Cùng với bước phát triển thần kỳ của nền kinh tế du lịch nước nhà, các dịch vụ kinh doanh homestay càng trở nên phổ biến và đang thu hút nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, để kinh doanh hợp pháp, chủ homestay cần phải đáp ứng các điều kiện về pháp lý và sở hữu các loại giấy phép cần thiết. Dưới đây là những giấy phép cơ bản cần thiết để kinh doanh homestay tại Việt Nam.
Kinh doanh Homestay là gì?
Homestay (còn gọi là dân túc hay tá túc nhà dân) là một hình thức tiếp đón và lưu trú (bố trí chỗ nghỉ ngơi, nơi ăn chỗ nghỉ) cho khách du lịch theo cách thức bình dân.
Kinh doanh Homestay hay còn được biết đến là kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch, bao gồm các loại hình sau:
- Khách sạn.
- Biệt thự du lịch.
- Căn hộ du lịch.
- Tàu thủy lưu trú du lịch.
- Nhà nghỉ du lịch.
- Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê.
- Bãi cắm trại du lịch.
- Các cơ sở lưu trú du lịch khác.
Kinh doanh homestay cần những loại giấy phép gì?
Theo danh mục ngành, nghề kinh doanh đầu tư có điều kiện của Luật Đầu tư 2020, tại danh mục số 200: “Kinh doanh dịch vụ lưu trú”. Điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch tại Điều 49 Luật Du lịch 2017, bao gồm:
- Có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật;
- Đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật;
- Đáp ứng điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch.
Như vậy, để đáp ứng điều kiện kinh doanh homestay, chủ cơ sở kinh doanh cần phải có các loại giấy phép sau:
Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
Khi kinh doanh homestay, chủ sở hữu cần đăng ký tư cách pháp nhân phù hợp với loại hình ngành, nghề dự kiến kinh doanh dưới một trong các hình thức sau:
- Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh: Đây là hình thức phổ biến nhất cho các homestay quy mô nhỏ, phù hợp cho cá nhân hoặc hộ gia đình kinh doanh.
- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: Nếu cần kinh doanh homestay theo phương án chuyên nghiệp, bền vững hơn, chủ sở hữu nên lựa chọn hình thức kinh doanh: thành lập công ty (như công ty TNHH hoặc công ty cổ phần), chủ sở hữu sẽ cần đăng ký doanh nghiệp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi đặt địa chỉ của homestay.
Giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh trật tự
Chủ cơ sở kinh doanh homestay cần làm việc với cơ quan công an cấp huyện hoặc cấp tỉnh nơi homestay đặt trụ sở để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh trật tự. Điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận này thường bao gồm:
- Chủ cơ sở không có tiền án, tiền sự.
- Đảm bảo các biện pháp an toàn và không gây mất trật tự công cộng.
- Đủ điều kiện về an toàn phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy.
- Đối với các homestay có quy mô lớn hoặc đặt tại các khu vực thiên nhiên, cần có báo cáo đánh giá tác động môi trường, đánh giá mức độ tác động của cơ sở lưu trú đối với môi trường tự nhiên, bảo vệ cảnh quan, đảm bảo rằng các hoạt động của homestay không gây hại cho môi trường xung quanh.
Giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy
Tùy theo quy mô của mình, kinh doanh Homestay phải đáp ứng các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy (PCCC) theo quy định của pháp luật. Những trường hợp không cần xin giấy phép PCCC nhưng vẫn phải đảm bảo các điều kiện về PCCC để bảo đảm an toàn cho cư dân và tài sản, cụ thể:
- Có bảng nội quy về PCCC và hướng dẫn thoát nạn;
- Các chất dễ gây cháy, nổ phải cách xa nguồn lửa, nguồn nhiệt;
- Có phương án chữa cháy, giải pháp ngăn chặn cháy lan và chuẩn bị các điều kiện, phương tiện sẵn sàng chữa cháy;
- Cần tập huấn sẵn sàng ứng phó với sự cố cháy;
- Hệ thống điện, nước đảm bảo an toàn, đáp ứng các tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy;
Một số loại giấy phép khác
Tùy thuộc vào hoạt động kinh doanh của cơ sở Homestay khi đó sẽ cần 1 số loại giấy phép khác như sau:
- Giấy phép về vệ sinh an toàn thực phẩm: Nếu homestay cung cấp dịch vụ ăn uống cho khách du lịch, cần phải xin Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm để đảm bảo các điều kiện về vệ sinh, an toàn, chế biến, bảo quản thực phẩm, và điều kiện vệ sinh cá nhân của nhân viên phục vụ.
- Giấy phép về hoạt động thể thao: Nếu homestay cung cấp các dịch vụ thể thao như: phòng gym, bể bơi, yoga… cần đáp ứng các điều kiện về trang thiết bị tập luyện cũng như điều kiện về nhân sự của phòng tập để được cấp Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh thể thao.
- Giấy phép đăng ký biển hiệu: Nếu homestay có đặt biển hiệu quảng cáo ngoài trời, bạn cần đăng ký giấy phép cho biển hiệu này tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Phòng Văn hóa – Thông tin của địa phương. Nội dung và kích thước biển hiệu cần tuân thủ quy định của pháp luật để đảm bảo mỹ quan đô thị và an toàn.
- Ngoài ra, nếu homestay của bạn dự kiến đón khách nước ngoài, bạn cần thực hiện khai báo tạm trú cho khách qua hệ thống điện tử của cơ quan công an địa phương. Hệ thống quản lý này giúp đảm bảo an ninh trật tự và kiểm soát thông tin khách lưu trú.
Trên đây là một số thông tin về những loại giấy phép cần có để kinh doanh homestay. Nếu có thắc mắc gì về Thủ tục đăng ký kinh doanh homestay bạn có thể liên hệ trực tiếp với Công ty Luật Siglaw để nhận được những tư vấn chính xác, chuyên nghiệp và hiệu quả nhất!