Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, hiện nay ngày càng có nhiều các giống cây trồng mới được tạo ra với mục đích nhằm tăng năng suất của người lao động. Trong đó quyền đối với giống cây trồng được tạo ra thuộc đối tượng luật sở hữu trí tuệ bảo hộ. Tuy nhiên trên thực tế hiện nay vẫn nhiều người chưa nắm rõ quy định của pháp luật về quyền đối với giống cây dẫn đến vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ. Tại nội dung bài viết dưới đây, Công ty Luật Siglaw xin gửi tới bạn đọc nội dung liên quan đến “Thủ tục bảo hộ giống cây rồng”
Điều kiện bảo hộ đối với giống cây trồng
Giống cây trồng được bảo hộ phải là giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển, có tính mới, tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định và có tên phù hợp. Cụ thể như sau:
(1) Có tính mới: nếu vật liệu nhân giống hoặc sản phẩm thu hoạch của giống cây trồng đó chưa được người có quyền đăng ký (xem tại Mục 3.1) hoặc người được phép của người đó bán hoặc phân phối bằng cách khác nhằm mục đích khai thác giống cây trồng trên lãnh thổ Việt Nam trước ngày nộp đơn đăng ký 01 năm hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam trước ngày nộp đơn đăng ký 06 năm đối với giống cây trồng thuộc loài thân gỗ và cây leo thân gỗ, 04 năm đối với giống cây trồng khác.
(2) Có tính khác biệt: có nghĩa là giống cây trồng phải có khả năng phân biệt rõ ràng với các giống cây trồng khác được biết đến rộng rãi tại thời điểm nộp đơn hoặc ngày ưu tiên nếu đơn được hưởng quyền ưu tiên.
Giống cây trồng được biết đến rộng rãi là giống cây trồng cây trồng thuộc một trong các trường hợp sau:
– Giống cây trồng mà vật liệu nhân giống hoặc vật liệu thu hoạch của giống đó được sử dụng một cách rộng rãi trên thị trường ở bất kỳ quốc gia nào tại thời điểm nộp đơn đăng ký bảo hộ;
– Giống cây trồng đã được bảo hộ hoặc đưa vào Danh mục giống cây trồng ở bất kỳ quốc gia nào;
– Giống cây trồng là đối tượng trong đơn đăng ký bảo hộ hoặc đơn đăng ký vào Danh mục giống cây trồng ở bất kỳ quốc gia nào, nếu các đơn này không bị từ chối.
Trong đó, Danh mục giống cây trồng nêu trên bao gồm Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành; giống cây trồng được công nhận lưu hành, công nhận lưu hành đặc cách, tự công bố lưu hành, công nhận chính thức; Danh mục giống cây trồng lâm nghiệp tại Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành và danh mục giống cây trồng ở các quốc gia khác.
(3) Có tính đồng nhất: nếu giống cây trồng đó có sự biểu hiện như nhau về các tính trạng liên quan, trừ những sai lệch trong phạm vi cho phép đối với một số tính trạng cụ thể trong quá trình nhân giống.
(4) Có tính ổn định: nếu các tính trạng liên quan của giống cây trồng đó vẫn giữ được các biểu hiện như mô tả ban đầu, không bị thay đổi sau mỗi vụ nhân giống hoặc sau mỗi chu kỳ nhân giống trong trường hợp nhân giống theo chu kỳ.
(5) Có tên phù hợp: nếu tên đó có khả năng dễ dàng phân biệt được với tên của các giống cây trồng khác được biết đến rộng rãi trong cùng một loài hoặc loài tương tự.
Tên của giống cây trồng không được coi là phù hợp trong các trường hợp sau đây:
– Chỉ bao gồm các chữ số, trừ trường hợp chữ số liên quan đến đặc tính hoặc sự hình thành giống đó hoặc bao gồm cả tên loài của giống cây trồng đó;
– Vi phạm đạo đức xã hội;
– Dễ gây hiểu nhầm về các đặc trưng, đặc tính, giá trị của giống đó;
– Dễ gây hiểu nhầm về danh tính của tác giả;
– Trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước ngày công bố đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng;
– Ảnh hưởng đến quyền đã có trước của tổ chức, cá nhân khác.
Lưu ý: Tổ chức, cá nhân đăng ký quyền đối với giống cây trồng phải đề xuất một tên phù hợp cho giống cây trồng với cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng, tên đó phải trùng với tên đã đăng ký bảo hộ ở bất kỳ quốc gia thành viên nào của Hiệp hội quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới và quốc gia có ký kết thỏa thuận với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về bảo hộ giống cây trồng.
Quy trình thủ tục đăng ký bảo hộ giống cây trồng
Căn cứ theo quy định tại Nghị định số 79/2023/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2023 và Quyết Định số 4953/QĐ-BNN-TT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22 tháng 11 năm 2023 thì thủ tục đăng ký bảo hộ giống cây trồng tại Việt Nam đã có những thay đổi đáng kể, cụ thể thủ tục đăng ký bảo hộ giống cây trồng sẽ như sau:
Hồ sơ đăng ký bảo hộ giống cây trồng
Căn cứ Điều 174 Luật sở hữu trí tuệ quy định về hồ sơ đăng ký bảo hộ giống cây trồng như sau:
Để tiến hành đăng ký bảo hộ đối với giống cây trồng chủ thể có quyền cần chuẩn bị hồ sơ gồm những giấy tờ, tài liệu sau đây:
– Tờ khai đăng ký theo mẫu
– Ảnh chụp và tờ khai kỹ thuật theo mẫu
– Các giấy tờ chứng minh quyền ưu tiên, quyền đăng ký
– Giấy ủy quyền (nếu đại diện thực hiện thủ tục)
– Chứng từ nộp phí và lệ phí
Lưu ý: một đơn đăng ký chỉ được đăng ký bảo hộ cho một giống cây trồng
Thủ tục đăng ký bảo hộ giống cây trồng
Đối với chủ thể tiến hành đăng ký bảo hộ giống cây trồng khác nhau thì cách thức nộp đơn được pháp luật quy định cũng khác nhau:
– Tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài có địa chỉ thường trú tại Việt Nam hoặc có cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng tại Việt Nam nộp đơn đăng ký quyền đối với giống cây trồng (sau đây gọi là đơn đăng ký bảo hộ) trực tiếp hoặc thông qua đại diện hợp pháp tại Việt Nam.
– Tổ chức, cá nhân nước ngoài không có địa chỉ thường trú tại Việt Nam hoặc không có cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng tại Việt Nam nộp đơn đăng ký bảo hộ thông qua đại diện hợp pháp tại Việt Nam.
Bước 1: Cá nhân, tổ chức tiến hành đăng ký nộp 01 bộ hồ sơ như nêu trên tới Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Bước 2: Cơ quan tiếp nhận sẽ tiến hành thẩm định hình thức và nội dung đơn yêu cầu và đưa ra quyết định cấp hoặc không cấp bằng bảo hộ.
Thẩm định về hình thức được hiểu là việc xem xét, kiểm tra các tài liệu kèm theo đơn và tính hợp lệ của đơn theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và văn bản hướng dẫn. Nếu đơn không phù hợp, tùy vào từng trường hợp đơn yêu cầu sẽ bị từ chối hoặc sửa đổi, bổ sung.
Thẩm định về nội dung: Nếu đơn đáp ứng các yêu cầu thẩm định về hình thức thì đơn yêu cầu sẽ được thẩm định về mặt nội dung. Thẩm định về mặt nội dung là quá trình cơ quan nhà nước có thẩm xem xét giống cây trồng được đăng ký có đáp ứng được các điều kiện bảo hộ theo quy định của pháp luật hay không.
Nếu giống cây trồng đáp ứng điều kiện bảo hộ thì cơ quan bảo hộ giống cây trồng trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn ký quyết định cấp văn bằng bảo hộ giống cây trồng và công bố tạp chí chuyên ngành về giống cây trồng
Trên đây là nhũng thông tin quan trọng cần nắm bắt về thủ tục bảo hộ giống cây trồng. Để biết thêm thông tin về dịch vụ tư vấn những vấn đề pháp luật, vui lòng liên hệ với công ty luật Siglaw:
Trụ sở chính tại Tp. Hà Nội: Số 44/A32 – NV13, Khu A Glexemco, đường Lê Trọng Tấn, An Khánh, Hoài Đức, Tp.Hà Nội.
Email: vphn@siglaw.com.vn
Chi nhánh tại miền Nam: A9.05 Block A, Tòa Sky Center, số 5B đường Phổ Quang, Phường 2, Quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh.
Chi nhánh miền Trung: 177 Trưng Nữ Vương, Quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Email: vphcm@siglaw.com.vn
Hotline: 0961 366 238
Facebook: https://www.facebook.com/hangluatSiglaw