Hoạt động người nước ngoài vào Việt Nam làm việc cho các doanh nghiệp/cơ quan/tổ chức đã không còn xa lạ và pháp luật Việt Nam cũng đã quy định rất rõ về vấn đề này. Bên cạnh hoạt động người nước ngoài vào làm việc thì còn có những hoạt động như người nước ngoài thay đổi vị trí làm việc. Vậy việc người nước ngoài thay đổi vị trí làm việc có phải xin cấp giấy phép lao động không đã được quy định cụ thể trong pháp luật Việt Nam.
Trong bài viết dưới đây Siglaw.com.vn xin chia sẻ chi tiết cách xin giấy phép lao động cho người nước ngoài thay đổi vị trí làm việc mời các bạn theo dõi:
Điều kiện xin giấy phép lao động cho người nước ngoài thay đổi vị trí làm việc
Pháp luật Việt Nam đã quy định rất rõ các trường hợp giấy phép lao động hết hiệu lực trong đó có trường hợp là “nội dung của hợp đồng lao động không đúng với nội dung của giấy phép lao động đã được cấp” được quy định tại Khoản 3 Điều 156 Bộ luật Lao động 2019.
Như vậy, nếu người nước ngoài thay đổi vị trí làm việc tức là đã thay đổi một vài nội dung trong hợp đồng lao động. Và nội dung của giấy phép lao động đã được cấp cho người nước ngoài sẽ không còn đúng với nội dung của hợp đồng lao động nữa. Lúc này, giấy phép lao động của người nước ngoài thay đổi vị trí làm việc sẽ không còn hiệu lực và người nước ngoài phải thực hiện thủ tục cấp mới giấy phép lao động.
Như vậy có thể rút ra một số điều kiện xin cấp mới giấy phép lao động cho người nước ngoài thay đổi vị trí làm việc cụ thể như sau:
- Giấy phép lao động của người nước ngoài còn hiệu lực;
- Người nước ngoài thay đổi vị trí làm việc và không thay đổi người sử dụng lao động;
- Vị trí làm việc xin giấy phép khác vị trí làm việc đã được cấp giấy phép lao động;
Thủ tục xin giấy phép lao động cho người nước ngoài thay đổi vị trí làm việc
Bước 1: Người nước ngoài hoặc doanh nghiệp/cơ quan/tổ chức bảo lãnh cho người nước ngoài chuẩn bị đầy đủ hồ sơ hợp lệ xin cấp mới giấy phép lao động cho người nước ngoài thay đổi vị trí làm việc. Hồ sơ bao gồm những giấy tờ cụ thể như sau:
- Bản sao có chứng thực hộ chiếu còn giá trị theo quy định của pháp luật;
- Văn bản đề nghị cấp giấy phép lao động của người sử dụng lao động (mẫu 11);
- Giấy phép lao động hoặc bản sao có chứng thực giấy phép lao động đã được cấp khi người nước ngoài chưa thay đổi vị trí làm việc;
- 02 ảnh màu (kích thước 4x6cm, phông nền trắng, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu), ảnh chụp không quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ;
- Văn bản chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài trừ những trường hợp không phải xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài;
- Văn bản, giấy tờ chứng minh là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật và một số nghề, công việc được quy định như sau:
- Giấy tờ chứng minh là nhà quản lý, giám đốc điều hành;
- Văn bằng, chứng chỉ chứng minh là chuyên gia, lao động kỹ thuật;
- Văn bằng do cơ quan có thẩm quyền cấp đáp ứng quy định về trình độ của trung tâm ngoại ngữ và trung tâm tin học;
- Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn hoặc giấy công nhận giấy chứng nhận khả năng chuyên môn cấp cho thuyền viên nước ngoài;
- Giấy phép lái tàu bay đối với phi công nước ngoài hoặc chứng chỉ chuyên môn được phép làm việc trên tàu bay cho tiếp viên hàng không;
- Giấy chứng nhận thành tích cao trong lĩnh vực thể thao và được xác nhận đối với huấn luyện viên thể thao hoặc có các loại bằng cấp khác;
- Giấy chứng nhận trình độ chuyên môn trong lĩnh vực bảo dưỡng tàu bay đối với người lao động nước ngoài làm công việc bảo dưỡng tàu bay;
- Văn bản chứng minh kinh nghiệm của cầu thủ bóng đá nước ngoài hoặc giấy chứng nhận chuyển nhượng quốc tế cấp cho cầu thủ bóng đá nước ngoài.
Bước 2: Nộp hồ sơ ở Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh/thành phố nơi người nước ngoài dự kiến thay đổi vị trí làm việc hoặc Ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất nơi đặt trụ sở chính của doanh nghiệp. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét và cấp mới giấy phép lao động cho người nước ngoài thay đổi vị trí làm việc.