Nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư tại Malaysia cần phải đăng ký thành lập một pháp nhân với cơ quan có thẩm quyền của quốc gia này, cụ thể là Uỷ ban doanh nghiệp Malaysia. Đây là yêu cầu tiên quyết để nhà đầu tư nước ngoài được phép kinh doanh tại quốc gia này. Để hoạt động kinh doanh được hiệu quả cũng như tối ưu chi phí, nhà đầu tư nước ngoài cần hiểu hết về bản chất của các loại hình công ty tại Malaysia. Mời Quý bạn đọc hãy cùng công ty luật Siglaw tìm hiểu về các loại hình doanh nghiệp của Malaysia qua bài viết dưới đây.
Tổng quan về các loại hình doanh nghiệp theo quy định pháp luật của Malaysia
Tại Malaysia, các nhà đầu tư có thể thấy các hình thức công ty dưới đây:
– Doanh nghiệp tư nhân;
– Công ty hợp danh;
– Công ty TNHH;
Theo Luật Công ty 2016 của Malaysia – văn bản điều chỉnh hoạt động của tất cả các công ty ở Malaysia, một công ty sẽ phải tiến hành đăng ký với Ủy ban Doanh nghiệp Malaysia (SSM) để được phép thực hiện bất kỳ hoạt động kinh doanh nào. Có 03 loại hình công ty thực hiện theo quy định của Luật Công ty 2016 của Malaysia, bao gồm:
- Công ty TNHH theo phần vốn góp (Công ty TNHH cổ phần – Company limited by shares) gồm hai loại:
+ Công ty tư nhân (nội bộ) – xác định thông qua từ “Sendirian Berhad” (chữ viết tắt là “Sdn.Bhd”)
+ Công ty đại chúng – xác định thông qua từ “Berhad” (chữ viết tắ là “Bhd”)
- Công ty TNHH bảo lãnh (Company limited by guarantee)
- Công ty trách nhiệm vô hạn (Unlimited Company)
Ngoài các loại hình công ty trên, Malaysia còn có 02 loại hình công ty khác được điều chỉnh bởi Luật Công ty 2016 và Luật Công ty TNHH hợp danh 2012, gồm:
- Công ty nước ngoài (Foreign Companies)
- Công ty TNHH Hợp danh (Limited Liability Partnership)
Loại hình công ty thường được các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn thành lập tại Malaysia – Công ty TNHH theo cổ phần
Malaysia cho phép nhà đầu tư nước ngoài thành lập công ty tại Malaysia và sở hữu 100% cổ phần công ty (loại hình công ty TNHH theo cổ phần – tên công ty sẽ kết thúc với ký hiệu “Sdn Bhd”). Đây có thể coi là một chính sách ưu đãi dành cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Malaysia nhằm tối ưu và đơn giản hoá việc thành lập Công ty tại Malaysia.
Tuỳ thuộc vào mô hình hoạt động của doanh nghiệp, sẽ có 2 loại cấu trúc Công ty “Sdn Bhd” khi đầu tư tại Malaysia, cụ thể:
– 100% sở hữu bởi người nước ngoài – vốn huy động tối thiểu 500.000 RM đối với doanh nghiệp tư vấn và tối thiểu 1 triệu RM đối với doanh nghiệp xuất khẩu, nhà hàng hoặc thương mại.
– Công ty liên doanh với đối tác tại Malaysia (nắm tối thiểu 50% công ty), vốn huy động tối thiểu 350.000 RM khi đăng ký vốn điều lệ là 500.000 RM.
Một số ngành nghề yêu cầu bắt buộc có sự tham gia của công dân Malaysia và cần xin Giấy phép kinh doanh từ cơ quan có thẩm quyền:
– Ngành giáo dục;
– Ngành gas và xăng dầu;
– Ngành tài chính và ngân hàng;
– Ngành du lịch;
– Ngành nông nghiệp
Yêu cầu của Luật doanh nghiệp 2016 của Malaysia khi thành lập công ty loại hình này tại đây:
– Có tối thiểu 1 giám đốc – cá nhân hoặc doanh nghiệp;
– Có tối thiểu 1 cổ đông – cá nhân hoặc doanh nghiệp;
– Có quyết định sở hữu – liên doanh hoặc 100% vốn;
– Tên Công ty kết thúc bằng đuôi “Sdn Bhd”
– Mọi tài liệu chính thức và danh thiếp Công ty cần thể hiện số đăng ký doanh nghiệp;
Các loại hình doanh nghiệp khác tại Malaysia
Doanh nghiệp tư nhân
Doanh nghiệp tư nhân là loại hình kinh doanh hoàn toàn thuộc sở hữu của một cá nhân duy nhất và chịu trách nhiệm vô hạn đối với các khoản nợ của doanh nghiệp. Đối với loại hình này, chỉ có công dân Malaysia hoặc người nước ngoài thường trú tại Malaysia đáp ứng đủ điều kiện được thành lập doanh nghiệp tại Malaysia mới có thể đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân chịu trách nhiệm vô hạn đối với các nghĩa vụ, khoản nợ của doanh nghiệp.
Một số ưu điểm của doanh nghiệp tư nhân:
- Thủ tục thành dễ dàng và nhanh chóng;
- Không tốn quá nhiều chi phí thành lập và không cần đáp ứng yêu cầu của Chính phủ Malaysia về kiểm toán.
- Dễ dàng chuyển đổi sang loại hình công ty TNHH (Sdn.Bhd)
Doanh nghiệp hợp danh
Đây là một loại hình doanh nghiệp gồm ít nhất 02 thành viên và tối đa là 20 thành viên hợp danh làm chủ sở hữu. Các thành viên là chủ sở hữu của doanh nghiệp hợp danh phải chịu trách nhiệm vô hạn với các nghĩa vụ, khoản nợ của công ty. Chỉ công dân Malaysia hoặc người nước ngoài thường trú tại Malaysia mới được phép thành lập doanh nghiệp hợp danh.
Loại hình doanh nghiệp này phù hợp để thành lập trong các lĩnh vực như pháp lý, kế toán… Cần phải lưu ý rằng, “trách nhiệm vô hạn” phát sinh từ thời điểm “đối tác” (thành viên hợp danh) gia nhập làm thành viên của công ty. Đối với các nghĩa vụ và khoản nợ của công ty phát sinh trước đó, thì thành viên mới không phải chịu trách nhiệm.
Các Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) khác tại Malaysia
Công ty TNHH bảo lãnh
Công ty TNHH bảo lãnh nghĩa là một công ty được thành lập trên cơ sở trách nhiệm của thành viên, giới hạn theo phạm vi phần tài sản mà các thành viên cam kết sẽ góp trong trường hợp công ty bị thanh lý (hoặc nợ).
Lợi nhuận thu được từ công ty sẽ không được chia cho các thành viên của công ty mà có thể sử dụng để tái đầu tư vào công ty. Vì vậy, loại hình này phù hợp để vận hành các hội, các tổ chức từ thiện, xã hội và quyên góp. Nếu số lượng thành viên công ty từ 20 người trở lên thì sẽ phải tiến hành đăng ký tổ chức với Uỷ ban doanh nghiệp Malaysia. Xem thêm: Quy trình đầu tư từ Việt Nam sang Malaysia
Công ty trách nhiệm vô hạn
Công ty trách nhiệm vô hạn là loại hình công ty mà các thành viên (cổ đông) phải chịu trách nhiệm vô hạn (bằng toàn bộ tài sản, bao gồm cả tài sản cá nhân) đối với các nghĩa vụ và khoản nợ của công ty. Các cổ đông của công ty trách nhiệm vô hạn có thể tự do chào bán lại cổ phần của họ cho công ty. Tuy nhiên, quy định về thành lập công ty trách nhiệm vô hạn khá phức tạp và phải tuân thủ các điều kiện nghiêm ngặt. Thông thường, công ty trách nhiệm vô hạn sẽ hoạt động như một quỹ hỗ trợ cho mục đích đầu tư, thay vì mục đích kinh doanh lợi nhuận
Công ty TNHH hợp danh
Đây là 1 loại hình doanh nghiệp được điều chỉnh bởi Luật công ty TNHH hợp danh Malaysia 2012 kết hợp đặc điểm của công ty và doanh nghiệp hợp danh chuyên biệt.
Công ty TNHH hợp danh có tư cách pháp nhân tách biệt với các thành viên của công ty. Theo đó, bất kỳ sự thay đổi thành viên nào cũng sẽ không ảnh hưởng đến sự tồn tại, quyền lợi và nghĩa vụ của công ty TNHH hợp danh. Công ty TNHH hợp danh có thể hoạt động với ít hơn 2 thành viên trong một khoảng thời gian không được quá 06 tháng hay dài hơn được quyết định bởi người đại diện dựa vào ý kiến của thành viên còn lại, miễn là thời gian đó kéo dài không quá 01 năm.
Thành viên công ty TNHH hợp danh chịu trách nhiệm hữu hạn đối với công ty, theo đó các khoản nợ và nghĩa vụ của công ty sẽ được chịu trách nhiệm bằng tài sản của công ty. Trong khi công ty hợp danh thông thường, thành viên công ty phải liên đới chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ và khoản nợ của công ty.
Công ty TNHH hợp danh thường được thành lập đối với các mục đích chủ yếu như: Chuyên gia (ví dụ: Luật sư, Kế toán …); Doanh nghiệp vừa và nhỏ; Liên doanh; Vốn liên doanh
Công ty nước ngoài
Công ty nước ngoài dành cho người nước ngoài đã thành lập doanh nghiệp ở các quốc gia khác và muốn thành lập chi nhánh công ty hoặc văn phòng đại diện tại Malaysia.
Văn phòng đại diện không có tư cách pháp nhân độc lập tại Malaysia. Do đó, công ty mẹ phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ phải trả. Văn phòng đại diện không được tham gia vào bất kỳ hoạt động kinh doanh nào tạo ra lợi nhuận, không được ký kết hoặc giao kết hợp đồng. Văn phòng đại diện chủ yếu hoạt động trong việc thu thập hoặc phân tích thông tin, phát triển sản phẩm và nghiên cứu cơ hội kinh doanh tại thị trường Malaysia. Xem thêm: 1 Số lưu ý đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Malaysia
Để được tư vấn miễn phí một cách toàn diện, Quý khách liên hệ:
Công ty Luật Siglaw (Siglaw Firm)
Trụ sở chính tại Tp. Hà Nội: Số 44/A32 – NV13, Khu A Glexemco, đường Lê Trọng Tấn, An Khánh, Hoài Đức, Tp.Hà Nội.
Hotline: 0961 366 238
Chi nhánh tại Tp. Hồ Chí Minh: A9.05 Block A, Tòa Sky Center, số 5B đường Phổ Quang, Phường 2, Quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh.