Trong những năm gần đây, ngành dịch vụ massage đang trở thành một lĩnh vực kinh doanh hấp dẫn tại Việt Nam. Nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng tăng cao, kéo theo sự ra đời của nhiều cơ sở massage. Tuy nhiên, để hoạt động hợp pháp và bền vững, các chủ cơ sở cần phải nắm rõ quy định về giấy phép kinh doanh massage. Trong bài viết này, Công ty Luật Siglaw sẽ giúp bạn tìm hiểu những thông tin cần biết về Giấy phép kinh doanh massage.
Giấy phép kinh doanh massage là gì?
Giấy phép kinh doanh massage là một loại giấy phép do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực massage. Giấy phép này xác nhận rằng cơ sở kinh doanh massage đã đáp ứng đủ các điều kiện cần thiết về an toàn, vệ sinh, cũng như các yêu cầu về pháp lý để hoạt động trong lĩnh vực này. Có giấy phép kinh doanh massage không chỉ giúp bạn hoạt động hợp pháp mà còn tạo niềm tin cho khách hàng, khẳng định uy tín của cơ sở.
Điều kiện xin cấp giấy phép kinh doanh massage
Theo khoản 5 Điều 3 Nghị định 96/2016/NĐ-CP thì kinh doanh dịch vụ massage là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự và phạm vi quản lý. Như vậy, để kinh doanh dịch vụ massage, cơ sở cần có giấy phép chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.
Theo Điều 7 Nghị định 96/2016/NĐ-CP quy định điều kiện về an ninh, trật tự, cụ thể:
- Đã đăng ký, cấp phép thành lập doanh nghiệp;
- Người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh phải không thuộc một trong các trường hợp:
- Đối với người Việt Nam: Đã bị khởi tố hình sự; có tiền án về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc bị kết án trên 3 năm tù chưa được xóa án tích; đang tạm hoãn chấp hành hình phạt tù; đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ; đang bị quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc cấm kinh doanh theo quyết định của Tòa án; đang áp dụng biện pháp giáo dục tại địa phương; có quyết định xử lý hành chính đang chờ thi hành; đang nghiện ma túy; hoặc tạm hoãn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục hoặc cai nghiện bắt buộc;
- Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu nước ngoài và người nước ngoài: Chưa được cấp phép cư trú của cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam;
- Đủ điều kiện về an toàn phòng cháy và chữa cháy.
Thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh massage
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ xin Giấy phép kinh doanh massage
Để mở cơ sở kinh doanh dịch vụ massage, cá nhân, tổ chức cần chuẩn bị 01 hồ sơ bao gồm:
Đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ massage mô hình hộ kinh doanh:
- Giấy đề nghị thành lập hộ kinh doanh;
- Thông tin đăng ký hộ kinh doanh: tên, địa chỉ, vốn, số lao động sử dụng, thông tin chủ hộ kinh doanh…;
- Bản sao công chứng hợp lệ:
- Biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh;
- CMND/CCCD chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình;
- Sổ hồng hoặc hợp đồng thuê/mượn địa điểm mở cửa hàng;
- Văn bản ủy quyền cho người nộp hồ sơ (nếu có);
- Bản sao công chứng CMND/CCCD/hộ chiếu của người được ủy quyền nộp hồ sơ.
Đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ massage mô hình công ty:
- Điều lệ công ty kinh doanh;
- Giấy đề nghị thành lập công ty kinh doanh;
- Danh sách cổ đông đối với công ty cổ phần;
- Danh sách thành viên góp vốn đối với công ty TNHH;
- Văn bản ủy quyền cho người nộp hồ sơ (nếu có);
- Bản sao công chứng CMND/CCCD/hộ chiếu của người đại diện pháp luật, thành viên/cổ đông góp vốn và người được ủy quyền nộp hồ sơ.
Bước 2: Nộp hồ sơ
- Đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ massage mô hình hộ kinh doanh:
Nộp trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh hoặc Phòng Tài chính – Kế hoạch của UBND cấp quận/huyện hoặc nộp trực tuyến tại trang dịch vụ công của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh/thành phố;
- Đối với cửa hàng cơ sở kinh doanh dịch vụ massage mô hình công ty:
Nộp trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh/thành phố nơi công ty đặt trụ sở chính hoặc nộp online trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Bước 3: Nhận kết quả
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ ra thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do và các yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ.
Nếu hồ sơ hợp lệ, cơ sở kinh doanh dịch vụ massage sẽ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Sau khi có giấy phép kinh doanh, để đi vào hoạt động, cơ sở kinh doanh dịch vụ massage cần xin cấp Giấy phép chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự, cụ thể hồ sơ bao gồm:
- Văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự;
- Bản sao hợp lệ một trong các loại văn bản: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động; hoặc Giấy phép hoạt động. Nếu không có thông tin về ngành, nghề đầu tư kinh doanh thì phải bổ sung tài liệu chứng minh các ngành, nghề mà cơ sở kinh doanh đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận;
- Bản sao hợp lệ tài liệu chứng minh bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy cho khu vực kinh doanh và kho bảo quản;
- Bản khai lý lịch của người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh.
Cơ quan tiếp nhận hồ sơ: Cơ quan Công an có thẩm quyền.
Việc có giấy phép kinh doanh massage là điều kiện tiên quyết để bạn có thể hoạt động một cách hợp pháp và bền vững trong ngành dịch vụ này. Đảm bảo tuân thủ các quy định về điều kiện và thủ tục xin cấp giấy phép không chỉ giúp bạn tránh được những rắc rối pháp lý mà còn tạo dựng uy tín cho cơ sở massage của mình.
Trên đây là toàn bộ những thông tin cần thiết Công ty Luật Siglaw giải đáp về Giấy phép kinh doanh massage. Nếu quý khách hàng gặp các vấn đề liên quan về Giấy phép kinh doanh massage vui lòng liên hệ cho Công ty Luật Siglaw để được tư vấn miễn phí một cách toàn diện.