Tư vấn lập dự án đầu tư công nghiệp công nghệ cao

Công nghiệp công nghệ cao là ngành kinh tế – kỹ thuật sản xuất sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao. Phát triển công nghiệp công nghệ cao tập trung chủ yếu vào các nhiệm vụ: Sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ công nghệ cao; Phát triển doanh nghiệp công nghệ cao; Đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp công nghệ cao; Xây dựng công nghiệp phụ trợ phục vụ phát triển công nghiệp công nghệ cao. 

Thu hút đầu tư công nghiệp công nghệ cao không chỉ nhằm mục tiêu giải quyết mục tiêu về vốn cho đầu tư phát triển xã hội mà cung cấp cho nền kinh tế máy móc, quy trình công nghệ tiên tiến, sản xuất nhiều mặt hàng có chất lượng và hàm lượng kỹ thuật cao, góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế đất nước, đồng thời tạo nên sức mạnh tổng hợp phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.

Trong bài viết này, Siglaw tư vấn hoạt động lập dự án có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư công nghiệp công nghệ cao, việc cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao.

Những khó khăn khi đầu tư vào hoạt động công nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Tư vấn lập dự án đầu tư công nghiệp công nghệ cao
Tư vấn lập dự án đầu tư công nghiệp công nghệ cao
  • Khó khăn do hiện nay thế giới đang áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu: Thuế suất tối thiểu toàn cầu 15% đang ảnh hưởng không nhỏ tới việc thu hút đầu tư FDI. Nếu Việt Nam không nhanh chóng xây dựng chính sách thu thuế tối thiểu toàn cầu thì dù Việt Nam ưu đãi thuế nhưng nhà đầu tư vẫn phải đóng thuế tại nước họ. Như vậy việc ưu đãi thuế, phí trong thu hút đầu tư FDI những năm qua sẽ không còn ý nghĩa.
  • Khó khăn về môi trường đầu tư: Môi trường đầu tư công nghiệp của Việt Nam đôi khi chưa đủ hấp dẫn với các dự án công nghệ cao. Các doanh nghiệp nước ngoài công nghệ cao chỉ thuê một phần nhân lực của Việt Nam đáp ứng được yêu cầu. Phần lớn họ cần doanh nghiệp phụ trợ hoặc doanh nghiệp liên kết từ nước khác. Bên cạnh đó, Môi trường đầu tư kinh doanh còn thiếu tính minh bạch, vẫn còn phát sinh nhiều chi phí không chính thức trong quá trình đầu tư công nghiệp công nghệ cao cũng là một trở ngại đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
  • Khó khăn về cơ sở hạ tầng: hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, nhà xưởng, điện, nước và hạ tầng xã hội của Việt Nam còn chưa đồng bộ, cũng là điểm khó khăn đối với những nhà đầu tư nước ngoài.
  • Hạn chế về nguồn nhân lực: Để đầu tư dự án công nghiệp công nghệ cao cần nguồn nhân lực chất lượng cao, mà nguồn lao động tại Việt Nam chưa đủ đáp ứng, nên khi đầu tư tại Việt Nam, rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài phải tiến hành đào tạo lao động, bằng cách đào tạo tại chỗ hoặc đưa người lao động trở lại đất nước họ vừa học vừa làm.
  • Hạn chế về thủ tục hải quan, hệ thống Logistics: thủ tục hải quan Việt Nam vẫn còn phức tạp và nhiều vướng mắc, hệ thống Logistics của nước ta chưa hiện đại, thiếu tính đồng bộ, vẫn chưa đáp ứng hết yêu cầu của các nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao. Tìm hiểu thêm: Thành lập công ty Logistics có vốn nước ngoài

Những thuận lợi khi đầu tư vào hoạt động công nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Thứ nhất, Việt Nam có nền chính trị ổn định, an toàn; vị trí trung tâm của khu vực, dễ dàng kết nối với các nền kinh tế lớn, là điểm thu hút đầu tư công nghiệp công nghệ cao hấp dẫn đối với các nhà đầu tư;

Thứ hai, hệ thống cơ sở hạ tầng của Việt Nam tiếp tục được chú trọng đầu tư, hoàn thiện: xây đường cao tốc, các trục ven biển, sân bay, cảng biển, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển đầu tư;

 Thứ ba, những hỗ trợ từ chính sách của nhà nước

  •  Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rà soát, bãi bỏ, đơn giản hóa các thủ tục đầu tư, tạo môi trường đầu tư công nghiệp công nghệ cao thuận lợi; 
  • Có các chính sách quảng bá, mời gọi doanh nghiệp, thu hút vốn FDI cho khoa học – công nghệ; lựa chọn, đề xuất các lĩnh vực, địa bàn ưu tiên đầu tư để nâng cao chất lượng dự án đầu tư.
  •  Đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng và logistics cho ngành công nghiệp
  •  Cải cách các thủ tục hành chính liên quan đến toàn bộ quá trình đầu tư cho đơn giản, thuận tiện nhất cho doanh nghiệp. Mục tiêu thu hút những nhà đầu tư có tiềm lực về vốn, công nghệ, thị trường tiêu thụ để gia tăng giá trị sản xuất.
  •  Các ưu đãi về thuế, vốn, đất đai cho các nhà đầu tư FDI vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao.

Chính sách ưu đãi của Việt Nam đối với các dự án công nghiệp công nghệ cao

  • Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, bao gồm áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường có thời hạn hoặc toàn bộ thời gian thực hiện dự án đầu tư công nghiệp công nghệ cao; miễn thuế, giảm thuế và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp;
  • Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;
  • Miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất;
  • Khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế.

Các quốc gia có xu hướng đầu tư vào công nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam

Thời gian gần đây, các công ty công nghệ cao đã chọn Việt Nam là cứ điểm sản xuất toàn cầu của mình. Đầu tiên phải kể đến các nhà đầu tư Nhật Bản, với sự góp mặt của những tập đoàn lớn như: Sanyo, Matsushita, Sony, Fujitsu, Toshiba, Panasonic, Nidec… Các tập đoàn này đã xây dựng nhà máy sản xuất với công nghệ hiện đại và đang tiếp tục rót thêm vốn để mở rộng quy mô đầu tư.

Tiếp theo là sự xuất hiện của dự án Intel, Samsung, Microsoft, LG, Jabil. Tập đoàn Samsung cho đến nay đã đầu tư 14,2 tỷ USD tại Việt Nam. Jabil đã cam kết đầu tư thêm 500 triệu USD nữa ở TP.HCM. Còn Microsoft và LG đều đang dịch chuyển các cơ sở sản xuất vào Việt Nam.

Gần đây nhất là tập đoàn công nghệ hàng đầu Mỹ Apple đã lên kế hoạch chuyển một số hoạt động sản xuất máy tính xách tay MacBook sang Việt Nam vào năm 2023.

Các tỉnh thu hút chính nguồn đầu tư từ nước ngoài vào công nghệ cao là Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang và Hải Phòng, và đang mở rộng ra các khu vực khác.

Tiêu chí xác định là doanh nghiệp công nghệ cao

Doanh nghiệp công nghệ cao phải đáp ứng các tiêu chí sau:

  • Sản xuất sản phẩm công nghệ cao thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển;
  • Áp dụng các biện pháp thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam; trường hợp chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam thì áp dụng tiêu chuẩn của tổ chức quốc tế chuyên ngành;
  • Doanh thu từ sản phẩm công nghệ cao phải đạt ít nhất 70% trong tổng doanh thu thuần hằng năm của doanh nghiệp.
  • Tỷ lệ tổng chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp (bao gồm khấu hao đầu tư cơ sở hạ tầng, tài sản cố định, chi thường xuyên hàng năm cho hoạt động nghiên cứu và phát triển; chi hoạt động đào tạo, hỗ trợ đào tạo cho lao động nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp, các tổ chức khoa học và công nghệ, cơ sở đào tạo tại Việt Nam; phí bản quyền, chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp phục vụ hoạt động nghiên cứu và phát triển; phí đăng ký công nhận hoặc bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích tại Việt Nam) trên giá trị của tổng doanh thu thuần trừ đi giá trị đầu vào (bao gồm giá trị nguyên vật liệu, linh kiện phục vụ sản xuất nhập khẩu và mua nội địa) hằng năm:

+ Đối với doanh nghiệp có tổng nguồn vốn từ 6.000 tỷ đồng và tổng số lao động từ 3.000 người trở lên phải đạt ít nhất 0,5%;

+ Đối với doanh nghiệp không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều này, có tổng nguồn vốn từ 100 tỷ đồng và tổng số lao động từ 200 người trở lên phải đạt ít nhất 1%;

+ Đối với doanh nghiệp không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này phải đạt ít nhất 2%.

  • Tỷ lệ lao động trực tiếp thực hiện nghiên cứu và phát triển có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên của doanh nghiệp (là số lao động đã ký hợp đồng lao động có thời hạn từ 01 năm trở lên hoặc hợp đồng không xác định thời hạn, trong đó lao động có trình độ cao đẳng không vượt quá 30%) trên tổng số lao động:

+ Đối với doanh nghiệp có tổng nguồn vốn từ 6.000 tỷ đồng và tổng số lao động từ 3.000 người trở lên phải đạt ít nhất 1%;

+ Đối với doanh nghiệp không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều này, có tổng nguồn vốn từ 100 tỷ đồng và tổng số lao động từ 200 người trở lên phải đạt ít nhất 2,5%;

+ Đối với doanh nghiệp không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 Điều này phải đạt ít nhất 5%.

Hồ sơ, trình tự, thủ tục lập dự án đầu tư công nghiệp công nghệ cao

Xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư công nghiệp công nghệ cao

Cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại cơ quan đăng ký đầu tư (khi không thuộc trường hợp cần quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư). Nhà đầu tư nộp một bộ hồ sơ tới cơ quan có thẩm quyền (Sở kế hoạch và đầu tư hoặc Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh/thành phố nơi Nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư).

Theo Khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư 2020 thì hồ sơ gồm có:

  • Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư (theo mẫu);
  • Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư (Hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân; Quyết định thành lập/đăng ký kinh doanh đối với nhà đầu tư là tổ chức);
  • Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư (Một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu khác chứng minh năng lực tài chính);
  • Đề xuất dự án đầu tư (Nêu các nội dung chủ yếu sau: nhà đầu tư/hình thức lựa chọn nhà đầu tư, mục tiêu, quy mô, vốn đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm, thời hạn, tiến độ thực hiện,…tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án, đánh giá sơ bộ tác động môi trường,…)
  • Bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc tài liệu khác xác định quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư (trong trường hợp dự án không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất)
  • Nội dung giải trình về công nghệ (trong dự án đầu tư đối với dự án thuộc diện thẩm định, lấy ý kiến về công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ)
  • Hợp đồng BCC (đối với dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC)
  • Tài liệu khác liên quan đến dự án đầu tư (nếu có)
  • Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan đăng ký đầu tư xem xét và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư. Trường hợp từ chối phải lập văn bản và nêu rõ lý do từ chối.

Cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công nghiệp công nghệ cao tại cơ quan đăng ký kinh doanh

Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư công nghiệp công nghệ cao, nhà đầu tư cần thực hiện bước 2 này để hoàn thành quy trình thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực này. Nhà đầu tư nộp một bộ hồ sơ tới cơ quan có thẩm quyền (Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở kế hoạch và đầu tư các tỉnh/thành phố). Hồ sơ gồm:

  • Giấy đề nghị đăng ý doanh nghiệp (theo mẫu) có đăng ký ngành nghề kinh doanh bất động sản;
  • Điều lệ công ty;
  • Danh sách cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài (nếu là công ty cổ phần); Danh sách thành viên (nếu là công ty TNHH hai thành viên);
  • Tài liệu về tư cách pháp lý của người đại diện (Nếu là cá nhân: Bản sao hộ chiếu/căn cước công dân/chứng minh nhân dân; đối với tổ chức: quyết định thành lập/giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/tài liệu tương đương và và hộ chiếu/chứng minh nhân dân/căn cước công dân kèm văn bản ủy quyền cho người quản lý vốn tại Việt Nam;
  • Bản sao chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư công nghiệp công nghệ cao đã được cấp;
  • Trong thời hạn 03 – 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp. Trường hợp từ chối phải bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao

Hồ sơ bao gồm

  1. Đơn đề nghị công nhận doanh nghiệp công nghệ cao theo mẫu quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ;
  2. Bản sao có công chứng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư công nghiệp công nghệ cao hoặc Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ;
  3. Bản thuyết minh doanh nghiệp đã đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật Công nghệ cao.

Quy trình xử lý

  • Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức lấy ý kiến của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có liên quan.
  • Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì Bộ Khoa học và Công nghệ phải có công văn yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện cho doanh nghiệp đề nghị công nhận doanh nghiệp công nghệ cao. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được công văn yêu cầu của Bộ Khoa học và Công nghệ, doanh nghiệp đề nghị cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao có trách nhiệm bổ sung, sửa chữa và gửi lại Bộ Khoa học và Công nghệ.
  • Trong trường hợp cần thiết, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức cuộc họp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan để làm rõ những vấn đề nêu trong hồ sơ đề nghị công nhận doanh nghiệp công nghệ cao.
  • Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm thẩm định và cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao và gửi cho doanh nghiệp. Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao thì phải thông báo lý do bằng văn bản cho doanh nghiệp đề nghị công nhận doanh nghiệp công nghệ cao.

Hiệu lực của Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao: Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao có hiệu lực 5 năm (năm năm) kể từ ngày cấp.

Dịch vụ tư vấn lập dự án đầu tư công nghiệp công nghệ cao tại công ty luật Siglaw

  • Miễn phí tư vấn về hợp đồng, quy định về pháp luật doanh nghiệp, pháp luật đầu tư công nghiệp công nghệ cao của Việt Nam.
  • Miễn phí tư vấn các vấn đề liên quan đến tuyển dụng, sử dụng lao động nước ngoài, cư trú của của người nước ngoài theo đúng quy định pháp luật Việt Nam.
  • Ưu đãi tư vấn thường xuyên và giải đáp các vấn đề liên quan đến thuế: Thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp… tại thời điểm tư vấn dự án đầu tư công nghiệp công nghệ cao.
  • … Và nhiều giá trị gia tăng khác vượt trên sự kỳ vọng của khách hàng!

Trên đây là tư vấn của Công ty Luật Siglaw

Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, hãy liên hệ Công ty Luật TNHH Siglaw

Trụ sở chính tại Tp. Hà Nội: Tầng 12A Tòa nhà Sao Mai, Số 19 đường Lê Văn Lương, Phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội.

Hotline: 0961 366 238

Email: [email protected]

Chi nhánh tại Tp. Hồ Chí Minh: 21 đường N4, Khu phức hợp thương mại dịch vụ và nhà ở tại số 16/9 đường Bùi Văn Ba, Phường Tân Thuận Đông, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh.

Đánh giá
Luật sư Lê Dung

Tư vấn chuyên môn bài viết:

Luật sư Lê Dung (Elena)

CEO Công ty luật Siglaw

Luật sư Lê Dung đã có hơn 10 năm kinh nghiệm tư vấn pháp lý cho nhà đầu tư đến từ hơn 10 quốc gia như: Mỹ, Singapore, Canada, Đan Mạch, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc….

Tư vấn miễn phí: 0961 366 238