Quy định pháp luật đầu tư từ Việt Nam sang Mỹ

Đối với một dự án đầu tư từ Việt Nam sang Mỹ, bên cạnh việc quan tâm đến hiệu quả kinh tế – xã hội – môi trường của dự án thì yếu tố pháp lý cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Trong bài viết sau đây, Siglaw sẽ gửi đến bạn tổng quan quy định pháp luật đầu tư từ Việt Nam sang Mỹ – quốc gia đứng thứ hai trong danh sách các quốc gia nhà đầu tư Việt Nam lựa chọn đầu tư về số lượng dự án với 208 dự án còn hiệu lực và tổng vốn đăng ký là 569 tỷ USD (Tháng 2/2022).

Căn cứ quy định pháp luật đầu tư từ Việt Nam sang Mỹ

Hoạt động đầu tư ra nước ngoài là việc nhà đầu tư được hiểu là hoạt động chuyển vốn đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài và sử dụng lợi nhuận thu được từ nguồn vốn đầu tư này để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh ở nước ngoài. Liên quan đến quy định pháp luật đầu tư từ Việt Nam sang Mỹ, một số các văn bản pháp luật sau cần được nhà đầu tư đặc biệt quan tâm, cụ thể:

(i) Biểu cam kết WTO của Việt Nam – Mỹ, hiệp định song phương, đa phương về đầu tư mà Mỹ và Việt Nam đều là thành viên.

(ii) Luật đầu tư 2020 (Chương V. Hoạt động đầu tư ra nước ngoài).

(iii) Nghị định 31/2021/NĐ-CP (Nghiên cứu nội dung về hoạt động đầu tư ra nước ngoài).

(iv) Thông tư 12/2016/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài.

Quy định pháp luật đầu tư từ Việt Nam sang Mỹ
Quy định pháp luật đầu tư từ Việt Nam sang Mỹ

Quy định pháp luật đầu tư về nội dung đầu tư từ Việt Nam sang Mỹ

Chủ thể đầu tư từ Việt Nam sang Mỹ có thể là một trong các chủ thể sau đây: Doanh nghiệp; Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; Tổ chức tín dụng; Hộ kinh doanh; Cá nhân mang quốc tịch Việt Nam; Tổ chức khác theo quy định pháp luật Việt Nam thực hiện đầu tư kinh doanh.

Hình thức đầu tư từ Việt Nam sang Mỹ, bao gồm:

+ Thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật Mỹ.

+ Đầu tư theo hình thức hợp đồng ở nước ngoài: thỏa thuận, hợp đồng với đối tác nước ngoài về việc đầu tư hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương kèm theo tài liệu về tư cách pháp lý của đối tác nước ngoài.

+ Góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế ở nước ngoài để tham gia quản lý tổ chức kinh tế đó:  thỏa thuận, hợp đồng hoặc tài liệu khác xác định việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp kèm theo tài liệu về tư cách pháp lý của tổ chức kinh tế ở nước ngoài mà nhà đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp.

+ Mua, bán chứng khoán, giấy tờ có giá khác hoặc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài.

+ Các hình thức đầu tư khác theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư: nộp tài liệu xác định hình thức đầu tư đó theo quy định của pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư.

Ngành, nghề đầu tư từ Việt Nam sang Mỹ: Đối với ngành, nghề đầu tư, nhà đầu tư cần lưu ý một số trường hợp sau đây:

+ Nhà đầu tư không được thực hiện đầu tư ra nước ngoài đối với những ngành, nghề cấm đầu tư theo quy định pháp luật Việt Nam như ma túy, mại dâm, khoáng vật, sản phẩm, công nghệ cấm xuất khẩu… và theo quy định nước tiếp nhận đầu tư.

+ Nhà đầu tư cần đáp ứng điều kiện đầu tư ra nước ngoài đối với những ngành, nghề đầu tư có điều kiện theo quy định pháp luật Việt Nam như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, báo chí, phát thanh, truyền hình, kinh doanh bất động sản.

+ Đối với những ngành, nghề khác pháp luật Việt Nam quy định không có điều kiện nhưng nhà đầu tư cần lưu ý tìm hiểu quy định tại Mỹ trước khi thực hiện đầu tư, kinh doanh ngành, nghề đó.

– Nguồn vốn, chuyển lợi nhuận:

+ Loại tài sản dùng để đầu tư: Tiền và tài sản hợp pháp khác của nhà đầu tư, bao gồm: Vốn chủ sở hữu vốn vay tại Việt Nam chuyển ra nước ngoài và Lợi nhuận thu được từ dự án đầu tư ra nước ngoài được giữ lại để thực hiện hoạt động đầu tư ở nước ngoài. Tiền và tài sản khác gồm: Ngoại tệ; Việt Nam đồng; tài sản cố định, hàng hóa thành phẩm, hàng hóa bán thành phẩm; Quyền sở hữu trí tuệ; Cổ phần, phần vốn góp, dự án của nhà đầu tư được hoán đổi tại tổ chức kinh tế ở Việt Nam và tổ chức kinh tế ở nước ngoài; tài sản hợp pháp theo quy định pháp luật dân sự.

Nhà đầu tư cần lưu ý rằng đối với những trường hợp dùng cổ phần, phần vốn góp hoặc dự án đầu tư của nhà đầu tư tại Việt Nam để thanh toán hoặc hoán đổi cho việc mua cổ phần, phần vốn góp hoặc dự án đầu tư của tổ chức kinh tế ở nước ngoài thì NĐT Việt Nam thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài trước, sau đó nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục đầu tư tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.

+ Về việc chuyển tài sản là ngoại tệ, VNĐ ra nước ngoài để đầu tư: Khi có GCNĐT ra nước ngoài và hoạt động đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền của nước tiếp nhận đầu tư chấp thuận hoặc cấp phép thì người cư trú phải mở tài khoản ngoại tệ tại một tổ chức tín dụng được phép tại Việt Nam và đăng ký việc thực hiện chuyển ngoại tệ ra nước ngoài. Về sau, việc chuyển vốn, lợi nhuận từ hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài về Việt Nam cũng theo tài khoản này.

+ Chuyển lợi nhuận về nước: Việc việc chuyển lợi nhuận về nước là một trong những nghĩa vụ bắt buộc của nhà đầu tư khi thực hiện đầu tư ra nước ngoài, trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày có báo cáo quyết toán thuế hoặc văn bản có giá trị pháp lý tương đương, nhà đầu tư cần chuyển lợi nhuận về nước trừ trường hợp tiếp tục góp vốn đầu tư ở nước ngoài trong trường hợp chưa góp đủ vốn theo đăng ký; tăng vốn đầu tư ra nước ngoài; thực hiện dự án đầu tư mới ở nước ngoài. Nếu không chuyển trong thời hạn quy định thì phải có văn bản thông báo cho BKHĐT hoặc nếu không sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật. Thời hạn chuyển lợi nhuận về nước được kéo dài không quá 12 tháng kể từ ngày hết thời hạn. Xem thêm bài viết: Nên chọn loại hình doanh nghiệp nào khi đầu tư tại Mỹ?

Quy định pháp luật về thủ tục đầu tư từ Việt Nam sang Mỹ

Theo quy định pháp luật đầu tư Việt Nam hiện hành, khi thực hiện thủ tục đầu tư từ Việt Nam sang Mỹ, nhà đầu tư cần tuân thủ các thủ tục cơ bản sau đây: 

(i)  Nhà đầu tư cần đáp ứng các điều kiện để được đầu tư ra nước ngoài:

  • Phù hợp nguyên tắc: khuyến khích đầu tư của Nhà nước và quy định pháp luật.
  • Không thuộc ngành cấm đầu tư và đáp ứng điều kiện đối với ngành có điều kiện.
  • Có cam kết tự thu xếp ngoại tệ hoặc có cam kết thu xếp ngoại tệ của tổ chức tín dụng được phép.
  • Có quyết định đầu tư ra nước ngoài do nhà đầu tư tự quyết định theo quy định luật doanh nghiệp hoặc Cơ quan quyết định việc đầu tư ra nước ngoài đối với doanh nghiệp Nhà nước.
  • Có văn bản của cơ quan thuế xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của nhà đầu tư. Thời điểm xác nhận của cơ quan thuế là không quá 03 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ dự án đầu tư.

(ii)  Nhà đầu tư thực hiện thủ tục xin chấp thuận chủ trương đầu tư (nếu thuộc trường hợp cần thực hiện thủ tục xin chấp thuận chủ trương đầu tư).

Thẩm quyền chấp thuận chủ yếu phụ thuộc vào quy mô vốn của dự án: dự thuộc thẩm quyền chấp thuận của Quốc hội nếu nguồn vốn từ 20 nghìn tỷ đồng trở lên hoặc dự án có cơ chế, chính sách đặc biệt cần Quốc hội phê duyệt hoặc dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ nếu có vốn 800 tỷ đồng trở lên hoặc dự án có ngành, nghề điều kiện vốn 400 tỷ đồng trở lên.

(iii)  Nhà đầu tư thực hiện thủ tục xin cấp GCNĐT ra nước ngoài.

Với dự án cần xin chấp thuận chủ trương đầu tư: Không cần nộp hồ sơ xin cấp GCNĐKĐT mà sẽ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp GCNĐKĐT ra nước ngoài cho nhà đầu tư trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư ra nước ngoài. Trường hợp khoản vốn bằng ngoại tệ chuyển ra nước ngoài tương đương 20 tỷ đồng trở lên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Với dự án không xin chấp thuận chủ trương đầu tư, thời gian để cấp GCNĐKĐT ra nước ngoài là 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ.

(iv) Nhà đầu tư thực hiện xin cấp phép dự án đầu tư tại Mỹ, thực hiện các thủ tục về đầu tư thành lập công ty tại Mỹ.

(v)  Nhà đầu tư thực hiện mở tài khoản vốn đầu tư, đăng ký giao dịch ngoại hối và chuyển tiền đầu tư ra nước ngoài.

Trên đây là những thông tin cơ bản liên quan đến quy định pháp luật đầu tư từ Việt Nam sang Mỹ, trong trường hợp cần tư vấn về dự án đầu tư ra nước ngoài nói chung và Mỹ nói riêng, vui lòng liên hệ Siglaw để nhận tư vấn, hỗ trợ chi tiết phù hợp với từng dự án cụ thể.

Đánh giá
Luật sư Lê Dung

Tư vấn chuyên môn bài viết:

Luật sư Lê Dung (Elena)

CEO Công ty luật Siglaw

Luật sư Lê Dung đã có hơn 10 năm kinh nghiệm tư vấn pháp lý cho nhà đầu tư đến từ hơn 10 quốc gia như: Mỹ, Singapore, Canada, Đan Mạch, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc….

Tư vấn miễn phí: 0961 366 238