Việc thu hút đầu tư nước ngoài và tuyển dụng chuyên gia nước ngoài là một xu hướng tất yếu vì vậy khi xin giấy phép lao động đối với vị trí chuyên gia thì cần chuẩn bị nhiều giấy tờ phức tạp hơn các vị trí khác. Tuy nhiên, để đảm bảo tuân thủ pháp luật và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp cần nắm rõ các quy định về cấp phép lao động cho chuyên gia nước ngoài. Bài viết này sẽ cung cấp những thông tin cần thiết để doanh nghiệp hoàn thành thủ tục một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Chuyên gia là gì?
Chuyên gia là những người người được đào tạo theo hướng chuyên sâu có kinh nghiệm thực hành công việc và có kỹ năng thực tiễn, lý luận chuyên sâu về một lĩnh vực cụ thể hoặc có hiểu biết vượt trội so với mặt bằng kiến thức chung. Các vị trí chuyên gia mà các doanh nghiệp tổ chức tại Việt Nam hay sử dụng là: Chuyên gia kinh doanh, kỹ thuật, kỹ sư, marketing, giáo viên dạy ngôn ngữ,…
Theo quy định tại của pháp luật, chuyên gia nước ngoài thuộc 1 trong các trường hợp sau:
- Trường hợp 1: Tốt nghiệp đại học trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam
- Trường hợp 2: Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm và có chứng chỉ hành nghề phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam
- Trường hợp 3: Trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Hồ sơ xin cấp giấy phép lao động đối với vị trí chuyên gia
Xin công văn chấp thuận sử dụng lao động nước ngoài vị trí chuyên gia
Doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ xin chấp thuận sử dụng lao động cho chuyên gia bao gồm:
Văn bản giải trình nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài
- Nếu đây là lần đầu tiên sử dụng người lao động nước ngoài, người sử dụng lao động sử dụng mẫu giải trình Mẫu số 01/PL1 Nghị định 152/2020/NĐ-CP.
- Nếu doanh nghiệp đã từng sử dụng người lao động nước ngoài thì sử dụng Mẫu 02/PLI Phụ lục I Nghị định 152/2020/NĐ-CP để giải trình về việc thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài.
Lưu ý: về nội dung giải trình, người sử dụng lao động phải nhấn mạnh nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài và trình bày về việc đã tuyển dụng người lao động Việt Nam nhưng không đáp ứng được yêu cầu, tiêu chí của người sử dụng lao động.
Bản sao chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Bản sao có chứng thực Giấy phép kinh doanh ngành nghề có điều kiện nếu chuyên gia làm trong ngành nghề có điều kiện của công ty.
Trước ít nhất 30 ngày, kể từ ngày người lao động nước ngoài dự kiến bắt đầu làm việc tại Việt Nam, người sử dụng lao động tiến hành nộp hồ sơ bằng cách:
- Nộp trực tiếp: nộp tại Bộ phận một cửa của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Ban quản lý các khu công nghiệp – khu chế xuất nơi người lao động làm việc.
- Nộp online: nộp qua website http://dvc.vieclamvietnam.gov.vn/
Lưu ý: Nếu người nộp hồ sơ không phải là đại diện pháp luật của cơ quan, tổ chức thì hồ sơ cần bổ sung giấy ủy quyền hoặc giấy giới thiệu.
Thời hạn xử lý hồ sơ là 10 ngày làm việc, kể từ khi cơ quan có thẩm quyền nhận được hồ sơ hợp lệ.
Xem thêm:
Xin cấp giấy phép lao động cho lao động nước ngoài vị trí chuyên gia
Hồ sơ xin giấy phép lao động cho chuyên gia bao gồm:
Văn bản đề nghị cấp giấy phép lao động đối với vị trí chuyên gia theo mẫu số 11/PLI Phụ lục I Nghị định 152/2020/NĐ-CP.
Bản sao chứng thực văn bản chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài (Kết quả của bước xin công văn chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động).
Các giấy tờ liên quan đến người lao động trong trường hợp đặc biệt, ví dụ:
- Trường hợp di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp, người sử dụng lao động bổ sung quyết định điều chuyển nội bộ của doanh nghiệp nước ngoài và văn bản chứng minh người lao động nước ngoài đã làm việc tại doanh nghiệp nước ngoài đó ít nhất 12 tháng liên tục.
- Trường hợp thực hiện các loại hợp đồng hoặc thỏa thuận thì phải có hợp đồng hoặc thỏa thuận ký kết giữa đối tác phía Việt Nam và phía nước ngoài có thỏa thuận về việc người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
- Trường hợp được công ty nước ngoài cử sang Việt Nam làm việc thì phải có văn bản của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức nước ngoài cử người lao động nước ngoài sang làm việc tại Việt Nam và phù hợp với vị trí dự kiến làm việc.
Các giấy tờ do chuyên gia cung cấp:
- 02 ảnh màu 4×6 cm (phông nền trắng, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu), ảnh chụp không quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ.
- Giấy chứng nhận/khám sức khỏe do cơ quan, tổ chức y tế có thẩm quyền của nước ngoài hoặc của Việt Nam cấp (còn trong thời hạn 12 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ).
- Phiếu lý lịch tư pháp được cấp tại nước ngoài hoặc được cấp tại Việt Nam (còn thời hạn 06 tháng).
- Bản sao chứng thực hộ chiếu còn giá trị theo quy định của pháp luật.
Các giấy tờ chứng minh vị trí chuyên gia:
- Trường hợp có bằng đại học trở lên, người lao động chuẩn bị bằng đại học, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ hoặc bằng cấp tương đương và văn bản xác nhận của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại nước ngoài với số năm kinh nghiệm tối thiểu là 03 năm.
- Trường hợp có chứng chỉ hành nghề, người lao động chuẩn bị chứng chỉ hành nghề và văn bản xác nhận của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại nước ngoài với số năm kinh nghiệm tối thiểu là 05 năm.
Các giấy tờ cụ thể trong một số ngành nghề nhất định:
- Cầu thủ bóng đá: Văn bản chứng minh kinh nghiệm hoặc chứng nhận chuyển nhượng quốc tế (ITC) hoặc văn bản của Liên đoàn bóng đá Việt Nam.
- Phi công: Giấy phép lái tàu bay do Việt Nam cấp hoặc nước ngoài cấp hoặc chứng chỉ chuyên môn do Bộ Giao thông vận tải cấp.
- Bảo dưỡng tàu bay: Giấy chứng nhận trình độ chuyên môn do Việt Nam hoặc nước ngoài cấp và được công nhận sử dụng ở Việt Nam.
- Thuyền viên nước ngoài: Giấy chứng nhận chuyên môn do Việt Nam cấp.
- Huấn luyện viên thể thao: Giấy chứng nhận thành tích được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác nhận hoặc bằng cấp như: Bằng B huấn luyện viên bóng đá của AFC cấp; bằng huấn luyện viên thủ môn cấp độ 1 do AFC cấp; bằng HLV thể lực cấp độ 1, bằng HLV Futsal… do AFC hoặc tổ chức tương đương cấp.
- Giáo viên, người trong ngành giáo dục: Văn bằng quy định về trình độ theo Luật Giáo dục, luật Giáo dục đại học, luật Giáo dục nghề nghiệp.
Lưu ý: Các giấy tờ nêu của nước ngoài thì phải hợp pháp hóa lãnh sự và phải dịch ra tiếng Việt và có chứng thực (trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự).
Trước ít nhất 15 ngày, kể từ ngày người lao động nước ngoài dự kiến bắt đầu làm việc tại Việt Nam, người sử dụng lao động phải tiến hành nộp hồ sơ bằng cách:
- Nộp trực tiếp: bộ phận một cửa của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Ban quản lý các khu công nghiệp – khu chế xuất nơi người lao động làm việc.
- Nộp online: nộp qua website http://dvc.vieclamvietnam.gov.vn/.
Thời hạn xử lý hồ sơ là 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ. Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài, nếu không đồng ý nêu rõ lý do trong văn bản.
Trụ sở chính tại Tp. Hà Nội: Số 44/A32 – NV13, Khu A Geleximco, đường Lê Trọng Tấn, An Khánh, Hoài Đức, Tp.Hà Nội.
Email: vphn@siglaw.com.vn
Chi nhánh tại miền Nam: A9.05 Block A, Tòa Sky Center, số 5B đường Phổ Quang, Phường 2, Quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh.
Chi nhánh miền Trung: 177 Trưng Nữ Vương, Quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Email: vphcm@siglaw.com.vn
Hotline: 0961 366 238
Facebook: https://www.facebook.com/hangluatSiglaw