Các loại hình doanh nghiệp có vốn nước ngoài tại Việt Nam

Là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh tại Đông Nam Á và có vị trí chiến lược trong mắt xích sản xuất – cung ứng toàn cầu, Việt Nam có những lợi thế to lớn để thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Pháp luật đầu tư Việt Nam hiện nay cũng đã tạo ra một hành lang pháp lý thông thoáng, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư dự án và kinh doanh tại Việt Nam. Bài viết này của Siglaw chia sẻ về các loại hình doanh nghiệp dành cho nhà đầu tư nước ngoài theo quy định pháp luật hiện hành.

Các loại hình doanh nghiệp có vốn nước ngoài tại Việt Nam

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là gì?

Luật Đầu tư 2020 không sử dụng cụm từ “Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài” mà thay bằng “Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài”. Theo đó, Khoản 22 Điều 3 Luật Đầu tư 2020 quy định: “Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông”

Như vậy, có thể hiểu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chính là tổ chức kinh tế được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông. Doanh nghiệp này có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, không có sự phân biệt về tỷ lệ vốn của nước ngoài so với trong nước.

Tương ứng với các hình thức đầu tư hiện nay, có các hình thức doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sau:

  • Doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài;
  • Doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp;

Các loại hình doanh nghiệp vốn nước ngoài tại Việt Nam

Có mấy loại hình doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài?

Trong số các hình thức đầu tư được quy định tại Điều 21 Luật Đầu tư 2020, hai hình thức đầu tư phổ biến nhất của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là “Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế” và “Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp”. Tương ứng với đó, các loại hình doanh nghiệp mà nhà đầu tư nước ngoài có thể lựa chọn để thành lập/mua vốn góp, cổ phần, phần vốn góp là:

Dưới đây là một số thông tin chi tiết về các loại hình doanh nghiệp tại Việt Nam mà nhà đầu tư nước ngoài cần lưu ý:

Xem thêm: Tư vấn đầu tư FDI tại Việt Nam

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (sau đây gọi là chủ sở hữu công ty). Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị tài sản do chủ sở hữu công ty cam kết góp và ghi trong Điều lệ công ty.

Cách thức để nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo loại hình doanh nghiệp này:

  • Thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn nước ngoài do nhà đầu tư nước ngoài làm chủ sở hữu. Chủ sở hữu công ty phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản. Trong thời hạn này, chủ sở hữu công ty có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với phần vốn góp đã cam kết.
  • Cách góp vốn: Nhà đầu tư nước ngoài có thể mua toàn bộ phần vốn góp của doanh nghiệp Việt Nam để trở thành chủ sở hữu công ty hoặc mua một phần góp vốn của chủ sở hữu, chuyển đổi từ công trách nhiệm hữu hạn một thành viên thành công trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên

Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là doanh nghiệp có từ 02 đến 50 thành viên là tổ chức, cá nhân. Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp.

Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Cách thức để nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo loại hình doanh nghiệp này:

  • Thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên 100% vốn nước ngoài. 
  • Cách góp vốn/mua lại phần vốn góp: Nhà đầu tư nước ngoài có thể mua toàn bộ/một phần vốn góp của doanh nghiệp Việt Nam để trở thành thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Thủ tục góp vốn/mua lại phần vốn góp tùy thuộc vào vốn mà nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ bao nhiêu phần trăm vốn điều lệ của công ty. 

Công ty cổ phần

Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó: 

Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần.

Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa; Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp.

Cách thành lập/góp vốn/mua cổ phần: 

  • Thành lập công ty cổ phần 100% vốn nước ngoài. Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phần, trái phiếu và các loại chứng khoán khác của công ty.
  • Nhà đầu tư mua cổ phần phát hành lần đầu, cổ phần phát hành thêm của Công ty cổ phần hoặc mua lại cổ phần của công ty cổ phần từ cổ đông trong trong ty.

Doanh nghiệp tư nhân

Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.

Vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân do chủ doanh nghiệp tự đăng ký. Chủ doanh nghiệp tư nhân có nghĩa vụ đăng ký chính xác tổng số vốn đầu tư, trong đó nêu rõ số vốn bằng Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng và tài sản khác; đối với vốn bằng tài sản khác còn phải ghi rõ loại tài sản, số lượng và giá trị còn lại của mỗi loại tài sản.

Tuy nhiên, do pháp luật Việt Nam hiện hành chưa có quy định cụ thể về việc đầu tư vào hình thức doanh nghiệp tư nhân cho nên rất ít nhà đầu tư lựa chọn để tránh nhiều rủi ro có thể xảy ra.

Do khái niệm tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là các tổ chức có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông nên hai loại hình công ty cổ phần và công ty TNHH được ưa chuộng hơn so với doanh nghiệp tư nhân.

Công ty Hợp danh

Công ty hợp danh là doanh nghiệp, trong đó: Phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh). Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn; Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty.

Cách thành lập/góp vốn: 

  • Thành lập công ty hợp danh 100% vốn nước ngoài. 
  • Mua phần vốn góp của thành viên góp vốn trong công ty hợp danh để trở thành thành viên góp vốn của công ty.

Thủ tục thành lập mới doanh nghiệp/Góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài

Thành lập mới doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

Góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào doanh nghiệp Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài

  • Bước 1: Thực hiện thủ tục đăng ký Góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp với cơ quan đăng ký đầu tư; Thời gian: 15 ngày làm việc.
  • Bước 2: Thực hiện thủ tục thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký kinh doanh; Thời gian: 03 ngày làm việc.

Trên đây là toàn bộ các vấn đề cơ bản về “Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và Các loại hình doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Có thể thấy, về cơ bản, pháp luật Việt Nam không có sự phân biệt giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài khi lựa chọn loại hình doanh nghiệp thành lập, mà hoàn toàn do nhà đầu tư tự cân nhắc và quyết định loại hình doanh nghiệp cũng như cách thức tiến hành đầu tư vào Việt Nam.

Xem thêm: Các ngành nghề ưu đãi đầu tư tại Việt Nam

Để được tư vấn miễn phí một cách toàn diện, Quý khách liên hệ:

Công ty Luật TNHH Siglaw (Siglaw Firm)

Trụ sở chính: Số 44/A32 – NV13, Khu A Glexemco, đường Lê Trọng Tấn, An Khánh, Hoài Đức, Tp.Hà Nội.

Hotline: 0961 366 238

Chi nhánh: A9.05 Block A, Tòa Sky Center, số 5B đường Phổ Quang, Phường 2, Quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh.

Căn cứ pháp lý

Tư vấn miễn phí: 0961 366 238