Tư vấn lập dự án đầu tư nông nghiệp công nghệ cao

Phát triển ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất luôn là định hướng phát triển quan trọng của đất nước. Trong những năm gần đây, nhờ những chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, nền Nông nghiệp Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực, đang chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ngày càng khẳng định được vị thế cao trên thị trường quốc tế.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao giúp các cơ sở sản xuất chủ động được mùa vụ, tăng số vụ sản xuất trong năm, kiểm soát được dịch hại, vật tư nông nghiệp đầu vào, chất lượng sản phẩm đạt các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, đồng thời sản xuất có ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Do đó giá trị sản xuất được nâng lên rất nhiều so với sản xuất thông thường, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội và đảm bảo sự phát triển nông nghiệp bền vững.

Qua bài viết dưới đây, Siglaw sẽ chia sẻ với quý bạn đọc về hoạt động lập dự án đầu tư nông nghiệp công nghệ cao có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao – những thuận lợi, khó khăn và thủ tục cần biết.

Những khó khăn khi đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao

Khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn

Việc đầu tư nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi nguồn vốn tín dụng rất lớn, rủi ro nhiều, nhưng thực tế rất ít doanh nghiệp tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng. Lý do một phần vì chính sách tín dụng hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao có nhiều quy định và thủ tục phức tạp; việc đánh giá, xếp loại dự án nông nghiệp công nghệ cao dựa trên các yếu tố định tính, thiếu yếu tố định lượng; phần khác vì tài sản của các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp thường khó định giá, hoặc dễ bị định gia ở mức thấp hơn thực tế,…do vậy, số lượng các doanh nghiệp thực tế tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng rất hạn chế.

Tư vấn lập dự án đầu tư nông nghiệp công nghệ cao
Tư vấn lập dự án đầu tư nông nghiệp công nghệ cao

Khó khăn trong việc tích tụ đất đai

Đây là một trong những lý do khiến các nhà đầu tư nước ngoài thường e dè khi đầu tư nông nghiệp công nghệ cao. Để sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cần phải có đất đai với quy mô lớn để có thể xây dựng nông trang, cánh đồng mẫu lớn, ở vị trí thuận lợi cho sản xuất và lưu thông hàng hóa. Nhưng quy mô sản xuất nông nghiệp nước ta còn nhỏ lẻ, manh mún, quá trình tích tụ đất đai còn chậm, chưa tạo động lực thu hút các nhà đầu tư. 

Bên cạnh đó, chính sách đất nông nghiệp chưa khuyến khích nông dân bảo vệ đất và đầu tư dài hạn vào đất, nhiều nơi có những vị trí thuận lợi thường được ưu tiên cho xây dựng các khu công nghiệp, đô thị, khu vui chơi giải trí, tiến độ thu hồi đất, giao đất cho nhà đầu tư, xét chọn nhà đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư để thực hiện các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các vùng quy hoạch trên địa bàn tỉnh tương đối chậm so với tiến độ, nên vẫn chưa khuyến khích và thu hút được vào lĩnh vực đầu tư nông nghiệp công nghệ cao.

Khó khăn trong nguồn nhân lực

Hiện nay tại nước ta có 40% lực lượng lao động hoạt động trong ngành nông nghiệp, nhưng chỉ có gần 15% trong số đó đã qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Người nông dân chủ yếu sản xuất và canh tác theo phương pháp truyền thống, ngại thay đổi, nên việc đào tạo thành nguồn lao động dùng trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gặp nhiều khó khăn. Do đó, nguồn nhân lực cho đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn thiếu, chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa đáp ứng được yêu cầu.

Khó khăn về thị trường tiêu thụ

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao sẽ tạo ra một số lượng nông sản lớn. Tuy nhiên hiện nay, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao trong nước còn hạn hẹp, chưa ổn định dẫn đến hiệu quả sản xuất chưa cao, liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ chưa chặt chẽ.

Phần lớn nông sản của Việt Nam xuất khẩu mới chỉ ở dạng thô, sơ chế, giá trị gia tăng thấp, nhiều loại nông, lâm, thủy sản chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, khi hiệp định tự do về thương mại giữa Việt Nam và các nước có hiệu lực thì cạnh tranh về thị trường tiêu thụ nông sản trong nước sẽ ngày càng gia tăng. Hiện nay, khoảng 45% lượng sản phẩm doanh nghiệp phải bán ở thị trường tự do đầy rủi ro và bất ổn. 

Đây cũng là điểm kém hấp dẫn các nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Các khó khăn khác

Liên quan đến chuyển giao công nghệ từ nước ngoài; các khó khăn do thời tiết, thiên tai, dễ sinh nhiều dịch bệnh trong sản xuất nông nghiệp, sản phẩm nông nghiệp sản xuất ra thường có tỷ suất lợi nhuận thấp, chậm thu hồi vốn; việc triển khai các thủ tục hành chính còn gặp nhiều khó khăn,… cũng là các lý do chưa hấp dẫn được các nhà đầu tư nước ngoài.

Những thuận lợi khi đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao

Thứ nhất, Việt Nam có nền chính trị ổn định, an toàn; vị trí trung tâm của khu vực, dễ dàng kết nối với các nền kinh tế lớn, là điểm thu hút đầu tư nông nghiệp công nghệ cao hấp dẫn đối với các nhà đầu tư;

Thứ hai, hệ thống cơ sở hạ tầng của Việt Nam tiếp tục được chú trọng đầu tư, hoàn thiện: xây đường cao tốc, các trục ven biển, sân bay, cảng biển, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển đầu tư;

Thứ ba, những hỗ trợ từ chính sách của nhà nước

  1.  Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rà soát, bãi bỏ, đơn giản hóa các thủ tục đầu tư, tạo môi trường đầu tư nông nghiệp công nghệ cao thuận lợi; bên cạnh đó rà soát quy hoạch sử dụng đất và đánh giá hiệu quả sử dụng đất tại các địa phương, tạo lập quỹ đất phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao;
  2.  Có các chính sách quảng bá, mời gọi doanh nghiệp, thu hút vốn FDI cho nông nghiệp, nông thôn; lựa chọn, đề xuất các lĩnh vực, địa bàn ưu tiên đầu tư nông nghiệp công nghệ cao để nâng cao chất lượng dự án đầu tư.
  3.  Đẩy manh phát triển cơ sở hạ tầng và logistics cho ngành nông nghiệp
  4.  Cải cách các thủ tục hành chính liên quan đến toàn bộ quá trình đầu tư cho đơn giản, thuận tiện nhất cho doanh nghiệp. Mục tiêu thu hút những nhà đầu tư có tiềm lực về vốn, công nghệ, thị trường tiêu thụ để gia tăng giá trị sản xuất.
  5.  Các ưu đãi về thuế, vốn, đất đai cho các nhà đầu tư FDI vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Chính sách ưu đãi của Việt Nam đối với các dự án nông nghiệp công nghệ cao

Ưu đãi thuế Thu nhập doanh nghiệp:

  • Thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm;
  • Miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Ưu đãi về tiền thuê đất: Miễn, giảm tiền thuê đất trong cả thời gian thuê

Miễn, giảm tiền sử dụng đất:

  • Nhà đầu tư có dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư nếu được Nhà nước giao đất thì được miễn tiền sử dụng đất đối với dự án đầu tư đó.
  • Nhà đầu tư có dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư nếu được Nhà nước giao đất thì được giảm 70% tiền sử dụng đất phải nộp ngân sách nhà nước đối với dự án đầu tư đó.
  • Nhà đầu tư có dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư nếu được Nhà nước giao đất thì được giảm 50% tiền sử dụng đất phải nộp ngân sách nhà nước đối với dự án đầu tư đó.

Hỗ trợ tập trung đất đai

  • Hỗ trợ kinh phí tương đương với 20% tiền thuê đất, thuê mặt nước của hộ gia đình, cá nhân để thực hiện dự án đầu tư nông nghiệp công nghệ cao cho 05 năm đầu tiên kể từ khi dự án hoàn thành đi vào hoạt động.
  • Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu với mức hỗ trợ 50 triệu đồng/ha, nhưng không quá 10 tỷ đồng/dự án và không phải chuyển sang thuê đất đối với diện tích đất nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

Hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao:

  • Hỗ trợ kinh phí thực hiện đề tài NCKH, mua bản quyền công nghệ, mua công nghệ hoặc mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để tạo ra sản phẩm mới, cải tiến công nghệ, công nghệ giảm thiểu ô nhiễm môi trường, công nghệ tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, tiết kiệm năng lượng: được hỗ trợ 80% kinh phí thực hiện, không quá 300 triệu đồng/đề tài/bản quyền/công nghệ.
  • Hỗ trợ thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm phục vụ áp dụng công nghệ mới, công nghệ cao, sản xuất sản phẩm mới: được hỗ trợ 70% kinh phí thực hiện nhiệm vụ nhưng không quá 1 tỷ đồng.
  • Doanh nghiệp (DN) được giao toàn bộ quyền sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ sau khi các nhiệm vụ khoa học và công nghệ được nghiệm thu và ưu tiên triển khai sản phẩm khoa học công nghệ.
  • DN có dự án nhân giống cây trồng bằng công nghệ nuôi cấy mô được hỗ trợ 80% kinh phí đầu tư nông nghiệp công nghệ cao để xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết bị và xử lý môi trường.
  • DN có dự án sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản, trồng thử nghiệm cây trồng mới có giá trị kinh tế cao được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt được hỗ trợ 70% chi phí để xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết bị và xử lý môi trường.
  • DN đầu tư nông nghiệp công nghệ cao vào khu, vùng, dự án NNUDCNC được hỗ trợ tối đa 300 triệu/ha để xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết bị và xử lý môi trường.

Một số hỗ trợ khác

  • Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường
  • Hỗ trợ đầu tư cơ sở: Bảo quản, chế biến nông sản; giết mổ gia súc, gia cầm; chế tạo thiết bị, linh kiện, máy nông nghiệp; sản xuất sản phẩm phụ trợ
  • Hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm
  • Hỗ trợ ứng dụng khoa học và công nghệ
  • Hỗ trợ chi phí lập dự án đầu tư

Tiêu chí xác định doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ các điều kiện cụ thể là:

  • Ứng dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển quy định tại Điều 5 của Luật công nghệ cao để sản xuất sản phẩm nông nghiệp.
  • Tạo ra sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, năng suất, giá trị và hiệu quả cao, doanh thu từ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của doanh nghiệp đạt ít nhất 60% trong tổng số doanh thu thuần hàng năm.
  • Có hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm ứng dụng công nghệ cao, chuyển giao công nghệ để sản xuất sản phẩm nông nghiệp, tổng chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển được thực hiện tại Việt Nam trên tổng doanh thu thuần hàng năm đạt ít nhất 0,5%; số lao động có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên trực tiếp thực hiện nghiên cứu và phát triển trên tổng số lao động của doanh nghiệp đạt ít nhất 2,5%.
  • Áp dụng các biện pháp thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam hoặc tiêu chuẩn quốc tế.

Thủ tục thành lập dự án FDI đầu tư nông nghiệp công nghệ cao

Bước 1: Xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nông nghiệp công nghệ cao tại cơ quan đăng ký đầu tư

Nhà đầu tư lập 01 bộ hồ sơ cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nông nghiệp công nghệ cao gồm các văn bản quy định tại Khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư 2020, gồm:

  • Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư nông nghiệp công nghệ cao (Mẫu văn bản này được quy định tại Thông tư 03/2020/TT-BKHĐT);
  • Các giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý của nhà đầu tư: Đối với Nhà đầu tư là cá nhân cần Hộ chiếu/Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân; Đối với Nhà đầu tư là tổ chức cần quyết định thành lập/đăng ký kinh doanh/các giấy tờ tương đương;
  • Giấy tờ chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư nông nghiệp công nghệ cao gồm một trong các loại sau: Báo cáo tài chính 02 năm gần nhất; Cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; Cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; Bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; Tài liệu khác chứng minh năng lực tài chính.
  • Văn bản đề xuất dự án đầu tư nông nghiệp công nghệ cao (Theo mẫu quy định)
  • Giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc tài liệu khác xác định quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư;
  • Giấy tờ có Nội dung giải trình về công nghệ (Đối với dự án liên quan đến công nghệ)
  • Hợp đồng BCC (khi đầu tư hình thức hợp đồng BCC)
  • Tài liệu khác (nếu có)
  • Quy định về thời hạn giải quyết hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nông nghiệp công nghệ cao tại Cơ quan đăng ký đầu tư: 15 ngày. Nếu không đồng ý phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Bước 2: Xin giấy chứng nhận đăng ký công ty nông nghiệp công nghệ cao

Sau khi đã có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, Nhà đầu tư thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký kinh doanh (Phòng đăng ký kinh doanh – Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh/thành phố)

Nhà đầu tư chuẩn bị một bộ hồ sơ gồm:

  • Văn bản đề nghị đăng ý doanh nghiệp (mẫu quy định) 
  •  Điều lệ công ty;
  •  Đối với Công ty TNHH, Nhà đầu tư nông nghiệp công nghệ cao nộp danh sách thành viên; Đối với Công ty cổ phần, Nhà đầu tư nộp danh sách cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài (mẫu quy định);
  • Giấy tờ về tư cách pháp lý của người đại diện: Nhà đầu tư nông nghiệp công nghệ cao là cá nhân thì cần Hộ chiếu/căn cước công dân/chứng minh nhân dân; Nhà đầu tư nông nghiệp công nghệ cao là tổ chức thì cần quyết định thành lập/giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/tài liệu tương đương và văn bản ủy quyền đại diện phần vốn góp tại Việt Nam + Hộ chiếu/căn cước công dân/chứng minh nhân dân của người đó;
  • Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nông nghiệp công nghệ cao đã được cấp (bản sao chứng thực);
  • Quy định về thời hạn giải quyết hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tại Phòng đăng ký kinh doanh: 03 – 07 ngày. Nếu không đồng ý phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Bước 3: Thủ tục cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Hồ sơ gồm:

  • Văn bản đề nghị công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;
  • Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư nông nghiệp công nghệ cao hoặc Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ doanh nghiệp đã được cấp;
  • Bản thuyết minh doanh nghiệp đáp ứng đủ các tiêu chí quy định;
  • Các minh chứng cho các nội dung thuyết minh gồm:

+ Bản sao báo cáo Tài chính của doanh nghiệp 02 năm liền kề trước khi đề nghị công nhận doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao;

+ Bản sao các hợp đồng nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, mua vật tư thiết bị phục vụ đổi mới công nghệ, sản phẩm… của Doanh nghiệp;

+ Bản sao hợp đồng lao động, bằng cấp của lao động có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên đang trực tiếp thực hiện nghiên cứu và phát triển tại doanh nghiệp;

+ Bản sao Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn còn hiệu lực của sản phẩm, hàng hóa do doanh nghiệp sản xuất; bản sao văn bản minh chứng về bảo vệ môi trường đã được cấp có thẩm quyền cấp.

Trình tự thủ tục cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

  • Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ, quyết định thành lập Tổ thẩm định hồ sơ công nhận doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao (sau đây gọi tắt là Tổ thẩm định) đối với các hồ sơ hợp lệ hoặc có văn bản thông báo cho doanh nghiệp về việc hồ sơ không đầy đủ, hợp lệ;
  • Trong thời hạn 07 ngày làm việc sau khi có quyết định thành lập doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, Tổ thẩm định tiến hành họp thẩm định hồ sơ khi có ít nhất hai phần ba số thành viên có mặt. Tổ thẩm định có trách nhiệm đánh giá hồ sơ do doanh nghiệp lập về tính đầy đủ, chính xác, đáp ứng các điều kiện theo quy định; lập biên bản họp gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
  • Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày họp, trên cơ sở kết quả họp Tổ thẩm định, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét quyết định cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
  • Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ khi nhận được kết quả tổng hợp từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm quyết định cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và gửi cho doanh nghiệp, trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận phải thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp và nêu rõ lý do.

Trên đây là quy trình thành lập dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào, Quý bạn đọc có thể liên hệ với chúng tôi để được giải đáp nhanh nhất và chi tiết nhất./.

Về chúng tôi:

Công ty Luật Siglaw

Trụ sở chính tại TP. Hà Nội: Tầng 12A Tòa nhà Sao Mai, Số 19 đường Lê Văn Lương, Phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội.

Hotline: 0961 366 238

Email: [email protected]

Chi nhánh tại Tp. Hồ Chí Minh:

Địa chỉ: Khu phức hợp thương mại dịch vụ và nhà ở tại số 16/9 đường Bùi Văn Ba, Phường Tân Thuận Đông, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh

Hotline: 0961 366 238

Email: [email protected]

Đánh giá
Luật sư Lê Dung

Tư vấn chuyên môn bài viết:

Luật sư Lê Dung (Elena)

CEO Công ty luật Siglaw

Luật sư Lê Dung đã có hơn 10 năm kinh nghiệm tư vấn pháp lý cho nhà đầu tư đến từ hơn 10 quốc gia như: Mỹ, Singapore, Canada, Đan Mạch, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc….

Tư vấn miễn phí: 0961 366 238