Nhu cầu sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh của người Việt ngày càng lớn nên không chỉ có các nhà đầu tư trong nước mà cả nhà đầu tư nước ngoài cũng đang tìm cơ hội để tham gia thành lập bệnh viện. Vậy điều kiện, hồ sơ thủ tục để thành lập bệnh viện có vốn nước ngoài tại Việt Nam như thế nào? Mời bạn cùng Siglaw tìm hiểu chi tiết trong bài viết này nhé:
Điều kiện cần đáp ứng để thành lập bệnh viện có vốn nước ngoài tại Việt Nam
Theo Biểu cam kết thương mại dịch vụ của Việt Nam trong WTO, nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được cung cấp dịch vụ thông qua thành lập bệnh viện 100% vốn đầu tư nước ngoài, liên doanh với đối tác Việt Nam hoặc thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài phải thỏa mãn điều kiện về vốn đầu tư FDI tối thiểu cho một bệnh viện là 20 triệu USD, bệnh xá đa khoa (polyclinic) là 2 triệu USD và cơ sở điều trị chuyên khoa là 200.000 USD.
Riêng nhà đầu tư phải đáp ứng đủ điều kiện gồm:
- Trường hợp nhà đầu tư là cá nhân: Phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự
- Trường hợp nhà đầu tư là tổ chức: Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tại nước ngoài và phải được hợp pháp hóa lãnh sự.
Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi muốn thành lập bệnh viện có vốn nước ngoài tại Việt Nam thì phải được cấp chứng chỉ hành nghề tại Việt Nam. Chứng chỉ hành nghề được cấp khi thỏa mãn các yêu cầu gồm:
- Có một trong các văn bằng, giấy chứng nhận dưới đây phù hợp với hình thức hành nghề khám, chữa bệnh: Văn bằng chuyên môn được cấp hoặc công nhận tại Việt Nam có liên quan đến ngành y tế; Giấy chứng nhận là lương y; Giấy chứng nhận là người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền.
- Có giấy tờ xác nhận quá trình thực hành (trừ trường hợp là lương y, người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền).
- Có văn bản chứng nhận đủ điều kiện về sức khỏe để hành nghề khám, chữa bệnh.
- Không thuộc trường hợp đang trong thời gian bị cấm hành nghề, cấm làm công việc liên quan đến chuyên môn y, dược theo bản án, quyết định của tòa án; đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang trong thời gian chấp hành bản án hình sự, quyết định hình sự của tòa án hoặc quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục; đang trong thời gian bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên có liên quan đến chuyên môn khám, chữa bệnh; mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.
- Đáp ứng yêu cầu về sử dụng ngôn ngữ trong khám, chữa bệnh quy định tại Điều 23 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2019.
- Có lý lịch tư pháp được cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại xác nhận.
- Có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về lao động của Việt Nam cấp theo quy định của pháp luật về lao động.
Xin cấp giấy phép hoạt động kinh doanh bệnh viện có vốn nước ngoài tại Việt Nam
Sau khi đã hoàn tất các thủ tục đăng ký đầu tư FDI và đăng ký thành lập doanh nghiệp tại Sở kế hoạch và Đầu tư, nhà đầu tư cần thực hiện tiếp thủ tục xin cấp giấy phép hoạt động kinh doanh bệnh viện. Theo đó, cần thỏa mãn các điều kiện sau đây để bệnh viện được cấp phép hoạt động:
Yêu cầu về quy mô bệnh viện
- Bệnh viện đa khoa phải có ít nhất 30 giường bệnh trở lên;
- Bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện y học cổ truyền phải có ít nhất 20 giường bệnh; riêng đối với bệnh viện chuyên khoa mắt sử dụng kỹ thuật cao phải có ít nhất 10 giường bệnh.
Yêu cầu về cơ sở vật chất
Bệnh viện phải được thiết kế, xây dựng theo Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam số 365:2007. Riêng các khoa sau đây cần thực hiện đúng việc thiết kế, xây dựng như đã quy định tại Quyết định số 32, 33, 34, 35 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Y tế, gồm: khoa cấp cứu, khoa điều trị tích cực và chống độc, khoa phẫu thuật, khoa chẩn đoán hình ảnh, khoa xét nghiệm.
Nếu bệnh viện được xây dựng trên địa bàn quận thuộc thành phố trực thuộc trung ương mà không bảo đảm diện tích đất xây dựng theo quy định của Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam số 365:2007 thì có thể thiết kế, xây dựng theo hình thức nhà hợp khối, cao tầng nhưng phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Bố trí các khoa, phòng, hành lang bảo đảm hoạt động chuyên môn theo mô hình tập trung, khép kín, liên hoàn trong phạm vi khuôn viên của bệnh viện; thực hiện điều kiện vô trùng và các điều kiện vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật;
- Diện tích sàn xây dựng bảo đảm ít nhất là 50 m2/giường bệnh trở lên; chiều rộng mặt trước (mặt tiền) bệnh viện phải đạt ít nhất 10 m. Đối với các bệnh viện đã hoạt động trước ngày 01/01/2012 được phép tiếp tục hoạt động nhưng phải đáp ứng điều kiện quy định về chiều rộng mặt trước của bệnh viện chậm nhất vào ngày 01/01/2016.
- Bảo đảm các điều kiện về phòng cháy chữa cháy, an toàn bức xạ, quản lý chất thải y tế theo quy định của pháp luật;
- Có đủ điện, nước và các điều kiện khác để phục vụ chăm sóc người bệnh.
Yêu cầu về thiết bị y tế
Thiết bị, dụng cụ y tế phải đầy đủ và phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn mà bệnh viện đăng ký;
Phương tiện vận chuyển cấp cứu trong và ngoài bệnh viện phải đầy đủ. Trường hợp không có phương tiện cấp cứu ngoài bệnh viện thì bệnh viện phải có hợp đồng với cơ sở có phương tiện cấp cứu ngoài bệnh viện.
Yêu cầu về tổ chức
Các khoa của bệnh viện bao gồm:
- Có ít nhất 02 trên 04 khoa nội, ngoại, sản, nhi đối với bệnh viện đa khoa hoặc 01 khoa lâm sàng phù hợp đối với bệnh viện chuyên khoa;
- Khoa khám bệnh (bao gồm: nơi tiếp đón người bệnh, buồng cấp cứu – lưu bệnh, buồng khám, buồng tiểu phẫu);
- Khoa cận lâm sàng: Trang bị ít nhất 02 bộ phận xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh. Riêng bệnh viện chuyên khoa mắt, nếu không có bộ phận chẩn đoán hình ảnh thì phải có hợp đồng với cơ sở khám, chữa bệnh có bộ phận chẩn đoán hình ảnh đã được cấp giấy phép hoạt động;
- Khoa dược;
- Các khoa, phòng chuyên môn khác trong bệnh viện phải phù hợp với quy mô, chức năng nhiệm vụ.
- Các phòng chức năng về kế hoạch tổng hợp, tổ chức nhân sự, điều dưỡng, tài chính kế toán.
Yêu cầu về nhân sự
- Tỷ lệ số lượng nhân viên hành nghề làm việc toàn thời gian (cơ hữu) trong từng khoa ít nhất là 50% trên tổng số nhân viên hành nghề trong khoa;
- Định mức về biên chế, tỷ lệ cơ cấu bộ phận, chuyên môn thực hiện theo Thông tư liên tịch số 08 năm 2007 của Bộ Y tế – Bộ Nội vụ hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế nhà nước;
Người chịu trách nhiệm về chuyên môn kỹ thuật của bệnh viện cần đáp ứng các điều kiện sau:
- Là bác sĩ có chứng chỉ hành nghề phù hợp với ít nhất một trong các chuyên khoa mà bệnh viện đăng ký hoạt động;
- Có thời gian khám, chữa bệnh ít nhất là 54 tháng. Có văn bản thể hiện việc phân công, bổ nhiệm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của bệnh viện;
- Làm việc toàn thời gian tại bệnh viện.
Trưởng khoa lâm sàng phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Là bác sĩ có chứng chỉ hành nghề phù hợp với chuyên khoa đó;
- Có thời gian khám bệnh, chữa bệnh tại chuyên khoa đó ít nhất là 36 tháng. Có văn bản thể hiện việc phân công, bổ nhiệm trưởng khoa;
- Là người làm việc toàn thời gian tại bệnh viện;
Trưởng khoa khác phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Tốt nghiệp đại học và có thời gian làm việc tại chuyên khoa đó ít nhất là 36 tháng kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp đại học đến ngày được phân công, bổ nhiệm làm trưởng khoa. Có văn bản thể hiện việc phân công, bổ nhiệm trưởng khoa;
- Làm việc toàn thời gian tại bệnh viện;
- Trưởng khoa dược là người làm việc toàn thời gian tại bệnh viện và phải đáp ứng quy định tại Thông tư số 22 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định tổ chức và hoạt động của khoa Dược bệnh viện;
Phẫu thuật viên phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Là bác sĩ chuyên khoa ngoại hoặc bác sĩ đa khoa có chứng nhận đào tạo chuyên khoa ngoại của bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh trở lên hoặc trường đại học chuyên ngành y khoa hoặc tại Trung tâm đào tạo và chỉ đạo tuyến thuộc các bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 trực thuộc Bộ Y tế. Trường hợp được đào tạo ở nước ngoài, phẫu thuật viên phải có chứng nhận chuyên khoa;
- Có văn bản cho phép thực hiện phẫu thuật, can thiệp ngoại khoa của giám đốc bệnh viện theo đề nghị của người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của bệnh viện;
- Ngoài các đối tượng quy định tại Điểm c, d, đ, e và g Khoản 5 Điều 23 Thông tư 41 năm 2011 của Bộ Y tế, các đối tượng khác làm việc trong bệnh viện nếu có thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh thì phải có chứng chỉ hành nghề và chỉ được thực hiện việc này trong phạm vi công việc được phân công. Việc phân công phải được thể hiện bằng văn bản và phải phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề của người đó.
Phạm vi hoạt động chuyên môn
Thực hiện các kỹ thuật chuyên môn theo danh mục được Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Giám đốc Sở Y tế tỉnh phê duyệt. Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài liên doanh với đối tác Việt Nam thì không cần thực hiện thủ tục này.
. Hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại hoặc điều chỉnh giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (Điều 46, Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009)
Hồ sơ và thủ tục xin cấp giấy phép hoạt động động kinh doanh bệnh viện
Cơ sở kinh doanh bệnh viện cần chuẩn bị các giấy tờ sau đây:
- Văn bản đề nghị cấp giấy phép hoạt động kinh doanh bệnh viện;
- Bản sao quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với việc thành lập cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân hoặc giấy chứng nhận đầu tư đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có vốn đầu tư FDI nước ngoài;
- Bản sao chứng chỉ hành nghề của người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật, người phụ trách bộ phận chuyên môn và danh sách ghi rõ họ tên, số chứng chỉ, phạm vi hoạt động chuyên môn của từng người hành nghề đối với bệnh viện; bản sao chứng chỉ hành nghề của từng người hành nghề đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác;
- Bản kê khai cơ sở vật chất, thiết bị y tế, bản mô tả mô hình tổ chức và hồ sơ nhân sự;
- Văn bản chứng minh cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 43 của Luật này;
- Đối với bệnh viện, ngoài các điều kiện quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản này còn phải có Điều lệ tổ chức và hoạt động, phương án hoạt động ban đầu.
Sau khi chuẩn bị kỹ bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động theo quy định, cơ sở kinh doanh đem nộp cho Bộ Y tế hoặc Bộ Quốc phòng hoặc Sở Y tế. Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đầy đủ, Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hoặc Giám đốc Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động cho cơ sở kinh doanh. Trường hợp hồ sơ không được cấp hoặc điều chỉnh thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Để được tư vấn miễn phí một cách toàn diện về đầu tư FDI thành lập bệnh viện có vốn nước ngoài tại Việt Nam, Quý khách liên hệ:
Công ty Luật Siglaw (Siglaw Firm)
Trụ sở chính tại Tp. Hà Nội: Số 44/A32 – NV13, Khu A Glexemco, đường Lê Trọng Tấn, An Khánh, Hoài Đức, Tp.Hà Nội.
Hotline: 0961 366 238
Email: vphn@siglaw.com.vn
Chi nhánh tại Tp. Hồ Chí Minh: A9.05 Block A, Tòa Sky Center, số 5B đường Phổ Quang, Phường 2, Quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh.
Email: vphcm@siglaw.com.vn