Với hơn 3000km đường biển, khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, nhiều nơi có nguồn gió dồi dào, ổn định, Việt Nam là đất nước có tiềm năng rất lớn để phát triển điện gió – nguồn năng lượng sạch, bền vững. Cùng với lộ trình phát triển điện gió mà chính phủ đã xây dựng, cộng thêm các cơ chế ưu đãi cho Nhà đầu tư trong hoạt động đầu tư phát triển năng lượng điện gió, Việt Nam sẽ là miền đất hứa cho các Nhà đầu tư.
Bài viết dưới đây công ty luật Siglaw sẽ tư vấn về hoạt động đầu tư dự án điện gió – những khó khăn, thuận lợi và thủ tục cần biết.
Những khó khăn khi đầu tư dự án điện gió
Thứ nhất, khó khăn về địa hình ở nước ta: Các dự án điện gió ở vùng đất bãi bồi ven biển có địa hình, địa chất tương đối phức tạp và chịu ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt như mưa, bão, sóng to, gió lớn, kết hợp với chế độ thủy triều không ổn định sẽ dẫn đến nhiều thách thức trong quá trình thi công lắp đặt thiết bị;
Thứ hai, khó khăn liên quan đến thị trường tiêu thụ: điện gió là điện năng chỉ được tạo ra khi có gió và công suất phát ra thay đổi theo mức gió. Vùng thuận lợi cho đặt nhà máy cũng thường cách xa vùng tiêu thụ, gây khó khăn rất lớn trong công tác vận hành, ổn định hệ thống; khó khăn về nhập khẩu các thiết bị, thiếu chuyên gia nước ngoài phối hợp kỹ thuật.
Thứ ba, khó khăn liên quan đến giải phóng mặt bằng: Quy trình về bồi thường và giải phóng mặt bằng của các dự án điện gió trên bờ có khá nhiều khó khăn, trong khi với các dự án điện gió ngoài khơi, vấn đề lại ở chỗ thiếu quy định về khoảng cách từ bờ tới vị trí dự án. Thủ tục giao khu vực biển của dự án cũng phức tạp.
Đối với dự án điện gió trên đất liền, chi phí liên quan đến bồi thường đất và làm đường có thể chiếm tới 3% tổng mức đầu tư dự toán. Nhiều chủ đầu tư cho rằng, giá đền bù, hỗ trợ đang được đẩy lên mức rất cao, vượt khả năng chi trả của họ.
Thứ tư, khó khăn liên quan đến nguồn lao động: Việt Nam thiếu nguồn lao động chất lượng cao, cũng như tình trạng chậm phát triển của những ngành công nghiệp phụ trợ, gây khó khăn cho các nhà đầu tư dự án điện gió khi phải đào tạo nguồn nhân lực và thực hiện việc chuyển giao công nghệ.
Thứ năm, khó khăn liên quan đến Công tác vận chuyển vật tư thiết bị: Vận tải các vật tư, thiết bị điện gió đến công trường dự án có đặc điểm phần lớn là loại thiết bị siêu trường, siêu trọng. Trong điều kiện đường sá Việt Nam, công đoạn này còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt với các công trình trên Tây Nguyên và các tỉnh miền núi khu vực miền Trung, vận chuyển thiết bị phải vượt đèo, núi, độ dốc lớn và các cung đường hẹp.
Thứ sáu, khó khăn về cơ chế chính sách: Mặc dù Việt Nam là một nước có tiềm năng lớn về nguồn năng lượng gió, nhưng cho đến nay, số các dự án thực hiện còn rất ít do thiếu các chính sách đủ mạnh, đồng bộ, bao gồm từ điều tra, đánh giá tiềm năng đến khai thác và sử dụng.
Những lợi thế khi đầu tư phát triển dự án điện gió tại Việt Nam
Thứ nhất, lợi thế về tiềm năng: Việt Nam nằm ở vị trí địa lý và điều kiện khí hậu thuận lợi, được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn để phát triển điện gió ngoài khơi. Theo Ngân hàng Thế giới (WB) và Cơ quan Năng lượng Đan Mạch, với bờ biển dài và tiềm năng gió dồi dào, điện gió Việt Nam có tiềm năng ước đạt 475GW, trong đó tiềm năng kỹ thuật khoảng 160GW.
Thứ hai, đối với điện gió ngoài khơi, rất nhiều lợi thế phát triển: Năng lượng gió ngoài khơi là một nguồn năng lượng tái tạo có triển vọng phát triển lớn, có thể lắp đặt các trang trại điện gió ngoài khơi trên vùng biển rộng lớn. Tốc độ gió trên đại dương thường ổn định và mạnh hơn trên đất liền, nên ưu điểm chính của năng lượng gió ngoài khơi là khả năng tạo ra điện cao hơn so với năng lượng gió trên bờ.
Thêm nữa là các địa điểm ngoài khơi để triển khai trang trại điện gió không bị giới hạn, đồng thời ít hoặc không xảy ra xung đột với cộng đồng cư dân. Với việc đầu tư vào hệ thống truyền tải cũng như điều độ thông minh, điện gió hoàn toàn có thể trở thành nguồn chủ đạo của hệ thống năng lượng Việt Nam trong tương lai, qua đó giảm lệ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu.
Thứ ba, về cơ chế hỗ trợ phát triển dự án điện gió: Nhà nước ta đưa ra nhất nhiều cơ chế hỗ trợ liên quan đến thuế, đất đai, bao đầu ra cho hoạt động sản xuất (sẽ được trình bày chi tiết bên dưới).
Những tỉnh/thành thu hút các nhà đầu tư nhiều nhất trong hoạt động đầu tư điện gió
Quảng Trị, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Bến Tre,…là những tỉnh hiện nay đang thu hút các nhà đầu tư phát triển dự án điện gió.
Tiêu biểu là Dự án Nhà máy điện gió Ea Nam nằm trên diện tích 600 ha thuộc các xã Ea Nam, Ea Khal và Dliê Yang (huyện Ea H’leo), có tổng mức đầu tư trên 16.500 tỷ đồng, sản lượng điện ước tính đạt 1,1 tỷ kWh/năm do Công ty cổ phần điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 làm chủ đầu tư. Đây là dự án điện gió trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk và là dự án điện gió lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Những khu vực có nhiều tiềm năng khai thác năng lượng gió gồm có Bình Thuận, Ninh Thuận, Tây Nguyên, dãy núi Hoàng Liên Sơn, đảo Phú Quý, Trường Sa, Bạch Long Vĩ… Khi xét cả điều kiện địa hình, thời tiết, khí hậu thì miền Trung là nơi thích hợp với sản xuất điện gió tập trung chủ yếu ở các tỉnh Quảng Bình, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận…
Những chính sách ưu đãi của Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài phát triển dự án điện gió
Trách nhiệm mua điện từ các dự án điện gió
Bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ điện năng được sản xuất từ các nhà máy điện gió nối lưới thuộc địa bàn do mình quản lý.
Ưu đãi về vốn và thuế
- Nhà đầu tư được huy động vốn dưới các hình thức pháp luật cho phép từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để đầu tư thực hiện các dự án điện gió;
- Các dự án điện gió được hưởng các ưu đãi theo quy định hiện hành về tín dụng đầu tư của Nhà nước;
- Dự án điện gió được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án, hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để phục vụ sản xuất của dự án;
- Thuế thu nhập doanh nghiệp: Dự án đầu tư điện gió được áp dụng các ưu đãi như đối với dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật;
Ưu đãi về hạ tầng đất đai
Các dự án điện gió và công trình đường dây và trạm biến áp để đấu nối với lưới điện quốc gia được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của pháp luật hiện hành áp dụng đối với dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư.
Ưu đãi về giá điện gió nối lưới
- Đối với các dự án điện gió trong đất liền: Giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 1.928 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương 8,5 Uscents/kWh, tỷ giá quy đổi giữa đồng Việt Nam và đồng Đô la Mỹ được tính theo tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố ngày 30 tháng 8 năm 2018 là 22.683 đồng/USD). Giá mua điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD;
- Đối với các dự án điện gió trên biển: Giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.223 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương 9,8 UScent/kWh, tỷ giá quy đổi giữa đồng Việt Nam và đồng Đô la Mỹ được tính theo tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố ngày 30 tháng 8 năm 2018 là 22.683 đồng/USD). Giá mua điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD.
Hồ sơ, thủ tục, quy trình đầu tư dự án điện gió
Bước 1: Xin Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư
Xin quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư tuy không phải là hoạt động đầu tiên trong quá trình triển khai đầu tư dự án điện gió, nhưng lại là bước rất quan trọng, là điều kiện cần phải đáp ứng để dự án được công nhận về mặt pháp lý và có thể tiến hành các bước đầu tư xây dựng phía sau.
- Dự án điện gió cần sự chấp thuận chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh (Điều 32 Luật Đầu tư 2020 và Điều 33 Nghị định 31/2021/NĐ-CP)
- a) Dự án đầu tư có đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, không thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư;
- b) Dự án đầu tư có đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất của hộ gia đình, cá nhân thuộc diện phải có văn bản chấp thuận của UBND cấp tỉnh theo quy định của pháp luật về đất đai;
- c) Dự án đầu tư có đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất không thuộc trường hợp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;
- d) Dự án đầu tư có đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất thuộc diện phải có văn bản cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đất đai, trừ trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân không thuộc diện chấp thuận của UBND cấp tỉnh theo quy định của pháp luật về đất đai.
- e) Dự án đầu tư điện gió của Nhà đầu tư nước ngoài có đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới; xã, phường, thị trấn ven biển; khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh
- Dự án điện gió cần sự chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng chính phủ (Điều 31 Luật Đầu tư 2020)
Dự án đầu tư phát triển điện gió đồng thời thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của từ 02 UBND cấp tỉnh trở lên sẽ do Thủ tướng chính phủ ra quyết định chấp thuận.
Hồ sơ xin Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư do Nhà đầu tư đề xuất
a) Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư, gồm cả cam kết chịu mọi chi phí, rủi ro nếu dự án không được chấp thuận;
b) Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư;
c) Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư gồm ít nhất một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu khác chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;
d) Đề xuất dự án đầu tư gồm các nội dung chủ yếu sau: nhà đầu tư, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm, thời hạn, tiến độ thực hiện, thông tin về hiện trạng sử dụng đất tại địa điểm thực hiện dự án và đề xuất nhu cầu sử dụng đất (nếu có), nhu cầu về lao động, đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án, đánh giá sơ bộ tác động môi trường (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Trường hợp pháp luật về xây dựng quy định lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thì nhà đầu tư được nộp báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thay cho đề xuất dự án đầu tư;
đ) Trường hợp dự án đầu tư không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc tài liệu khác xác định quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư;
e) Nội dung giải trình về công nghệ sử dụng trong dự án đầu tư đối với dự án thuộc diện thẩm định, lấy ý kiến về công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ;
g) Tài liệu khác liên quan đến dự án đầu tư, yêu cầu về điều kiện, năng lực của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật (nếu có).
Thời hạn giải quyết hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư
- Tối đa 65 ngày đối với các dự án cần sự chấp thuận của Thủ tướng chính phủ;
- Tối đa 40 ngày đối với các dự án cần sự chấp thuận của UBND cấp tỉnh.
Bước 2: Cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại Cơ quan đăng ký đầu tư (Điều 35 Nghị định 31/2021-NĐ-CP)
Sau khi nhận được Quyết định chấp thuận chủ trương của Thủ tướng chính phủ hoặc UBND cấp tỉnh, Cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Nhà đầu tư trong thời hạn 05 ngày làm việc.
Bước 3: Thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư thực hiện thành lập tổ chức kinh tế, thông qua thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh.
Hồ sơ thành lập doanh nghiệp
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp
- Điều lệ công ty
- Danh sách thành viên/ Danh sách cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài
- Bản sao các giấy tờ sau:
+ Giấy tờ chứng thực cá nhân của thành viên là cá nhân (CCCD; CMND hoặc hộ chiếu còn hiệu lực);
+ Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương khác của tổ chức và văn bản ủy quyền; Giấy tờ chứng thực cá nhân của thành viên là cá nhân (CCCD; CMND hoặc hộ chiếu) của người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức
(Thành viên là tổ chức nước ngoài: Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương phải được hợp pháp hóa lãnh sự)
- Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
Thời gian: 5-7 ngày làm việc cho Doanh nghiệp.
Bước 4: Thực hiện các thủ tục về xây dựng, đất đai, phòng cháy chữa cháy, môi trường của Dự án điện gió
Dịch vụ tư vấn đầu tư dự án điện gió của công ty luật Siglaw
Khi sử dụng dịch vụ tư vấn đầu tư dự án điện gió của Siglaw quý khách hàng sẽ được hỗ trợ chi tiết các vấn đề sau:
- Miễn phí tư vấn về hợp đồng, quy định về pháp luật doanh nghiệp, pháp luật đầu tư dự án điện gió
- Miễn phí tư vấn các vấn đề liên quan đến tuyển dụng, sử dụng lao động nước ngoài, cư trú của của người nước ngoài theo đúng quy định pháp luật Việt Nam.
- Ưu đãi tư vấn thường xuyên và giải đáp các vấn đề liên quan đến thuế: Thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp… tại thời điểm tư vấn của dự án đầu tư FDI vào lĩnh vực năng lượng điện gió.
- … Và nhiều giá trị gia tăng khác vượt trên sự kỳ vọng của khách hàng!
Trên đây là tư vấn của Công ty Luật Siglaw Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, hãy liên hệ
Trụ sở chính tại Tp. Hà Nội: Số 44/A32 – NV13, Khu A Glexemco, đường Lê Trọng Tấn, An Khánh, Hoài Đức, Tp.Hà Nội.
Email: vphn@siglaw.com.vn
Chi nhánh tại miền Nam: A9.05 Block A, Tòa Sky Center, số 5B đường Phổ Quang, Phường 2, Quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh.
Chi nhánh miền Trung: 177 Trưng Nữ Vương, Quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Email: vphcm@siglaw.com.vn
Hotline: 0961 366 238
Facebook: https://www.facebook.com/hangluatSiglaw