Trong kinh doanh thương mại, không thể không tránh khỏi các tranh chấp kinh doanh thương mại phát sinh. Việc lựa chọn các phương thức giải quyết giải quyết tranh chấp nói riêng hay các vấn đề liên quan đến quá trình giải quyết nói chung dựa trên một nguyên tắc đó là quyền tự định đoạt của các bên. Bài viết dưới đây của Công ty Luật Siglaw sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tranh chấp kinh doanh thương mại là như thế nào, đặc điểm và cách giải quyết ra sao, và doanh nghiệp cần lưu ý gì khi giải quyết các tranh chấp kinh doanh thương mại.
Tranh chấp kinh doanh thương mại là gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Luật Thương mại 2005 quy định rằng Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.
Như vậy, dựa vào khái niệm trên có thể suy ra rằng tranh chấp thương mại là những mâu thuẫn, bất đồng, xung đột về lợi ích giữa các bên tham gia trong quá trình hoạt động kinh doanh thương mại.
Đặc điểm của tranh chấp kinh doanh, thương mại
Mỗi loại tranh chấp đều mang những đặc điểm riêng, phụ thuộc vào tính chất của mối quan hệ pháp luật vào chủ thể của các mối quan hệ đó cũng như lợi ích của mối quan hệ đó mang lại. Trên cơ sở đó, tranh chấp kinh doanh, thương mại có những đặc điểm cơ bản như:
Tranh chấp thương mại là những mâu thuẫn (bất đồng hay xung đột) về quyền và nghĩa vụ giữa các bên trong mối quan hệ cụ thể:
- Mâu thuẫn được hiểu là trạng thái xung đột đối xứng nhau về quyền và nghĩa vụ giữa các bên tranh chấp. Quan hệ thương mại và bất đồng giữa các bên trong quan hệ thương mại là điều kiện đủ để tranh chấp thương mại phát sinh.
- Trong hoạt động thương mại, các bên vừa hợp tác đồng thời vừa cạnh tranh nhau để đạt được mục đích đề ra. Do đó, việc phát sinh những mâu thuẫn, bất đồng trong quá trình thực hiện quyền và nghĩa vụ của các bên là điều tất yếu.
Những mâu thuẫn về quyền và nghĩa vụ giữa các bên phải phát sinh từ hoạt động thương mại
- Căn cứ phát sinh tranh chấp là hanh vi vi phạm hợp đồng hoặc vi phạm pháp luật. Trong nhiều trường hợp, tranh chấp thương mại phát sinh do các bên có vi phạm hợp đồng và xâm hại lợi ích của nhau, tuy nhiên, cũng có thể có những vi phạm xâm hại lợi ích của các bên nhưng không làm phát sinh tranh chấp.
- Tranh chấp thương mại phải là những mâu thuẫn, bất đồng về quyền và nghĩa vụ giữa các bên phát sinh từ những hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.
Các tranh chấp thương mại chủ yếu là những tranh chấp phát sinh giữa các thương nhân với nhau
Ngoài thương nhân là chủ thể chủ yếu của tranh chấp thương mại, trong những trường hợp nhất định, các cá nhân tổ chức khác (không phải thương nhân) cũng có thể là chủ thể của tranh chấp thương mại khi trong các giao dịch bên không có mục đích sinh lợi chọn áp dụng luật thương mại.
Phân loại tranh chấp thương mại
Dựa trên những căn cứ pháp lý khác nhau, tranh chấp thương mại được chia thành các loại tranh chấp sau:
– Căn cứ theo phạm vi lãnh thổ: Tranh chấp thương mại bao gồm tranh chấp thương mại trong nước và tranh chấp thương mại quốc tế.
– Căn cứ vào số lượng các bên tranh chấp: tranh chấp thương mại bao gồm tranh chấp thương mại hai bên và tranh chấp thương mại nhiều bên.
– Căn cứ vào lĩnh vực tranh chấp: tranh chấp thương mại gồm tranh chấp liên quan đến hợp đồng, tranh chấp về sở hữu trí tuệ, đầu tư, tài chính…
– Căn cứ vào quá trình thực hiện: tranh chấp thương mại bao gồm các tranh chấp trong quá trình đàm phán, soạn thảo, ký kết hợp đồng và tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng.
– Căn cứ vào thời điểm phát sinh tranh chấp: tranh chấp thương mại bao gồm: tranh chấp thương mại hiện tại và tranh chấp thương mại trong tương lai.
Các phương thức giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại
Sự phát triển đa dạng của các tranh chấp kinh doanh, thương mại và yêu cầu linh hoạt để giải quyết tranh chấp này là tất yếu khách quan hình thành sự đa dạng về các hình thức, biện pháp để giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại.
Việc dự liệu một hệ thống các phương thức đa dạng để giải quyết tranh chấp cũng là thể hiện sự đảm bảo quyền tự do của các doanh nghiệp trong kinh doanh (tự do lựa chọn phương thức tài phán). Theo quy định của pháp luật hiện nay có các phương thức cơ bản thường được áp dụng:
Thương lượng
Thương lượng là hình thức giải quyết tranh chấp không cần đến vai trò của người thứ ba. Đặc điểm cơ bản của thương lượng là các bên tranh chấp cùng nhau trình bày quan điểm, tìm ra biện pháp thích hợp, trên cơ sở đó đi đến thống nhất để giải quyết các bất đồng.
Thương lượng là biện pháp khá phổ biến và thích hợp cho việc giải quyết các tranh chấp. Đây là hình thức có tính đơn giản, ít tốn kém không làm phương hại đến các quan hệ hợp tác vốn có của các bên, giữ được bí mật kinh doanh lại không bị ràng buộc các thủ tục pháp lý.
Thương lượng đòi hỏi các bên thiện chí, trung thực và hợp tác, phải có những kiến thức cần thiết về chuyên môn pháp luật. Đối với các vụ việc phức tạp, mỗi bên có thể chỉ định những chuyên gia có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm nghề nghiệp thay mặt mình để tiến hành thương lượng.
Kết quả của thương lượng thường là những cam kết, thỏa thuận, về những giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ những bất đồng phát sinh trước đó. Tuy nhiên, hình thức thương lượng còn một số nhược điểm sau:
- Khó thực hiện nếu mâu thuẫn giữa các bên đã trở nên trầm trọng; nếu các bên không nhận thức rõ tình trạng pháp lý, quyền và nghĩa vụ và vì thế, các bên không có thiện chí và tinh thần độ lượng;
- Giá trị pháp lý của thương lượng chưa được quy định cụ thể và không có giá trị cưỡng chế thi hành.
Hòa giải
Theo BLTTDS năm 2015, hình thức hòa giải có các đặc điểm:
Hòa giải thương mại là việc các bên tiến hành thương lượng giải quyết tranh chấp với sự hỗ trợ của bên thứ ba là hòa giải viên. So với việc thương lượng giữa các bên trong tranh chấp, khi tiến hành hòa giải, các bên được thỏa thuận lựa chọn ra một bên trung gian, độc lập, có kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng giải quyết tranh chấp để đưa ra các lời khuyên về quyền lợi và nghĩa vụ của các bên.
Ý kiến của hòa giải viên chỉ có tính chất tham khảo. Kết quả của phiên hòa giải là sự thỏa thuận của các bên, không phải của hòa giải viên. Phương thức hòa giải cũng được các bên ưu tiên lựa chọn vì thủ tục nhanh gọn, chi phí thấp, các bên có quyền định đoạt, không làm ảnh hưởng đến mối quan hệ hợp tác giữa các bên, uy tín, bí mật kinh doanh được giữ kín.
Kết quả hòa giải vụ việc ngoài Tòa án được Tòa án xem xét ra quyết định công nhận là kết quả hòa giải thành nếu đáp ứng các điều kiện công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án theo Điều 417 BLTTDS năm 2015.
Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án được thi hành theo pháp luật về thi hành án dân sự. Đây là một điểm mới của BLTTDS năm 2015 nhằm nâng cao hiệu quả của phương thức giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải ngoài Tòa án.
Trọng tài thương mại
Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại không mang ý chí quyền lực nhà nước mà chủ yếu được giải quyết dựa trên phán quyết của trọng tài thương mại. Trọng tài thương mại hoạt động theo Luật trọng tài thương mại năm 2010 và quy chế trọng tài thương mại quốc tế, có quyền phán quyết như Tòa án và quyết định của trọng tài được cưỡng chế thi hành.
Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại không mang ý chí quyền lực nhà nước (không nhân danh quyền lực nhà nước như phán quyết của Tòa án) mà chủ yếu được giải quyết dựa trên phán quyết của trọng tài thương mại (được các bên lựa chọn) theo thủ tục linh hoạt, mềm dẻo.
Ngoài ra, phương thức giải quyết tranh chấp thương mại này còn đảm bảo tối đa uy tín cũng như bí mật của các bên tranh chấp, góp phần củng cố và duy trì mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa các bên. Phương thức giải quyết qua trọng tài thương mại là phương thức chỉ giải quyết tranh chấp có liên quan đến hoạt động thương mại.
Ưu điểm của phương thức này là có tính linh hoạt, tạo quyền chủ động cho các bên, tính nhanh chóng, tiết kiệm được thời gian có thể được rút ngắn thủ tục tố tụng trọng tài và đảm bảo bí mật. Trọng tài tiến hành giải quyết tranh chấp theo nguyên tắc xét xử không công khai hoặc xử kín.
Theo nguyên tắc này các bên có thể giữ được bí mật kinh doanh cũng như danh dự, uy tín. Giải quyết trọng tài không bị giới hạn về mặt lãnh thổ do các bên có quyền lựa chọn bất kỳ trung tâm trọng tài nào có thể giải quyết tranh chấp cho mình. Phán quyết của trọng tài có tính chung thẩm, đây là ưu thế vượt trội so với hình thức giải quyết tranh chấp bằng thương lượng hòa giải. Sau khi trọng tài đưa ra phán quyết thì các bên không có quyền kháng cáo trước bất kì một tổ chức hay Tòa án nào.
Nhược điểm của việc giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài là do biểu phí trọng tài tại các trung tâm trọng tài là không giống nhau và có thể cao hơn án phí tại Tòa án. Mặt khác, việc thi hành quyết định trọng tài không phải lúc nào cũng trôi chảy, thuận lợi như việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án.
Tòa án
Giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại bằng Tòa án là một trong số những cách thức được pháp luật ghi nhận khi các bên có tranh chấp xảy ra trong hoạt động kinh doanh thương mại. Khác với cơ chế giải quyết hai bên là thương lượng, có sự tham gia của bên thứ ba giống như hòa giải và trọng tài thương mại, giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại bằng Tòa án có những đặc điểm riêng, đó là:
- Chủ thể thực hiện: Chủ thể thực hiện việc giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại là Tòa án. Đây là thiết chế được nhà nước trao cho những quyền năng nhất định mà các bên chủ thể trong hòa giải, trọng tài không có. Vì là cơ quan có thẩm quyền tài phán nên Tòa án là cơ quan giải quyết tranh chấp có tính kỹ năng nghề nghiệp. Trong hoạt động xét xử, Tòa án nhân danh nhà nước. Do vậy, hoạt động xét xử của Tòa án luôn đảm bảo tính công minh, nhanh chóng, chính xác.
- Về cách thức thực hiện: Việc giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại bằng Tòa án được thực hiện theo trình tự theo quy định của pháp luật tố tụng. Với quá trình tố tụng chặt chẽ qua nhiều giai đoạn và cấp xét xử dưới sự giám sát của cơ quan nhà nước nên việc thực hiện phải đảm bảo tính công khai, công bằng trong xét xử. Tuy nhiên, do được thực hiện theo một quy trình luận định nên việc thực hiện thiếu tính linh hoạt, thời gian thực hiện kéo dài thường gây tâm lý mệt mỏi cho các bên. Ngoài ra, việc thực hiện hoạt động xét xử mang tính công khai mang lại hiệu quả giáo dục, răn đe đối với các hành vi vi phạm pháp luật nhưng mặt khác cũng tạo hệ quả xấu khi những bí mật, kinh doanh của doanh nghiệp có nguy cơ bị tiết lộ. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới lợi ích của doanh nghiệp.
- Kết quả của việc giải quyết tranh chấp được thể hiện qua bản án – phán quyết của Tòa án. Bản án có hiệu lực bắt buộc các bên tuân thủ và nó được đảm bảo thực thi bằng sức mạnh cưỡng chế Nhà nước. Trong các cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại thì kết quả của quá trình giải quyết tranh chấp thương mại bằng tòa án có hiệu lực cao nhất và cũng là cách thức bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên hiệu quả nhất trong các cơ chế giải quyết tranh chấp hiện nay.
- Ưu điểm của hình thức này là: Do là cơ quan xét xử của Nhà nước nên phán quyết của Tòa án có tính cưỡng chế cao. Nếu không chấp hành sẽ bị cưỡng chế, do đó khi đưa ra Tòa án thì người thắng kiện sẽ được đảm bảo nếu như bên thua kiện có tài sản để thi hành án. So với phương thức giải quyết tranh chấp bằng con đường trọng tài thì việc giải quyết tranh chấp tại Tòa án đã bộc lộ nhiều ưu thế hơn hẳn về trình tự tố tục chặt chẽ, tính khả thi của hiệu lực phán quyết.
- Nhược điểm của phương thức này là thủ tục tại Tòa án thiếu linh hoạt do đã được pháp luật quy định trước đó. Bên cạnh đó, nguyên tắc xét xử công khai và hai cấp của Tòa án tuy là nguyên tắc được xem là tiến bộ, mang tính răn đe nhưng đôi khi lại là cản trở đối với doanh nhân khi những bí mật kinh doanh được tiết lộ, thủ tục giải quyết phức tạp, kéo dài, chi phí cao.
Những lưu ý khi giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại
Về cách lựa chọn phương thức
Pháp luật Việt Nam quy định 4 cơ chế để giải quyết tranh chấp kinh doanh doanh thương mại là thương lượng; hòa giải; trọng tài và tòa án. Tùy vào mức độ phức tạp của tranh chấp và sự thiện chí của các bên mà doanh nghiệp có thể lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp để bảo vệ quyền và lợi ích của mình.
Dưới đây là tóm tắt ưu và nhược điểm của 4 phương thức giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại quốc tế.
Phương thức | Thương lượng | Hòa giải thương mại | Trọng tài thương mại | Tòa án |
Ưu điểm | Thuận tiện, nhanh chóng, đơn giản, linh hoạt và ít tốn kém
Bảo vệ được uy tín của ccs bên và bí mật trong kinh doanh |
Hòa giải viên là người có chuyên môn, kinh nghiệm am hiểu về lĩnh vực
và vấn đề đang tranh chấp nên sẽ đưa ra được lời khuyên phù hợp cho các bên |
Linh hoạt, nhanh chóng.
đảm bảo tối đa uy tín cũng như bí mật của các bên tranh chấp Phán quyết có tính ràng buộc. |
Mang tính chất cưỡng chế cao, bắt buộc các bên phải thi hành |
Nhược điểm | Kết quả giải quyết phụ thuộc vào sự thiện chí của các bên | Kết quả giải quyết phụ thuộc vào thiện chí của các bên trừ trường hợp có đơn yêu cầu và được Tòa án công nhân kết quả hòa giải thành ngoài tòa án | Chi phí cao, vụ việc càng kéo dài thì phí trọng tài càng cao. Việc thi hành phán quyết trọng tài không phải lúc nào cũng thuận lợi và trôi chảy | Thủ tục thiếu linh hoạt, thời gian giải quyết kéo dài. Không đảm bảo bí mật kinh doanh |
Về thời hiệu khởi kiện tranh chấp kinh doanh thương mại
Theo quy định tại Điều 319 của Luật Thương mại 2005, thời hiệu khởi kiện đối với các tranh chấp kinh doanh thương mại là 2 năm kể từ ngày mà quyền và lợi ích hợp pháp của một bên của hợp đồng bị xâm phạm.
Do đó, để đảm bảo quyền khởi kiện của mình được toàn vẹn, các bên trong tranh chấp cần lưu ý đến vấn đề thời hiệu để tiến hành khởi kiện vụ án ra các cơ quan tài phán khi có tranh chấp xảy ra.
Đối với các tranh chấp kinh doanh thương mại có yếu tố nước ngoài
Thông thường, các bên sẽ thỏa thuận, lựa chọn cơ quan và quốc gia có thẩm quyền giải quyết tranh chấp trước khi tham gia giao dịch và quy định các nội dung này vào trong hợp đồng hoặc sau khi phát sinh tranh chấp.
Trong quan hệ hợp đồng thương mại quốc tế, các bên tham gia sẽ đến từ nhiều quốc gia khác nhau, vì vậy trường hợp không quy định cụ thể rõ ràng thì việc xác định cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp sẽ gây ra nhiều tranh cãi.
Lưu ý rằng, đối với những vụ tranh chấp kinh doanh thương mại thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam thì Tòa án Việt Nam sẽ không công nhận và cho thi hành bản án hoặc quyết định của tòa án nước ngoài về những vụ tranh chấp này.
Nên có sự hỗ trợ tư vấn từ các bên có chuyên môn
Có thể nhận thấy, các tranh chấp về kinh doanh thương mại chủ yếu là các tranh chấp về hợp đồng trong kinh doanh, mà các hợp đồng trong lĩnh vực này thường phức tạp và mang tính chuyên môn cao.
Vậy nên, khi xảy ra tranh chấp trong kinh doanh thương mại, các bên nên lựa chọn dịch vụ tư vấn giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại để nhận được các phương án, cách thức giải quyết tranh chấp giúp bảo vệ lợi ích, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
Dịch vụ tư vấn giải quyết tranh chấp trong kinh doanh thương mại tại Công ty luật Siglaw
Ưu đãi: Siglaw là một trong những công ty luật hàng đầu tại Việt Nam, với đội ngũ luật sư và chuyên gia giàu kinh nghiệm và nhiệt tình trong lĩnh vực tư vấn giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại. Chúng tôi cam kết mang đến cho khách hàng sự hỗ trợ tận tình, hiệu quả và đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng trong quá trình giải quyết tranh chấp.
Kinh nghiệm: kinh nghiệm nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực pháp lý, chúng tôi tự hào là đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn giải quyết tranh các chấp trong kinh doanh thương mại bao gồm đa dạng các phương pháp như: đàm phán, hòa giải, trọng tài thương mại, Tòa án. Chúng tôi luôn cập nhật và nắm bắt tình hình pháp lý mới nhất, giúp khách hàng đưa ra quyết định chính xác và nhanh chóng trong việc giải quyết tranh chấp.
Đội ngũ nhân viên Siglaw: Đội ngũ Siglaw gồm các Luật sư, Trọng tài viên, chuyên gia pháp lý với nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, chúng tôi cam kết mang đến sự hỗ trợ tận tình, kịp thời và chuyên nghiệp cho khách hàng.
Chi phí: Chúng tôi cam kết mang đến mức chi phí tốt nhất cho khách hàng, đảm bảo tính minh bạch và rõ ràng.
Trên đây là những thông tin về chủ đề “Tranh chấp kinh doanh thương mại là gì? Những lưu ý cho doanh nghiệp khi giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại” từ đội ngũ nhân viên Công ty luật Siglaw. Nếu quý khách hàng còn vấn đề gì vướng mắc cần giải quyết, hãy liên hệ với Siglaw để được hỗ trợ hoàn toàn miễn phí một cách nhanh nhất.