Thủ tục pháp lý trong triển khai dự án năng lượng tái tạo

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió, với nhiều dự án quy mô lớn đã và đang được triển khai. Việt Nam đặt mục tiêu tăng sản lượng điện từ năng lượng tái tạo lên 186 tỷ kWh vào năm 2030 và theo Quy hoạch điện VIII, mục tiêu cũng đến năm 2030, năng lượng tái tạo (NLTT) sẽ chiếm tỷ trọng hơn 30% tổng công suất lắp đặt toàn quốc, đồng thời cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 (Net-zero) vào năm 2050.

Tỷ trọng sản lượng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo (bao gồm điện mặt trời, điện gió, năng lượng sinh khối và thủy điện) đã tăng lên nhanh chóng trong những năm qua, đóng góp vào cơ cấu nguồn điện quốc gia. Năm 2021, công suất điện gió tăng mạnh, từ 540MW lên khoảng 4.000MW, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có tốc độ phát triển điện gió thứ hai trong khu vực (sau Trung Quốc). Về điện mặt trời, đặc biệt là điện mặt trời mái nhà và điện mặt trời trang trại, cũng phát triển mạnh mẽ, đóng góp đáng kể vào tổng công suất nguồn điện tái tạo.

Thủ tục pháp lý khi triển khai dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam

Thủ tục pháp lý trong triển khai dự án năng lượng tái tạo
Thủ tục pháp lý trong triển khai dự án năng lượng tái tạo

Khảo sát, xin chủ trương đầu tư

Đây là giai đoạn nền tảng của dự án năng lượng tái tạo. Khảo sát không chỉ đơn thuần là thu thập dữ liệu mà là quá trình đánh giá toàn diện, sâu rộng để xác định tính khả thi và tiềm năng của dự án. Giai đoạn này bắt đầu bằng việc đánh giá chi tiết tài nguyên tại địa điểm dự kiến – với điện mặt trời là bức xạ mặt trời, địa hình; với điện gió là tiềm năng gió qua dữ liệu đo đạc.

Song song đó, khảo sát địa điểm xem xét địa chất, địa hình, khả năng tiếp cận và vận chuyển thiết bị. Một phần không thể thiếu là khảo sát đấu nối lưới điện, nhằm xác định điểm đấu nối, khả năng giải tỏa công suất của lưới điện hiện hữu và chi phí liên quan. Cuối cùng, nghiên cứu thị trường và pháp lý giúp đảm bảo dự án năng lượng tái tạo phù hợp với các quy hoạch và chính sách hiện hành.

Sau khi có báo cáo nghiên cứu khả thi vững chắc, bước tiếp theo là xin chủ trương đầu tư, một chấp thuận ban đầu từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Là giấy phép hợp thức hóa ý tưởng dự án.

Thẩm quyền quyết định phụ thuộc vào quy mô và tính chất của dự án năng lượng tái tạo: Quốc hội (cho dự án quan trọng quốc gia), Thủ tướng Chính phủ (cho dự án lớn, chuyển đổi đất quy mô lớn, hoặc dự án có vốn đầu tư nước ngoài thuộc diện phải xin của Thủ tướng), hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (cho phần lớn các dự án còn lại).

Thủ tục đăng ký đầu tư

Việc đăng ký đầu tư cho dự án năng lượng tái tạo là một quy trình chặt chẽ, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật liên tục thay đổi của Việt Nam. Để một dự án năng lượng tái tạo chính thức được triển khai tại Việt Nam, nhà đầu tư cần hoàn thành thủ tục đăng ký đầu tư, và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là một văn bản pháp lý then chốt, xác nhận dự án năng lượng tái tạo đã được cơ quan nhà nước chấp thuận và đủ điều kiện hoạt động, đồng thời là cơ sở để nhà đầu tư hưởng các ưu đãi đầu tư theo quy định.

Quy trình đăng ký đầu tư thường gắn liền với thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, đặc biệt đối với phần lớn các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn hoặc có vốn đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư phải chuẩn bị hồ sơ đề xuất dự án đầu tư đầy đủ và chi tiết, bao gồm báo cáo nghiên cứu khả thi phân tích sâu về mọi khía cạnh kỹ thuật, tài chính, môi trường, xã hội, cũng như sự phù hợp với quy hoạch điện VIII và các quy hoạch liên quan.

Hồ sơ này, cùng với các tài liệu chứng minh năng lực pháp lý và tài chính của nhà đầu tư sẽ nộp có cơ quan nhà nước có thẩm quyền để chờ được xét duyệt. Đáng chú ý, hầu hết các dự án năng lượng tái tạo sử dụng đất đều phải thực hiện nghĩa vụ ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án, một khoản tiền nhất định (thường từ 1% đến 3% tổng vốn đầu tư) được gửi vào tài khoản phong tỏa để đảm bảo nhà đầu tư thực hiện đúng cam kết và tiến độ dự án.

Thủ tục về đất đai và môi trường

Các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió, thường có yêu cầu về diện tích đất lớn. Quy trình đất đai bắt đầu bằng việc xin chấp thuận địa điểm từ cấp tỉnh, đảm bảo sự phù hợp với các quy hoạch sử dụng đất hiện hành.

Sau đó, nhà đầu tư phải lập hồ sơ đề xuất nhu cầu sử dụng đất chi tiết, đặc biệt lưu ý các quy định về suất đầu tư và hạn chế sử dụng đất lúa, đất rừng. Nếu dự án năng lượng tái tạo cần chuyển đổi mục đích sử dụng đất (ví dụ từ đất nông nghiệp sang đất năng lượng), đây sẽ là một thủ tục phức tạp và tốn thời gian, yêu cầu sự chấp thuận từ cấp có thẩm quyền, tùy theo quy mô và loại đất.

Trong trường hợp đất đang thuộc quyền sử dụng của các tổ chức, cá nhân khác, dự án sẽ phải thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định của pháp luật.

Sau khi hoàn tất các bước trên và giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư sẽ được giao đất hoặc cho thuê đất từ Nhà nước, đồng thời thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính về đất đai (tiền thuê đất, thuế) và được hưởng các ưu đãi miễn, giảm nếu có.

Lưu ý, đối với các dự án năng lượng điện gió ngoài khơi, một thủ tục đặc thù là xin quyết định giao khu vực biển. Cuối cùng dự án sẽ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xác lập quyền sử dụng đất hợp pháp. Bên cạnh thủ tục về đất, thủ tục về môi trường cũng cần quan tâm. Mặc dù được coi là “năng lượng sạch”, các dự án năng lượng tái tạo vẫn có tác động đến môi trường và phải tuân thủ Luật Bảo vệ môi trường.

Thủ tục cốt lõi là lập báo cáo đánh giá tác động môi trường , phân tích, dự báo các tác động tích cực và tiêu cực của dự án năng lượng tái tạo trong suốt vòng đời (từ xây dựng đến vận hành và tháo dỡ), đồng thời đề xuất các biện pháp giảm thiểu và chương trình quản lý, giám sát môi trường.

Trong quá trình vận hành, nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện quan trắc môi trường định kỳ và báo cáo kết quả. Khi dự án năng lượng tái tạo kết thúc vòng đời, nhà đầu tư còn phải có trách nhiệm thực hiện tháo dỡ và phục hồi môi trường theo phương án đã được duyệt.

Thủ tục xây dựng và cấp phép điện lực

Nhà đầu tư cần được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 hoặc quy hoạch tổng mặt bằng, xác định bố cục không gian, hạ tầng kỹ thuật của toàn bộ nhà máy.

Sau đó là quá trình thẩm định thiết kế xây dựng qua các bước thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật và thiết kế bản vẽ thi công, đảm bảo công trình tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn và an toàn. Một phần không thể thiếu là thẩm duyệt và nghiệm thu hệ thống phòng cháy chữa cháy, một yêu cầu nghiêm ngặt cho các nhà máy điện.

Nhà đầu tư sẽ tiến hành xin cấp giấy phép xây dựng – điều kiện bắt buộc trước khi khởi công và khi công trình hoàn thành, cần thực hiện nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng và thủ tục hoàn công để xác nhận việc xây dựng đúng quy định.

Song song với quá trình xây dựng, nhà đầu tư phải tiến hành các thủ tục liên quan đến điện lực để đảm bảo khả năng hòa lưới và bán điện. Trước hết là thỏa thuận đấu nối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), xác định điểm và phương án kết nối dự án năng lượng vào lưới điện quốc gia.

Tiếp theo là việc ký kết Hợp đồng mua bán điện, một bước cực kỳ quan trọng, quy định các điều khoản về giá điện, sản lượng, thời hạn hợp đồng.

Cuối cùng, trước khi nhà máy phát điện thương mại, nhà đầu tư phải xin cấp Giấy phép Hoạt động Điện lực, chứng minh năng lực vận hành và tuân thủ các quy định chuyên ngành. Sau khi được cấp phép và hoàn tất vận hành thử nghiệm, nhà máy sẽ được EVN xác nhận ngày vận hành thương mại, chính thức bắt đầu quá trình sản xuất và bán điện.

Khó khăn pháp lý thường gặp khi triển khai dự án năng lượng tái tạo

Việc triển khai dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam, dù tiềm năng lớn song vẫn đối mặt với các khó khăn pháp lý sẽ gây trở ngại lớn cho nhà đầu tư, cụ thể như sau:

  • Tính không ổn định của Cơ chế giá điện và Hợp đồng mua bán điện: là rào cản hàng đầu về tài chính và pháp lý. Việc cơ chế giá đã kết thúc mà chưa có một khung giá ổn định, minh bạch và đủ hấp dẫn thay thế (như đấu thầu, đấu giá) tạo ra sự không chắc chắn cực lớn cho dòng tiền và khả năng hoàn vốn của dự án năng lượng tái tạo. Hơn nữa, các điều khoản hợp đồng hiện hành vẫn còn một số vấn đề  chưa đạt chuẩn quốc tế làm tăng rủi ro cho nhà đầu tư, khiến việc huy động vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế trở nên khó khăn.
  • Hạ tầng lưới điện chưa đồng bộ và vấn đề giải tỏa công suất: dù tiềm năng dồi dào, hạ tầng lưới điện ở các khu vực tiềm năng thường yếu kém và chưa được nâng cấp kịp thời. Có thể dẫn đến tình trạng quá tải lưới điện và việc cắt giảm công suất phát lên lưới của các nhà máy đã vận hành. Việc này trực tiếp làm giảm đáng kể doanh thu và lợi nhuận của dự án năng lượng tái tạo, gây ảnh hưởng đến khả năng trả nợ vay và tính khả thi tài chính tổng thể, tạo ra rủi ro vận hành lớn.
  • Thủ tục hành chính phức tạp, chồng chéo và thiếu đồng bộ quy hoạch: từ việc xin chấp thuận chủ trương đầu tư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, đến các giấy phép xây dựng, môi trường, và đặc biệt là sự thiếu đồng bộ giữa các cấp quy hoạch (điện, đất đai), tất cả đều có thể kéo dài thời gian triển khai dự án một cách đáng kể.

Quý khách hàng cần được tư vấn về Thủ tục pháp lý trong triển khai dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam xin vui lòng liên hệ: Công ty Luật Siglaw

Trụ sở chính: Số 44/A32 – NV13, Khu A Geleximco, đường Lê Trọng Tấn, An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội.

Hotline: 0961 366 238 

Email: vphn@siglaw.com.vn

Chi nhánh: 6G4 Trần Não, An Khánh, Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh.

Văn phòng đại diện tại Đà Nẵng: 177 Trưng Nữ Vương, Quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng.

Tư vấn miễn phí: 0961 366 238