05 Cuốn sách pháp luật đầu tư Việt Nam

Với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây, việc đầu tư FDI vào đất nước này đang trở thành một xu hướng không thể phủ nhận. Tuy nhiên, để đảm bảo sự thành công trong lĩnh vực đầu tư, kiến thức về pháp luật đầu tư là vô cùng quan trọng. Và để giúp bạn có thể tiếp cận với những kiến thức này, chúng tôi giới thiệu đến bạn bộ 05 cuốn sách về pháp luật đầu tư Việt Nam nên đọc. Hãy cùng khám phá và nâng cao kiến thức của mình để đạt được thành công trong lĩnh vực đầu tư này.

Sách “Luật Đầu tư (hiện hành) (sửa đổi, bổ sung năm 2022) và nghị định hướng dẫn thi hành”

Đây là cuốn sách tổng hợp tất cả các văn bản quy phạm pháp luật và các nghị định hướng dẫn thi hành liên quan đến Luật Đầu tư hiện hành. Trong đó, văn bản luật được hợp nhất từ hai luật là Luật Đầu tư năm 2020 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự, theo đó, đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Luật Đầu tư năm 2020 (những nội dung liên quan đến Luật Đầu tư).

Cuốn sách cung cấp cho bạn đọc, các nhà đầu tư và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh các quy định của pháp luật về hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và hoạt động đầu tư kinh doanh từ Việt Nam ra nước ngoài, từ điều kiện đầu tư kinh doanh, ngành, nghề và điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, những ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, thủ tục đầu tư, …

Tuy nhiên, cuốn sách này chỉ đơn thuần là văn bản quy phạm pháp luật. Vì vậy quý bạn đọc sẽ rất khó để nắm bắt được các quy định này cụ thể được hiểu như thế nào.

Sách “Luật Đầu tư (hiện hành) (sửa đổi, bổ sung năm 2022) và nghị định hướng dẫn thi hành”
Sách “Luật Đầu tư (hiện hành) (sửa đổi, bổ sung năm 2022) và nghị định hướng dẫn thi hành”

Pháp luật Việt Nam về đầu tư nước ngoài, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế trong thời kỳ đổi mới

Cuốn sách “Pháp luật Việt Nam về đầu tư nước ngoài, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế trong thời kỳ đổi mới” được biên soạn bởi T.S Trần Anh Tuấn và T.S Trịnh Hải Yến. Cả hai đều là những chuyên gia về pháp luật đầu tư có nhiều kinh nghiệm. Cuốn sách này là một trong những tài liệu tham khảo quan trọng cho các doanh nghiệp và luật sư trong việc giải quyết các vấn đề liên quan tới pháp luật đầu tư và tranh chấp tại Việt Nam. 

Nội dung cuốn sách được cấu thành bởi 5 chương, gồm:

Chương I: Những vấn đề lý luận về đầu tư nước ngoài và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế;

Chương II: Thực trạng pháp luật quốc tế về đầu tư nước ngoài và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế;

Chương III: Cam kết quốc tế, pháp luật Việt Nam về đầu tư nước ngoài và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế;

Chương IV: Kinh nghiệm quốc tế về đầu tư nước ngoài và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế;

Chương V: Các giải pháp về hoàn thiện khung pháp lý, nâng cao năng lực thực thi pháp luật về đầu tư nước ngoài và phòng ngừa, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế của Việt Nam.

Cuốn sách “Pháp luật Việt Nam về đầu tư nước ngoài, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế trong thời kỳ đổi mới” phác họa một bức tranh tổng thể về pháp luật đầu tư nước ngoài và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa. Cuốn sách cũng tổng kết quá trình phát triển của pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài sau hơn 30 năm đổi mới. Ngoài ra, cuốn sách còn đề xuất và kiến nghị phương hướng hoàn thiện pháp luật trong giai đoạn tới, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả thu hút cũng như quản lý đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. 

Tuy nhiên, vì đây là một cuốn sách chuyên khảo, nội dung có thể không dễ dàng tiếp thu được bởi những người không có kiến thức nền tảng về pháp luật. Nó có thể chỉ phù hợp với các chuyên gia, nhà nghiên cứu và những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế. Tuy vậy, với những người quan tâm đến lĩnh vực này, đây là một nguồn tài liệu rất quý giá để hiểu rõ hơn về cơ chế pháp lý của đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và quy trình giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế trong thời đại toàn cầu hóa. Một nhược điểm nữa của cuốn sách cũng nằm ở việc cuốn sách tập trung nhiều trên phương diện lý luận, nhấn mạnh vào việc phân tích và giải thích các quy định pháp luật một cách chặt chẽ và chi tiết. Cho nên, việc áp dụng các kiến thức lý thuyết này vào thực tiễn đầu tư thường gặp nhiều khó khăn do sự phức tạp và đa dạng của các trường hợp trong thực tế có thể phát sinh mà không được đầu sách đề cập tới. Do đó, đòi hỏi người đọc phải có kinh nghiệm và sự thông thạo về pháp luật đầu tư để có thẻ áp dụng hiệu quả các kiến thức từ cuốn sách vào thực tiễn đầu tư.

Sách “Góc nhìn luật sư – Những quy định cần biết khi đầu tư vào Việt Nam”

Cuốn sách “Góc nhìn Luật sư – Những quy định cần biết khi đầu tư vào Việt Nam” được biên soạn bởi ThS. Luật sư Lê Thị Dung. Luật Sư Lê Dung hiện tại đã có hơn 12 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời có nền tảng kiến thức đồng bộ chuyên sâu về pháp luật Đầu tư – Doanh nghiệp – Thương mại – Kế toán và Tài chính doanh nghiệp – Thuế – Lao động và tiền lương – Quản trị hành chính văn phòng và kiểm soát nội bộ. Hiện nay, chị đang là Tổng Giám đốc công ty Luật TNHH SigLaw. 

Cuốn sách là sự tổng hợp các quy định pháp luật mới nhất liên quan đến pháp luật đầu tư bao gồm: Luật đầu tư, Luật dân sự, Luật doanh nghiệp, Luật lao động, Luật bảo hiểm xã hội, Luật thuế…và kèm theo đó là sự phân tích của tác giả giúp bạn đọc nhanh chóng nắm được các khái niệm, kiến thức, quy định pháp luật liên quan đến đầu tư doanh nghiệp.

Nội dung gồm 17 phần được sắp xếp một cách khoa học trình bày toàn diện pháp luật đầu tư từ việc giải thích nhà đầu tư là ai, các loại hình doanh nghiệp được phép đầu tư, các ưu đãi, ngành nghề được phép đầu tư, các thủ tục cần thiết trước và sau đầu tư cũng như trình bày về thuế, kiểm toán, nhượng quyền thương mại, giải thể, lao động nước ngoài, bảo hiểm xã hội, quản lý mối quan hệ nhân sự.

Nội dung cuốn sách được cấu thành bởi 17 phần chi tiết, gồm:

  1. Bối cảnh
  2. Vì sao Việt Nam là điểm đến có sức hút?
  3. Nhà đầu tư nước ngoài là ai?
  4. 5 loại hình đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
  5. Chính sách ưu đãi và hỗ trợ dành cho nhà đầu tư nước ngoài của Chính phủ Việt Nam
  6. Ngành nghề kinh doanh dành cho nhà đầu tư nước ngoài
  7. Thủ tục ban đầu để đầu tư vào Việt Nam
  8. Nhượng quyền thương mại
  9. Giấy phép kinh doanh các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện
  10. Một số thủ tục doanh nghiệp nên thực hiện sau khi thành lập doanh nghiệp
  11. Thủ tục sau khi đầu tư vào Việt Nam
  12. Thuế
  13. Kiểm toán
  14. Quản lý mối quan hệ nhân sự
  15. Giải thể
  16. Lao động nước ngoài
  17. Bảo hiểm xã hội

Trái lại so với một số đầu sách chuyên khảo khác có trên thị trường, Cuốn sách “Góc nhìn Luật sư – Những quy định cần biết khi đầu tư vào Việt Nam” tập trung chủ yếu trình bày một cách khoa học, toàn diện, đầy đủ từ các khái niệm cơ bản nhất cho tới các khái niệm chuyên sâu. Cuốn sách không chỉ đầy đủ, ngắn gọn, chi tiết về mặt thông tin và còn được sử dụng như một lộ trình giúp cho các nhà đầu tư muốn tìm hiểu về pháp luật đầu tư tại Việt Nam nhưng chưa thể nắm rõ các quy định hoặc chưa biết bắt đầu từ đâu khi các quy định cần thiết nằm rải rác ở nhiều các văn bản luật khác nhau. Qua đó, giúp nhà đầu tư có thể nắm bắt một cách nhanh nhất, chính xác nhất các quy định của pháp luật đầu tư mà không phải mất hàng trăm giờ nghiên cứu từ các khái niệm cơ bản nhất. Đặc biệt, cuốn sách được xuất bản dưới dạng Song ngữ Việt – Anh, phù hợp vừa cho đối tượng người đọc là người Việt muốn đầu tư tại Việt Nam hoặc ra nước ngoài, vừa cho đối tượng người nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam. Cuốn sách này không chỉ hữu ích cho các nhà đầu tư, mà còn cho những người quan tâm đến lĩnh vực pháp luật đầu tư tại Việt Nam. Nó cung cấp cho độc giả một cái nhìn tổng quan về quy định pháp luật và giúp họ tránh được các rủi ro tiềm ẩn trong quá trình đầu tư. Bên cạnh đó, cách trình bày rõ ràng, dễ hiểu của cuốn sách cũng giúp cho người đọc có thể áp dụng kiến thức vào thực tiễn một cách dễ dàng. Cuốn sách là một tài liệu tham khảo quan trọng cho những ai quan tâm đến pháp luật đầu tư tại Việt Nam và mong muốn tìm hiểu một cách nhanh chóng và chính xác.

Tuy nhiên, cũng do cuốn sách “Góc nhìn Luật sư – Những quy định cần biết khi đầu tư vào Việt Nam” không phải là một đầu sách chuyên khảo, hướng tới các đối tượng chuyên gia và các nhà nghiên cứu dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư, cuốn sách cũng không đi sâu vào phân tích chi tiết các quy định của luật, cũng như đưa ra các nhận định đánh giá, so sánh chi tiết về ưu điểm, nhược điểm giữa các hình thức đầu tư, giữa các loại hình đầu tư hay giữa các ưu đãi đầu tư mà Chính phủ nước CHXNCN Việt Nam dành cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài khi so với các quốc gia khác trong cùng khu vực. Vì vậy, đối tượng hướng tới của cuốn sách này chủ yếu là các nhà đầu tư mới bắt đầu tiếp cận lĩnh vực đầu tư tại Việt Nam và muốn nắm bắt một cách nhanh chóng và đầy đủ các quy định cơ bản của pháp luật đầu tư tại đất nước này. Tóm lại, cuốn sách “Góc nhìn Luật sư – Những quy định cần biết khi đầu tư vào Việt Nam” là một tài liệu hữu ích giúp cho các nhà đầu tư có thể tiếp cận với lĩnh vực đầu tư tại Việt Nam một cách dễ dàng, nhanh chóng và đầy đủ các quy định cần thiết mà không phải mất quá nhiều thời gian tìm hiểu.

Sách “Góc nhìn luật sư – Những quy định cần biết khi đầu tư vào Việt Nam”
Sách “Góc nhìn luật sư – Những quy định cần biết khi đầu tư vào Việt Nam”

Xem thêm: Văn bản pháp luật về đầu tư FDI tại Việt Nam

Pháp luật về hợp đồng trong thương mại và đầu tư 

Cuốn sách “Pháp luật về hợp đồng trong thương mại và đầu tư” của T.S Nguyễn Thị Dung. Cô là Phó trưởng khoa Pháp luật Kinh tế tại trường Đại học Luật Hà Nội và là cơ sở đào tạo Luật đứng đầu cả nước. Tính đến nay, TS. Nguyễn Thị Dung đã Chủ biên và đồng tác giả 03 Giáo trình: Luật Thương mại tập 1 và tập 2, Giáo trình Một số hợp đồng đặc thù trong hoạt động thương mại. Chủ biên và đồng tác giả 4 Sách chuyên khảo và 3 Sách tham khảo: “Pháp luật hợp đồng trong thương mại và đầu tư”; Sách chuyên khảo Luật Kinh tế; Sách “Kiến thức pháp lý và kỹ năng cơ bản trong đàm phán, soạn thảo và ký kết hợp đồng thương mại”; Sách chuyên khảo Pháp luật Kinh tế Việt Nam trong thời kỳ đổi mới; Sách Hỏi và đáp Luật Thương mại; Sách Hướng dẫn học Tập 1 và Tập 2. Thông qua các bộ sách, chủ biên đã đồng hành và dẫn dắt nhiều thế hệ giảng viên trẻ trong hoạt động nghiên cứu khoa học của họ. 

Nội dung cuốn sách gồm các phần:

Phần 1. Tổng quan pháp luật về hợp đồng trong thương mại và đầu tư

Phần 2. Một số loại hợp đồng trong thương mại và đầu tư – Những vấn đề pháp lý cơ bản

Phần 3. Một số vấn đề cơ bản về đàm phán và soạn thảo hợp đồng trong hoạt động thương mại và đầu tư

Phần 4. Một số mẫu hợp đồng cụ thể

Cuốn sách chuyên khảo “Pháp luật về hợp đồng trong thương mại và đầu tư – Những vấn đề pháp lý cơ bản” do TS. Nguyễn Thị Dung làm chủ biên đã được xuất bản lần đầu vào năm 2008 và đã được tái bản lần thứ nhất vào năm 2009, lần thứ hai vào năm 2019 và lần thứ ba vào năm 2020. Cuốn sách này cung cấp cho độc giả những kiến thức chuyên sâu và cụ thể về các loại hợp đồng cơ bản trong hoạt động thương mại và đầu tư tại Việt Nam, được phân tích và bình luận dựa trên Luật Thương mại năm 2005, Bộ luật Dân sự năm 2005 và các văn bản pháp luật có liên quan. 

Trong lần xuất bản thứ tư này, cuốn sách đã được các tác giả chỉnh sửa và cập nhật các quy định mới nhất liên quan đến chế định hợp đồng của Luật Thương mại năm 2005, Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật Đầu tư năm 2020, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020 và Bộ luật Dân sự năm 2015 cùng các văn bản hướng dẫn thi hành. Cuốn sách cũng giới thiệu những kỹ năng cơ bản khi soạn thảo, ký kết hợp đồng cùng các mẫu hợp đồng phổ biến trong hoạt động thương mại và đầu tư, nhằm giúp các bên trong hợp đồng phòng tránh được những rủi ro pháp lý và giảm thiểu các tranh chấp trong hoạt động kinh doanh. Cuốn sách này là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà quản lý doanh nghiệp, nhà đầu tư và các chuyên gia pháp lý trong lĩnh vực này.

Sách “Điểm mới của Luật Đầu Tư năm 2020 dành cho doanh nghiệp”

Đây là cuốn sách được viết bởi Tiến sĩ Vương Thanh Thúy. Bà đã dành rất nhiều thời gian nghiên cứu để so sánh, cập nhật những điểm mới tiến bộ của Luật Đầu tư năm 2020 để giúp các nhà đầu tư, doanh nghiệp nói chung nắm được các kiến thức pháp lý về lĩnh vực đầu tư.

Về nội dung, phần thứ nhất của cuốn sách mang đến cho bạn đọc những phân tích, đánh giá ngắn gọn về các điểm mới tiêu biểu của Luật Đầu tư năm 2020, kèm theo những lưu ý, lời khuyên chắt lọc, dễ ghi nhớ và cần thiết đối với mỗi doanh nghiệp.

Phần thứ hai của cuốn sách là nội dung so sánh chi tiết hai văn bản: Luật Đầu tư năm 2014 và Luật Đầu tư năm 2020 được trình bày theo hình thức đối chiếu cụ thể từng điều luật, trong đó, nhấn mạnh từng chi tiết khác biệt để độc giả có thể dễ dàng theo dõi và áp dụng trên thực tế.

Sách “Điểm mới của Luật Đầu Tư năm 2020 dành cho doanh nghiệp”
Sách “Điểm mới của Luật Đầu Tư năm 2020 dành cho doanh nghiệp”

Nói về tác giả, TS. Vương Thanh Thúy là chuyên gia tư vấn pháp chế doanh nghiệp, có gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp lý. Bà là giảng viên của nhiều trường đại học danh tiếng trong cả nước, đã từng học tập, nghiên cứu, tham gia các hoạt động trao đổi, giảng dạy tại nhiều trường đại học, tổ chức quốc tế như: Trường Đại học Lund-Khoa Luật (Thụy Điển); Trường Đại học Luật Suffolk (Mỹ); Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO (Thụy Sĩ)… Hiện nay, bà đảm nhiệm chức vụ chuyên gia tư vấn, đào tạo cho nhiều tập đoàn, doanh nghiệp tại Việt Nam về các vấn đề pháp lý khác nhau.

Trên đây là những thông tin về 05 cuốn sách chuyên khảo về pháp luật đầu tư tại Việt Nam mà chúng tôi giới thiệu đến bạn đọc. Các cuốn sách này không chỉ cung cấp kiến thức về pháp luật đầu tư, mà còn giúp độc giả hiểu rõ hơn về quy trình và các thủ tục liên quan đến đầu tư tại Việt Nam. Các tác giả của các cuốn sách đều là những chuyên gia, nhà nghiên cứu và luật sư có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư, đồng thời các cuốn sách trên còn được kiểm duyệt và đánh giá cao bởi các chuyên gia đầu ngành phê duyệt như nhà xuất bản Chính trị Quốc gia sự thật –  Nhà xuất bản uy tín nhất Việt Nam, do đó các thông tin và kiến thức trong sách đều rất chính xác và có giá trị thực tiễn cao. Nếu bạn là một nhà đầu tư quan tâm đến thị trường đầu tư Việt Nam, hoặc đơn giản chỉ là muốn tìm hiểu về pháp luật đầu tư, thì 05 cuốn sách này là những tài liệu cần thiết và nên đọc. Chúng tôi tin rằng, thông qua việc đọc và tìm hiểu các cuốn sách này, bạn sẽ có được nhiều thông tin hữu ích và giúp cho quá trình đầu tư của bạn tại Việt Nam trở nên hiệu quả hơn.

5/5 - (4 votes)
Luật sư Lê Dung

Tư vấn chuyên môn bài viết:

Luật sư Lê Dung (Elena)

CEO Công ty luật Siglaw

Luật sư Lê Dung đã có hơn 10 năm kinh nghiệm tư vấn pháp lý cho nhà đầu tư đến từ hơn 10 quốc gia như: Mỹ, Singapore, Canada, Đan Mạch, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc….

Tư vấn miễn phí: 0961 366 238