Thủ tục pháp lý đầu tư từ Việt Nam sang Campuchia

Đầu tư từ Việt Nam sang Campuchia đang trở thành xu hướng hấp dẫn với nhiều lợi ích kinh tế và hợp tác đa phương. Tuy nhiên, để thành công trong việc đầu tư này, các nhà đầu tư cần hiểu rõ về quy trình và thủ tục pháp lý. Hiểu và tuân thủ đúng quy trình này sẽ giúp nhà đầu tư thực hiện dự án một cách hợp pháp và hiệu quả. Hãy cùng Siglaw tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Các hình thức đầu tư từ Việt Nam sang Campuchia

Thành lập công ty theo quy định của pháp luật Campuchia

Một hình thức đầu tư phổ biến từ Việt Nam sang Campuchia là thành lập công ty theo quy định của pháp luật Campuchia. Công ty có thể được thành lập dưới các hình thức như công ty 100% vốn nước ngoài, công ty liên doanh giữa doanh nghiệp Việt Nam và Campuchia. Quá trình thành lập công ty tại Campuchia yêu cầu tuân thủ các quy định về đăng ký kinh doanh, vốn điều lệ và thủ tục hành chính của quốc gia này.

Đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh ở Campuchia

Hợp đồng hợp tác kinh doanh là một hình thức đầu tư linh hoạt từ Việt Nam sang Campuchia. Theo đó, hai hoặc nhiều bên thỏa thuận hợp tác trong một dự án cụ thể mà mỗi bên đóng góp vốn, công nghệ, quản lý và chia sẻ lợi nhuận. Hợp đồng hợp tác kinh doanh có thể áp dụng trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, công nghệ, dịch vụ, xây dựng, và du lịch.

Góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của công ty ở Campuchia

Các nhà đầu tư từ Việt Nam có thể góp vốn, mua cổ phần hoặc mua phần vốn góp của công ty đã được thành lập tại Campuchia. Điều này cho phép họ trở thành cổ đông của công ty và chia sẻ lợi nhuận theo tỷ lệ sở hữu. Quá trình góp vốn, mua cổ phần hoặc mua phần vốn góp đòi hỏi tuân thủ các quy định của pháp luật Campuchia và thỏa thuận giữa các bên.

Mua, bán chứng khoán, giấy tờ có giá khác hoặc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác ở Campuchia

Các nhà đầu tư từ Việt Nam cũng có thể tham gia thị trường chứng khoán Campuchia và mua, bán chứng khoán hoặc các giấy tờ có giá khác. Họ có thể đầu tư trực tiếp qua các công ty chứng khoán hoặc thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán và các định chế tài chính trung gian khác. Điều này đòi hỏi tuân thủ các quy định của ủy ban chứng khoán và các quy định tài chính của Campuchia.

Phân loại dự án đầu tư từ Việt Nam sang Campuchia

Dự án đầu tư từ Việt Nam sang Campuchia cũng có thể được phân loại thành hai loại chính: dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài và dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài. Thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam được quy định như sau:

Quốc hội ra quyết định phê duyệt đối với

  • Dự án có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 20.000 tỷ đồng trở lên.
  • Dự án yêu cầu áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.

Thủ tướng ra quyết định phê duyệt đối với

  • Dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, báo chí, phát thanh, truyền hình, viễn thông có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 400 tỷ đồng trở lên.
  • Dự án có vốn đầu tư từ 800 tỷ đồng trở lên.

Dự án không thuộc các trường hợp trên

Đối với các dự án không thuộc các trường hợp chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài như trên, nhà đầu tư từ Việt Nam nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tùy thuộc vào quy mô và lĩnh vực đầu tư, dự án từ Việt Nam sang Campuchia sẽ phải tuân thủ quy định về chấp thuận chủ trương đầu tư của Việt Nam. Quy định này giúp đảm bảo sự kiểm soát và quản lý hiệu quả các dự án đầu tư ra nước ngoài và đảm bảo lợi ích của các bên liên quan. Xem thêm: Ưu đãi đầu tư sang Campuchia

Thủ tục pháp lý thực hiện đầu tư từ Việt Nam sang Campuchia

Thủ tục pháp lý đầu tư từ Việt Nam sang Campuchia
Thủ tục pháp lý đầu tư từ Việt Nam sang Campuchia

Chuẩn bị hồ sơ dự án đầu tư

Trước khi bắt đầu quá trình đầu tư, nhà đầu tư cần chuẩn bị hồ sơ dự án đầu tư. 

Đối với những dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài

Hồ sơ gồm có:

  • Văn bản đăng ký đầu tư ra nước ngoài;
  • Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư;
  • Đề xuất dự án đầu tư;
  • Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;
  • Cam kết tự cân đối nguồn ngoại tệ hoặc văn bản cam kết thu xếp ngoại tệ cho nhà đầu tư của tổ chức tín dụng được phép;
  • Văn bản của cơ quan đại diện chủ sở hữu chấp thuận nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài và báo cáo thẩm định nội bộ về đề xuất đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước.

Đối với những dự án không phải chấp nhận chủ trương đầu tư ra nước ngoài

Hồ sơ gồm có:

  • Văn bản đăng ký đầu tư ra nước ngoài;
  • Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư;
  • Quyết định đầu tư ra nước ngoài;
  • Văn bản cam kết tự cân đối nguồn ngoại tệ hoặc văn bản cam kết thu xếp ngoại tệ cho nhà đầu tư của tổ chức tín dụng được phép;
  • Văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đáp ứng điều kiện đầu tư ra nước ngoài (đối với dự án trong các ngành, nghề đầu tư ra nước ngoài có điều kiện) (nếu có).

Nộp hồ sơ đăng ký dự án đầu tư

Nhà đầu tư phải nộp hồ sơ đăng ký dự án đầu tư tại cơ quan có thẩm quyền để được thẩm định, phê duyệt. 

  • Đối với những dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài: cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư.
  • Đối với những dự án không phải chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan nhà nước có thâm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.

Đăng ký giao dịch ngoại hối

Đối với tài sản bằng tiền, theo quy định của Ngân hàng nhà nước về giao dịch ngoại hối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài tại Thông tư 12/2016/NHNN, Nhà đầu tư phải mở tài khoản vốn đầu tư tại Ngân hàng được phép bằng 01 loại ngoại tệ/đồng Việt Nam phù hợp với nhu cầu chuyển vốn đầu tư tại 01 Ngân hàng tại Việt Nam.Từ tài khoản này, Nhà đầu tư chuyển khoản tiền đầu tư bằng tiền mặt ra nước ngoài để thực hiện dự án đầu tư. Công việc cần thực hiện bao gồm:

  • Mở tài khoản vốn đầu tư tại Ngân hàng tại Việt Nam
  • Đăng ký giao dịch ngoại hối tại Ngân hàng nhà nước – Chi nhánh nơi Nhà đầu tư là tổ chức có địa chỉ trụ sở chính hoặc Nhà đầu tư là cá nhân có địa chỉ thường trú.

Đối với việc góp vốn bằng tiền là ngoại tệ, nhà đầu tư phải thực hiện việc mua ngoại tệ tại Ngân hàng được phép hoặc sử dụng ngoại tệ của mình với cam kết nguồn ngoại tệ là hợp pháp.

Chuyển vốn đầu tư sang Campuchia

Nhà đầu tư cần thực hiện việc chuyển vốn đầu tư từ Việt Nam sang Campuchia theo quy định pháp luật Việt Nam cũng như các quy định về hối đoái ngoại tệ của Campuchia.

Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ dự án đầu tư

Sau khi dự án đầu tư đã được thực hiện, nhà đầu tư phải tuân thủ chế độ báo cáo định kỳ về tiến độ và kết quả của dự án theo quy định của cơ quan chức năng của Việt Nam và Campuchia. Báo cáo này thường bao gồm thông tin về sản xuất kinh doanh, tài chính, tình hình lao động, và các thông tin khác liên quan.

Việc nắm rõ quy trình, thủ tục pháp lý trước khi quyết định đầu tư sang Campuchia là rất quan trọng đối với những nhà đầu tư chuyên nghiệp tại Việt Nam. Hy vọng những thông tin được cung cấp trong bài viết này của công ty luật Siglaw sẽ giúp nhà đầu tư từ Việt Nam thực hiện đầu tư thành công vào Campuchia một cách hợp pháp và tuân thủ đúng quy định pháp luật của hai quốc gia.

5/5 - (2 bình chọn)
Luật sư Lê Dung

Tư vấn chuyên môn bài viết:

Luật sư Lê Dung (Elena)

CEO Công ty luật Siglaw

Luật sư Lê Dung đã có hơn 10 năm kinh nghiệm tư vấn pháp lý cho nhà đầu tư đến từ hơn 10 quốc gia như: Mỹ, Singapore, Canada, Đan Mạch, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc….

Tư vấn miễn phí: 0961 366 238