Thành lập công ty FDI kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải hàng không

Dịch vụ hỗ trợ vận tải hàng không có tầm quan trọng không thể phủ nhận trong ngành công nghiệp hàng không hiện nay, có thể giải quyết được nhiều hạn chế của vận tải bằng đường bộ và đường thủy, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế thế giới. Chính vì vậy, loại hình dịch vụ này đã và đang thu hút nhiều nhà đầu tư không chỉ các nhà đầu tư Việt Nam mà cả nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn để thực hiện hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, điều kiện, quy trình, thủ tục thành lập công ty FDI kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải hàng không là vấn đề mà các nhà đầu tư nước ngoài khi quyết định thành lập doanh nghiệp FDI kinh doanh dịch vụ này cần phải đặc biệt lưu ý. Thấu hiểu nhu cầu đó của khách hàng, trong bài viết dưới đây Siglaw xin cung cấp quy trình sơ bộ để thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải hàng không.

Cơ sở pháp lý về việc thành lập công ty FDI kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải hàng không

  • Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006;
  • Nghị định số 92/2016/NĐ-CP quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng;
  • Nghị định số 89/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2016/NĐ-CP) quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng;
  • Nghị định số 30/2013/NĐ-CP ngày 08/4/2013 về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung;
  • Các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà Việt Nam là thành viên.

Phạm vi kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải hàng không

Hoạt động dịch vụ hỗ trợ vận tải hàng không mang mã ngành 5223 bao gồm các dịch vụ chi tiết như:

  • Dịch vụ điều hành bay;
  • Dịch vụ điều hành hoạt động cảng hàng không;
  • Hoạt động dịch vụ hỗ trợ liên quan đến vận tải hàng không.

Điều kiện thành lập công ty vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải hàng không

Thành lập công ty FDI kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải hàng không
Thành lập công ty FDI kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải hàng không

Cam kết của Việt Nam trong Biểu cam kết về dịch vụ WTO

Đối với dịch vụ vận tải hàng không, Việt Nam cam kết:

  • Dịch vụ bán và tiếp thị sản phẩm hàng không: các hãng hàng không nước ngoài được phép cung cấp dịch vụ tại Việt Nam thông qua văn phòng bán vé của mình hoặc các đại lý tại Việt Nam qua phương thức cung cấp hiện diện thể nhân.
  • Dịch vụ đặt, giữ chỗ bằng máy tính: Không hạn chế, ngoại trừ nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài phải sử dụng mạng viễn thông công cộng dưới sự quản lý của nhà chức trách viễn thông Việt Nam.
  • Dịch vụ bảo dưỡng và sửa chữa máy bay: Kể từ ngày gia nhập, cho phép thành lập liên doanh trong đó phần vốn góp của phía nước ngoài không được vượt quá 51%. Sau 5 năm kể từ khi gia nhập, cho phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài.

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA)

Cam kết cụ thể của Việt Nam về dịch vụ hỗ trợ vận tải hàng không:

  • Dịch vụ mặt đất, không bao gồm bảo dưỡng và làm sạch máy bay, vận tải mặt đất, quản lý sân bay và dịch vụ bảo đảm hoạt động bay: Chưa cam kết. 5 năm sau khi Việt Nam cho phép nhà cung cấp tư nhân tiếp cận sân bay hoặc nhà ga sân bay, nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài chỉ được phép cung cấp dịch vụ ở sân bay hoặc nhà ga sân bay đó thông qua liên doanh với doanh nghiệp Việt Nam với phần vốn góp nước ngoài không vượt quá 49%. 3 năm sau đó, hạn chế vốn góp nước ngoài được nâng lên 51%.
  • Danh mục các hoạt động và số lượng nhà cung cấp dịch vụ tại mỗi sân bay phụ thuộc vào quy mô của sân bay đó.
  • Để chắc chắn hơn, Việt Nam bảo lưu quyền xem xét cấp phép cho các liên doanh nêu trên dựa trên những yếu tố sau đây, trong số nhiều yếu tố khác: (i) các lợi ích kinh tế-xã hội thực mà nhà đầu tư EU có thể tạo ra, bao gồm nhưng không giới hạn các cam kết lâu dài, xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ cho Việt Nam, đóng góp ưu tiên của họ cho nền kinh tế Việt Nam; (ii) năng lực tài chính và kinh nghiệm có liên quan; và (iii) tác động có thể có đến an ninh quốc phòng của Việt Nam.
  • Việc cho phép nhà cung cấp tư nhân tiếp cận ngành nêu trên có nghĩa là việc cho phép sự tham gia của ít nhất một công ty 100% thuộc sở hữu tư nhân của Việt Nam hoặc một liên doanh trong đó phần vốn góp tư nhân của Việt Nam chiếm ít nhất 51%.
  • Dịch vụ cung cấp suất ăn trong chuyến bay: Nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài chỉ được phép cung cấp dịch vụ thông qua việc thành lập liên doanh với đối tác Việt Nam trong đó phần vốn góp của phía nước ngoài không được vượt quá 49%.

Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)

Cam kết của Việt Nam liên quan đến dịch vụ vận tải hàng không trong Phụ lục NCM II-VN-7: Việt Nam bảo lưu quyền duy trì hoặc ban hành bất kỳ biện pháp nào liên quan đến:

  • Dịch vụ bay đặc biệt (ngoại trừ đào tạo bay thương mại)
  • Điều hành mặt đất
  • Dịch vụ vận hành sân bay

Điều kiện theo quy định pháp luật Việt Nam

Điều kiện kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải hàng không tại cảng hàng không, sân bay

Doanh nghiệp được phép thực hiện kinh doanh các dịch vụ hỗ trợ vận tải hàng không sau khi được cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay, trừ các trường hợp:

  • Dịch vụ khai thác khu bay do doanh nghiệp cảng hoặc tổ chức được Bộ Giao thông vận tải giao quản lý kết cấu hạ tầng sân bay cung cấp.
  • Dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không do lực lượng kiểm soát an ninh hàng không được tổ chức theo quy định tại Điều 195 Luật hàng không dân dụng Việt Nam cung cấp.

Điều kiện cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải hàng không tại cảng hàng không, sân bay

Điều kiện cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải hàng không tại cảng hàng không, sân bay bao gồm: 

  • Việc cung cấp dịch vụ phải phù hợp với quy hoạch chi tiết cảng hàng không, sân bay, khả năng đáp ứng kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay.
  • Doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau: 
    • Có đội ngũ nhân viên được cấp giấy phép, chứng chỉ phù hợp, đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, khai thác tại cảng hàng không, sân bay theo quy định của pháp luật về hàng không dân dụng;
    • Có tổ chức bộ máy bảo đảm việc cung ứng các dịch vụ hàng không liên quan tại cảng hàng không, sân bay theo quy định của pháp luật về hàng không dân dụng;
    • Đáp ứng các điều kiện, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành về bảo đảm an toàn hàng không, an ninh hàng không, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về hàng không dân dụng và pháp luật khác có liên quan;
  • Đáp ứng điều kiện về vốn.

Điều kiện về vốn

Vốn tối thiểu để thành lập doanh nghiệp FDI kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải hàng không và duy trì doanh nghiệp tại cảng hàng không, sân bay:

  • Kinh doanh dịch vụ khai thác nhà ga hành khách: 30 tỷ đồng Việt Nam;
  • Kinh doanh dịch vụ khai thác nhà ga, kho hàng hóa: 30 tỷ đồng Việt Nam;
  • Kinh doanh dịch vụ cung cấp xăng dầu: 30 tỷ đồng Việt Nam.

Đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khai thác nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa, dịch vụ xăng dầu hàng không, dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất, dịch vụ khai thác khu bay, tỷ lệ vốn góp của cá nhân, tổ chức nước ngoài không được quá 30% vốn điều lệ của doanh nghiệp.

Thủ tục thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải hàng không

Bước 1: Xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho công ty có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo quy định của Luật đầu tư năm 2020, các trường hợp phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư khi thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải hàng không như sau: 

  • Dự án đầu tư kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải hàng không của nhà đầu tư nước ngoài;
  • Dự án đầu tư kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải hàng không của các tổ chức kinh tế sau:
    • Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;
    • Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ;
    • Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải hàng không bao gồm:

  • Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải hàng không;
  • Đơn đề nghị cấp giấy phép (theo mẫu);
  • Bản chính văn bản xác nhận vốn;
  • Bản sao tài liệu chứng minh về bộ máy tổ chức, đội ngũ nhân viên được cấp chứng chỉ phù hợp, đáp ứng yêu cầu chuyên môn khai thác tại cảng hàng không, sân bay;
  • Tài liệu chứng minh đáp ứng các điều kiện, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành về bảo đảm an toàn hàng không, an ninh hàng không, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường;
  • Đối với trường hợp nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân cần bổ sung thêm: Bản sao hộ chiếu của nhà đầu tư nước ngoài;
  • Đối với nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức cần bổ sung thêm:
    • Bản sao giấy đăng ký kinh doanh của tổ chức nước ngoài;
    • Bản sao CMND/CCCD/hộ chiếu của người đại diện phần vốn góp cho tổ chức đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;
    • Báo cáo tài chính trong vòng 2 năm gần nhất có kiểm toán của tổ chức nước ngoài (phải được hợp pháp hóa lãnh sự, còn hiệu lực trong vòng 90 ngày).

Bước 2: Chuẩn bị đầy đủ thông tin thành lập doanh nghiệp FDI kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải hàng không

Những thông tin mà nhà đầu tư cần chuẩn bị trước khi làm hồ sơ đăng ký doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải hàng không bao gồm loại hình doanh nghiệp, phạm vi ngành nghề đầu tư kinh doanh, tên doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở, vốn điều lệ.

Bước 3: Chuẩn bị hồ sơ thành lập công ty FDI kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải hàng không

Sau khi có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và đã chuẩn bị đầy đủ thông tin như ở bước 2 đã nêu, nhà đầu tư cần chuẩn bị hồ sơ để thành lập doanh nghiệp. Hồ sơ thành lập công ty vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải hàng không bao gồm các tài liệu sau: 

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải hàng không;
  • Điều lệ công ty có vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải hàng không;
  • Danh sách thành viên (đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên)/cổ đông (đối với công ty cổ phần);
  • Bản sao các giấy tờ pháp lý cá nhân;
  • Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương khác của tổ chức và văn bản ủy quyền; Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức;
  • Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
  • Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật đầu tư.

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải hàng không nộp hồ sơ bằng cách nộp trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh/thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc nộp hồ sơ trực tuyến qua mạng điện tử tại Cổng Thông tin Đăng ký doanh nghiệp Quốc gia. Cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp trong thời gian 03 – 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì phải thông báo bằng văn bản cho người thành lập công ty FDI kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải hàng không, nêu rõ lý do và các yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ.

Bước 4: Đăng bố cáo thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải hàng không

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải hàng không sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, phải thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp theo đúng trình tự, thủ tục và phải nộp phí theo quy định.

Nội dung công bố bao gồm các nội dung trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và các thông tin sau:

  • Ngành, nghề kinh doanh;
  • Danh sách cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần.

Bước 5: Làm con dấu pháp nhân

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải hàng không tiến hành khắc dấu tại một trong những đơn vị khắc dấu được cấp phép sau khi có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và đã tiến hành đăng bố cáo thành lập doanh nghiệp FDI kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải hàng không. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải hàng không tự quyết định số lượng và hình thức con dấu trong phạm vi pháp luật cho phép.

Bước 6: Xin giấy phép con đối với công ty kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải hàng không có vốn nước ngoài

Sau khi thành lập công ty vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải hàng không, doanh nghiệp cần tiến hành xin các loại giấy phép con để đảm bảo đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải hàng không

Trên đây là những thủ tục cơ bản nhất mà nhà đầu tư có thể tham khảo khi có dự định thành lập công ty FDI kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải hàng không. Nếu nhà đầu tư nước ngoài có vướng mắc hoặc cần một đơn vị chuyên nghiệp hỗ trợ thủ tục, Siglaw hoàn toàn tự tin là đơn vị có thể cung cấp dịch vụ tư vấn một cách chuyên nghiệp và tiết kiệm chi phí, thời gian nhất cho nhà đầu tư.

Để được tư vấn một cách toàn diện, Quý khách liên hệ Công ty Luật Siglaw (Siglaw Firm)

Trụ sở chính tại Tp. Hà Nội: Tầng 12A Tòa nhà Sao Mai, Số 19 đường Lê Văn Lương, Phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội.

Hotline: 0961 366 238

Chi nhánh tại Tp. Hồ Chí Minh: A9.05 Block A, Tòa Sky Center, số 5B đường Phổ Quang, Phường 2, Quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh.

1/5 - (1 vote)
Luật sư Lê Dung

Tư vấn chuyên môn bài viết:

Luật sư Lê Dung (Elena)

CEO Công ty luật Siglaw

Luật sư Lê Dung đã có hơn 10 năm kinh nghiệm tư vấn pháp lý cho nhà đầu tư đến từ hơn 10 quốc gia như: Mỹ, Singapore, Canada, Đan Mạch, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc….

Bài viết liên quan

Tư vấn miễn phí: 0961 366 238