Mức thuế GST tại Singapore

Thuế luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu khi thành lập doanh nghiệp tại bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Đối với các nhà đầu tư thành lập công ty tại Singapore, bên cạnh thuế thu nhập doanh nghiệp thì thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) cũng là một loại thuế quan trọng mà nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ. Bài viết dưới đây, Siglaw sẽ cung cấp thông tin về các điểm nổi bật liên quan đến mức thuế GST tại Singapore.

Khái niệm về thuế GST tại Singapore

Thuế hàng hóa và dịch vụ (Goods and Service Tax – GST) là loại thuế tiêu thụ đánh vào việc mua hàng hóa và dịch vụ, cũng như hàng hóa được nhập khẩu vào Singapore và được đánh trên người tiêu dùng cuối cùng. GST chính thức được áp dụng vào ngày 01 tháng 04 năm 1994 tại Singapore và Cơ quan doanh thu nội địa Singapore (IRAS) đóng vai trò đại diện cho Chính phủ Singapore thu thuế GST. Ngoài ra, IRAS còn có các chức năng như điều hành, đánh giá, thu thập và thực thi thanh toán thuế GST.

Thuế GST được biết đến như là Thuế giá trị gia tăng (VAT) ở một số nước khác và là loại thuế gián tiếp, nghĩa là nó sẽ được thu bởi doanh nghiệp và sau đó doanh nghiệp sẽ nộp lại khoản thuế đó cho Chính phủ. 

Mức thuế GST tại Singapore
Mức thuế GST tại Singapore

Mức thuế GST tại Singapore như thế nào?

Tính tới thời điểm hiện tại, thuế GST tại Singapore đang ở mức 8%. Năm 2018, IRAS lần đầu tiên thông báo tăng thuế GST từ 7% lên 9%. Sau đó, thông tin này đã bị trì hoãn do đại dịch Covid 19. Theo công bố Ngân sách 2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Singapore thông báo: 

  • Kể từ ngày 01/01/2023, thuế GST sẽ tăng từ 7% đến 8%.
  • Kể từ ngày 01/01/2024, thuế GST sẽ tăng từ 8% lên 9%.

Các doanh nghiệp thực hiện thông báo thay đổi thuế GST nằm trong các điều sau sẽ vi phạm quy định về thuế GST: 

  • Tính phí và thu thuế GST khi doanh nghiệp chưa đăng ký GST;
  • Không tuân thủ các yêu cầu hiển thị giá;
  • Không tuân thủ các yêu cầu về lập hóa đơn.

Các sản phẩm, dịch vụ chịu thuế GST tại Singapore

Hàng hóa và dịch vụ được chia thành 2 mục:

Tính thuế GST:

  • Hàng hóa và dịch vụ tiêu chuẩn áp dụng mức thuế GST 8% (Standard-rated supplies).
  • Hàng hóa và dịch vụ áp dụng thuế GST 0% (Zero-rated supplies).

Miễn thuế GST:

  • Hàng hóa và dịch vụ được miễn thuế GST (Exempt supplies).
  • Hàng hóa và dịch vụ nằm ngoài phạm vi áp dụng GST (Out-of-scope supplies).

Hầu hết hàng hóa và dịch vụ được cung cấp và buôn bán tại Singapore đều được xếp vào mục hàng hóa và dịch vụ tiêu chuẩn và được áp dụng mức thuế GST 8%.

Hàng hóa xuất khẩu và dịch vụ được xếp vào hạng mục dịch vụ quốc tế (ví dụ vé máy bay từ Singapore đến Thái Lan) sẽ được xếp vào loại hàng hóa và dịch vụ chịu thuế GST 0%.

Bán và cho thuê đất thổ cư và dịch vụ tài chính được xếp vào mục hàng hóa và dịch vụ miễn thuế GST.

Hàng hóa và dịch vụ nằm ngoài phạm vi áp dụng GST:

  • Giao dịch cá nhân;
  • Bán hàng tại quốc gia thứ 3 – bán hàng hóa và dịch vụ từ quốc gia bên ngoài Singapore đến quốc gia khác cũng ngoài lãnh thổ Singapore;
  • Hàng hóa nằm trong mục miễn GST (Zero GST Warehouse).

Đăng ký GST tại Singapore

Không phải doanh nghiệp nào cũng bắt buộc đăng ký GST. Đây là chính sách mà Chính phủ Singapore đưa ra nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

Doanh nghiệp tại Singapore chỉ phải đăng ký GST khi: 

  • Doanh thu chịu thuế của doanh nghiệp trong năm tài chính trước đó vượt quá 1 triệu SGD;
  • Doanh thu chịu thuế của doanh nghiệp hiện tại hoặc doanh thu kỳ vọng vượt hơn 1 triệu SGD (trong 12 tháng kế tiếp).

Trong trường hợp doanh thu chịu thuế không vượt quá 1 triệu SGD, doanh nghiệp vẫn có thể tự nguyện đăng ký GST.

Cách tính thuế GST tại Singapore

Sau khi doanh nghiệp đăng ký GST, thuế GST sẽ được tính cho hàng hóa và dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp theo mức thuế 8% ngoại trừ các hàng hóa và dịch vụ nằm trong danh mục miễn thuế GST.

Thuế GST tại Singapore được chia thành thuế đầu ra và thuế đầu vào:

  • Thuế đầu vào: Khoản thuế phải trả cho việc mua hàng hóa làm nguyên vật liệu cho việc sản xuất sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp.
  • Thuế đầu ra: Khoản thuế mà khách hàng phải trả khi mua hàng hóa hoặc sử dụng dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp. 

Trong quá trình khai thuế, nếu thuế đầu ra lớn hơn thuế đầu vào, phần chênh lệch sẽ được doanh nghiệp thanh toán. Nếu thuế đầu vào lớn hơn, doanh nghiệp sẽ được IRAS hoàn lại hoặc sử dụng để khấu trừ cho các kỳ nộp thuế sau. Xem thêm: Hoàn thuế GST/CIT cho công ty tại Singapore

Chính phủ Singapore hỗ trợ gì để giảm áp lực tăng thuế GST

Để giảm bớt áp lực tăng thuế GST, chính phủ Singapore thông báo trợ cấp gói Bảo hiểm 6 tỷ USD và không được tăng các khoản phí và lệ phí trong vòng 01 năm từ 01/01/2023. Điều này cũng sẽ áp dụng đối với phí cấp giấy phép, ví dụ như giấy phép lái xe cũng như các loại phí do cơ quan Chính phủ Singapore tính cho việc cung cấp dịch vụ trong đó bao gồm học phí ở trường học, ví dụ như Học viện Giáo dục Kỹ thuật và phí bách khoa, phí ở các bãi đậu xe công cộng.

Ngân hàng Thế giới thống kê mức thuế suất của 112 nước cho thấy có 88 nước có mức thuế suất từ 12% đến 25% (trong đó 56 nước có mức thuế suất từ 17% đến 25%), còn lại 24 nước phổ biến ở mức hơn 10%.

Qua đó có thể thấy, so với các nước khác trên thế giới, mức thuế GST tại Singapore tăng từ 7% lên 9% nhưng vẫn là mức thuế thấp và ưu đãi cho các nhà đầu tư muốn thành lập doanh nghiệp tại Singapore.

Trên đây là những chia sẻ của Siglaw về mức thuế GST tại Singapore. Để được tư vấn một cách toàn diện, quý khách vui lòng liên hệ Công ty Luật Siglaw:

Trụ sở chính tại Tp. Hà Nội: Số 44/A32 – NV13, Khu A Glexemco, đường Lê Trọng Tấn, An Khánh, Hoài Đức, Tp.Hà Nội.

Email: vphn@siglaw.com.vn 

Chi nhánh tại miền Nam: A9.05 Block A, Tòa Sky Center, số 5B đường Phổ Quang, Phường 2, Quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh.

Chi nhánh miền Trung: 177 Trưng Nữ Vương, Quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng

Email: vphcm@siglaw.com.vn

Hotline: 0961 366 238

5/5 - (5 votes)
Tư vấn miễn phí: 0961 366 238