Khi thực hiện đầu tư sang Hàn Quốc, hình thức và ngành, nghề đầu tư là một trong những yếu tố được nhà đầu tư đặc biệt quan tâm. Đây là những nhân tố tiền đề đòi hỏi nhà đầu tư cần đánh giá, lựa chọn và đưa ra quyết định trong giai đoạn đầu của quá trình đầu tư để đảm bảo cho dự án đầu tư đạt được hiệu quả tối ưu nhất về kinh tế – xã hội – môi trường.
Các hình thức đầu tư sang Hàn Quốc nhà đầu tư cần biết
Theo quy định Luật đầu tư 2020, ghi nhận 04 hình thức đầu tư ra nước ngoài sau đây:
Nhà đầu tư đầu tư thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật Hàn Quốc
Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế là hình thức được nhiều nhà đầu tư lựa chọn. Hình thức này cho phép nhà đầu tư hình thành nên 1 pháp nhân mới, độc lập trong kinh doanh, không có sự chi phối – ràng buộc với đối tác như các hình thức đầu tư hợp đồng; góp vốn, mua cổ phần. Ngược lại, nó cũng đòi hỏi ở nhà đầu tư một nền tảng vững chắc của các yếu tố về vốn, sự thấu hiểu thị trường, công nghệ, nhân sự…để có thể độc lập tồn tại ở một quốc gia khác.
Theo quy định pháp luật Hàn Quốc, trong trường hợp một công ty nước ngoài là nhà đầu tư, thì công ty được thành lập tại Hàn Quốc đó sẽ trở thành công ty con của trụ sở chính ở nước ngoài và hệ thống kế toán của công ty con sẽ cần tuân thủ chính sách kế toán của trụ sở chính ở nước ngoài và luật pháp của quốc gia nơi đặt trụ sở chính ở nước ngoài. Tuy nhiên, thu nhập của công ty con được tạo ra từ nguồn Hàn Quốc sẽ bị đánh thuế tại Hàn Quốc.
Các công ty được thành lập theo cách này có thể được đăng ký là công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (“FDI”). Có một số điều kiện bắt buộc khi thành lập công ty tại Hàn Quốc vốn đầu tư nước ngoài mà nhà đầu tư cần đáp ứng đó là:
(i) Đầu tư từ 100 triệu KRW trở lên cho mỗi nhà đầu tư nước ngoài.
(ii) Sở hữu từ 10% trở lên tổng số cổ phần đã phát hành của công ty được thành lập.
Khi thành lập công ty FDI tại Hàn Quốc, một số ưu đãi nhà đầu tư có thể được hưởng như:
+ Chuyển khoản/chuyển tiền ra nước ngoài được đảm bảo: trong trường hợp các công ty đăng ký là công ty FDI, chuyển khoản/chuyển tiền lãi ra nước ngoài, tiền thanh lý, số tiền bán cổ phiếu, các khoản gốc, lãi và hoa hồng khác được đảm bảo.
+ Hỗ trợ về thuế: Chính phủ Hàn Quốc và chính quyền địa phương cung cấp giảm giá thuế cho thuế doanh nghiệp/thuế thu nhập, thuế địa phương, thuế hải quan và thuế quan theo luật và điều kiện liên quan.
+ Visa và lưu trú trong nước: Đối với các công ty FDI, cán bộ và nhân viên của họ có thể nhận được visa D-8 và do đó, có thể tự do xuất nhập cảnh và lưu trú trong nước.
Nhà đầu tư đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế ở Hàn Quốc để tham gia quản lý tổ chức kinh tế đó.
Có sự tương đồng giữa pháp luật Hàn Quốc và pháp luật Việt Nam khi đây cũng được ghi nhận là một trong những hình thức đầu tư FDI tại Hàn Quốc. Hàn Quốc quy định nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư theo hình thức mua lại cổ phần vốn chủ sở hữu. Theo đó, hình thức này được hiểu là người nước ngoài mua lại cổ phần hoặc cổ phần vốn chủ sở hữu của một tập đoàn hoặc doanh nghiệp để thiết lập quan hệ kinh tế ổn định với một tập đoàn/doanh nghiệp Hàn Quốc.
Đối với hình thức đầu tư này, được coi là đầu tư trực tiếp nước ngoài khi người nước ngoài chỉ định hoặc bổ nhiệm một giám đốc điều hành cho công ty Hàn Quốc ngay cả khi đầu tư 100 triệu won trở lên nhưng mua lại dưới 10% cổ phần của công ty được thành lập tại Hàn Quốc.
Hình thức đầu tư khác theo quy định pháp luật Hàn Quốc
Ngoài ra, pháp luật đầu tư Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khi quy định nhà đầu tư có thể đầu tư theo các hình thức đầu tư khác theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư. Hiện pháp luật Hàn Quốc, ghi nhận một số hình thức đầu tư FDI mà Việt Nam chưa quy định như sau:
+ Đóng góp cho một tổ chức phi lợi nhuận (“NPO”): Khoản đóng góp cho một tổ chức phi lợi nhuận hoặc một công ty được công nhận là FDI khi số tiền đóng góp của nước ngoài ít nhất là 50 triệu KRW và chiếm từ 10% trở lên trong tổng số tiền và khi đáp ứng tất cả các điều kiện sau:
- Một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập với mục đích quảng bá, v.v. khoa học, nghệ thuật, dịch vụ y tế hoặc giáo dục và tiếp tục tiến hành hoạt động kinh doanh của mình nhằm phát triển các chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan và mở rộng trao đổi quốc tế.
- Tổ chức phi lợi nhuận là văn phòng khu vực của một tổ chức quốc tế tham gia vào hoạt động kinh doanh hợp tác quốc tế giữa các thường dân hoặc Chính phủ.
Các khoản đóng góp khác cho tổ chức phi lợi nhuận của người nước ngoài đáp ứng một trong các điều kiện sẽ được Ủy ban Đầu tư nước ngoài công nhận là đầu tư trực tiếp nước ngoài. Xem thêm: Những khó khăn thường gặp khi đầu tư vào Hàn Quốc
+ Tái đầu tư lợi nhuận kiếm được chưa phân bổ: Đầu tư từ lợi nhuận kiếm được chưa phân bổ của công ty có vốn đầu tư nước ngoài có hiệu lực từ ngày 5/8/2020 tại Hàn Quốc.
Một công ty có vốn đầu tư nước ngoài được áp dụng (sử dụng) lợi nhuận giữ lại của mình để xây dựng một nhà máy mới hoặc mở rộng nhà máy của mình hoặc cho bất kỳ mục đích nào được quy định trong Nghị định của Tổng thống. Trong trường hợp đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được coi là doanh nghiệp nước ngoài và số tiền đầu tư nước ngoài sẽ là số tiền thu được bằng cách nhân số tiền được áp dụng/sử dụng cho mục đích đó với tỷ lệ đầu tư vốn cổ phần của (những) người nước ngoài. Hình thức đầu tư áp dụng cho các mục đích như:
- Xây dựng hoặc mở rộng nhà máy hoặc cơ sở nghiên cứu (kinh doanh sản xuất).
- Xây dựng hoặc mở rộng nhà máy hoặc cơ sở nghiên cứu (Kinh doanh phi sản xuất).
Hình thức hợp đồng, đầu tư mua bán chứng khoán…ở Hàn Quốc
Các hình thức được pháp luật đầu tư Việt Nam ghi nhận như nhà đầu tư đầu tư theo hình thức hợp đồng ở nước ngoài hay nhà đầu tư đầu tư mua, bán chứng khoán, giấy tờ có giá khác hoặc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài, hiện ở Hàn Quốc chưa có quy định cụ thể ghi nhận hình thức đầu tư này đối với nhà đầu tư nước ngoài, bạn cần chú ý quy định về hình thức đầu tư theo pháp luật của cả hai quốc gia để lựa chọn hình thức đầu tư hợp pháp.
Ngành, nghề được phép đầu tư sang Hàn Quốc
Khi thực hiện đầu tư từ Việt Nam sang Hàn Quốc, nhà đầu tư cần nắm được ngành, nghề được phép đầu tư, đầu tư có điều kiện hay bị cấm đầu tư theo pháp luật cả hai quốc gia.
Theo pháp luật Việt Nam
Tại Việt Nam, cấm đầu tư ra nước ngoài đối với các ngành, nghề về kinh doanh các chất ma túy quy định tại Phụ lục I của Luật đầu tư 2020; kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục II của Luật đầu tư 2020; Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục III của Luật đầu tư 2020; Kinh doanh mại dâm; Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người; Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người; Kinh doanh pháo nổ; Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Bên cạnh đó, việc cấm đầu tư ra nước ngoài cũng được áp dụng đối với các ngành, nghề theo điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; các ngành, nghề có công nghệ, sản phẩm thuộc đối tượng cấm xuất khẩu theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại thương và ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư.
Cùng với đó, pháp luật đầu tư Việt Nam cũng quy định 06 nhóm ngành, nghề đầu tư có điều kiện đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài, bao gồm: Ngân hàng; Bảo hiểm; Chứng khoán; Báo chí, phát thanh, truyền hình và Kinh doanh bất động sản. Theo đó, Đối với các ngành, nghề ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, nhà đầu tư phải đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán và được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản. Đối với ngành, nghề báo chí, phát thanh, truyền hình quy định, nhà đầu tư là tổ chức đã được cấp phép hoạt động báo chí, phát thanh, truyền hình tại Việt Nam và được Bộ Thông tin và Truyền thông đồng ý bằng văn bản. Còn đối với ngành, nghề kinh doanh bất động sản, nhà đầu tư là doanh nghiệp thành lập theo Luật Doanh nghiệp.
Theo pháp luật Hàn Quốc
Khi đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài bởi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, tại Hàn Quốc nhà đầu tư cũng cần tuân thủ các quy định pháp luật Hàn Quốc về ngành, nghề đầu tư.
Cụ thể, Hàn Quốc có quy định rằng nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia vào các hoạt động kinh doanh khác nhau tại Hàn Quốc mà không bị hạn chế, trừ những trường hợp sau đây:
- Trường hợp đầu tư được coi là đe dọa an ninh quốc gia và trật tự công cộng.
- Trường hợp khoản đầu tư được coi là có tác động có hại đến sức khỏe và vệ sinh công cộng hoặc bảo vệ môi trường hoặc hành vi trái với đạo đức và phong tục của Hàn Quốc.
- Trường hợp đầu tư vi phạm bất kỳ đạo luật hoặc quy chế nào của Hàn Quốc.
Nhà đầu tư nước ngoài sẽ không được kinh doanh tại Hàn Quốc những ngành, nghề sau đây:
- Dịch vụ bưu chính, ngân hàng trung ương, hỗ trợ cá nhân, quỹ hưu trí, quản lý thị trường tài chính và các hoạt động khác hỗ trợ cho hoạt động dịch vụ tài chính.
- Các cơ quan lập pháp, tư pháp và hành chính, nơi cư trú chính thức của nước ngoài tại Hàn Quốc và các cơ quan quốc tế và nước ngoài khác.
- Các cơ sở giáo dục (trường mẫu giáo, trường tiểu học, trường trung học cơ sở và trường trung học phổ thông, trường đại học, trường sau đại học, trường giáo dục đặc biệt…)
- Các nghệ sĩ, nhóm tôn giáo, ngành công nghiệp, chuyên gia, nhóm phong trào môi trường, nhóm phong trào chính trị hoặc lao động…
- Bị cấm: Sản xuất điện hạt nhân, phát thanh, phát sóng trên mặt đất.
Nhà đầu tư nước ngoài được phép kinh doanh tại Hàn Quốc những ngành, nghề sau đây nhưng có sự hạn chế nhất định về tỷ lệ sở hữu vốn, cụ thể:
- Được phép khi tỷ lệ đầu tư nước ngoài dưới 50%: Chăn nuôi gia súc, bán buôn thịt, truyền tải, phân phối và kinh doanh điện năng, vận chuyển hành khách và hàng hóa đường thủy/hàng không ven biển, xuất bản báo, tạp chí và tạp chí định kỳ.
- Được phép khi tỷ lệ đầu tư nước ngoài là 49% hoặc ít hơn: Phân phối chương trình, mạng cáp, vệ tinh hoặc các hình thức phát sóng, viễn thông có dây, không dây và vệ tinh khác và các phương tiện truyền thông điện tử khác.
- Được phép khi tỷ lệ đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% tổng số cơ sở nhà máy điện trong nước: Thủy điện, nhiệt điện, năng lượng mặt trời và các nguồn điện khác.
- Được phép nơi tỷ lệ đầu tư nước ngoài dưới 25%: Thông tấn xã.
Cũng cần lưu ý rằng các danh mục khác được phép ngoại trừ: Trồng ngũ cốc và các loại cây lương thực khác, sản xuất các hóa chất vô cơ cơ bản khác, luyện kim, tinh chế hoặc sản xuất hợp kim với kim loại màu, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải phóng xạ, ngân hàng nội địa ngoại trừ Liên đoàn Hợp tác xã Nông nghiệp Quốc gia và Liên đoàn Hợp tác xã Thủy sản Quốc gia.
Từ kinh nghiệm của chúng tôi việc nhà đầu tư nắm rõ được các quy định pháp luật Việt Nam cũng như quy định pháp luật Hàn Quốc trong việc đưa ra các quyết định về hình thức; ngành, nghề đầu tư là đặc biệt quan trọng. Hãy liên hệ công ty luật Siglaw để được tư vấn, giải đáp các vấn đề pháp lý liên quan đến đầu tư sang Hàn Quốc.