NĐT nước ngoài kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa

Với sự phát triển của nền kinh tế và nhu cầu thị trường về logistic, kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa cũng là một trong những ngành, nghề thu hút lượng lớn nguồn vốn đầu tư FDI tại Việt Nam. Với dịch vụ này, cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế cũng như pháp luật Việt Nam cũng đặt ra những điều kiện nhất định đối với nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa.

Nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa theo cam kết của Việt Nam trong WTO, FTAs

Theo Biểu cam kết WTO, hiện Việt Nam cam kết về dịch vụ vận tải hàng hóa cho nhà đầu tư nước ngoài trong 04 hình thức vận tải, bao gồm: (i) Vận tải hàng hóa bằng đường biển; (ii) Vận tải hàng hóa bằng đường thủy nội địa; (iii) Vận tải hàng hóa bằng đường sắt và (iv) Vận tải hàng hóa bằng đường bộ. Cụ thể, đối với từng hình thức vận tải, Việt Nam có cam kết như sau:

NĐT nước ngoài kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa
NĐT nước ngoài kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa

(i) Đối với vận tải hàng hóa vận tải bằng đường biển, Việt Nam cam kết:

Về thành lập các công ty vận hành đội tàu treo cờ Việt Nam: Sau 2 năm kể từ ngày gia nhập, các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được phép thành lập liên doanh trong đó phần vốn góp của phía NĐT nước ngoài không vượt quá 49% vốn pháp định của liên doanh. Thuyền viên nước ngoài được phép làm việc trên các tàu biển treo cờ Việt Nam (hoặc được đăng ký ở Việt Nam) thuộc sở hữu của các doanh nghiệp liên doanh tại Việt Nam nhưng tổng số không vượt quá 1/3 định biên của tàu. Thuyền trưởng hoặc thuyền phó thứ nhất phải là công dân Việt Nam.

Về hiện diện thương mại:

  1. Các công ty vận tải biển nước ngoài có thể thành lập doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài.
  2. Các hoạt động được phép thực hiện khi thành lập doanh nghiệp:
  • Bán và tiếp thị dịch vụ vận tải biển qua giao dịch trực tiếp với khách hàng, từ niêm yết giá tới lập chứng từ.
  • Đại diện cho chủ hàng.
  • Cung cấp các thông tin kinh doanh theo yêu cầu.
  • Chuẩn bị tài liệu liên quan tới chứng từ vận tải bao gồm chứng từ hải quan hoặc các chứng từ khác liên quan đến xuất xứ và đặc tính của hàng vận chuyển; và
  • Cung cấp dịch vụ vận tải biển bao gồm cả dịch vụ vận tải nội địa bằng tàu mang cờ Việt Nam trong trường hợp cung cấp dịch vụ vận tải tích hợp.
  • Thay mặt công ty tổ chức cho tàu vào cảng hoặc tiếp nhận hàng khi có yêu cầu.
  • Đàm phán và ký hợp đồng vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa liên quan tới hàng hóa do công ty vận chuyển.

(ii) Đối với vận tải hàng hóa vận tải bằng đường thủy nội địa, Việt Nam cam kết: Kể từ ngày gia nhập, nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài chỉ được phép cung cấp dịch vụ thông qua việc thành lập liên doanh với đối tác Việt Nam trong đó phần vốn góp của phía nước ngoài không được vượt quá 49% tổng vốn pháp định.

(iii) Đối với vận tải hàng hóa vận tải bằng đường sắt, Việt Nam chưa cam kết về hiện diện thương mại, ngoại trừ: các nhà cung cấp nước ngoài được cung cấp dịch vụ vận tải hàng hóa thông qua việc thành lập liên doanh với đối tác Việt Nam trong đó phần vốn góp của phía nước ngoài không được vượt quá 49% tổng vốn pháp định.

(iv) Đối với vận tải hàng hóa vận tải bằng đường bộ, Việt Nam cam kết:

Không hạn chế, ngoại trừ:

  • Tùy theo nhu cầu thị trường, được phép thành lập liên doanh để cung cấp dịch vụ vận tải hàng hóa, trong đó tỷ lệ vốn góp của phía nước ngoài không được vượt quá 51%.  Trong số các tiêu chí để xem xét, có thể sử dụng các tiêu chí: khả năng tạo công ăn việc làm; khả năng tạo ngoại tệ; khả năng áp dụng công nghệ tiên tiến, bao gồm cả kỹ năng quản lý; khả năng giảm bớt ô nhiễm công nghiệp; đào tạo nghề cho công nhân Việt Nam; v.v…
  • Yêu cầu 100% lái xe của tổ chức kinh tế phải là công dân Việt Nam.

Nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa theo cam kết của Việt Nam trong Hiệp định khung ASEAN về Dịch vụ (AFAS)

Hiệp định AFAS có các cam kết rộng hơn Hiệp định WTO cho nhà đầu tư nước ngoài trong kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa, cụ thể trong AFAS Việt Nam đã có cam kết như sau:

Đối với vận tải hàng hóa bằng đường biển: Về thành lập các công ty vận hành đội tàu treo cờ Việt Nam: Các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được phép thành lập liên doanh trong đó phần vốn góp của phía NĐT nước ngoài không vượt quá 70% vốn pháp định của liên doanh.

Đối với vận tải hàng hóa bằng đường thủy nội địa: Các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài đang chỉ được phép cung cấp dịch vụ thông qua việc thành lập liên doanh với đối tác Việt Nam tại mà phần vốn góp của phía nước ngoài không quá 51% tổng vốn pháp định.

Đối với vận tải hàng hóa đường sắt: Việt Nam cam kết không đặt ra hạn chế đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Đối với vận tải hàng hóa đường bộ: Các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài đang

được phép kinh doanh vận tải hàng hóa dịch vụ chỉ thông qua thành lập liên doanh với các đối tác Việt Nam mà góp vốn của phía nước ngoài không vượt quá 70% tổng vốn pháp định. 100% lái xe của liên doanh phải là công dân Việt Nam.

Khi thực hiện kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa, nhà đầu tư nước ngoài còn phải tuân theo quy định tại Nghị định 163/2017/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ logistics. Tuy nhiên, Nhà nước tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về đầu tư mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Như vậy, đối với dịch vụ vận tải hàng hóa việc gia nhập thị trường sẽ đòi khỏi nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng các điều kiện chặt chẽ hơn so với nhà đầu tư Việt Nam. Với đội ngũ luật sư, chuyên gia pháp lý giàu kinh nghiệm, công ty luật Siglaw sẵn sàng tư vấn, giải đáp cho bạn những vấn đề còn vướng mắc đối với trường hợp Nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa. Hãy liên hệ chúng tôi để nhận tư vấn.

5/5 - (2 bình chọn)
Luật sư Lê Dung

Tư vấn chuyên môn bài viết:

Luật sư Lê Dung (Elena)

CEO Công ty luật Siglaw

Luật sư Lê Dung đã có hơn 10 năm kinh nghiệm tư vấn pháp lý cho nhà đầu tư đến từ hơn 10 quốc gia như: Mỹ, Singapore, Canada, Đan Mạch, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc….

Tư vấn miễn phí: 0961 366 238