Xu hướng phát triển các thị trường sản xuất và phân phối các sản phẩm văn hóa trong trao đổi quốc tế đang ngày càng gia tăng. Để hội nhập quốc tế hiệu quả, mỗi quốc gia cần nâng cao nội lực của thị trường sản phẩm văn hóa nội địa và tạo điều kiện cần thiết cho quá trình mở cửa giao lưu quốc tế để các nhà đầu tư có cơ hội thành lập công ty FDI kinh doanh sản phẩm văn hoá.
Tìm hiểu thị trường về sản phẩm văn hóa
Văn hóa là tập hợp những giá trị vật chất và tinh thần được sáng tạo ra trong quá trình phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu của con người. Các giá trị văn hóa này có thể là giá trị vật chất hoặc giá trị tinh thần. Và khi con người sản xuất ra những thứ mà chúng ta sử dụng trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta coi chúng là sản phẩm của văn hóa theo nghĩa rộng nhất. Còn theo nghĩa hẹp, những sản phẩm đáp ứng nhu cầu tinh thần của con người được coi là sản phẩm văn hóa. Khi các sản phẩm văn hóa được trao đổi, mua bán trên thị trường, chúng trở thành một loại hàng hoá văn hóa. Căn cứ khoản 1 Điều 3 Thông tư 08/2019/TT-BVHTTDL quy định về sản phẩm văn hóa như sau: “Sản phẩm văn hóa là sản phẩm thuộc diện quản lý chuyên ngành văn hóa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo quy định của pháp luật.”
Thị trường về sản phẩm văn hóa là một loại thị trường đặc biệt, đấu tranh, phê phán các khuynh hướng phản văn hóa, đồng thời đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, góp phần tạo dựng môi trường xã hội lành mạnh. Việc mở cửa và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm văn hóa luôn được các quốc gia cân nhắc kỹ lưỡng, nhất là trong bối cảnh tự do hóa kinh tế toàn cầu và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Tuy nhiên, quá trình quốc tế hóa trong lĩnh vực sản xuất vật chất ngày càng tăng, và quá trình quốc tế hóa trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm tinh thần cũng vậy. Do đó đã có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài rót vốn đầu tư thành lập công ty FDI sản xuất và phân phối các sản phẩm văn hóa tại Việt Nam.
Điều kiện thành lập công ty vốn đầu tư nước ngoài sản xuất và phân phối các sản phẩm văn hoá
Về điều kiện thành lập công ty vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh sản phẩm văn hóa dựa trên các điều kiện về hạn chế tiếp cận thị trường của ngành sản xuất và phân phối các sản phẩm văn hoá, bao gồm các bản ghi hình được dựa trên căn cứ pháp lý như sau:
- WTO, VJEPA, VKFTA, AFAS, ACIA, CPTPP, EVFTA;
- Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ.
WTO, VKFTA, VJEPA, AFAS: Không được thực hiện quyền phân phối các vật phẩm đã ghi hình.
ACIA: Hạn chế với các xuất bản phẩm:
(i) Xuất bản sách, sách nhạc và các loại xuất bản phẩm;
(ii) Xuất bản báo, tạp chí, ấn phẩm định kỳ;
(iii) Xuất bản băng đĩa ghi hình.
CPTPP
Phụ lục NG MEVN-9: Đối với ngành sản xuất phim, phát hành phim và chiếu phim:
Không cung cấp dịch vụ sản xuất phim, phát hành và chiếu phim ngoại trừ:
- Thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc liên doanh với đối tác Việt Nam
- Mua cổ phần doanh nghiệp Việt Nam được phép cung cấp các dịch vụ này
- Vốn góp của bên nước ngoài không được vượt quá 51%
- Đối với việc chiếu phim, nhà đầu tư nước ngoài không được phép hợp tác kinh doanh hoặc liên doanh với các điểm chiếu phim tạm thời của Việt Nam.
- Các rạp chiếu phim phải: chiếu phim VN vào các dịp nghỉ lễ lớn, tỷ lệ phim VN không ít hơn 20%, phải chiếu ít nhất một phim VN trong khoảng từ 18:00-22:00.
Phụ lục NCMI-VN-25: Không được đầu tư nước ngoài vào các doanh nghiệp, thương mại nhà nước của Việt Nam hiện đang được phép nhập khẩu một số vật phẩm ghi hình.
Phụ lục NCM II-VN-14: Việt Nam bảo lưu quyền áp dụng và duy trì bất kỳ biện pháp nào liên quan đến dịch vụ ghi âm ngoại trừ việc cho phép nước ngoài sở hữu đến 51% doanh nghiệp.
Phụ lục NCM II-VN-20: Việt Nam bảo lưu quyền áp dụng và duy trì bất kỳ biện pháp nào liên quan đến việc đầu tư vào sản xuất và phân phối băng đĩa hình trên bất kỳ chất liệu nào.
EVFTA Phụ lục 8-C: Việt Nam có thể ban hành, duy trì bất kỳ biện pháp liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp không phù hợp, với điều kiện biện pháp đó không trái với các cam kết.
Pháp luật Việt Nam:
- Tổ chức, cá nhân nước ngoài được phân phối bản ghi âm, ghi hình có nội dung biểu diễn nghệ thuật trên lãnh thổ Việt Nam;
- Tổ chức, cá nhân nước ngoài không được trực tiếp phân phối bản ghi hình có nội dung biểu diễn nghệ thuật trên lãnh thổ Việt Nam.
Hồ sơ, Thủ tục thành lập công ty FDI kinh doanh sản phẩm văn hoá
Bước 1: Xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư về sản xuất và phân phối các sản phẩm văn hoá
Bước 2: Đăng ký thành lập doanh nghiệp FDI kinh doanh sản phẩm văn hóa
Bước 3: Công bố nội dung thông tin đăng ký doanh nghiệp trên Cổng thông tin Đăng ký Doanh nghiệp Quốc gia
Bước 4: Doanh nghiệp khắc dấu và công bố mẫu dấu
Bước 1: Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư về sản xuất và phân phối các sản phẩm văn hoá
(1) Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư;
(2) Bản sao CMND/CCCD hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân và tài liệu xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức;
(3) Tài liệu đề xuất dự án đầu tư bao gồm các nội dung chi tiết về dự án thành lập công ty FDI kinh doanh sản phẩm văn hóa;
(4) Bản sao tài liệu về các vấn đề tài chính của nhà đầu tư;
(5) Tài liệu về nhu cầu sử dụng đất, thỏa thuận thuê địa điểm hoặc quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư.
Cơ quan nộp hồ sơ: Sở Kế hoạch và Đầu tư
Thời gian: Đối với dự án đầu tư không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư: 15 – 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ.
Bước 2: Đăng ký thành lập doanh nghiệp FDI kinh doanh sản phẩm văn hóa
Hồ sơ đăng ký thành lập công ty vốn đầu tư nước ngoài sản xuất và phân phối các sản phẩm văn hóa gồm:
(1) Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp về sản xuất và phân phối các sản phẩm văn hoá;
(2) Điều lệ của công ty có ghi mã ngành nghề sản xuất và phân phối các sản phẩm văn hoá;
(3) Danh sách thành viên công ty nếu là công ty TNHH 2 thành viên trở lên/Danh sách cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài nếu là công ty cổ phần;
(4) Bản sao các giấy tờ sau:
– CCCD/CMND, hộ chiếu của các thành viên là cá nhân;
– CCCD/CMND, hộ chiếu của người đại diện theo uỷ quyền;
– Bản sao Giấy chứng nhận ĐKDN đối với thành viên tổ chức nước ngoài.
(5) Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định;
(6) Văn bản ủy quyền nếu doanh nghiệp không trực tiếp đi nộp hồ sơ.
Cơ quan nộp hồ sơ: Phòng Đăng ký kinh doanh
Thời gian: 03 – 06 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hợp lệ
Bước 3: Công bố thành lập công ty FDI kinh doanh sản phẩm văn hóa tại https://dangkykinhdoanh.gov.vn/
Thông tin về đăng ký doanh nghiệp phải được công khai trên Cổng thông tin Đăng ký Doanh nghiệp Quốc gia tại website https://dangkykinhdoanh.gov.vn/ trong vòng 30 ngày kể từ ngày được cấp Giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Khoản 1 Điều 26 Nghị định 50/2016/NĐ-CP, trường hợp không công bố hoặc công bố không đúng thời hạn quy định về việc thành lập công ty vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh sản phẩm văn hóa trên Cổng thông tin Đăng ký Doanh nghiệp Quốc gia thì doanh nghiệp đó sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Bước 4: Doanh nghiệp khắc dấu và công bố mẫu dấu
Doanh nghiệp FDI kinh doanh sản phẩm văn hóa có thể ủy quyền hoặc tự khắc dấu và thông báo cho Sở Kế hoạch và Đầu tư các mẫu dấu của công ty mình. Doanh nghiệp có thể tự quyết định hình thức, số lượng và nội dung con dấu nhưng phải thể hiện được tên và mã số doanh nghiệp. Sau khi nhận thông báo về các mẫu dấu của doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ cấp Giấy biên nhận cho doanh nghiệp, thực hiện đăng tải thông báo của doanh nghiệp trên Cổng thông tin Đăng ký Doanh nghiệp Quốc gia và cấp thông báo về việc đăng tải thông tin các mẫu dấu của doanh nghiệp cho doanh nghiệp biết.
Để được tư vấn miễn phí về vấn đề thành lập công ty FDI kinh doanh sản phẩm văn hóa tại Việ Nam của công ty luật Siglaw xin quý khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp Hotline 0961 366 238.