Trong lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài, các loại báo cáo đầu tư là những công cụ quan trọng giúp các nhà đầu tư và cơ quan nhà nước nắm được chi tiết về hiệu quả và tiến độ của các khoản đầu tư. Các báo cáo này không chỉ đơn thuần là những số liệu về vốn mà còn là bản đánh giá giữa chiến lược kinh doanh và thực tế kinh doanh, giúp xác định những thuận lợi và hạn chế của dự án, cũng như đưa ra các điều chỉnh và quyết định chiến lược. Các loại báo cáo đầu tư còn là công cụ hỗ trợ cho các cơ quan nhà nước theo dõi hoạt động đầu tư nước ngoài trên địa bàn của địa phương, theo dõi hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các nhà đầu tư Việt Nam. Sau đây, Siglaw xin giới thiệu tới quý độc giả các loại báo cáo đầu tư mà cả nhà đầu tư từ Việt Nam và nhà đầu tư sang nước ngoài phải thực hiện đối với cơ quan nhà nước.
Các loại báo cáo đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài đầu tư tại Việt Nam
Báo cáo đầu tư định kì của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
Báo cáo định kì là báo cáo do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam báo cáo về tình hình thực hiện dự án đầu tư trong gửi tới cơ quan đăng ký đầu tư và cơ quan thống kê trên địa bàn được thực hiện hàng quý, hàng năm.
Báo cáo định kì gồm các nội dung sau: vốn đầu tư thực hiện, kết quả hoạt động đầu tư kinh doanh, thông tin về lao động, các khoản nghĩa vụ tài chính với nhà nước, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, xử lý và bảo vệ môi trường và cac chỉ tiêu khác về chuyên ngành theo lĩnh vực hoạt động.
Về hình thức, nhà đầu tư nước ngoài sẽ thực hiện nộp báo cáo bằng văn bản và báo cáo trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư qua tài khoản đăng ký đầu tư đã được cấp.
Về thời gian thực hiện, căn cứ vào điều 102 Nghị định 31/2021/NĐ-CP, báo cáo quý sẽ được thực hiện trước ngày 10 của tháng đầu quý sau quý báo cáo; báo cáo năm sẽ được thực hiện trước ngày 31/3 năm sau của năm báo cáo.
Báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư
Tương tự như báo cáo định kì, báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư được thực hiện 6 tháng/lần và cả năm. Ngoài ra, nhà đầu tư còn phải thực hiện báo cáo giám sát, đầu tư trước khi thực hiện điều chỉnh chương trình, dự án đầu tư và thực hiện báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư khi kết thúc chương trình, dự án đầu tư.
Về hình thức, nhà đầu tư nước ngoài sẽ chuẩn bị báo cáo theo mẫu được quy định tại Thông tư 05/2023/TT-BKHĐT. Việc nộp báo cáo bằng văn bản và báo cáo trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư qua tài khoản đăng ký đầu tư đã được cấp.
Các loại báo cáo đầu tư đối với nhà đầu tư Việt Nam ra nước ngoài
Báo cáo định kì
Báo cáo định kì là báo cáo do nhà đầu tư Việt Nam thực hiện dự án đầu tư ở nước ngoài thực hiện, báo cáo về tình hình thực hiện dự án đầu tư gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước và cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài.
Có 2 loại báo cáo định kì mà nhà đầu tư Việt Nam cần thực hiện khi tiến hành đầu tư ra nước ngoài là báo cáo định kì hàng quý và báo cáo định kì hàng năm.
Báo cáo định kì hàng quý tình hình hoạt động dự án đầu tư tại nước ngoài được thực hiện trước ngày 20 của tháng cuối thuộc quý báo cáo, bao gồm các thông tin tính từ ngày 15 của tháng trước kỳ báo cáo đến ngày 14 của tháng cuối thuộc quý báo cáo.
Về nội dung, báo cáo định kì hàng quý tình hình hoạt động dự án đầu tư tại nước ngoài bao gồm các thông tin sau:
- Các thông tin chung về nhà đầu tư như: Họ tên, Mã số thuế/Mã số doanh nghiệp, địa chỉ tại Việt Nam, số điện thoại và email liên hệ;
- Các thông tin về tình hình thực hiện hoạt động đầu tư như: số vốn đã đăng ký, số vốn đã chuyển ra nước ngoài trong quý báo cáo; số tiền đã chuyển về nước trong quý báo cáo; số lao động chuyển ra nước ngoài trong quý báo cáo
- Tiến độ thực hiện dự án đầu tư: Dự án đầu tư có được thực hiện đúng tiến độ không? Nếu chậm tiến độ thì có khó khăn, lý do chậm và các giải pháp khắc phục
Về nội dung, báo cáo định kì hàng năm tình hình hoạt động dự án đầu tư tại nước ngoài bao gồm các thông tin sau:
- Các thông tin chung về nhà đầu tư như: Họ tên, Mã số thuế/Mã số doanh nghiệp, địa chỉ tại Việt Nam, số điện thoại và email liên hệ;
- Các thông tin về hoạt động đầu tư ra nước ngoài như: Số Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài và ngày cấp; Số giấy phép/Văn bản chấp thuận đầu tư của nước tiếp nhận đầu tư hoặc tài liệu tương đương chứng minh quyền đầu tư và ngày cấp, cơ quan cấp; Tên dự án/tổ chức kinh tế ở nước ngoài; địa chủ trụ sở chính; Số điện thoại và Email liên lạc; Mục tiêu hoạt động chính;
- Các thông tin về tình hình thực hiện hoạt động đầu tư như: số vốn đã đăng ký, số vốn đã chuyển ra nước ngoài trong quý báo cáo; số tiền đã chuyển về nước trong quý báo cáo; số lao động chuyển ra nước ngoài trong quý báo cáo; số tiền giữ lại để đầu tư; các nghĩa vụ tài chính với nhà nước
- Các thông tin về dự kiến thực hiện hoạt động trong năm tới như: dự kiến số vốn chuyển ra năm tới dưới hình thức tiền mặt; máy móc, thiết bị hàng hoá; tài sản khác,
- Tiến độ thực hiện dự án đầu tư: Dự án đầu tư có được thực hiện đúng tiến độ không? Nếu chậm tiến độ thì có khó khăn, lý do chậm và các giải pháp khắc phục
Ngoài ra, trong báo cáo định kì hàng năm về tình hình hoạt động dự án đầu tư tại nước ngoài, nhà đầu tư còn phải cung cấp thêm các thông tin về tình hình thực hiện các mục tiêu quy định trong Giấy chứng nhận đầu tư/ Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài; mục đích sử dụng vốn và các vấn đề khác và đánh giá chung về dự án đầu tư
Báo cáo tình hình hoạt động đầu tư ra nước ngoài cho năm tài chính
Báo cáo tình hình hoạt động đầu tư ra nước ngoài cho năm tài chính được thực hiện gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính và cơ quan quản lý thuế tại địa phương; Ngân hàng nhà nước Việt Nam, cơ quan đại điện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp và cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước tiếp nhận đầu tư.
Về nội dung, báo cáo tình hình hoạt động đầu tư ra nước ngoài cho năm tài chính bao gồm các thông tin sau:
- Các thông tin chung như: Số giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài và ngày cấp, thông tin điều chỉnh (nếu có); tên dự án/tổ chức kinh tế ở nước ngoài; số tài khoản chuyển vốn;
- Các thông tin đánh giá hiệu quả kinh tế và thực hiện nghĩa vụ tài chính như doanh thu, lợi nhuận và cách phân chia chia lợi nhuận.
- Các kiến nghị (nếu có)
Ngoài ra, nhà đầu tư Việt Nam còn phải giải trình về nghĩa vụ chuyển lợi nhuận về nước và các nghĩa vụ tài chính với nhà nước Việt Nam.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế, việc theo dõi, đánh giá các dự án đầu tư nước ngoài trở thành một phần quan trong trong kế hoạch phát triển kinh tế, ngoại giao của nhà nước. Qua việc thực hiện các loại báo cáo đầu tư, cả nhà đầu tư và cơ quan nhà nước có cái nhìn tổng quan về nguồn vốn đầu tư nước ngoài từ Việt Nam ra nước ngoài và từ nước ngoài về Việt Nam để từ đó có những chính sách pháp luật, chính sách ngoại giao, kế hoạch kinh doanh để đẩy mạnh phát triển kinh tế đất nước.
Trên đây là những chia sẻ của Siglaw về các loại báo cáo đầu tư dành cho cả nhà đầu tư Việt Nam đầu tư ra nước ngoài và nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đầu tư tại Việt Nam. Nếu như có bất kì vấn đề nào liên quan đến đầu tư nước ngoài, xin hãy liên hệ với Siglaw để nhận được giải đáp chi tiết, hiệu quả và chuyên nghiệp!
Trụ sở chính tại Tp. Hà Nội: Số 44/A32 – NV13, Khu A Glexemco, đường Lê Trọng Tấn, An Khánh, Hoài Đức, Tp.Hà Nội.
Email: vphn@siglaw.com.vn
Chi nhánh tại miền Nam: A9.05 Block A, Tòa Sky Center, số 5B đường Phổ Quang, Phường 2, Quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh.
Chi nhánh miền Trung: 177 Trưng Nữ Vương, Quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Email: vphcm@siglaw.com.vn
Hotline: 0961 366 238
Facebook: https://www.facebook.com/hangluatSiglaw