Hướng dẫn xin Visa Việt Nam cho người Trung Quốc

Việt nam với nền chính trị ổn định luôn là yếu tố hấp dẫn đầu tư từ nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia châu Á với nguồn vốn rất lớn. Theo số liệu tính đến hết năm 2022, Trung Quốc đứng thứ 4 trong tổng số các quốc gia đầu tư vào Việt Nam (số liệu từ báo cáo của Tổng cục thống kê). Ngoài các quy định pháp luật về đầu tư, thành lập tổ chức kinh tế, các quy định về thị thực (visa) và xuất nhập cảnh cũng được rất nhiều các nhà đầu tư quan tâm. Bài viết này sẽ hướng dẫn chi tiết cách xin Visa Việt Nam cho người Trung Quốc vào để đầu tư, làm việc, du lịch hay thăm người thân.

Với chính sách của Việt Nam hiện nay, người Trung Quốc muốn nhập cảnh vào Việt Nam dù ở bất kỳ mục đích gì thì cũng PHẢI xin visa Việt Nam. Một số điều kiện cơ bản nhất phải lưu ý bao gồm:

– Hộ chiếu còn thời hạn ít nhất 6 tháng

– Hộ chiếu còn trống ít nhất 02 trang để dán visa Việt Nam

– Người Trung Quốc không nằm trong danh sách bị hạn chế nhập cảnh vào Việt Nam.

Các loại visa cấp cho người Trung Quốc

Hướng dẫn xin Visa Việt Nam cho người Trung Quốc
Hướng dẫn xin Visa Việt Nam cho người Trung Quốc

Ký hiệu ĐT: Visa Việt Nam cho người Trung Quốc vào đầu tư

  • ĐT1 – Cấp cho nhà đầu tư Trung Quốc tại Việt Nam và người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam có vốn góp giá trị từ 100 tỷ đồng trở lên hoặc đầu tư vào ngành, nghề ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư do Chính phủ quyết định.
  • ĐT2 – Cấp cho nhà đầu tư Trung Quốc tại Việt Nam và người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam có vốn góp giá trị từ 50 tỷ đồng đến dưới 100 tỷ đồng hoặc đầu tư vào ngành, nghề khuyến khích đầu tư phát triển do Chính phủ quyết định.
  • ĐT3 – Cấp cho nhà đầu tư Trung Quốc tại Việt Nam và người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam có vốn góp giá trị từ 03 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng.
  • ĐT4 – Cấp cho nhà đầu tư Trung Quốc tại Việt Nam và người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam có vốn góp giá trị dưới 03 tỷ đồng.

Ký hiệu DN: Visa Việt Nam cho người Trung Quốc vào làm việc

  • DN1: Cấp cho người Trung Quốc vào làm việc với doanh nghiệp, tổ chức khác có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam.
  • DN2 – Cấp cho người Trung Quốc vào chào bán dịch vụ, thành lập hiện diện thương mại, thực hiện các hoạt động khác theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Ký hiệu LĐ: Visa Việt Nam cho người Trung Quốc vào lao động

  • LĐ1 – Cấp cho người Trung Quốc làm việc tại Việt Nam có xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.
  • LĐ2 – Cấp cho người Trung Quốc làm việc tại Việt Nam thuộc diện phải có giấy phép lao động.

Cả hai loại giấy này đều yêu cầu người Trung Quốc phải làm việc trong công ty/tổ chức tại Việt Nam. Công ty/tổ chức đó sẽ nộp bộ hồ sơ xin cấp Giấy phép lao động/Xác nhận không thuộc diện cấp Giấy phép lao động tại cơ quan có thẩm quyền. Bài viết về hai thủ tục này cũng đã được Siglaw hướng dẫn chi tiết trong các bài viết khác tại: https://siglaw.com.vn/giay-phep-lao-dong.html & https://siglaw.com.vn/xac-nhan-nguoi-nuoc-ngoai-khong-thuoc-dien-cap-giay-phep-lao-dong.html

Ký hiệu TT: Visa Việt Nam cho người Trung Quốc vào thăm thân

  • Cấp cho người Trung Quốc là vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của người nước ngoài được cấp thị thực ký hiệu LV1, LV2, LS, ĐT1, ĐT2, ĐT3, NN1, NN2, DH, PV1, LĐ1, LĐ2
  • Người Trung Quốc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của công dân Việt Nam.

Ký hiệu DL: Visa Việt Nam cho người Trung Quốc sang du lịch

Cấp cho người vào Việt Nam để du lịch. Đây là loại visa phổ biến nhất mà người Trung Quốc thường xin để vào Việt Nam.

Thời hạn của các loại visa Việt Nam cho người Trung Quốc

Thời hạn của visa Việt Nam cho người Trung Quốc làm nhà đầu tư

  • Ký hiệu ĐT4 có thời hạn không quá 12 tháng (01 năm)
  • Ký hiệu ĐT3 có thời hạn không quá 03 năm
  • Ký hiệu ĐT2, ĐT1 có thời hạn không quá 05 năm

Thời hạn của visa Visa Việt Nam cho người Trung Quốc đến làm việc

  • Ký hiệu DN có thời hạn không quá 12 tháng

Thời hạn của visa Việt Nam cho người Trung Quốc sang lao động

  • Ký hiệu LĐ1, LĐ2 có thời hạn không quá 02 năm

Thời hạn của visa Việt Nam cho người Trung Quốc sang thăm thân

  • Ký hiệu TT có thời hạn không quá 12 tháng

Thời hạn của visa Việt Nam cho người Trung Quốc sang du lịch

  • Ký hiệu DL có thời hạn không quá 03 tháng

Thời hạn visa ngắn hơn thời hạn hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế ít nhất 30 ngày. Khi visa hết hạn, được xem xét gia hạn hoặc cấp visa mới.

Do chính sách ngoại giao giữa Việt Nam với Trung Quốc là đặc biệt và nhạy cảm, nên người Trung Quốc tại Việt Nam sẽ được quản lý chặt chẽ, và việc xin cấp visa cũng sẽ thắt chặt hơn so với các quốc tịch khác.

Thủ tục xin cấp visa Việt Nam cho người Trung quốc

Để có thể xin được visa vào Việt Nam, người Trung Quốc bắt buộc phải có tổ chức/cá nhân bảo lãnh đang cư trú tại Việt Nam. Hầu hết các loại visa (ĐT, LĐ, DN, DL) sẽ là do tổ chức bảo lãnh (ĐT, LĐ, DN), riêng loại visa thăm thân thì có thể là cá nhân bảo lãnh. Gồm 2 bước sau:

Bước 1: Xin công văn chấp thuận cho nhập cảnh và cấp visa cho người Trung Quốc

Tổ chức bảo lãnh sẽ chuẩn bị các giấy tờ sau:

  • Mẫu công văn xin nhập cảnh cho người Trung Quốc (Form NA2)
  • Mẫu NA16
  • Bản sao y công chứng Giấy đăng ký kinh doanh
  • Các giấy tờ, hình ảnh khác theo yêu cầu, chứng minh mục đích

Sau đó, tổ chức sẽ nộp các giấy tờ này lên Cục quản lý xuất nhập cảnh Việt Nam qua hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến (nếu muốn nộp trực tuyến thì trước tiên phải đăng ký tài khoản của tổ chức). Nếu là cá nhân bảo lãnh thì phải đi nộp trực tiếp.

Cục xuất nhập cảnh sẽ xem xét và trả kết quả trong vòng 5 – 7 ngày làm việc. Nếu được phê duyệt, công ty sẽ nhận được Công văn chấp thuận nhập cảnh cho người Trung Quốc.

Bước 2: Dán tem visa

Để dán tem visa vào Hộ chiếu, người Trung Quốc sẽ chuẩn bị bản photo công văn nhập cảnh, hộ chiếu và 2 ảnh 4x6cm mang đến 1 trong 2 nơi sau để nhận:

Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc

Đại sứ quán Việt Nam/Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Trung Quốc hoặc tại quốc gia mà người Trung Quốc đang tạm trú. Danh sách các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Trung Quốc dưới dây:

  • Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh (Trung Quốc)

Địa chỉ: No 32 Guanghua Rd, Chaoyang Dist, Beijing, PC:100600

Điện thoại: +86-10-65321155

Website: http://vnembassy-beijing.mofa.gov.vn

  • Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Côn Minh (Trung Quốc)

Địa chỉ: Room 507, Hong Ta Mansion, No 155, Beijing Road, Kunming, China

Điện thoại: 86-871-3522669; +868713515889

Website: http://vnconsulate-kunming.mofa.gov.vn/​

  • Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh (Trung Quốc)

Địa chỉ: 10th Floor, Diwang International Chamber of Commerce Tower, No 59 Jinhu Road, Nanning City, Guangxi, PRC.

Điện thoại: 0086 – 771 – 5510561/ 5510562

Website: http://vnconsulate-nanning.mofa.gov.vn/​

  •  Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu (Trung Quốc)

Địa chỉ: Suite P01, 4th /F, Garden Tower, Garden Hotel, 368 Hoanshi Dong Rd., Yuexiu District, Guangzhou 510064, Guangdong, P.R of China.

Điện thoại: +86-20-83305911, 83305910

Website: https://vnconsulate-guangzhou.mofa.gov.vn/

  • Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải (Trung Quốc)

Địa chỉ: 3F, Huachen financial mansion. No 900, Pudong Ave, Shanghai. Postcode: 200135

Điện thoại: +86-21-68555871 / 68555872/13472652588

Website: http://vnconsulate-shanghai.mofa.gov.vn/​

  •  Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Hồng Kông (Trung Quốc)

Địa chỉ: 15/F., Great Smart Tower, 230 Wan Chai Road, Wan Chai, Hong Kong

Điện thoại: (852) 2591-4510; 2591-4517; 2835-9358; 2835-9398

Website: https://vnconsulate-hongkong.mofa.gov.vn

Tại sân bay quốc tế khi vào Việt Nam

Đối với trường hợp này, người Trung Quốc phải thuộc một trong các trường hợp dưới đây thì mới có thể xin nhận visa tại sân bay/cửa khẩu quốc tế:

  • Xuất phát từ nước không có cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực của Việt Nam;
  • Trước khi đến Việt Nam phải đi qua nhiều nước;
  • Vào Việt Nam tham quan, du lịch theo chương trình do doanh nghiệp lữ hành quốc tế tại Việt Nam tổ chức;
  • Thuyền viên nước ngoài đang ở trên tàu neo đậu tại cảng biển Việt Nam có nhu cầu xuất cảnh qua cửa khẩu khác;
  • Vào để dự tang lễ thân nhân hoặc thăm người thân đang ốm nặng;
  • Vào Việt Nam tham gia xử lý sự cố khẩn cấp, cứu hộ, cứu nạn, phòng chống thiên tai, dịch bệnh hoặc vì lý do đặc biệt khác theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
5/5 - (2 bình chọn)
Luật sư Lê Dung

Tư vấn chuyên môn bài viết:

Luật sư Lê Dung (Elena)

CEO Công ty luật Siglaw

Luật sư Lê Dung đã có hơn 10 năm kinh nghiệm tư vấn pháp lý cho nhà đầu tư đến từ hơn 10 quốc gia như: Mỹ, Singapore, Canada, Đan Mạch, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc….

Tư vấn miễn phí: 0961 366 238