Thẩm định pháp lý trong M&A

Trong hoạt động mua bán và sát nhập doanh nghiệp (M&A), thẩm định pháp lý là một trong những bước quan trọng nhất trong giai đoạn tiền giao dịch và có ảnh hưởng đến quyết định về sau của Bên mua đối với Bên bán.

Để đảm bảo doanh nghiệp mục tiêu phù hợp với các tiêu chuẩn của mình, cũng như đánh giá tính ổn định và phát triển trong tương lai, lường trước được những rủi ro thì các nhà đầu tư tiến hành thẩm định pháp lý với mục đích xem xét có tiến hành M&A hay không.

Thẩm định pháp lý trong M&A là gì?

Thuật ngữ “thẩm định pháp lý” có tên Tiếng Anh là “legal due diligence” đã xuất hiện khá lâu đời trên thế giới và những năm gần đây khá phổ biến và phát triển tại thị trường Việt Nam, cùng với sự sôi động của các giao dịch M&A của các nhà đầu tư nước ngoài.

Tác giả James  P.Duffy,  III cho rằng  khái  niệm  thẩm định pháp lý bắt nguồn từ những nguyên tắc trong giao dịch như “Know  the  people  with  whom you  do  business” (Biết  về người bạn kinh doanh cùng) hay “Buyer beware” (Tiếng La Tinh là Caveat Emptor – Người mua  phải  cẩn  trọng).

Những nguyên tắc này là một trong những cách tổng hợp những thông tin mà người giao dịch cần nắm, dự tính cho các bước tiếp theo. Theo Sinickas (2004), định nghĩa thẩm định pháp lý trong giao dịch mua bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A) là “…nơi mỗi bên cố gắng tìm hiểu tất cả những gì có thể về bên kia để loại bỏ hiểu lầm và đảm bảo giá thích hợp”.

Việc thẩm định pháp lý giúp bên mua, các bên tư vấn của bên mua hiểu rõ công việc kinh doanh của doanh nghiệp mục tiêu để định giá công ty mục tiêu, từ đó xác định được cấu trúc giao dịch, các nghĩa vụ/khoản nợ và phát hiện các nghĩa vụ/khoản nợ chưa được xác định, quyền sở hữu, các điều khoản liên quan đến hợp đồng mua bán và các chấp thuận cần thiết cho giao dịch.

Với mục đích trên, việc thẩm định pháp lý thường được thực hiện trước khi bên mua quyết định có thực hiện giao dịch không và như một cuộc kiểm tra “sức khỏe” toàn diện đối với doanh nghiệp mục tiêu và các dự án liên quan của doanh nghiệp.

Tại sao phải thẩm định pháp lý trong M&A?

Tại sao phải thẩm định pháp lý trong M&A?
Tại sao phải thẩm định pháp lý trong M&A?

Trong bối cảnh hiện nay các giao dịch M&A ngày càng phức tạp, bên mua phải đối diện với nhiều thách thức về việc tiếp cận thông tin pháp lý. Việc thẩm định pháp lý kỹ lưỡng sẽ giúp bên mua đánh giá, hiểu rõ hơn về dự án và tính hợp pháp của nó, định lượng các rủi ro tiềm ẩn và đưa ra các quyết định mang tính chiến lược.

Nếu sau khi thực hiện thẩm định pháp lý bên mua vẫn quyết định thực hiện giao dịch M&A thì bên thẩm định sẽ giúp các nhà đầu tư đưa ra giải pháp khắc phục những rủi ro nhằm giảm thiểu một cách tối đa những rủi ro và ảnh hưởng. Việc thẩm định pháp lý cũng giúp bên mua xác định mọi vấn đề có thể cản trở hoàn thành giao dịch M&A. Bên mua sẽ có thể đưa ra các chiến lược đàm phán cụ thể, thảo luận thống nhất các giải pháp đảm bảo giao dịch diễn ra suôn sẻ, có lợi nhất đối với mình.

Bên cạnh đó, qua việc thẩm định M&A, bên mua có thể phân tích chặt chẽ các khía cạnh tài chính, cấu trúc và hoạt động của doanh nghiệp, để sau đó có thể đưa ra các quyết định về quản lý nhân viên, sắp xếp lao động, quy trình bồi thường, sở hữu trí tuệ,… trong doanh nghiệp mục tiêu.

Ngoài ra thẩm định pháp lý còn giúp đưa ra những kế hoạch trong giai đoạn hậu M&A. Bởi, giai đoạn này đôi khi xảy ra rất nhiều vấn đề phát sinh, thậm chí còn có thể xảy ra các tranh chấp; thông qua việc thẩm định các bên có thể hiểu rõ nhau hơn, có cái nhìn tổng quát hơn để có thể giải quyết tranh chấp một cách nhanh chóng.

Một số nội dung cơ bản cần thẩm định pháp lý trong M&A

Thẩm định cổ phần chuyển nhượng tại doanh nghiệp

Bao gồm tư cách sở hữu cổ phần của bên bán, xác định các vấn đề về hạn chế chuyển nhượng cổ phần chuyển nhượng theo quy định của pháp luật, theo điều lệ công ty, hoặc các thỏa thuận đặc biệt giữa các cổ đông và các vấn đề tranh chấp liên quan đến cổ phần chuyển nhượng. Thẩm định pháp lý các vấn đề liên quan đến cổ phần chuyển nhượng là yếu tố cốt lõi để đảm bảo tính hợp pháp của giao dịch M&A, bảo vệ quyền lợi bên mua cũng như lường trước các tranh chấp có thể phát sinh trong tương lai.

Thẩm định các vấn đề liên quan đến nội bộ doanh nghiệp

Các vấn đề cần thẩm định pháp lý như giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp; chứng nhận đầu tư/ chứng nhận đăng ký đầu tư, mã số thuế, điều lệ, vốn, danh sách cổ đông, thỏa thuận cổ đông, các biên bản, quyết định, thuế, tài chính, kế toán,..Việc thẩm định này giúp xác định tư cách pháp nhân, phạm vi hoạt động, địa vị pháp lý của doanh nghiệp mục tiêu cũng như cách vận hành có hợp pháp hay không, đồng thời khi nắm được cơ chế ra quyết định, nghị quyết sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng kiểm soát của bên mua sau khi giao dịch M&A.

Thẩm định việc tuân thủ lao động của doanh nghiệp

Hợp đồng lao động kí kết với người lao động, nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể, nghĩa vụ tài chính đối với người lao động, giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài, các nghĩa vụ bắt buộc với tư cách là người sử dụng lao động. Việc thẩm định tuân thủ lao động đóng vai trò then chốt, giúp bên mua có thể đánh giá liệu doanh nghiệp mục tiêu có thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đối với người lao động theo quy định pháp luật hay không, góp phần nhận diện các rủi ro pháp lý, tránh các tranh chấp tiềm ẩn.

Thẩm định hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp

Bao gồm các hợp đồng quan trọng, các loại tài sản (đất đai, nhà xưởng, máy móc thiết bị, bất động sản khác, quyền sở hữu trí tuệ,…), các khoản vay và nghĩa vụ tài chính (xác định doanh nghiệp có đang dùng tài sản để bảo lãnh, thế chấp cho nghĩa vụ nào hay không)…Việc thẩm định này giúp bên mua có thể đánh giá các rủi ro tiềm ẩn, định giá chính xác, đánh giá sức mạnh, tiềm lực của doanh nghiệp mục tiêu từ đó đưa ra các chiến lược đàm phán, các quyết định chính xác hơn.

Thẩm định những văn bản liên quan đến tố tụng

Các tài liệu liên quan đến các vấn đề pháp lý trong quá khứ và hiện tại có tiềm ẩn ảnh hưởng đến doanh nghiệp như: Danh sách và tài liệu có liên quan đến các tranh chấp của doanh nghiệp/cổ đông sáng lập/thành viên sáng lập; các khiếu nại đang chờ xử lý….

Các vụ kiện tại toà án hoặc trọng tài, khởi tố hay khiếu nại có liên quan đến doanh nghiệp, dù đã hoàn tất, chưa hoàn tất hoặc có nguy cơ xảy ra; Biên bản quyết định xử phạt vi phạm hành chính/ thanh tra/kiểm tra do cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng đối với doanh nghiệp và các tài liệu có liên quan khác.

Một số lưu ý cho bên mua khi thực hiện thẩm định pháp lý

Thứ nhất, cần tiếp cận được doanh nghiệp mục tiêu. Bởi, các thông tin nội bộ, hồ sơ, tài liệu của doanh nghiệp được giữa bảo mật và chỉ thường được cung cấp, chia sẻ sau khi hai bên đã xác lập các cam kết, thỏa thuận bảo mật hoặc thỏa thuận chung khác cho việc tiến hàng giao dịch M&A.

Nếu chỉ dựa vào những thông tin, hồ sơ tài liệu được doanh nghiệp mục tiêu cung cấp thì sẽ chưa đủ để đưa ra một báo cáo thẩm định toàn diện bởi doanh nghiệp có thể sẽ che giấu những thông tin ảnh hưởng đến quyết định mua bán của các nhà đầu tư, ảnh hưởng đến lợi ích của họ, do đó tiềm ẩn rủi ro rất lớn.

Vì vậy nhà đầu tư cần nghĩ cách tiếp cận để có thể thu thập thông tin một cách đầy đủ toàn diện nhưng vẫn đảm bảo hợp pháp, chính thống. Điều này đòi hỏi phải có sự tham vấn ý kiến của các chuyên gia pháp lý.

Thứ hai, cần cảnh giác đối với các nguy cơ đến từ các giao dịch ẩn giấu. Các giao dịch này thường không xuất hiện trên các hồ sơ, tài liệu chính thống được bên bán cung cấp nhưng ảnh hưởng của chúng có thể khiến bên mua không đạt được mục đích của giao dịch M&A, thậm chí đẩy bên mua các vấn đề pháp lý trong tương lai.

Để đảm bảo thực hiện được những điều trên, đôi khi bên mua cần kết hợp cả nguồn lực cả bên trong lẫn bên ngoài để việc thẩm định pháp lý mang lại hiệu quả tối ưu.

Thứ ba, cần lưu ý về các cam kết của bên bán hậu M&A: ở giai đoạn hậu M&A, việc thiết lập được trật tự và vị thế mới của doanh nghiệp sẽ xác định xem giao dịch M&A đó có thật sự thành công hay không. Bên mua cần yêu cầu bên bán đưa ra các cam kết và tuân thủ dài hạn các cam kết đó, chịu trách nhiệm liên quan.

Mục tiêu cuối cùng của giao dịch M&A là lợi nhuận bởi vậy khi dự phòng kĩ lưỡng các rủi ro pháp lý và đưa ra các giải pháp ứng phó luôn là điều mà bên mua cần phải lưu ý.

Thứ tư, cần xác định được các vấn đề pháp lý mang tính quyết định đối với sự thành công của giao dịch M&A. Khi đã xác định được các vấn đề quyết định này, bên mua có kế hoạch, lộ trình thẩm định pháp lý chi tiết cũng như có các kế hoạch cần thiết để tránh các rủi ro pháp lý trong tương lai.

Quý khách hàng cần được tư vấn về Thẩm định pháp lý trong M&A tại Việt Nam xin vui lòng liên hệ: Công ty Luật Siglaw

Trụ sở chính: Số 44/A32 – NV13, Khu A Geleximco, đường Lê Trọng Tấn, An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội.

Hotline: 0961 366 238 

Email: vphn@siglaw.com.vn

Chi nhánh: 6G4 Trần Não, An Khánh, Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh.

Văn phòng đại diện tại Đà Nẵng: 177 Trưng Nữ Vương, Quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng.

Tư vấn miễn phí: 0961 366 238