Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào công ty vận tải

Dịch vụ vận tải là một ngành nghề kinh doanh nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư tại Việt Nam. Nhà đầu tư có thể lựa chọn nhiều hình thức đầu tư vào ngành nghề vận tải như góp vốn, thành lập công ty, hợp đồng hợp tác kinh doanh… Trong đó, hình thức góp vốn vào công ty vận tải được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm do sự đơn giản, nhanh gọn của loại hình đầu tư này. Bài viết dưới đây, Siglaw xin chia sẻ về các điều kiện và thủ tục để nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào công ty vận tải tại Việt Nam.

Cơ sở pháp lý để nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào công ty vận tải

  • Luật Doanh nghiệp năm 2020;
  • Luật Đầu tư năm 2020;
  • Các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực vận tải (đường thủy, đường sắt, đường bộ, đường hàng không);
  • Biểu cam kết của Việt Nam trong WTO.

Điều kiện để nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào công ty vận tải

Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào công ty vận tải
Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào công ty vận tải

Điều kiện về hình thức đầu tư: Nhà đầu tư nước ngoài được phép thực hiện góp vốn vào công ty vận tải ở Việt Nam.

Điều kiện về tỷ lệ vốn góp: 

  • Vận tải đường biển: Đối với dịch vụ vận chuyển hàng hóa và hành khách: phải thành lập liên doanh với Việt Nam và tỷ lệ góp vốn phía nước ngoài không quá 49%; đối với dịch vụ liên quan đến vận tải quốc tế: được phép thành lập công ty 100% vốn nước ngoài từ ngày 11/1/2012;
  • Vận tải đường thủy nội địa: phải liên doanh với đối tác Việt Nam, vốn nước ngoài không được vượt quá 49%;
  • Vận tải đường sắt: phải liên doanh với đối tác Việt Nam, vốn nước ngoài không được vượt quá 49%;
  • Vận tải đường bộ: phải liên doanh với đối tác Việt Nam, vốn nước ngoài không vượt quá 51%;
  • Vận tải đường hành không: Các hoạt động dịch vụ vận chuyển hành khách hoặc hàng hóa sẽ tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam, tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30%; dịch vụ sữa chữa và bảo dưỡng máy bay: không hạn chế tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài;
  • Các dịch vụ hỗ trợ vận tải khác: Dịch vụ xếp dỡ công-ten-nơ (trừ dịch vụ cung cấp tại các sân bay) phải thành lập liên doanh, tỷ lệ góp vốn của phía nước ngoài không vượt quá 50%; Dịch vụ kho bãi và đại lý vận tải hàng hóa: không giới hạn vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài…Xem thêm: Thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải hàng không

Điều kiện của nhà đầu tư nước ngoài: Nhà đầu tư nước ngoài phải mang quốc tịch của một trong những quốc gia thành viên WTO hoặc có liên kết thương mại với Việt Nam, đồng thời phải đảm bảo tư cách pháp lý cá nhân, pháp nhân, đảm bảo khả năng đầu tư, năng lực tài chính… 

Điều kiện của đối tác Việt Nam: Công vận tải của Việt Nam phải được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định pháp luật.

Trình tự thủ tục góp vốn vào công ty vận tải của nhà đầu tư nước ngoài

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ 

Nhà đầu tư nước ngoài cần chuẩn bị đầy đủ các tài liệu sau đây để thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn vào công ty vận tải: 

  • Văn bản đăng ký góp vốn vào công ty vận tải. Trong văn bản phải nêu rõ thông tin về công ty vận tải mà nhà đầu tư nước ngoài dự định góp vốn; tỷ lệ vốn điều lệ dự định góp; tỷ lệ sở hữu vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trước và sau khi thực hiện góp vốn; danh sách chủ sở hữu, thành viên là nhà đầu tư nước ngoài… 
  • Bản sao công chứng đã được hợp pháp hóa lãnh sự giấy tờ pháp lý của cá nhân, tổ chức góp vốn vào công ty vận tải và của công ty vận tải nơi nhà đầu tư nước ngoài góp vốn;
  • Giấy giới thiệu, giấy ủy quyền nộp hồ sơ;
  • Bản sao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của công ty vận tải có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn đối với trường hợp công ty vận tải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới và xã, phường, thị trấn ven biển; khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh;
  • Văn bản thỏa thuận nguyên tắc về việc góp vốn giữa nhà đầu tư nước ngoài và công ty vận tải có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn hoặc giữa nhà đầu tư nước ngoài với thành viên của công ty vận tải đó.

Bước 2: Nộp hồ sơ

Nhà đầu tư nước ngoài nộp hồ sơ tại:

  • Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế nếu công ty vận tải đặt trụ sở tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
  • Phòng Kinh tế đối ngoại – Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh/thành phố nơi công ty đặt trụ sở nếu công ty vận tải nằm ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế là.

Cơ quan đăng ký đầu tư gửi thông báo về việc chấp thuận hoặc không chấp thuận việc góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài vào công ty vận tải trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ sau ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào công ty vận tải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới và xã, phường, thị trấn ven biển; khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, Cơ quan đăng ký đầu tư thực hiện thủ tục sau:

  • Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký đầu tư lấy ý kiến của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an về việc đáp ứng các điều kiện bảo đảm quốc phòng, an ninh và điều kiện sử dụng đất;
  • Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của cơ quan đăng ký đầu tư, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an có ý kiến về việc đáp ứng điều kiện bảo đảm quốc phòng, an ninh đối với công ty vận tải có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn; quá thời hạn yêu cầu mà không có ý kiến thì được coi là đã đồng ý việc đáp ứng điều kiện bảo đảm quốc phòng, an ninh đối với công ty vận tải có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn;
  • Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan đăng ký đầu tư xem xét việc đáp ứng điều kiện góp vốn và căn cứ ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an để thông báo cho nhà đầu tư. Văn bản thông báo được gửi cho nhà đầu tư nước ngoài và công ty vận tải có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn.

Bước 3: Thực hiện việc góp vốn vào công ty vận tải

Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện việc mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp và thực hiện góp vốn, chuyển vốn thông qua tài khoản đó. 

Các thành viên chuyển nhượng vốn thực hiện kê khai thuế khi chuyển nhượng theo pháp luật về thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp (nếu có).

Bước 4: Làm thủ tục thay đổi loại hình công ty, thành viên, cổ đông công ty

Công ty vận tải sau khi tiếp nhận phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài thì cần làm thủ tục thay đổi thành viên, cổ đông của công ty, Trong trường hợp việc góp vốn vào công ty vận tải dẫn đến sự thay đổi về loại hình công ty thì cần làm thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh theo quy định.

Trên đây là một vài chia sẻ của công ty luật Siglaw về điều kiện và thủ tục để nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào công ty vận tải. Mọi thắc mắc liên quan đến quy trình góp vốn vào công ty, vui lòng liên hệ Siglaw để được giải đáp và tư vấn tận tình.

5/5 - (2 bình chọn)
Luật sư Lê Dung

Tư vấn chuyên môn bài viết:

Luật sư Lê Dung (Elena)

CEO Công ty luật Siglaw

Luật sư Lê Dung đã có hơn 10 năm kinh nghiệm tư vấn pháp lý cho nhà đầu tư đến từ hơn 10 quốc gia như: Mỹ, Singapore, Canada, Đan Mạch, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc….

Tư vấn miễn phí: 0961 366 238