Việt Nam đang trở thành một trong những điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia đầu tư và hoạt động kinh doanh, nhờ vào những lợi thế về địa lý, tài nguyên, sức lao động, hạ tầng và chính sách hỗ trợ đầu tư của chính phủ. Tuy nhiên, để thành công trong việc đầu tư vào Việt Nam, các nhà đầu tư cần nắm rõ các hình thức, phương thức đầu tư và điều kiện kinh doanh tại Việt Nam. Bài viết “05 hình thức đầu tư nước ngoài vào Việt Nam” sẽ cung cấp cho các nhà đầu tư những thông tin cơ bản về các hình thức đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Để các nhà đầu tư có thể tìm hiểu rõ hơn về các loại hình, hình thức đầu tư tại Việt Nam, Luật Siglaw xin giới thiệu bài viết: “05 hình thức đầu tư nước ngoài vào Việt Nam”
Theo Điều 21 Luật Đầu tư 2020 quy định nhà đầu tư trong và ngoài nước có thể thực hiện đầu tư theo 05 hình thức sau:
- Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế.
- Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp.
- Thực hiện dự án đầu tư.
- Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.
- Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ.
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam theo điều 21 Luật Đầu Tư 2020
Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế
Có 4 hình thức doanh nghiệp phổ biến là
- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
- Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên
- Công ty cổ phần
- Công ty hợp danh
Đây là một loại hình đầu tư trực tiếp mà ở đó nhà đầu tư trực tiếp bỏ vốn đầu tư và trực tiếp tham gia các hoạt động quản lý. Loại hình này tương đối phức tạp, đòi hỏi nhiều thủ tục đầu tư chặt chẽ hơn các loại hình đầu tư khác. Mỗi loại hình doanh nghiệp có ưu nhược điểm riêng mà nhà đầu tư cân nhắc chọn lựa, bao gồm các khía cạnh: Khả năng huy động vốn, khả năng tự chủ quyết định, khả năng chịu trách nhiệm tài sản, ưu đãi thuế…
Hiện nay, nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu lựa chọn loại hình công ty TNHH và công ty cổ phần khi đầu tư tại Việt Nam.
Nếu tổ chức kinh tế của nhà đầu tư nước ngoài thuộc một trong các trường hợp sau thì phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế khác:
- Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;
- Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ;
- Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
Như vậy, với 3 thủ tục trên, nhà đầu tu nước ngoài muốn đầu tư thành lập tổ chức kinh tế cần phải thực hiện các bước sau:
- Thực hiện thủ tục xin Chấp thuận chủ trương đầu tư ( nếu thuộc trường hợp pháp luật quy định;
- Thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo luật Đầu tư 2020;
- Thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp theo Luật doanh nghiệp 2020.
Trong các trường hợp khác, nếu tổ chức kinh tế không thuộc các trường hợp trên thì chỉ cần thực hiện điều kiện và thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư trong nước khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế khác.
Lưu ý:
Nhà đầu tư nước ngoài thành lập tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế; hình thức đầu tư; phạm vi hoạt động đầu tư; năng lực của nhà đầu tư; đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư; điều kiện khác theo quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp
Hình thức đầu tư góp vốn
Nhà đầu tư góp vốn vào tổ chức kinh tế theo các hình thức:
- Mua cổ phần phát hành lần đầu hoặc cổ phần phát hành thêm của công ty cổ phần;
- Góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh;
- Góp vốn vào tổ chức kinh tế khác.
Hình thức mua cổ phần, mua phần vốn góp
Nhà đầu tư mua cổ phần, mua phần vốn góp theo các hình thức:
- Mua cổ phần của công ty cổ phần từ công ty hoặc cổ đông;
- Mua phần vốn góp của thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn để trở thành thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn;
- Mua phần vốn góp của thành viên góp vốn trong công ty hợp danh để trở thành thành viên góp vốn của công ty hợp danh;
- Mua phần vốn góp của thành viên tổ chức kinh tế khác.
Nhà đầu tư bắt buộc phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp trong các trường hợp sau:
- Việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp làm tăng tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức kinh tế kinh doanh ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài.
- Việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ của tổ chức kinh tế trong các trường hợp: tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài từ dưới hoặc bằng 50% lên trên 50%; tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài khi nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu trên 50% vốn điều lệ trong tổ chức kinh tế.
- Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới; xã, phường, thị trấn ven biển; khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.
Nếu không thuộc các trường hợp trên, nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp thực hiện theo thủ tục như với nhà đầu tư trong nước.
Thực hiện dự án đầu tư
Việc thực hiện dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có các bước như sau:
Nghiên cứu thị trường: Tìm hiểu về thị trường, khả năng cạnh tranh, các cơ hội và thách thức trong ngành mà bạn quan tâm.
Tìm đối tác địa phương: Tìm kiếm các đối tác địa phương có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về quy trình đầu tư, pháp lý và văn hoá kinh doanh tại Việt Nam.
Lập kế hoạch đầu tư: Lập kế hoạch về chi phí đầu tư, dự kiến lợi nhuận, các rủi ro có thể xảy ra và các hoạt động kinh doanh cụ thể.
Đăng ký đầu tư: Đăng ký đầu tư tại cơ quan chức năng như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Nhân dân tỉnh hoặc thành phố nơi bạn muốn đầu tư.
Thực hiện đầu tư: Thực hiện các hoạt động kinh doanh cụ thể và tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Theo dõi và đánh giá: Theo dõi và đánh giá các hoạt động kinh doanh để đảm bảo rằng dự án đầu tư nước ngoài đang hoạt động hiệu quả và đáp ứng các mục tiêu đầu tư ban đầu.
Ngoài ra, để thực hiện dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, bạn cần tìm hiểu về các quy định pháp lý, thuế, văn hoá kinh doanh và các yếu tố khác liên quan đến đầu tư tại Việt Nam. Bạn có thể tham khảo các trang web của cơ quan chức năng hoặc liên hệ với đối tác địa phương để được hỗ trợ.
Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC
Hợp đồng BCC là hợp đồng hợp tác kinh doanh, là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế… Tùy thuộc vào chủ thể của hợp đồng mà pháp luật điều chỉnh đối với hợp đồng sẽ khác nhau. Theo Điều 27 Luật Đầu tư 2020 quy định về pháp luật điều chỉnh hình thức đầu tư theo hợp đồng BCC như sau:
- Hợp đồng BCC được ký kết giữa các nhà đầu tư trong nước thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.
- Hợp đồng BCC được ký kết giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài hoặc giữa các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Điều 38 của Luật Đầu tư 2020.
- Các bên tham gia hợp đồng BCC thành lập ban điều phối để thực hiện hợp đồng BCC. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban điều phối do các bên thỏa thuận.
Các đặc điểm của hợp đồng BCC bao gồm:
- Nhà đầu tư sẽ đầu tư toàn bộ vốn để xây dựng và vận hành công trình, và sẽ thu hồi vốn và lợi nhuận thông qua việc thu phí hoặc giá cước sử dụng của người sử dụng dịch vụ.
- Thời gian vận hành và bảo trì công trình trong một khoảng thời gian nhất định, thường từ 20 đến 30 năm, sau đó chuyển quyền sở hữu và quyền điều hành của công trình đó cho chủ sở hữu ban đầu.
- Nhà đầu tư chịu trách nhiệm về việc xây dựng, vận hành và bảo trì công trình, và chịu rủi ro trong quá trình đầu tư.
- Chủ sở hữu ban đầu của công trình thường là chính phủ hoặc các cơ quan, đơn vị liên quan đến lĩnh vực công trình hạ tầng.
- Các điều khoản hợp đồng được thương lượng và thống nhất giữa nhà đầu tư và chủ sở hữu ban đầu trước khi ký kết hợp đồng.
Việc đầu tư theo hợp đồng BCC cần phải được xem xét kỹ lưỡng và thực hiện với sự hỗ trợ của các chuyên gia pháp lý và tài chính để đảm bảo rằng dự án đầu tư này sẽ được thực hiện hiệu quả và tuân thủ các quy định pháp luật liên quan.
Hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ
Theo khoản 05 điều 21 trong Luật Đầu Tư 2020 cũng có quy định thêm về “Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của chính phủ”. Vì vậy ngoài 04 hình thức phổ biến mà Siglaw đã nêu thì còn có hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới, thể hiện tính chủ động, cởi mở, sẵn sàng tiếp nhận các hình thức đầu tư, loại hình kinh tế mới trong tương lai trước sự phát triển không ngừng của nền kinh tế, không còn rập khuôn, bó hẹp vào các hình thức đầu tư như trước đây.
Trên đây là các hình thức đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong đó hình thức thành lập tổ chức kinh tế và đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp là hai hình thức được các nhà đầu tư ưu ái lựa chọn nhiều nhất bởi vì phù hợp với nhu cầu của đa số nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam hiện nay.