Tư vấn đầu tư ra nước ngoài: 1 số hình thức & Hồ sơ, Thủ tục

Đầu tư ra nước ngoài mang lại rất nhiều lợi ích như được tiếp cận nhiều công nghệ, nâng cao trình độ chuyên môn của nhân lực, mở rộng thị trường kinh tế…Tuy nhiên để có thể đầu tư tại một quốc gia khác thì nhà đầu tư cần nắm rõ những điều kiện pháp luật đã quy định cũng như hồ sơ, thủ tục & hình thức đầu tư….Trong bài viết tư vấn đầu tư ra nước ngoài dưới đây Siglaw sẽ giới thiệu chi tiết đến quý bạn đọc để giải đáp các thắc mắc xoay quanh chủ đề đầu tư ra nước ngoài đối với cá nhân, doanh nghiệp tại Việt Nam.

Đầu tư ra nước ngoài là gì?

Hoạt động đầu tư ra nước ngoài là một quá trình chuyển vốn đầu tư từ quốc gia này sang quốc gia khác nhằm mục đích thực hiện hoạt động kinh doanh, tìm kiếm lợi nhuận hoặc bất kỳ một mục đích sinh lời khác vì thế các chủ thể đầu tư sẽ bị điều chỉnh bởi pháp luật trong nước và pháp luật của nước tiếp nhận.

Việc nhà đầu tư chuyển vốn đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài, sử dụng lợi nhuận thu được từ nguồn vốn đầu tư này để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh ở nước ngoài được quy định rõ tại khoản 13 Điều 3 của Luật Đầu tư năm 2020 ( sửa đổi, bổ sung năm 2022).

Trong bối cảnh kinh tế phát triển toàn cầu hiện nay, nhu cầu hội nhập kinh tế giữa các quốc gia ngày càng tăng lên thì nhu cầu về hoạt động đầu tư giữa các quốc gia ngày càng được mở rộng. Có rất nhiều quy định pháp luật khác nhau quy định và điều chỉnh riêng đối với hoạt động đầu tư này. Ở Việt Nam, các quy định được xoay quanh Luật đầu tư 2020 và các văn bản pháp luật khác liên quan.

Hình thức & thủ tục đầu tư ra nước ngoài
Hình thức & thủ tục đầu tư ra nước ngoài

Các quy định pháp luật về đầu tư ra nước ngoài

Hiện nay, có một số văn bản pháp luật điều chỉnh trực tiếp hoạt động đầu tư ra nước ngoài và đang có hiệu lực như:

  1. Luật Đầu tư 2020.

  2. Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư.

  3. Nghị định 16/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

  4. Thông tư 03/2021/TT-BKHĐT quy định mẫu văn bản, báo cáo liên quan đến hoạt động đầu tư tại việt nam, đầu tư từ việt nam ra nước ngoài và xúc tiến đầu tư.

Ngoài các Luật, nghị định và thông tư trên, hoạt động đầu tư ra nước ngoài còn điều điều chỉnh bởi các hiệp định thương mại quốc tế song phương, đa phương hay các Hiệp ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên khác.

Xu hướng đầu tư ra nước ngoài những năm gần đây

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, trong năm 2021, tổng vốn đầu tư mới ra nước ngoài  đạt tới 409 triệu USD, trong đó có 61 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới. Đã tăng 28.6% so với cùng kỳ năm 2020. Năm 2022, có 109 dự án được cấp chứng nhận đầu tư mới, tổng số vốn đăng ký đạt 426,6 triệu USD và đã tăng 78,7% số dự án và 4,3% tổng số vốn so với cùng kỳ năm 2021. Riêng 3 tháng đầu năm 2022, Việt nam đã có tổng mức đầu tư bao gồm cả cấp mới và điều chỉnh đạt 534 triệu USD. Trong đó có 109 dự án đầu tư được cấp mới.

Các ngành nghề mà nhà đầu tư Việt Nam có xu hướng đầu tư ra nước ngoài nhiều nhất tập trung ở 14 ngành nghề, dẫn đầu là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, sau đó là bất động sản, các ngành bán buôn, bán lẻ, các hoạt động khai khoáng… Các ngành nghề được tập trung đầu tư nhiều nhất gần đây chính là ngành nghề về khai khoáng, nông, lâm nghiệp và thuỷ sản.

Các nguồn vốn đầu tư tập trung ở 29 quốc gia, vùng lãnh thổ. Dẫn đầu là Singapore, tiếp theo sau chính là Lào, Úc, Mỹ, Đức…

Với các số liệu được tổng hợp và phân tích trên cho thấy rằng, qua các năm gần đây, mặc dù có bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và những khó khăn được dự đoán hậu Covid, tuy nhiên, xu hướng và nhu cầu đầu tư ra nước ngoài vẫn rất lớn và có phần gia tăng mạnh hơn cùng sự phát triển nóng hổi của thị trường.

45 Video tổng hợp về đầu tư ra nước ngoài (Lào, Singapore, Malaysia, Myanmar, Campuchia, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc) mời các bạn theo dõi

Các hình thức chính khi đầu tư ra nước ngoài

Tại nội dung quy định về các hình thức đầu tư ra nước ngoài theo Luật đầu tư 2020, nhà đầu tư có thể đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các hình thức sau đây:

Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài

  1. Thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư.
  2. Đầu tư theo hình thức hợp đồng ở nước ngoài.
  3. Góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế ở nước ngoài để tham gia quản lý tổ chức kinh tế đó.
  4. Các hình thức đầu tư khác theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư.

Đầu tư gián tiếp ra nước ngoài

Đầu tư gián tiếp bằng việc mua, bán chứng khoán, giấy tờ có giá khác hoặc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài.

Đối với hình thức đầu tư thành lập các tổ chức kinh tế

Nhà đầu tư cần có dự án đầu tư, và thực hiện thủ tục xin cấp chứng nhận đăng ký đầu tư tại Bộ KHĐT, cần đáp ứng được các điều kiện về tỉ lệ sở hữu vốn và các điều kiện khác theo từng mã ngành hoạt động khác nhau ngay từ trước khi thành lập tổ chức kinh tế. Các nhà đầu tư Việt Nam cần nắm được các quy định pháp luật trong nước và nước tiếp nhận đầu tư về hoạt động đầu tư kinh doanh của mình, cùng các Điều ước quốc tế song phương, đa phương mà Việt Nam là thành viên, hay các Hiệp định thương mại khác có liên quan.

Có 2 cách thành lập tổ chức kinh tế:

  1. Thành lập công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài;
  2. Thành lập công ty giữa các nhà đầu tư trong nước hoặc Chính phủ trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.

Chúng ta sẽ rất dễ dàng bắt gặp các loại hình doanh nghiệp hoạt động theo hình thức đầu tư này, nó có thể thấy là hình thức đầu tư phổ biến nhất, và đa dạng nhất. Một số lĩnh vực đầu tư như khai khoáng, nông nghiệp, nhà hàng, thương mại, sản xuất, hay tư vấn….  và hiện nay, xu hướng đầu tư đi các quốc gia cũng ngày càng tăng lên, không giới hạn về địa lý hay lĩnh vực ngành nghề hoạt động, một số quốc gia tập trung như Lào, Campuchia, Mỹ, Úc, Nhật, Hàn, Trung Quốc, Hong Kong hay Malaisia….

Hợp tác công tư theo dạng hợp đồng PPP

Hình thức hợp tác này cũng khá phổ biến và phù hợp hữu ích cho một số mô hình đầu tư tuỳ theo phân khúc khác nhau của nhà đầu tư. Đây là một phương thức hợp tác có thời hạn giữa nhà đầu tư tư nhân và Nhà nước, bằng việc hợp tác ký kết hợp đồng PPP nhằm thu hút nguồn vốn tư nhân tham gia dự án.

Các dự án phổ biến theo hình thức hợp tác này ta có thể gặp ở các công ty xây dựng, đặc biệt với các công trình như cầu đường,…

Hợp tác dự án theo mô hình BCC

Bản chất của mô hình hợp tác này là sự thoả thuận ký kết giữa các nhà đầu tư với nhau, có thể là giữa các nhà đầu tư trong nước với nhau, hoặc có ít nhất một bên là nhà đầu tư nước ngoài. Nếu là sự hợp tác giữa các nhà đầu tư trong nước, các nhà đầu tư cần tuân thủ theo quy định pháp luật của nước sở tại. Nếu có nguồn vốn đầu tư nước ngoài, thì cần xử lý thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư để được cấp phép đầu tư.

Mục đích của hình thức đầu tư này là kích hoạt sự thoả thuận hợp tác kinh doanh giữa các bên, nhằm mục đích sinh lời và thống nhất phương án phân chia lợi nhuận mà không cần thành lập pháp nhân mới. Ưu điểm của loại hình hợp tác này là các nhà đầu tư sẽ không mất thời gian, chi phí và công sức để vận hành một pháp nhân mới thành lập.

Mô hình này ta sẽ thấy nhiều ở các lĩnh vực kinh doanh như các công ty xây dựng, các công ty tư vấn, thiết kế, hay nhà thầu xây dựng…

Hợp tác theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp

Bản chất đây là một hình thức đầu tư khá phổ biến hiện nay. Các nhà đầu tư tận dụng các công ty đang hoạt động tốt để lựa chọn đầu tư, cách này sẽ giảm thiểu được rủi ro trong hoạt động kinh doanh nhiều hơn so với các loại hình đầu tư mới. Bên cạnh đó, khi xác định lựa chọn phương thức đầu tư này, nhà đầu tư cũng ngay từ đầu xác định không trực tiếp tham gia vào các hoạt động quản lý và các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, nên cũng sẽ dễ dàng hơn trong việc doanh nghiệp được tiếp nhận vốn vận hành.

Việc gia tăng thêm nguồn vốn đầu tư, hay việc kêu gọi vốn đầu tư của các doanh nghiệp hiện nay được thực hiện rất nhiều, nhất là khi doanh nghiệp đó muốn mở rộng lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh, hay mở rộng địa bàn đầu tư.

Một số công ty ta có thể thấy phổ biến trong lĩnh vực này như các loại hình doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch, nhà hàng, hay thương mại sản xuất…

Hồ sơ, Thủ tục đầu tư ra nước ngoài

Điều kiện để được phê duyệt dự án đầu tư ra nước ngoài

Để được phê duyệt đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư cần nắm được 05 điều kiện tiên quyết, quy định chi tiết tại Điều 60 Luật đầu tư 2020:

  1. Hoạt động đầu tư ra nước ngoài phù hợp với nguyên tắc quy định tại Điều 51 của Luật này.
  2. Không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư ra nước ngoài quy định tại Điều 53 của Luật này và đáp ứng điều kiện đầu tư ra nước ngoài đối với ngành, nghề đầu tư ra nước ngoài có điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này.
  3. Nhà đầu tư có cam kết tự thu xếp ngoại tệ hoặc có cam kết thu xếp ngoại tệ để thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài cửa tổ chức tín dụng được phép.
  4. Có quyết định đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại Điều 59 của Luật này.
  5. Có văn bản của cơ quan thuế xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của nhà đầu tư. Thời điểm xác nhận của cơ quan thuế là không quá 03 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ đầu tư ra nước ngoài.

Các dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài của Quốc hội

Đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài, pháp luật Việt Nam đã có quy định rất chi tiết giao theo thẩm quyền. Đối với mỗi cơ quan có thẩm quyền khác nhau, sẽ quản lý và chịu trách nhiệm về quy trình, thủ tục cấp phép khác nhau phụ thuộc vào tính chất từng dự án. Căn cứ tại Điều 56 Luật đầu tư 2020, có các cấp thẩm quyền sau:

+ Dự án đầu tư có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 20.000 tỷ đồng trở lên.

+ Dự án đầu tư có yêu cầu áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.

Hồ sơ, trình tự, thủ tục yêu cầu căn cứ tại Điều 57 Luật đầu tư 2020

Nhà đầu tư nộp hồ sơ dự án cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Hồ sơ đầu tư ra nước ngoài bao gồm:

  • Văn bản đăng ký đầu tư ra nước ngoài;
  • Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư;
  • Đề xuất dự án đầu tư gồm các nội dung chủ yếu sau: hình thức, mục tiêu, quy mô, địa điểm đầu tư; xác định sơ bộ vốn đầu tư, phương án huy động vốn, cơ cấu nguồn vốn; tiến độ thực hiện dự án, các giai đoạn đầu tư (nếu có); phân tích sơ bộ hiệu quả đầu tư của dự án;
  • Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư gồm ít nhất một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu khác chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;
  • Cam kết tự cân đối nguồn ngoại tệ hoặc văn bản cam kết thu xếp ngoại tệ cho nhà đầu tư của tổ chức tín dụng được phép;
Các dự án
  • Văn bản của cơ quan đại diện chủ sở hữu chấp thuận nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài và báo cáo thẩm định nội bộ về đề xuất đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước quy định tại khoản 1 Điều 59 của Luật này hoặc quyết định đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại khoản 2 Điều 59 của Luật này;
  • Đối với dự án đầu tư ra nước ngoài trong các ngành, nghề quy định tại khoản 1 Điều 54 của Luật này, nhà đầu tư nộp văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đáp ứng điều kiện đầu tư ra nước ngoài theo quy định của pháp luật có liên quan (nếu có).

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước.

Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày thành lập, Hội đồng thẩm định nhà nước tổ chức thẩm định và lập báo cáo thẩm định trình Chính phủ. Báo cáo thẩm định gồm các nội dung sau đây:

  • Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài quy định tại Điều 60 của Luật này;
  • Tư cách pháp lý của nhà đầu tư;
  • Sự cần thiết thực hiện hoạt động đầu tư ở nước ngoài;
  • Sự phù hợp của dự án đầu tư với quy định tại khoản 1 Điều 51 của Luật này;
  • Hình thức, quy mô, địa điểm và tiến độ thực hiện dự án đầu tư, vốn đầu tư ra nước ngoài, nguồn vốn;
Đánh giá mức độ rủi ro tại nước tiếp nhận đầu tư.

Chậm nhất là 60 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội, Chính phủ gửi hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài đến cơ quan chủ trì thẩm tra của Quốc hội.

Hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài bao gồm:

  • Tờ trình của Chính phủ;
  • Hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này;
  • Báo cáo thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước;
  • Tài liệu khác có liên quan.

Nội dung thẩm tra đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài bao gồm:

  • Việc đáp ứng tiêu chí xác định dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội;
  • Sự cần thiết thực hiện hoạt động đầu tư ở nước ngoài;
  • Sự phù hợp của dự án đầu tư với quy định tại khoản 1 Điều 51 của Luật này;
  • Hình thức, quy mô, địa điểm và tiến độ thực hiện dự án đầu tư, vốn đầu tư ra nước ngoài, nguồn vốn;
  • Đánh giá mức độ rủi ro tại nước tiếp nhận đầu tư;

Cơ chế, chính sách đặc biệt, ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và điều kiện áp dụng (nếu có).

Chính phủ và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu phục vụ cho việc thẩm tra; giải trình về những vấn đề thuộc nội dung dự án đầu tư khi cơ quan chủ trì thẩm tra của Quốc hội yêu cầu.

Quốc hội xem xét, thông qua nghị quyết về chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài bao gồm các nội dung sau đây:

  • Nhà đầu tư thực hiện dự án;
  • Mục tiêu, địa điểm đầu tư;
  • Vốn đầu tư ra nước ngoài, nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài;
  • Cơ chế, chính sách đặc biệt, ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và điều kiện áp dụng (nếu có).
  • Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục thực hiện thẩm định hồ sơ dự án đầu tư ra nước ngoài của Hội đồng thẩm định nhà nước.

Các dự án đầu tư ra nước ngoài thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương của Thủ tướng Chính phủ

Trừ các dự án quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật đầu tư 2020, thì các dự án sau đây, sẽ thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương của Thủ tướng Chính phủ:

  • Dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, báo chí, phát thanh, truyền hình, viễn thông có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 400 tỷ đồng trở lên;
  • Dự án đầu tư không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 800 tỷ đồng trở lên.
Hồ sơ, trình tự, thủ tục yêu cầu căn cứ tại Điều 58 Luật đầu tư 2020
  1. Hồ sơ dự án đầu tư thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 57 của Luật này.
  2. Nhà đầu tư nộp hồ sơ dự án đầu tư cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi hồ sơ lấy ý kiến thẩm định của cơ quan nhà nước có liên quan.
  3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan được lấy ý kiến có ý kiến thẩm định bằng văn bản về những nội dung thuộc thẩm quyền quản lý.
  4. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thẩm định và lập báo cáo thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ. Báo cáo thẩm định gồm các nội dung quy định tại khoản 3 Điều 57 của Luật này.
  5. Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài theo nội dung quy định tại khoản 8 Điều 57 của Luật này.

Các dự án đầu tư không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 56 Luật đầu tư 2020 không phải chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài.

Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài theo Điều 61 Luật đầu tư 2020

Đối với các dự án đầu tư thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài cho nhà đầu tư trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại Điều 59 của Luật này.

Đối với dự án đầu tư không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, nhà đầu tư nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Hồ sơ bao gồm:

  • Văn bản đăng ký đầu tư ra nước ngoài;
  • Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư;
  • Quyết định đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại Điều 59 của Luật này;
  • Văn bản cam kết tự cân đối nguồn ngoại tệ hoặc văn bản cam kết thu xếp ngoại tệ cho nhà đầu tư của tổ chức tín dụng được phép theo quy định tại khoản 3 Điều 60 của Luật này;
  • Đối với dự án đầu tư ra nước ngoài trong các ngành, nghề quy định tại khoản 1 Điều 54 của Luật này, nhà đầu tư nộp văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đáp ứng điều kiện đầu tư ra nước ngoài theo quy định của pháp luật có liên quan (nếu có).

Trường hợp khoản vốn bằng ngoại tệ chuyển ra nước ngoài tương đương 20 tỷ đồng trở lên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài; trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài thì phải thông báo cho nhà đầu tư bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục thực hiện thẩm định dự án đầu tư ra nước ngoài; cấp, điều chỉnh, chấm dứt hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.

Nội dung trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài

  1. Mã số dự án đầu tư.
  2. Nhà đầu tư.
  3. Tên dự án đầu tư, tên tổ chức kinh tế ở nước ngoài (nếu có).
  4. Mục tiêu, địa điểm đầu tư.
  5. Hình thức đầu tư, vốn đầu tư, nguồn vốn đầu tư, hình thức vốn đầu tư, tiến độ thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài.
  6. Quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư.
  7. Ưu đãi và hỗ trợ đầu tư (nếu có).

Quy định về ngành nghề đầu tư có điều kiện

Đây là các ngành nghề đầu tư có điều kiện, khi nhà đầu tư muốn đầu tư ra nước ngoài, cần nắm được quy định cua pháp luật về ràng buộc hoặc đáp ứng được các điều kiện đầu tư cần thiết, phục vụ cho hoạt động kinh doanh luôn nằm trong khuôn khổ pháp luật.

  • Hoạt động liên quan đến lĩnh vực ngân hàng: việc đầu tư ra nước ngoài của nhà đầu tư phải tuân thủ theo quy định pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng, pháp luật về đầu tư ra nước ngoài, pháp luật về quản lý ngoại hối, được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận về việc đáp ứng điều kiện đầu tư ra nước ngoài.
  • Hoạt động liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm: Việc đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp bảo hiểm phải tuân thủ theo quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, pháp luật về đầu tư ra nước ngoài, pháp luật về quản lý ngoại hối, được Bộ Tài chính chấp thuận về việc đáp ứng điều kiện đầu tư ra nước ngoài.
  • Hoạt động liên quan đến lĩnh vực chứng khoán: Việc đầu tư ra nước ngoài của nhà đầu tư phải tuân thủ theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán, pháp luật về đầu tư ra nước ngoài, pháp luật về quản lý ngoại hối, được Bộ Tài chính chấp thuận về việc đáp ứng điều kiện đầu tư ra nước ngoài.
  • Hoạt động liên quan đến lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình: Nhà đầu tư là tổ chức đã được cấp phép hoạt động báo chí, phát thanh, truyền hình tại Việt Nam và được Bộ Thông tin và Truyền thông đồng ý bằng văn bản.
  • Hoạt động liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bất động sản: Nhà đầu tư là doanh nghiệp thành lập theo Luật Doanh nghiệp.

Nhà đầu tư sẽ được phép kinh doanh nếu như đáp ứng đượp các điều kiện ngành theo quy định pháp luật nêu trên.

Các ngành nghề cấm đầu tư ra nước ngoài

  1. Kinh doanh các chất ma túy quy định tại Phụ lục I của Luật này;
  2. Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục II của Luật này;
  3. Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục III của Luật này;
  4. Kinh doanh mại dâm;
  5. Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người;
  6. Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người;
  7. Kinh doanh pháo nổ;
  8. Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
  9. Ngành, nghề có công nghệ, sản phẩm thuộc đối tượng cấm xuất khẩu theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại thương.
  10. Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư.

Trừ các trường hợp khác theo quy định của Chính phủ. Các ngành nghề bị cấm đầu tư ra nước ngoài nêu trên đều hướng đến việc tuân thủ nguyên tắc đầu tư giữa các quốc gia, nhằm mục đích chống lại các ảnh hưởng tiêu cực, trực tiếp và gián tiếp lên đời sống – kinh tế – văn hoá – xã hội của Việt Nam nói riêng và các nước tiếp nhận đầu tư nói chung.

Quy định pháp luật về doanh nghiệp nhà nước đầu tư ra nước ngoài

Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết về hoạt động đầu tư ra nước ngoài đối với chủ thể đầu tư là doanh nghiệp nhà nước, như sau:

Điều kiện để quyết định đầu tư, thẩm quyền, quy trình, thủ tục quyết định đầu tư, chấm dứt đầu tư đối với các dự án đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài, chủ trương chấm dứt đầu tư ra nước ngoài theo quy trình, quy chế nội bộ phù hợp với thẩm quyền và nhiệm vụ theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu:

  1. Quyết định đầu tư ra nước ngoài theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động đầu tư theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư kinh doanh tại doanh nghiệp và pháp luật có liên quan;
  2. Kiểm tra, giám sát hoạt động đầu tư ra nước ngoài; giải quyết những vướng mắc trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về đầu tư ra nước ngoài;
  3. Quản lý và giám sát việc sử dụng nguồn vốn nhà nước để đầu tư ra nước ngoài đối với các doanh nghiệp nhà nước, phần vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý hoặc do mình làm đại diện chủ sở hữu; đánh giá hiệu quả sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp có hoạt động đầu tư ra nước ngoài;
  4. Thực hiện chế độ báo cáo liên quan đến đầu tư ra nước ngoài thuộc phạm vi quản lý của cơ quan đó theo quy định tại Điều 73 của Luật Đầu tư gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Như vậy, tại Điều 71 của Nghị định này đã quy định rất chi tiết các nội dung liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước Việt Nam, nhằm mục đích quản lý, kiểm tra và đánh giá tính trách nhiệm của người đứng đầu trong việc sử dụng nguồn vốn của nhà nước khi đầu tư ra nước ngoài.

Thực hiện chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài

Đăng ký giao dịch ngoại hối

Nhà đầu tư cần thực hiện đăng ký giao dịch ngoại hối tại Ngân hàng đối với các thông tin sau:

  • Nhà đầu tư
  • Vốn đầu tư
  • Tài khoản vốn đầu tư

Các hồ sơ nhà đầu tư cần để đăng ký giao dịch ngoại hối:

  • Đơn đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài.
  • Bản sao Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài.
  • Bản sao tiếng nước ngoài, bản dịch tiếng Việt văn bản chấp thuận hoặc Giấy phép kinh doanh hoặc tài liệu chứng minh quyền hoạt động đầu tư tại nước tiếp nhận đầu tư.
  • Bản chính văn bản xác nhận của tổ chức tín dụng được phép về việc mở tài khoản vốn đầu tư của nhà đầu tư trong đó nêu rõ số tài khoản, loại ngoại tệ.
  • Bản chính văn bản xác nhận của tổ chức tín dụng được phép về số tiền nhà đầu tư đã chuyển ra nước ngoài trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.
  • Văn bản giải trình về nhu cầu chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài bằng đồng Việt Nam đối với trường hợp chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài bằng đồng Việt Nam.

Chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài

  • Nhà đầu tư có thể chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài sau khi thực hiện xong Bước 1;
  • Nhà đầu tư cần thực hiện trách nhiệm chuyển vốn đúng tiến độ dự án đã đăng ký;
  • Nhà đầu tư cần đăng ký với Ngân hàng nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp thay đổi tiến độ chuyển vốn trong dự án đã đăng ký;

Quy định điều chỉnh, cấp lại, hiệu đính chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài

Theo Điều 63 Luật đầu tư 2020, quy định về điều chỉnh chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài như sau như sau:

Điều chỉnh

Nhà đầu tư thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài trong các trường hợp sau đây:

  1. Thay đổi nhà đầu tư Việt Nam;
  2. Thay đổi hình thức đầu tư;
  3. Thay đổi vốn đầu tư ra nước ngoài; nguồn vốn đầu tư, hình thức vốn đầu tư;
  4. Thay đổi địa điểm thực hiện hoạt động đầu tư đối với các dự án đầu tư yêu cầu phải có địa điểm đầu tư;
  5. Thay đổi mục tiêu chính của hoạt động đầu tư ở nước ngoài;
  6. Sử dụng lợi nhuận đầu tư ở nước ngoài theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 67 của Luật này.

Nhà đầu tư phải cập nhật trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư khi thay đổi các nội dung khác với quy định tại khoản 1 Điều này.

Hồ sơ điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài

  1. Văn bản đề nghị điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài;
  2. Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư;
  3. Báo cáo tình hình hoạt động của dự án đầu tư đến thời điểm nộp hồ sơ điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài;
  4. Quyết định điều chỉnh hoạt động đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại Điều 59 của Luật này hoặc các văn bản quy định tại điểm e khoản 1 Điều 57 của Luật này;
  5. Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài;
  6. Văn bản của cơ quan thuế xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của nhà đầu tư trong trường hợp điều chỉnh tăng vốn đầu tư ra nước ngoài. Thời điểm xác nhận của cơ quan thuế là không quá 03 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ quy định tại khoản 3 Điều này.

Đối với các dự án đầu tư thuộc hiện chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài, khi điều chỉnh các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 8 Điều 57 của Luật này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện thủ tục chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư ra nước ngoài trước khi điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.

Trường hợp đề nghị điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài dẫn đến dự án đầu tư thuộc diện phải chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài thì phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài trước khi điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.

Cơ quan, người có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài thì có thẩm quyền chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư ra nước ngoài. Cơ quan, người có thẩm quyền quyết định đầu tư ra nước ngoài thì có thẩm quyền quyết định điều chỉnh nội dung quyết định đầu tư ra nước ngoài.

Trường hợp đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư dẫn đến dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài của cấp cao hơn thì cấp đó có thẩm quyền chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư ra nước ngoài.

Quy định về cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài trực tuyến tại Điều 80 Nghị định 31/2021/NĐ-CP như sau:

  1. Đối với các hồ sơ đề nghị cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài có vốn đầu tư ra nước ngoài dưới 20 tỷ đồng và không thuộc ngành, nghề đầu tư ra nước ngoài có điều kiện, nhà đầu tư được lựa chọn nộp hồ sơ bản giấy theo quy trình tương ứng tại Điều 78 hoặc Điều 79 của Nghị định này, hoặc nộp hồ sơ trực tuyến trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư theo một trong hai hình thức: sử dụng chữ ký số hoặc không sử dụng chữ ký số.
  2. Mã số dự án đầu tư, hồ sơ, thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài thực hiện theo quy định tương ứng tại các Điều 37, 38, 39 và 40 của Nghị định này.

Cấp lại và hiệu đính

Quy định về cấp lại và hiệu đính thông tin trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài

  1. Trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư bị mất hoặc bị hỏng, nhà đầu tư nộp văn bản đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho cơ quan đăng ký đầu tư để được cấp lại trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan đăng ký đầu tư nhận được văn bản đề nghị.
  2. Trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được lưu dưới dạng dữ liệu điện tử trong Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư có nội dung khác so với Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có nội dung được ghi đúng theo nội dung trong hồ sơ đăng ký đầu tư có giá trị pháp lý. Cơ quan đăng ký đầu tư hiệu đính thông tin trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của nhà đầu tư.
  3. Trường hợp thông tin trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư chưa chính xác so với thông tin đăng ký tại hồ sơ thực hiện thủ tục đầu tư, Cơ quan đăng ký đầu tư hiệu đính thông tin trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của nhà đầu tư.

Khó khăn thường gặp khi đầu tư ra nước ngoài

Bên cạnh những kết quả tích cực của việc đầu tư ra nước ngoài hiện nay, thì hoạt động này cũng gặp rất nhiều rủi ro do những sự khác biệt về văn hoá, pháp luật, và môi trường đầu tư.

Nhìn từ góc độ khách quan, thì những khó khăn có thể kể đến như sự thay đổi chính sách của nước tiếp nhận đầu tư, các vướng mắc về quản lý và sử dụng đất đai. Các hệ thống pháp luật của một số quốc gia còn chưa hoàn thiện, vẫn đang trong quá trình điều chỉnh, sửa đổi và tối ưu, chưa có sự thống nhất đồng bộ nên đã có những ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình thực hiện chính sách.

Ví dụ như Campuchia, sự thay đổi đột ngột về chính sách dừng cấp đất để thực hiện các dự án đầu tư nông, lâm nghiệp hoặc thay đổi thời hạn giao đất từ 70 năm, 90 năm xuống còn 50 năm đối với tất cả các dự án, kể cả dự án đã giao đất, cấp phép đầu tư trước đây (áp dụng hồi tố về thời hạn giao đất, cho thuê đất) đã gây khó khăn và ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của một số doanh nghiệp Việt Nam đang có hoạt động đầu tư tại đây.

Các rào cản pháp lý trong một số ngành như xây dựng, khai khoáng, y tế, đầu tư cơ sở hạ tầng cũng làm hạn chế hơn hoạt động kinh doanh, đầu tư của nhà đầu tư.

Chính sách đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam còn nhiều hạn chế

Việc thực hiện thủ tục xin cấp phép đầu tư ra nước ngoài khá tốn thời gian, thủ tục còn nhiều rườm rà, chưa có nhiều chính sách hỗ trợ cho nhà đầu tư. Ngôn ngữ cũng là một rào cản cho cả nhà đầu tư đến các cán bộ, nhân viên hay người lao động của nước tiếp nhận đầu tư. Việc này làm ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và kết quả lao động, chất lượng công việc.

Trường hợp bị ngừng, chấm dứt dự án đầu tư

Dự án đầu tư ngừng hoạt động trong các trường hợp sau

Nhà đầu tư ngừng hoạt động của dự án đầu tư phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký đầu tư. Trường hợp ngừng hoạt động của dự án đầu tư vì lý do bất khả kháng thì nhà đầu tư được Nhà nước miễn tiền thuê đất, giảm tiền sử dụng đất trong thời gian ngừng hoạt động để khắc phục hậu quả do bất khả kháng gây ra.

Cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư quyết định ngừng hoặc ngừng một phần hoạt động của dự án đầu tư trong các trường hợp sau đây:

  1. Để bảo vệ di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia theo quy định của Luật Di sản văn hóa;
  2. Để khắc phục vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo đề nghị của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường;
  3. Để thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn lao động theo đề nghị của cơ quan nhà nước quản lý về lao động;
  4. Theo bản án, quyết định của Tòa án, phán quyết trọng tài;
  5. Nhà đầu tư không thực hiện đúng nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng tiếp tục vi phạm.

Thủ tướng Chính phủ quyết định ngừng, ngừng một phần hoạt động của dự án đầu tư trong trường hợp việc thực hiện dự án đầu tư gây phương hại hoặc có nguy cơ gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Dự án đầu tư chấm dứt hoạt động trong các trường hợp sau

Nhà đầu tư chấm dứt hoạt động đầu tư, dự án đầu tư trong các trường hợp sau đây:

  1. Nhà đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư;
  2. Theo các điều kiện chấm dứt hoạt động được quy định trong hợp đồng, điều lệ doanh nghiệp;
  3. Hết thời hạn hoạt động của dự án đầu tư.

Cơ quan đăng ký đầu tư chấm dứt hoặc chấm dứt một phần hoạt động của dự án đầu tư trong các trường hợp sau đây:

  1. Dự án đầu tư thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 47 của Luật này mà nhà đầu tư không có khả năng khắc phục điều kiện ngừng hoạt động;
  2. Nhà đầu tư không được tiếp tục sử dụng địa điểm đầu tư và không thực hiện thủ tục điều chỉnh địa điểm đầu tư trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày không được tiếp tục sử dụng địa điểm đầu tư, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản này;
  3. Dự án đầu tư đã ngừng hoạt động và hết thời hạn 12 tháng kể từ ngày ngừng hoạt động, cơ quan đăng ký đầu tư không liên lạc được với nhà đầu tư hoặc đại diện hợp pháp của nhà đầu tư;
  4. Dự án đầu tư thuộc trường hợp bị thu hồi đất do không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai;
  5. Nhà đầu tư không ký quỹ hoặc không có bảo lãnh nghĩa vụ ký quỹ theo quy định của pháp luật đối với dự án đầu tư thuộc diện bảo đảm thực hiện dự án đầu tư;
  6. Nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư trên cơ sở giao dịch dân sự giả tạo theo quy định của pháp luật về dân sự;
  7. Theo bản án, quyết định của Tòa án, phán quyết trọng tài.

Đối với dự án đầu tư thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư sau khi có ý kiến của cơ quan chấp thuận chủ trương đầu tư.

Nhà đầu tư tự thanh lý dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về thanh lý tài sản khi dự án đầu tư chấm dứt hoạt động, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 48 Luật đầu tư 2020.

Chế độ báo cáo đối với dự án đầu tư nước ngoài

Nhà đầu tư có trách nhiệm báo cáo định kỳ ngay sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài. Nhà đầu tư sẽ đăng ký thông qua tài khoản được cấp quyền truy cập tại Cổng thông tin quốc gia về đầu tư.

Dịch vụ tư vấn đầu tư ra nước ngoài

Công ty luật Siglaw được biết đến là 1 trong những địa chỉ cung cấp dịch vụ tư vấn đầu tư ra nước ngoài uy tín, chất lượng hàng đầu tại Việt Nam:

✅ Chi Phí Hợp lý, tiết kiệm và không phát sinh chi phí khác khi sử dụng dịch vụ tư vấn đầu tư ra nước ngoài của Công ty luật Siglaw
✅ Chuyên nghiệp Hoàn thành công việc thời gian ngắn nhất và tối ưu hiệu quả tốt nhất
✅ Đội ngũ Chuyên gia tư vấn đầu tư, tài chính, chuyên gia thuế nhiều năm kinh nghiệm công tác tại Big4 như: Deloitte, AASC, ASCO, E&Y…
✅ Ưu đãi Tư vấn cho khách hàng những rủi ro về tài chính, thuế, lao động, bảo hiểm, hợp đồng, thẩm định…
✅ Đúng hạn và chuẩn mực Cam kết luôn giữ vững chuẩn mực và đạo đức nghề nghiệp trong mọi trường hợp
✅ Bảo mật Trong mọi trường hợp, việc đảm bảo bảo mật thông tin của khách hàng luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu

Nếu quý khách hàng có nhu cầu tư vấn đầu tư ra nước ngoài hoặc cần thuê dịch vụ của Siglaw xin vui lòng liên hệ trực tiếp Hotliine 0961 366 238 để được tư vấn chi tiết.

Trụ sở chính: Tầng 12A Tòa nhà Sao Mai, Số 19 đường Lê Văn Lương, Phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội.

Email: [email protected]

Chi nhánh Miền Nam: Khu phức hợp thương mại dịch vụ và nhà ở tại số 16/9 đường Bùi Văn Ba, Phường Tân Thuận Đông, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh.

Chi nhánh Miền Trung: 177 Trưng Nữ Vương, Quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng

5/5 - (17 votes)
Luật sư Lê Dung

Tư vấn chuyên môn bài viết:

Luật sư Lê Dung (Elena)

CEO Công ty luật Siglaw

Luật sư Lê Dung đã có hơn 10 năm kinh nghiệm tư vấn pháp lý cho nhà đầu tư đến từ hơn 10 quốc gia như: Mỹ, Singapore, Canada, Đan Mạch, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc….

Tư vấn miễn phí: 0961 366 238