Sự nở rổ của trào lưu xăm hình trong giới trẻ kéo theo việc những phòng xăm hình nghệ thuật mang hơi hướng đường phố xuất hiện ngày càng nhiều. Tuy nhiên, những người trẻ này lại thường ít hiểu biết hay quan tâm đến pháp luật và thường vi phạm những quy định về việc kinh doanh dịch vụ xăm hình. Trong bài viết này, Công ty Luật Siglaw sẽ giúp bạn tìm hiểu những thông tin cần biết về “Thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh xăm hình”
Xăm hình là một hình thức dùng kim đưa mực vào lớp hạ bì của da từ đó là làm thay đổi sắc tố da, ghi lại những dấu ấn đặc biệt trên da, khó có thể rửa trôi hay xóa đi được. Các cơ sở xăm hình thường phải làm các thủ tục sau:
- Giấy phép chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/hộ kinh doanh có ngành, nghề xăm hình
- Giấy phép hoạt động xăm hình đối với các cơ sở thẩm mỹ xăm, phun, thêu trên da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm
- Người thực hiện hoạt động xăm hình phải giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp
Xin giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/hộ kinh doanh có ngành, nghề xăm hình
Các cơ sở xăm hình thường hoạt động tương đối nhỏ lẻ và không có tính liên kết. Vì thế, các cơ sở này thường đăng ký hoạt động kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh cá thể. Quy trình đăng ký hoạt động hộ kinh doanh xăm hình được quy định tại Nghị định 01/2021/NĐ-CP, như sau:
Người có quyền thành lập hộ kinh doanh và nghĩa vụ đăng ký hộ kinh doanh xăm hình :
– Cá nhân, thành viên hộ gia đình là công dân Việt Nam có đầy đủ năng lực hành vi dân sự có quyền thành lập hộ kinh doanh, trừ các trường hợp sau đây:
- Người chưa thành niên, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;
- Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định;
– Cá nhân, thành viên hộ gia đình chỉ được đăng ký một hộ kinh doanh trong phạm vi toàn quốc.
– Cá nhân, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh không được đồng thời là chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại.
Hồ sơ đăng ký thành lập hộ kinh doanh xăm hình
- Giấy đề nghị thành lập hộ kinh doanh có đăng ký mã ngành, nghề phù hợp với xăm hình;
- Biên bản họp thành lập hộ kinh doanh và văn bản ủy quyền cho người đại diện đứng tên hộ kinh doanh nếu các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;
- Giấy tờ pháp lý của các thành viên tham gia thành lập hộ kinh doanh.
Xin giấy phép hoạt động xăm hình
Theo quy định, có 2 loại cơ sở dịch vụ thẩm mỹ xăm, phun, thêu: (1) cơ sở dịch vụ thẩm mỹ cần phải có giấy phép hoạt động và (2) cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không cần giấy phép hoạt động:
Đối với các cơ sở thẩm mỹ không cần giấy phép hoạt động: là những cơ sở thực hiện các kỹ thuật xăm, phun, thêu trên da mà không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm, tuy nhiên người thực hiện kỹ thuật phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề về phun, xăm, thêu trên da do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp (điểm d khoản 3 Điều 33 Nghị định 155/2018/NĐ-CP). Ngoài ra, theo quy định, loại hình cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không cần giấy phép hoạt động này phải gửi văn bản thông báo về việc đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ theo mẫu quy định tại Phụ lục VIII kèm theo Nghị định này đến Sở Y tế nơi đặt trụ sở ít nhất 10 ngày trước khi hoạt động.
Đối với các cơ sở thẩm mỹ phải có giấy phép hoạt động: bao gồm các cơ sở dịch vụ xăm hình có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) nhằm thay đổi màu sắc da hoặc khắc phục khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người). Các dịch vụ xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm phải được thành lập theo một trong các hình thức tổ chức là bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ.
Hồ sơ cấp giấy phép hoạt động của cơ sơ thẩm mỹ có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm, bao gồm:
- Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
- Giấy phép chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/hộ kinh doanh có ngành, nghề xăm hình
- Giấy phép hành nghề và giấy xác nhận quá trình hành nghề của người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
- Bản sao hợp lệ giấy phép hành nghề và giấy xác nhận quá trình hành nghề của người phụ trách bộ phận chuyên môn
- Bản kê khai cơ sở vật chất, danh mục thiết bị y tế, danh sách nhân sự đáp ứng điều kiện cấp giấy phép hoạt động tương ứng với từng hình thức tổ chức và các giấy tờ chứng minh, xác nhận các kê khai đó;
- Danh sách ghi rõ họ tên, số giấy phép hành nghề của từng người hành nghề đăng ký hành nghề tại cơ sở;
- Văn bản do cấp có thẩm quyền phê duyệt quy định về chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của bệnh viện của nhà nước hoặc điều lệ tổ chức và hoạt động đối với bệnh viện tư nhân (nếu tổ chức theo hình thức bệnh viên)
- Danh mục chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đề xuất trên cơ sở danh mục chuyên môn kỹ thuật do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành;
Giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo hành nghề xăm hình
Dù là theo hình thức nào thì người thực hiện hoạt động xăm hình phải có chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề thẩm mỹ hợp pháp cấp. Giấy phép này do các đơn vị có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo, chương trình, giáo viên đã được cơ quan chức năng thẩm định cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp cấp.
Trên đây là một số thông tin về Thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh xăm hình. Vui lòng liên hệ với Công ty Luật Siglaw để nhận được những tư vấn toàn diện, chuyên nghiệp và hiệu quả nhất!