Hiện nay, pháp luật Việt Nam không có quy định cụ thể về việc người lao động nước ngoài có phải thử việc ở Việt Nam hay không mà chỉ quy định chung về thử việc. Tuy nhiên, vì người lao động nước ngoài cũng là một trong những đối tượng chịu sự điều chỉnh của Bộ Luật Lao động Việt Nam 2019 nên có thể nói rằng người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam cũng thuộc đối tượng có thể tham gia thử việc trước khi tiến tới làm việc chính thức.
Thử việc là gì?
“Thử việc” là thuật ngữ sử dụng trong quan hệ lao động. Thử việc, theo bản chất, là một thỏa thuận tự nguyện giữa nhà tuyển dụng và người lao động, đại diện cho quá trình đánh giá và kiểm tra một cách tương đối của cả hai bên trước khi ký kết hợp đồng lao động chính thức.
Trong giai đoạn thử việc, nhân viên mới tham gia làm việc trong một khoảng thời gian nhất định. Quá trình này mang lại cơ hội cho cả nhà tuyển dụng và người lao động đánh giá và đối chiếu thông tin về năng lực, trình độ, ý thức làm việc, điều kiện lao động, cũng như điều kiện sử dụng lao động. Điều này giúp xác định xem người lao động có phù hợp với công việc và môi trường làm việc hay không, đồng thời cho phép nhà tuyển dụng đánh giá hiệu suất làm việc và đối chiếu với mong đợi của họ.
Có thể nói, thời gian thử việc không chỉ là cơ hội để nhận biết mối quan hệ làm việc có thể phát triển đến giai đoạn chính thức mà còn là dịp để cả hai bên tự đánh giá và xác định liệu họ có thể hài lòng với nhau hay không, từ đó đưa ra quyết định về việc ký kết hợp đồng lao động chính thức.
Mặc dù thử việc có tính chất thử nghiệm, nhưng nó phải tuân theo các quy định được đề ra theo quy định pháp luật và các cam kết trong hợp đồng thử việc để đảm bảo quyền lợi và bảo vệ cho cả người lao động và công ty.
Người lao động nước ngoài có cần thử việc ở Việt Nam không?
Pháp luật VN không quy định cụ thể về thử việc đối với người lao động nước ngoài nhưng cần chú ý rằng, căn cứ khoản 3 Điều 11 Nghị định 152/2020/NĐ-CP:
Đối với người lao động nước ngoài theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 Nghị định này, sau khi người lao động nước ngoài được cấp giấy phép lao động thì người sử dụng lao động và người lao động nước ngoài phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản theo quy định của pháp luật lao động Việt Nam trước ngày dự kiến làm việc cho người sử dụng lao động.
Người sử dụng lao động phải gửi hợp đồng lao động đã ký kết theo yêu cầu tới cơ quan có thẩm quyền đã cấp giấy phép lao động đó. Hợp đồng lao động là bản gốc hoặc bản sao có chứng thực.”
Như vậy, Lao động nước ngoài muốn làm việc tại Việt Nam trước tiền phải có Giấy phép lao động, sau đó người sử dụng lao động sẽ tiến hành ký hợp đồng lao động bằng văn bản với lao động nước ngoài đó. Trong trường hợp, muốn có thời gian thử việc thì Công ty có thể thêm điều khoản thử việc vào trong hợp đồng lao động với người lao động nước ngoài chứ không được thỏa thuận thử việc với người lao động nước ngoài bằng hình thức ký hợp đồng thử việc như đối với lao động Việt Nam.
Những quy định về thử việc người lao động nước ngoài cần biết
Người lao động nước ngoài được làm việc tại Việt Nam
Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam là người có quốc tịch nước ngoài và phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Đủ 18 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
- Có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề, kinh nghiệm làm việc; có đủ sức khỏe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;
- Không phải là người đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích hoặc đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc pháp luật Việt Nam;
- Có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp, trừ trường hợp quy định tại Điều 154 của Bộ luật này.
Nội dung thử việc
Trong thỏa thuận thử việc, các bên phải thỏa thuận các nội dung sau:
- Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;
- Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số giấy tờ pháp lý của người lao động nước ngoài
- Phạm vi Công việc và địa điểm làm việc của người lao động nước ngoài;
- Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;
- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
- Thời gian thử việc kéo dài bao lâu
Cần chú ý rằng, với hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng thì sẽ không áp dụng thử việc
Thời gian thử việc
Người lao động nước ngoài và bên sử dụng lao động có thể thỏa thuận thời gian thử việc phù hợp khi xem xét tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng sẽ chỉ được thử việc một lần đối với một công việc và bảo đảm thời gian đáp ứng điều kiện:
- Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;
- Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;
- Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;
- Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác.
Để được tư vấn cụ thể quý khách hàng vui lòng thể liên hệ với Công ty luật Siglaw để được giải đáp nhanh nhất và chi tiết nhất:
Trụ sở chính tại Tp. Hà Nội: Số 44/A32 – NV13, Khu A Glexemco, đường Lê Trọng Tấn, An Khánh, Hoài Đức, Tp.Hà Nội.
Email: vphn@siglaw.com.vn
Chi nhánh tại miền Nam: A9.05 Block A, Tòa Sky Center, số 5B đường Phổ Quang, Phường 2, Quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh.
Chi nhánh miền Trung: 177 Trưng Nữ Vương, Quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Email: vphcm@siglaw.com.vn
Hotline: 0961 366 238
Facebook: https://www.facebook.com/hangluatSiglaw