Hiện nay cả nước có 36.881 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 444,1 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt hơn 278,3 tỷ USD, bằng gần 62,7% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. Theo đó, thủ tục thành lập công ty có vốn nước ngoài tại Việt Nam đang là nội dung mà nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm. Sau đây, hãy cùng công ty luật SigLaw tìm hiểu chi tiết nhé:
Công ty có vốn nước ngoài là gì?
Luật đầu tư 2020 không đưa ra trực tiếp loại hình công ty có vốn nước ngoài mà chỉ quy định khái quát tại Khoản 17 Điều 3: “ Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông.” Nhưng có thể hiểu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông.
Những vấn đề cần lưu ý khi thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
- Tùy thuộc vào từng lĩnh vực đầu tư mà tổ chức, cá nhân nước ngoài đều có thể thành lập công ty tại Việt Nam với sở hữu vốn từ 1- 100% vốn.
- Theo cam kết WTO và pháp luật Việt Nam một số lĩnh vực có thể dễ dàng thành lập tại Việt Nam như: thương mại, xuất nhập khẩu, tư vấn đầu tư, tư vấn quản lý, lĩnh vực phần mềm, bất động sản, xây dựng, nhà hàng, du lịch, sản xuất (cần có nhà xưởng trong khu công nghiệp),…
- Vốn nhà đầu tư góp không có quy định mức tối thiểu nhưng cần phù hợp với quy mô hoạt động của công ty đăng ký, trừ các ngành nghề yêu cầu vốn pháp định . Tuy nhiên, số vốn góp lại ảnh hưởng đến việc xin giấy phép lao động và thẻ tạm trú cho nhà đầu tư, theo đó nhà đầu tư, người đại diện quản lý phần vốn góp chỉ được miễn giấy phép lao động và được cấp thẻ tạm trú nếu vốn góp từ 3 tỷ đồng trở lên, nếu nhà đầu tư góp mức vốn góp cao hơn thì thời gian thẻ tạm trú cũng được cấp dài hơn.
- Nhà đầu tư nước ngoài khi thành lập cần chứng minh tài chính thông qua: sổ tiết kiệm, số dư tiền gửi,…. đối với cá nhân, số dư tiền gửi, báo cáo thuế, báo cáo tài chính có lãi,….đối với công ty. Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần thì không nhất thiết phải cung cấp các chứng từ này.
- Đối với thủ tục thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài cần cung cấp thêm hợp đồng thuê nhà, văn phòng hoặc hợp đồng mượn và giấy tờ nhà đất của nhà đất, văn phòng thuê để nộp kèm hồ sơ thành lập. Trong khi đó đối với công ty Việt Nam hoặc thủ tục mua phần vốn góp thì không yêu cầu điều kiện này.
- Giám đốc, người đại diện theo pháp luật, người quản lý phần vốn góp công ty có vốn đầu tư nước ngoài có thể là người nước ngoài hoặc người Việt Nam.
- Đối với công ty có vốn đầu tư nước ngoài cũng được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (ERC) bởi Phòng đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi công ty đặt trụ sở chính như công ty vốn Việt Nam.
- Công ty có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn ngay từ đầu từ 1% và các công ty vốn nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực giáo dục thì phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (IRC).
- Có sự khác biệt giữa công ty có vốn đầu tư nước ngoài và công ty vốn Việt Nam là công ty cần mở tài khoản vốn đầu tư để thực hiện việc góp vốn và chuyển lợi nhuận về nước sau này.
- Không giống với công ty vốn Việt Nam tự chịu trách nhiệm về việc góp vốn thì công ty có vốn đầu tư nước ngoài bắt buộc phải thực hiện góp vốn vào tài khoản vốn, bị giám sát về việc góp vốn thông qua báo cáo đầu tư, thời hạn góp vốn.
- Thời hạn góp vốn của công ty có vốn đầu tư nước ngoài được ghi nhận tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Theo đó, đến hạn nhà đầu tư chưa góp vốn thì ngân hàng mở tài khoản vốn đầu tư sẽ không tiếp nhận vốn góp muộn. Để có thể thực hiện được thủ tục góp vốn theo cam kết công ty cần phải thực hiện điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư để gia hạn thời hạn góp vốn.
- Công ty có vốn đầu tư nước ngoài phải thực hiện thủ tục kê khai thuế, mức thuế VAT, thuế Thu nhập doanh nghiệp tương tự như công ty vốn Việt Nam. Tuy nhiên, công ty có vốn đầu tư nước ngoài phải thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính cuối năm.
- Ngoài ra, công ty có vốn đầu tư nước ngoài được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hàng năm phải thực hiện thủ tục báo cáo đầu tư, báo cáo đánh giá giám sát đầu tư, báo cáo tình hình thực hiện dự án cho cơ quan đăng ký đầu tư.
Điều kiện để thành lập công ty có vốn nước ngoài tại Việt Nam
Để thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư cần phải đáp ứng một số điều kiện được quy định trong Luật doanh nghiệp 2020 và Luật đầu tư 2020.
Theo Khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020 các tổ chức, cá nhân hay người nước ngoài thành lập công ty tại Việt Nam nếu không rơi vào trường hợp sau đây:
1. Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình gồm:
- Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;
- Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước;
- Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 của Luật này, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;
- Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân;
- Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.
2. Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh;
Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.
3. Trường hợp người nước ngoài thành lập công ty tại Việt Nam thì nhà đầu tư phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Cá nhân, tổ chức người nước ngoài thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam cần phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài cần xem xét đến các ngành nghề bị hạn chế bao gồm: Ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường và ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện. Ví dụ, theo Điều 6 Nghị định 38/2020/NĐ-CP với ngành nghề kinh doanh hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhà đầu tư không được phép thành lập công ty có vốn nước ngoài để kinh doanh hoạt động này vì pháp luật hiện hành quy định chỉ doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp có 100% vốn điều lệ của các tổ chức, cá nhân Việt Nam mới được cấp phép hoạt động.
- Trước khi thành lập doanh nghiệp vốn nước ngoài, nhà đầu tư phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
4. Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đầu tư FPI thì được sở hữu vốn điều lệ không hạn chế, trừ các trường hợp sau:
- Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại công ty niêm yết, công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán và các quỹ đầu tư chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán;
- Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu theo hình thức khác thực hiện theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa và chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước;
- Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không thuộc hai trường hợp trên thì thực hiện theo quy định khác của pháp luật có liên quan và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Quy trình thành lập công ty có vốn nước ngoài tại Việt Nam
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đầu tư thành lập công ty vốn nước ngoài
Doanh nghiệp cần chuẩn bị hồ sơ bao gồm:
- Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư
- Bản sao CMND, CCCD hoặc hộ chiếu với nhà đầu tư cá nhân
- Bản sao giấy chứng nhận thành lập công ty có vốn nước ngoài hoặc tài liệu tương đương để xác nhận tư cách pháp lý với nhà đầu tư là tổ chức
- Đề xuất dự án đầu tư
- Bản sao báo cáo tài chính 02 năm gần nhất hoặc tài liệu tương đương khác
- Đề xuất nhu cầu sử dụng đất
- Giải trình về sử dụng công nghệ (nếu có)
Trong vòng 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Nhà đầu tư sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sẽ phải thực hiện thủ tục nộp hồ sơ đăng ký thành lập công ty có vốn nước ngoài qua mạng điện tử tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và sau đó nộp hồ sơ giấy lên Phòng đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở sau khi nhận được thông báo chấp thuận. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp bao gồm các loại giấy tờ như sau:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp
- Điều lệ công ty
- Danh sách thành viên trong công ty (đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên); Danh sách cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài (danh sách người đại diện theo ủy quyền nếu có cổ đông là tổ chức)
- Bản sao các giấy tờ thông tin cá nhân: CMND, CCCD hay hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện cá nhân theo ủy quyền của thành viên là tổ chức.
- Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
- Quyết định góp vốn và bổ nhiệm người quản lý; Danh sách người đại diện theo ủy quyền (đối với thành viên là tổ chức);
- Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư đã được cấp.
Luật Doanh nghiệp 2020 quy định thời hạn thực hiện các thủ tục trên từ 05 đến 07 ngày làm việc kể từ khi nhận được Giấy chứng nhận đầu tư.
Lưu ý, tùy theo loại hình doanh nghiệp được lựa chọn mà hồ sơ đăng ký thành lập công ty có vốn nước ngoài sẽ khác nhau, tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước chính là trong hồ sơ đăng ký thành lập công ty có vốn nước ngoài, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là một tài liệu bắt buộc.
Bước 3: Công bố thông tin đăng ký kinh doanh
Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, công ty có vốn đầu tư nước ngoài phải tiến hành thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp theo trình tự, thủ tục và trả phí theo quy định trong thời hạn là 30 ngày kể từ ngày có giấy phép thành lập công ty có vốn nước ngoài.
Bước 4: Khắc dấu doanh nghiệp
Doanh nghiệp sẽ quyết định số lượng, hình thức con dấu, tự thực hiện hay ủy quyền cho các công ty Luật. Tuy nhiên, con dấu bắt buộc phải có chứa tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp.
Dịch vụ tư vấn đầu tư thành lập công ty có vốn nước ngoài ở Việt Nam của công ty Luật Siglaw
- Tư vấn chi tiết các điều kiện để đầu tư thành lập công ty có vốn nước ngoài theo từng loại hình công ty TNHH hay Công ty cổ phần, địa chỉ trụ sở, vốn, ngành nghề kinh doanh, mở tài khoản chuyển vốn, thời hạn góp vốn, từng lĩnh vực dự án đầu tư cụ thể.
- Tư vấn về tỷ lện vốn góp của người nước ngoài thành lập công ty tại Việt Nam theo luật định.
- Tư vấn điều kiện, hướng dẫn nhà đầu tư chuẩn bị tài liệu cần thiết để đầu tư thành lập công ty có vốn nước ngoài;
- Tư vấn, soạn thảo hồ sơ thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài cho quý khách hàng;
- Công ty Luật Siglaw sẽ đại diện nhà đầu tư làm việc với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam trong quá trình thành lập công ty có vốn nước ngoài cho nhà đầu tư (Xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, làm dấu pháp nhân, công bố mẫu dấu, thủ tục sau thành lập công ty, dịch vụ tư vấn pháp luật thuế – kế toán, chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, lao động – bảo hiểm, các vấn đề liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ…;
- Đăng ký khoản vay nước ngoài cho doanh nghiệp vay từ công ty mẹ hoặc tổ chức nước ngoài.
- Tư vấn toàn diện các hoạt động phát sinh trong quá trình thực hiện kinh doanh tại Việt Nam cho nhà đầu tư.
Liên hệ Công ty Luật Siglaw
Trụ sở chính tại Tp. Hà Nội: Số 44/A32 – NV13, Khu A Glexemco, đường Lê Trọng Tấn, An Khánh, Hoài Đức, Tp.Hà Nội.
Email: vphn@siglaw.com.vn
Chi nhánh tại miền Nam: A9.05 Block A, Tòa Sky Center, số 5B đường Phổ Quang, Phường 2, Quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh.
Chi nhánh miền Trung: 177 Trưng Nữ Vương, Quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Email: vphcm@siglaw.com.vn
Hotline: 0961 366 238
Facebook: https://www.facebook.com/hangluatSiglaw