên thực hiện với nhau bằng hình thức hợp đồng khoán việc. Tuy chưa được pháp luật quy định cụ thể, chi tiết về hợp đồng khoán việc nhưng trên thực tế các bên vẫn được thừa nhận và áp dụng rộng rãi. Trong bài viết này, hãy cùng Công ty Luật Siglaw tìm hiểu và trả lời câu hỏi “Hợp đồng khoán việc có phải đóng BHXH không? “ nhé.
Để trả lời câu hỏi “hợp đồng khoán việc có phải đóng BHXH (Bảo hiểm xã hội) không? Chúng ta cần nắm được đối tượng đóng BHXH là ai? Bản chất của hợp đồng khoán việc là gì? Hợp đồng khoán việc có các nội dung cần có hợp đồng lao động không? Thể hiện quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động hay thể hiện quan hệ thuê khoán dân sự thông thường?
Ai là người tham gia đóng BHXH (bảo hiểm xã hội)?
Căn cứ vào Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì có 05 nhóm đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội. Trong đó nhóm đối tượng lớn là người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2, cụ thể là:
“ 1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
- a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
[……]”
Như vậy có thể thấy người tham gia đóng BHXH (bảo hiểm xã hội) là chủ thể tham gia vào quan hệ “lao động” trừ một số trường hợp quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 2 Luật BHXH 2014. Hay nói cách khác đó là cá nhân, người lao động khi tham gia vào việc ký kết hợp đồng lao động.
Hợp đồng lao động là gì? Và phải có những nội dung gì?
Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
Trường hợp tiêu đề tên gọi của hợp đồng không phải là hợp đồng lao động nhưng có nội dung thể hiện các nội dung nêu trên thì được coi là hợp đồng lao động (Căn cứ khoản 1 Điều 13 Bộ Luật Lao động 2019).
Hợp đồng lao động bắt buộc phải có những nội dung chủ yếu quy định tại khoản 1 Điều 21 Bộ Luật Lao động 2019, điều này được hướng dẫn bởi Chương II Thông tư 10/2021/TT-BLĐTBXH như:
- Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;
- Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động;
- Công việc và địa điểm làm việc;
- Thời hạn của hợp đồng lao động;
- Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;
- Chế độ nâng bậc, nâng lương;
- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
- Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;
- Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp;
- Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.
Hợp đồng khoán việc là gì? Bản chất của hợp đồng khoán việc thể hiện mối quan hệ gì?
Tại điểm c khoản 3 Điều 3 Nghị định 37/2015/NĐ-CP quy định về chi tiết hợp đồng xây dựng có nhắc đến khái niệm: “Hợp đồng giao khoán nội bộ là hợp đồng giữa bên giao thầu và bên nhận thầu thuộc một cơ quan, tổ chức”.
Tại Điều 385 Bộ luật dân sự 2015 quy định về khái niệm hợp đồng: “Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”
Từ những dẫn chứng trên có thể thấy: “Hợp đồng khoán việc là sự thỏa thuận giữa các bên về việc nhận khoán một công việc nào đó, trong đó bên nhận khoán có nghĩa vụ hoàn thành một hay một số công việc nhất định nào đó theo yêu cầu của bên giao khoán. Sau khi hoàn thành công việc, bên nhận khoán bàn giao kết quả cho bên giao khoán, bên giao khoán có nghĩa vụ thanh toán tiền công, tiền thù lao cho bên nhận khoán theo đúng thỏa thuận ban đầu.”
Thực tế hiện nay với các hợp đồng khoán việc, trong quá trình thực hiện công việc bên nhận khoán không chịu sự quản lý, điều hành của bên giao khoán về cả thời gian, tiến trình thực hiện. Và thông thường trong hợp đồng khoán việc không có các nội dung của một hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 21 của Bộ Luật Lao động.
Việc sử dụng hợp đồng khoán việc thường áp dụng với các công việc, nhiệm vụ ngắn hạn, không mang tính thường xuyên, mà chỉ phát sinh trong một giai đoạn nhất định. Do vậy quan hệ hợp đồng trong hợp đồng khoán việc có bản chất thiên về hợp đồng dịch vụ nhiều hơn, bản chất là quan hệ cung cấp dịch vụ chứ không phải là quan hệ lao động.
Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp doanh nghiệp sử dụng hợp đồng khoán việc nhưng với mục đích, nội dung là hợp đồng lao động để nhằm mục đích trốn tránh việc tham gia bảo hiểm xã hội.
Do vậy, bản chất của hợp đồng khoán việc có phải là hợp đồng lao động hay không phụ thuộc rất nhiều vào ý chí của các bên tham gia hợp đồng. Cần xem xét nội dung chi tiết của hợp đồng khoán việc về các nội dung như thỏa thuận về cách thức hoàn thành công việc, sự quản lý giữa bên giao khoán và bên nhận khoán trong quá trình hoàn thành công việc, cách thức trả thù lao… để xác định hợp đồng khoán việc là hợp đồng thuê khoán dân sự thông thường hay là một hợp đồng lao động.
Từ những phân tích trên có thể nhận định rằng, nếu hợp đồng khoán việc mang bản chất, nội dung của một hợp đồng lao động thì người tham gia vào hợp đồng khoán việc phải đóng BHXH (bảo hiểm xã hội). Trường hợp hợp đồng khoán việc không thỏa mãn, không có những nội dung của hợp đồng lao động theo quy định tại Khoản 1 Điều 21 Bộ Luật Lao động thì không phải đóng BHXH (bảo hiểm xã hội).
Trên đây là nội dung, quy định pháp luật về hợp đồng khoán việc, về đối tượng đóng BHXH (bảo hiểm xã hội). Trường hợp quý khách hàng cần thêm thông tin hỗ trợ để xây dựng hợp đồng khoán việc, hoặc xác định quyền lợi đóng bảo hiểm của mình thì vui lòng liên hệ công ty luật Siglaw:
Trụ sở chính tại Tp. Hà Nội: Số 44/A32 – NV13, Khu A Glexemco, đường Lê Trọng Tấn, An Khánh, Hoài Đức, Tp.Hà Nội.
Email: [email protected]
Chi nhánh tại miền Nam: A9.05 Block A, Tòa Sky Center, số 5B đường Phổ Quang, Phường 2, Quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh.
Chi nhánh miền Trung: 177 Trưng Nữ Vương, Quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Email: [email protected]
Hotline: 0961 366 238
Facebook: https://www.facebook.com/hangluatSiglaw