Thành lập Công ty TNHH 1 thành viên: Ưu điểm & Quy trình

Công ty TNHH 1 thành viên là một loại hình doanh nghiệp được nhiều nhà đầu tư lựa chọn khi bắt đầu thực hiện hoạt động kinh doanh tại Việt Nam bởi sự thuận lợi và dễ dàng quản lý. Qua bài viết này Siglaw sẽ giới thiệu cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước về loại hình doanh nghiệp này cũng như quy trình hồ sơ, thủ tục thành lập công ty TNHH 1 thành viên để nhà đầu tư có thể bắt đầu hoạt động kinh doanh một cách thành công và hiệu quả.

Công ty TNHH 1 thành viên là gì?

Công ty TNHH 1 thành viên (công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên) là một hình thức tổ chức kinh doanh mà chỉ có một chủ sở hữu. Điều này có nghĩa là một cá nhân hoặc một tổ chức đơn lẻ sở hữu và điều hành công ty. Trong mô hình này, không có sự chia sẻ vốn điều lệ hoặc quyền quản lý giữa nhiều chủ sở hữu.

Về mặt pháp lý, định nghĩa về Công ty TNHH 1 thành viên được quy định tại Điều 74 Luật Doanh nghiệp 2020 như sau:

“Điều 74. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên

  1. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (sau đây gọi là chủ sở hữu công ty). Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.
  2. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
  3. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên không được phát hành cổ phần, trừ trường hợp để cuyển đổi thành công ty cổ phần.
  4. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được phát hành trái phiếu theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; việc phát hành trái phiếu riêng lẻ theo quy định tại Điều 128 và Điều 129 của Luật này.”
Thành lập Công ty TNHH 1 thành viên: Ưu điểm & Quy trình
Thành lập Công ty TNHH 1 thành viên: Ưu điểm & Quy trình

Lợi ích và ưu điểm của công ty TNHH 1 thành viên

  • Quyền kiểm soát tuyệt đối: Chủ sở hữu đơn lẻ có quyền kiểm soát và ra quyết định đối với tất cả các khía cạnh của công ty mà không cần thỏa thuận với các đối tác khác.
  • Dễ dàng thành lập và quản lý: Thủ tục thành lập và quản lý công ty TNHH 1 thành viên thường đơn giản và ít phức tạp hơn so với các hình thức công ty có nhiều thành viên.
  • Bảo mật thông tin cá nhân: Với công ty TNHH 1 thành viên, thông tin cá nhân của chủ sở hữu được bảo vệ và không cần công khai như trong các công ty có nhiều thành viên.
  • Trách nhiệm giới hạn: Chủ sở hữu chỉ chịu trách nhiệm về nợ công ty trong phạm vi vốn điều lệ đã góp và không phải chịu trách nhiệm cá nhân với tài sản cá nhân.
  • Linh hoạt trong quyết định kinh doanh: Chủ sở hữu có thể tự do đưa ra quyết định kinh doanh mà không cần phải thỏa thuận hoặc đồng thuận từ các cổ đông khác.

Quy trình hồ sơ, thủ tục thành lập công ty TNHH 1 thành viên

Bước 1: Tìm hiểu và chuẩn bị thông tin cần thiết

Tên công ty:

Xác định tên gọi cho công ty TNHH 1 thành viên. Đảm bảo rằng tên công ty không vi phạm các quy định về đặt tên và không trùng lặp với tên công ty đã được đăng ký, đồng thời phải phù hợp với quy định tại phải tuân theo quy định tại Điều 38, Luật Doanh nghiệp 2020; Điều 18, Nghị định 01/2021/NĐ-CP.

Địa chỉ đăng ký kinh doanh:

Chọn địa chỉ đăng ký kinh doanh của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Địa chỉ này sẽ được sử dụng làm địa chỉ chính thức của công ty và có thể có yêu cầu về sự phù hợp về ngành nghề kinh doanh cũng như quy hoạch của địa phương.

Ngành nghề kinh doanh:

Xác định ngành nghề kinh doanh chính mà công ty sẽ hoạt động. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc xác định mã ngành và quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Lưu ý rằng không được lựa chọn những ngành nghề bị cấm, được quy định tại Điều 6, Luật Doanh nghiệp 2020

Vốn điều lệ và phương thức góp vốn:

Xác định số vốn điều lệ cần thiết để thành lập công ty. Chủ sở hữu cần quyết định phương thức góp vốn, có thể là tiền mặt, tài sản, công việc hoặc quyền sử dụng đất. Mức vốn điều lệ do chủ sở hữu tự quyết định khi đăng ký, trừ những trường hợp có ngành nghề kinh doanh yêu cầu vốn pháp định.

Quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu:

Hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu trong công ty TNHH 1 thành viên. Điều này bao gồm quyền kiểm soát công ty, quyền lợi tài chính, trách nhiệm pháp lý và các nghĩa vụ quản lý công ty.

Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ thành lập công ty TNHH 1 thành viên

Để thành lập công ty TNHH 1 thành viên, cá nhân, tổ chức cần chuẩn bị một bộ hồ sơ gồm các tài liệu sau:

Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp

Người đại diện theo pháp luật của công ty kê khai thông tin về doanh nghiệp tại Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp công ty TNHH một thành viên theo mẫu tại Phụ lục I-2 ban hành kèm theo Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT ngày 16 tháng 3 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Điều lệ công ty

Chuẩn bị Bộ điều lệ công ty ghi rõ quy định về cấu trúc, quản lý và hoạt động của công ty. Bao gồm thông tin chủ yếu về tên công ty, địa chỉ, ngành nghề kinh doanh, vốn điều lệ, thông tin của chủ sở hữu, cơ cấu tổ chức quản lý, thể thức thông qua quyết định của công ty, nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ,…

Bản sao giấy tờ pháp lý của chủ sở hữu và người đại diện theo pháp luật.

Đối với chủ sở hữu công ty là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự.

Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong trường hợp chủ sở hữu là nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Bước 3: Hoàn thiện thủ tục và nộp hồ sơ thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên

Người đại diện theo pháp luật nộp hồ sơ đề nghị đăng ký doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư thông qua website: dangkyquamang.dkkd.gov.vn.

Hoàn thiện thủ tục và nộp hồ sơ thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
Nộp hồ sơ thành lập công ty TNHH 1 thành viên tại website dangkyquamang.dkkd.gov.vn

Thời gian xử lý: 3 ngày làm việc

Trong thời hạn xử lý, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ ra thông báo chấp thuận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hoặc ra thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ nếu hồ sơ chưa đủ điều kiện theo quy định pháp luật. Thời hạn để doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là 60 ngày, quá thời hạn này hồ sơ sẽ bị hủy.

Những việc cần thực hiện sau khi thành lập công ty TNHH 1 thành viên

Khắc con dấu doanh nghiệp

Doanh nghiệp tự bảo quản và sử dụng con dấu, không cần báo mẫu con dấu với Phòng Đăng ký kinh doanh.

Mở tài khoản ngân hàng cho công ty

Lựa chọn ngân hàng phù hợp với nhu cầu để mở tài khoản cho công ty.

Nếu thành lập công ty FDI vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp cần lưu ý phải mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài bên cạnh tài khoản thanh toán, để nhà đầu tư có thể chuyển vốn vào hợp pháp.

Xây dựng cơ cấu tổ chức và bộ máy hoạt động

  • Xác định cơ cấu tổ chức: Xác định cấu trúc và chức danh cho các bộ phận và nhân viên trong công ty.
  • Tuyển dụng và đào tạo: Tiến hành tuyển dụng nhân viên phù hợp và cung cấp đào tạo, huấn luyện cho họ để đảm bảo hoạt động suôn sẻ của công ty.

Thực hiện các nghĩa vụ pháp lý và thuế:

  • Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế: Đăng ký và thực hiện nghĩa vụ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế cho nhân viên theo quy định của pháp luật.
  • Gửi báo cáo tài chính: Thực hiện việc gửi báo cáo tài chính định kỳ và tuân thủ các quy định liên quan đến thuế và kế toán.

Phát triển kinh doanh và quản lý công ty

  • Xây dựng kế hoạch kinh doanh: Lập kế hoạch chiến lược, kế hoạch tài chính và các kế hoạch khác để phát triển kinh doanh của công ty.
  • Quản lý tài chính: Theo dõi và quản lý tài chính công ty, bao gồm quản lý thu chi, lợi nhuận và đầu tư.
  • Phát triển khách hàng và tiếp thị: Xây dựng chiến lược tiếp thị, tìm kiếm và phát triển khách hàng mới, duy trì và mở rộng mạng lưới khách hàng hiện tại.
  • Bằng cách thực hiện các bước trên, công ty TNHH 1 thành viên có thể đảm bảo tuân thủ các quy định pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh doanh và quản lý công ty một cách hiệu quả.

Nhìn chung, công ty TNHH 1 thành viên luôn là một trong những loại hình doanh nghiệp phổ biến bởi sự thuận tiện trong việc quản lý. Tuy nhiên, để có thể thành lập và quản lý doanh nghiệp một cách hiệu quả, chủ doanh nghiệp cần nắm rõ những quy định pháp luật và vấn đề cần lưu ý trong quá trình vận hành công ty. Hy vọng bài viết này của Công ty luật Siglaw đã giúp các chủ đầu tư đã nắm rõ các thông tin hữu ích cho quá trình hoạt động kinh doanh của mình.

5/5 - (4 votes)
Luật sư Lê Dung

Tư vấn chuyên môn bài viết:

Luật sư Lê Dung (Elena)

CEO Công ty luật Siglaw

Luật sư Lê Dung đã có hơn 10 năm kinh nghiệm tư vấn pháp lý cho nhà đầu tư đến từ hơn 10 quốc gia như: Mỹ, Singapore, Canada, Đan Mạch, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc….

Tư vấn miễn phí: 0961 366 238