Làm giấy phép kinh doanh cần giấy tờ gì?

Giấy phép kinh doanh hay còn được biết đến là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020, là văn bản bằng bản giấy hoặc bản điện tử ghi lại những thông tin về đăng ký doanh nghiệp mà Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp cho doanh nghiệp.

Nhằm đảm bảo quá trình thành lập doanh nghiệp, việc hoàn thiện thủ tục xin giấy phép kinh doanh là bước đi đầu tiên để các doanh nghiệp hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn cái nhìn tổng quan về quy trình xin giấy phép kinh doanh, các giấy tờ cần thiết, cùng các lưu ý để hoàn thành thủ tục một cách hiệu quả và chính xác.

Giấy tờ, tài liệu cần thiết khi xin giấy phép kinh doanh

Một số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, số doanh nghiệp gia nhập vào thị trường Việt Nam năm 2023 là 159.294 doanh nghiệp, tăng mạnh 7,2% so với cùng kỳ năm 2022. Lần đầu tiên, số lượng doanh nghiệp thành lập mới chạm mức kỷ lục, gấp 1,2 lần mức bình quân trong giai đoạn năm năm trước đó và tăng 4,6% so với ước tính thực hiện cả năm 2023. Sau đây là các giấy tờ, tài liệu mà doanh nghiệp cần chuẩn bị để làm giấy phép kinh doanh, cơ bản gồm:

Giấy tờ, tài liệu cần thiết khi xin giấy phép kinh doanh
Giấy tờ, tài liệu cần thiết khi xin giấy phép kinh doanh

Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp

Đây là văn bản chính thức để yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh. Mẫu Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp được quy định cụ thể cho từng loại hình doanh nghiệp, tại Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT.

Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

  • Tên doanh nghiệp dự kiến thành lập;
  • Địa chỉ trụ sở chính dự kiến của doanh nghiệp, số điện thoại liên lạc; số fax, thư điện tử (nếu có);
  • Ngành, nghề dự kiến kinh doanh;
  • Vốn điều lệ là số tiền chủ sở hữu định đầu tư vào công ty;
  • Thông tin về các loại cổ phần, mệnh giá mỗi loại cổ phần và tổng số cổ phần được quyền chào bán của từng loại cổ phần đối với công ty cổ phần;
  • Thông tin đăng ký thuế;
  • Số lượng lao động dự kiến;
  • Thông tin giấy tờ pháp lý của cá nhân của chủ sở hữu, các thành viên góp vốn và người đại diện theo pháp luật của công ty.

Dự thảo điều lệ công ty

Điều lệ công ty là tài liệu xác định các quy định nội bộ của công ty trong quá trình hoạt động. Điều lệ công ty bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

  • Tên, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp dự kiến thành lập;
  • Ngành, nghề dự kiến kinh doanh;
  • Vốn điều lệ; tổng số cổ phần, loại cổ phần và mệnh giá từng loại cổ phần đối với công ty cổ phần;
  • Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch của thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; của chủ sở hữu công ty, thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; của cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần. Phần vốn góp và giá trị vốn góp của mỗi thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh. Số cổ phần, loại cổ phần, mệnh giá từng loại cổ phần của cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần;
  • Quyền và nghĩa vụ của thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; của cổ đông đối với công ty cổ phần;
  • Cơ cấu tổ chức quản lý;
  • Số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp; phân chia quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật trong trường hợp công ty có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật;
  • Thể thức thông qua quyết định của công ty; nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ;
  • Căn cứ và phương pháp xác định tiền lương, thù lao, thưởng của người quản lý và Kiểm soát viên;
  • Trường hợp thành viên, cổ đông có quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc cổ phần đối với công ty cổ phần;
  • Nguyên tắc phân chia lợi nhuận sau thuế và xử lý lỗ trong kinh doanh;
  • Trường hợp giải thể, trình tự giải thể và thủ tục thanh lý tài sản công ty;
  • Thể thức sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty.

Danh sách cổ đông hoặc thành viên góp vốn (nếu có)

Danh sách thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh, danh sách cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần phải bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

  • Họ, tên, chữ ký, quốc tịch, địa chỉ liên lạc của thành viên là cá nhân hoặc tên, mã số doanh nghiệp và địa chỉ trụ sở chính của thành viên là tổ chức;
  • Phần vốn góp, giá trị vốn góp, tỷ lệ sở hữu phần vốn góp, loại tài sản, số lượng tài sản, giá trị của từng loại tài sản góp vốn, thời hạn góp vốn của từng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; số lượng cổ phần, loại cổ phần, tỷ lệ sở hữu cổ phần, loại tài sản, số lượng tài sản, giá trị của từng loại tài sản góp vốn, thời hạn góp vốn của từng cổ đông đối với công ty cổ phần.

Giấy tờ tùy thân của người đại diện pháp luật và các thành viên/cổ đông

Giấy tờ pháp lý của cá nhân là một trong các loại giấy tờ sau đây: thẻ Căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu, giấy tờ chứng thực cá nhân hợp pháp khác.

Văn bản ủy quyền cho người đại diện thực hiện thủ tục hành chính

Trong trường hợp sử dụng dịch vụ đại diện hoặc ủy quyền cho người khác nộp hồ sơ, cần có văn bản ủy quyền được ký và đóng dấu theo quy định.

Trên đây là một số thông tin cơ bản về các tài liệu cần có để xin giấy phép kinh doanh. Nếu có thắc mắc gì về Dịch vụ thành lập Công ty bạn có thể liên hệ trực tiếp với Công ty Luật Siglaw để nhận được những tư vấn chính xác, chuyên nghiệp và hiệu quả nhất!

Đánh giá
Luật sư Lê Dung

Tư vấn chuyên môn bài viết:

Luật sư Lê Dung (Elena)

CEO Công ty luật Siglaw

Luật sư Lê Dung đã có hơn 10 năm kinh nghiệm tư vấn pháp lý cho nhà đầu tư đến từ hơn 10 quốc gia như: Mỹ, Singapore, Canada, Đan Mạch, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc….

Tư vấn miễn phí: 0961 366 238