Giấy phép thành lập cơ sở bán lẻ được rất nhiều doanh nghiệp quan tâm với mục đích mở rộng mô hình kinh doanh. Vậy điều kiện để xin phép thành lập cơ sở bán lẻ là gì? Hồ sơ thủ tục như thế nào? Tất cả sẽ được Siglaw giải thích chi tiết trong bài viết dưới đây:
Cơ sở bán lẻ là gì?
Căn cứ theo tại Điều 3 Nghị định 09/2018/NĐ-CP quy định: “Cơ sở bán lẻ là địa điểm thực hiện hoạt động bán lẻ”.
Trong đó Cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất là cơ sở bán lẻ được lập ở Việt Nam bởi một trong những nhà đầu tư, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã có cơ sở bán lẻ ở Việt Nam, hoặc được lập dưới cùng tên, nhãn hiệu với ít nhất một cơ sở bán lẻ do tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã có tại Việt Nam.
Cơ sở bán lẻ được phân loại thành một số loại như sau:
- Cửa hàng tiện lợi là cơ sở bán lẻ các mặt hàng tiêu dùng nhanh, bao gồm: Thực phẩm, đồ uống, dược phẩm không kê đơn, thực phẩm chức năng và các sản phẩm bổ dưỡng sức khỏe, hóa mỹ phẩm và các sản phẩm khác phục vụ tiêu dùng hàng ngày.
- Siêu thị mini là cơ sở bán lẻ có diện tích dưới 500m2 và thuộc loại hình siêu thị tổng hợp theo quy định pháp luật.
- Trung tâm thương mại là địa điểm bao gồm nhiều cơ sở bán lẻ và cung cấp dịch vụ được bố trí tập trung, liên hoàn trong một hoặc một số công trình kiến trúc liền kề.
Điều kiện xin cấp giấy phép thành lập cơ sở bán lẻ
Để được cấp giấy phép thành lập cơ sở bán lẻ, doanh nghiệp cần phải đáp ứng một số điều kiện theo quy định của pháp luật. Vậy pháp luật quy định thế nào về điều kiện xin cấp giấy phép thành lập cơ sở bán lẻ?
Theo Khoản 2 Điều 5 Nghị định 09/2018/NĐ-CP, công ty có vốn đầu tư nước ngoài có nhu cầu lập cơ sở bán lẻ sẽ phải đáp ứng các điều kiện để được cấp giấy phép thành lập cơ sở bán lẻ.
Vì vậy, theo Điều 22 Nghị định 09/2018/NĐ-CP điều kiện để được cấp giấy phép thành lập cơ sở bán lẻ đối với công ty có vốn đầu tư nước ngoài là:
Đối với việc lập cơ sở bán lẻ thứ nhất
- Có kế hoạch về tài chính để lập cơ sở bán lẻ.
- Không còn nợ thuế quá hạn trong trường hợp đã được thành lập tại Việt Nam từ 01 năm trở lên.
- Địa điểm lập cơ sở bán lẻ phù hợp với quy hoạch có liên quan tại khu vực thị trường địa lý.
Việc lập cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất
Theo quy định của pháp luật thì khi lập cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thực nhất, các nhà đầu tư phải thực hiện kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT), trừ trường hợp cơ sở bán lẻ đó có diện tích dưới 500m2, được lập trong trung tâm thương mại và không thuộc loại hình cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini. Như vậy, tùy từng trường hợp mà nhà đầu tư cần đáp ứng điều kiện khác nhau để được Cấp giấy phép thành lập cơ sở bán lẻ:
- Trường hợp không phải thực hiện kiểm tra nhu cầu kinh tế: Đáp ứng điều kiện tương ứng với điều kiện lập cơ sở bán lẻ thứ nhất.
- Trường hợp phải thực hiện kiểm tra nhu cầu kinh tế:
- Đáp ứng điều kiện giống trường hợp lập cơ sở bán lẻ thứ nhất và đáp ứng tiêu chí Kiểm tra nhu cầu kinh tế.
- Quy mô của khu vực thị trường địa lý chịu ảnh hưởng khi cơ sở bán lẻ hoạt động.
- Số lượng các cơ sở bán lẻ đang hoạt động trong khu vực thị trường địa lý.
- Tác động của cơ sở bán lẻ tới sự ổn định của thị trường và hoạt động kinh doanh của các cơ sở bán lẻ, chợ truyền thống trong khu vực thị trường địa lý.
- Ảnh hưởng của cơ sở bán lẻ tới mật độ giao thông, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy trong khu vực thị trường địa lý.
- Khả năng đóng góp của cơ sở bán lẻ đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của khu vực thị trường địa lý.
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thành lập cơ sở bán lẻ
Giấy phép thành lập cơ sở bán lẻ là một trong những loại giấy phép con do Sở công thương cấp cho công ty có vốn nước ngoài.
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thành lập cơ sở bán lẻ được quy định tại Điều 27 Nghị định 09/2018/NĐ-CP, bao gồm:
- Đơn đề nghị cấp giấy phép thành lập cơ sở bán lẻ (Mẫu số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 09/2018/NĐ-CP).
- Bản giải trình có nội dung:
- Địa điểm lập cơ sở bán lẻ.
- Kế hoạch kinh doanh tại cơ sở bán lẻ.
- Kế hoạch tài chính cho việc lập cơ sở bán lẻ.
- Tài liệu của cơ quan thuế chứng minh không còn nợ thuế quá hạn.
- Bản sao: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án lập cơ sở bán lẻ (nếu có), Giấy phép kinh doanh.
- Bản giải trình các tiêu chí kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) trong trường hợp phải thực hiện (ENT).
Thủ tục xin cấp giấy phép thành lập cơ sở bán lẻ
Doanh nghiệp muốn được cấp Giấy phép thành lập cơ sở bán lẻ thì cần phải thực hiện thủ tục theo quy định của pháp luật. Vậy thủ tục xin cấp giấy phép lập cơ sở bán lẻ thực hiện như thế nào?
Theo Điều 23 Nghị định 09/2018/NĐ-CP, nếu như thương nhân nước ngoài mở cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất đáp ứng đủ các điều kiện sau thì không phải thực hiện kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT):
- Có diện tích dưới 500m2.
- Được thành lập trong trung tâm thương mại.
- Không thuộc loại hình cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini.
Theo đó, nếu như thương nhân nước ngoài không đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên thì vẫn bắt buộc phải thực hiện ENT khi thành lập các cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất.
Đối với các trường hợp phải thực hiện ENT hoặc không phải thực hiện ENT thì thủ tục xin cấp Giấy phép thành lập cơ sở bán lẻ sẽ có sự khác nhau nhất định. Cụ thể:
Đối với trường hợp không phải thực hiện kiểm tra nhu cầu kinh tế
Theo quy định tại Điều 28 Nghị định 09/2018/NĐ-CP, trình tự, thủ tục thực hiện như sau:
Bước 1: Công ty có vốn đầu tư nước ngoài chuẩn bị hồ sơ bao gồm các giấy tờ theo quy định trên.
Hồ sơ 02 bộ, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu chính hoặc qua mạng điện tử (nếu đủ điều kiện áp dụng) đến Sở Công thương nơi thương nhân nước ngoài đặt cơ sở bán lẻ.
Bước 2: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan cấp Giấy phép kiểm tra và yêu cầu sửa đổi, bổ sung nếu hồ sơ chưa đủ và hợp lệ.
Bước 3: Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đủ và hợp lệ, Cơ quan cấp Giấy phép kiểm tra việc đáp ứng về điều kiện lập cơ sở bán lẻ quy định tại khoản 1 Điều 22 Nghị định 09/2018/NĐ-CP.
Bước 4: Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Công Thương căn cứ vào nội dung tương ứng quy định tại Điều 25 Nghị định này để có văn bản chấp thuận cấp Giấy phép thành lập cơ sở bán lẻ; trường hợp từ chối phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do (Mẫu số 10 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 09/2018/NĐ-CP).
Bước 5: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận của Bộ Công Thương, Cơ quan cấp giấy phép thành lập cơ sở bán lẻ. Trường hợp Bộ Công Thương từ chối, Cơ quan cấp Giấy phép phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Đối với trường hợp phải thực hiện ENT
Theo quy định tại Điều 29 Nghị định 09/2018/NĐ-CP, trình tự, thủ tục thực hiện như sau:
Bước 1: Công ty có vốn đầu tư nước ngoài chuẩn bị hồ sơ theo quy định trên.
Hồ sơ 02 bộ gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu chính hoặc qua mạng điện tử (nếu đủ điều kiện áp dụng) đến Sở Công thương nơi thương nhân nước ngoài đặt cơ sở bán lẻ.
Bước 2: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan cấp Giấy phép kiểm tra và yêu cầu sửa đổi, bổ sung nếu hồ sơ chưa đủ và hợp lệ.
Bước 3: Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đủ và hợp lệ, Cơ quan cấp Giấy phép kiểm tra việc đáp ứng về điều kiện lập cơ sở bán lẻ quy định tại khoản 1 Điều 22 Nghị định 09/2018/NĐ-CP:
- Trường hợp không đáp ứng điều kiện, Cơ quan cấp Giấy phép có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
- Trường hợp đáp ứng điều kiện, Cơ quan cấp Giấy phép đề xuất thành lập Hội đồng ENT theo quy định tại khoản 1 và 2 Điều 24 Nghị định 09/2018/NĐ-CP.
Bước 4: Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị thành lập Hội đồng ENT, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập Hội đồng ENT.
Bước 5: Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thành lập, Hội đồng ENT đánh giá các tiêu chí ENT quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định 09/2018/NĐ-CP để Chủ tịch Hội đồng ENT có văn bản kết luận đề xuất.
Bước 6: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản kết luận đề xuất của Chủ tịch Hội đồng ENT:
- Trường hợp văn bản kết luận đề xuất không cấp phép, Cơ quan cấp Giấy phép có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
- Trường hợp văn bản kết luận đề xuất cấp phép, Cơ quan cấp Giấy phép gửi hồ sơ kèm văn bản lấy ý kiến Bộ Công Thương theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 8 Nghị định 09/2018/NĐ-CP (Mẫu số 09 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 09/2018/NĐ-CP).
Bước 7: Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Công Thương căn cứ vào nội dung tương ứng quy định tại Điều 25 Nghị định 09/2018/NĐ-CP để có văn bản chấp thuận cấp Giấy phép thành lập cơ sở bán lẻ; trường hợp từ chối phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do (Mẫu số 10 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 09/2018/NĐ-CP).
Bước 8: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận của Bộ Công Thương, Cơ quan cấp Giấy phép cấp Giấy phép thành lập cơ sở bán lẻ. Trường hợp Bộ Công Thương từ chối, Cơ quan cấp Giấy phép phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Quy định về thu hồi giấy phép thành lập cơ sở bán lẻ
Thu hồi giấy phép thành lập cơ sở bán lẻ là một hình thức xử lý của Nhà nước đối với các trường hợp vi phạm quy định pháp luật về đăng ký, hoạt động cơ sở bán lẻ của nhà đầu tư nước ngoài. Nếu bị thu hồi giấy phép, nhà đầu tư sẽ không được tiếp tục thực hiện kinh doanh bán lẻ tại Việt Nam.
Những trường hợp thu hồi giấy phép thành lập cơ sở bán lẻ
Theo quy định tại khoản 2 Điều 43 Nghị định 09/2018/NĐ-CP, Giấy phép thành lập cơ sở bán lẻ bị thu hồi trong các trường hợp sau:
- TH1: Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương của dự án lập cơ sở bán lẻ, Giấy phép kinh doanh bị thu hồi.
- TH2: Nội dung kê khai trong hồ sơ cấp, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn Giấy phép thành lập cơ sở bán lẻ là giả mạo.
- TH3: Sau 12 tháng kể từ ngày được cấp Giấy phép thành lập cơ sở bán lẻ, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài không có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp quy định phải có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mà không báo cáo Cơ quan cấp Giấy phép.
- TH4: Sau 24 tháng kể từ ngày được cấp Giấy phép thành lập cơ sở bán lẻ, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài không có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp quy định phải có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
- TH5: Ngừng hoạt động bán lẻ tại cơ sở bán lẻ quá 12 tháng mà không báo cáo Cơ quan cấp Giấy phép.
- TH6: Không thực hiện chế độ báo cáo định kỳ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 40 Nghị định này trong 24 tháng liên tiếp.
- TH7: Không gửi báo cáo, tài liệu, giải trình theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 40 Nghị định này sau thời hạn 03 tháng kể từ ngày hết hạn yêu cầu.
Trình tự thu hồi Giấy phép thành lập cơ sở bán lẻ
Đối với thu hồi giấy phép thành lập cơ sở bán lẻ theo trường hợp 1 ở trên, Sở Công Thương ra Quyết định thu hồi Giấy phép lập cơ sở bán lẻ theo mẫu.
Đối với trường hợp nội dung kê khai trong hồ sơ cấp, cấp lại, gia hạn Giấy phép thành lập cơ sở bán lẻ, là giả mạo, Sở Công Thương ra thông báo về hành vi vi phạm và ra Quyết định thu hồi Giấy phép lập cơ sở bán lẻ đã cấp, cấp lại, gia hạn.
Đối với trường hợp nội dung kê khai trong hồ sơ điều chỉnh Giấy phép thành lập cơ sở bán lẻ là giả mạo. Sở Công Thương sẽ ra thông báo về hành vi vi phạm và ra Quyết định hủy bỏ những nội dung Giấy phép lập cơ sở bán lẻ được điều chỉnh trên cơ sở thông tin giả mạo; khôi phục lại các nội dung được cấp phép trước đó trên Giấy phép cơ sở bán lẻ, đồng thời thông báo với cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.
Đối với các TH 3, 4, 5, 6, 7 ở trên, Sở Công Thương sẽ có văn bản yêu cầu người đại diện theo pháp luật của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đến giải trình. Quá thời hạn theo yêu cầu 15 ngày mà người đại diện không đến hoặc có đến nhưng giải trình không thỏa đáng, Cơ quan cấp Giấy phép ra Quyết định thu hồi Quyết định thu hồi Giấy phép thành lập cơ sở bán lẻ.
Điều chỉnh giấy phép thành lập cơ sở bán lẻ
Khi muốn thay đổi nội dung Giấy phép lập cơ sở bán lẻ, doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy phép lập cơ sở bán lẻ theo quy định của pháp luật. Đây là giấy phép được cấp cho tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài để lập cơ sở bán lẻ.
Giấy phép thành lập cơ sở bán lẻ được điều chỉnh khi có thay đổi một trong các nội dung sau:
- Tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính.
- Tên, địa chỉ của cơ sở bán lẻ.
- Loại hình cơ sở bán lẻ.
- Quy mô cơ sở bán lẻ.
- Các nội dung khác.
Hồ sơ điều chỉnh Giấy phép thành lập cơ sở bán lẻ
Đối với trường hợp thay đổi nội dung tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính; tên, địa chỉ của cơ sở bán lẻ; loại hình cơ sở bán lẻ, trừ trường hợp thay đổi loại hình cơ sở bán lẻ thành cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini và trường hợp điều chỉnh giảm diện tích cơ sở bán lẻ, hồ sơ gồm:
- Đơn đề nghị điều chỉnh Giấy phép thành lập cơ sở bán lẻ (Mẫu số 05 tại Phụ lục Nghị định 09/2018/NĐ-CP).
- Trường hợp thay đổi tên, địa chỉ trụ sở chính: Bản sao Giấy phép kinh doanh ghi nhận nội dung điều chỉnh.
- Trường hợp thay đổi địa chỉ của cơ sở bán lẻ: Bản sao văn bản của cơ quan có thẩm quyền cấp phường, xã, thị trấn xác nhận việc thay đổi địa chỉ.
- Trường hợp giảm diện tích cơ sở bán lẻ: Các giấy tờ có liên quan.
Đối với trường hợp tăng diện tích cơ sở bán lẻ thứ nhất trong trung tâm thương mại; tăng diện tích cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất, được lập trong trung tâm thương mại và không thuộc loại hình cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, đến mức dưới 500m2, hồ sơ gồm:
- Đơn đề nghị điều chỉnh Giấy phép thành lập cơ sở bán lẻ (Mẫu số 05 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này).
- Bản giải trình có nội dung:
- Địa điểm lập cơ sở bán lẻ: Địa chỉ cơ sở bán lẻ; mô tả khu vực chung, có liên quan và khu vực sử dụng để lập cơ sở bán lẻ; kèm theo tài liệu về địa điểm lập cơ sở bán lẻ.
- Báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh của cơ sở bán lẻ trong năm gần nhất.
- Tài liệu của cơ quan thuế chứng minh không còn nợ thuế quá hạn.
Đối với trường hợp tăng diện tích cơ sở bán lẻ thứ nhất không nằm trong trung tâm thương mại, hồ sơ gồm:
- Các tài liệu như trường hợp tăng diện tích cơ sở bán lẻ thứ nhất trong trung tâm thương mại; tăng diện tích cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất, được lập trong trung tâm thương mại và không thuộc loại hình cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, đến mức dưới 500m2 đã nêu trên.
- Bản giải trình việc đáp ứng điều kiện quy định tại điểm c khoản 1 Điều 22 Nghị định này.
Đối với trường hợp tăng diện tích cơ sở bán lẻ khác và trường hợp cơ sở ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất thay đổi loại hình thành cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, hồ sơ gồm:
- Đơn đề nghị điều chỉnh Giấy phép thành lập cơ sở bán lẻ.
- Báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh của cơ sở bán lẻ trong năm gần nhất.
- Bản giải trình có nội dung:
- Địa điểm lập cơ sở bán lẻ.
- Kế hoạch kinh doanh tại cơ sở bán lẻ.
- Kế hoạch tài chính cho việc lập cơ sở bán lẻ.
- Tài liệu của cơ quan thuế chứng minh không còn nợ thuế quá hạn.
- Bản giải trình các tiêu chí ENT quy định tại các điểm c, d và đ khoản 2 Điều 23 Nghị định này, trong trường hợp phải thực hiện ENT.
Quy trình, thủ tục điều chỉnh giấy phép thành lập cơ sở bán lẻ
Trường hợp điều chỉnh Giấy phép thành lập cơ sở bán lẻ do thay đổi tên, mã số doanh nghiệp, trụ sở chính, Chủ sở hữu, thành viên, cổ đông, danh mục hàng hóa và các hoạt động liên quan đến mua bán hàng hóa (không thuộc trường hợp phải xin ý kiến Bộ Công Thương và Cơ quan quản lý ngành):
- Công ty nộp 01 bộ hồ sơ đến Sở Công Thương.
- Thời gian làm việc: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ Sở Công Thương có văn bản chấp thuận cấp Giấy phép kinh doanh; trường hợp từ chối, phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Trường hợp điều chỉnh Cấp giấy phép kinh doanh do thay đổi danh mục hàng hóa và các hoạt động liên quan đến mua bán hàng hóa (thuộc trường hợp phải xin ý kiến Bộ Công Thương và Cơ quan quản lý ngành).
- Công ty nộp 03 bộ hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền- Sở Công Thương.
- Cơ quan cho ý kiến cấp phép: Bộ Công Thương, Bộ quản lý ngành.
Thủ tục điều chỉnh
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Sở Công Thương kiểm tra và yêu cầu sửa đổi, bổ sung nếu hồ sơ chưa đủ và hợp lệ.
- Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đủ và hợp lệ, Sở Công thương kiểm tra điều kiện cấp phép trường hợp từ chối cấp phép, phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do; trường hợp đáp ứng điều kiện, Sở Công thương gửi hồ sơ kèm văn bản lấy ý kiến Bộ Công Thương, bộ quản lý ngành.
- Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Công Thương và bộ quản lý ngành có văn bản chấp thuận cấp Giấy phép kinh doanh; trường hợp từ chối, phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận của Bộ Công Thương và bộ quản lý ngành, Sở Công thương cấp Giấy phép kinh doanh.
Chú ý: Doanh nghiệp phải làm thủ tục điều chỉnh trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ghi nhận nội dung điều chỉnh.
Dịch vụ xin cấp giấy phép lập cơ sở bán lẻ tại Siglaw
- Công ty luật Siglaw tư vấn chi tiết các điều kiện để được cấp giấy phép lập cơ sở bán lẻ.
- Chúng tôi sẽ thay mặt khách hàng để lên một bộ hồ sơ hoàn chỉnh và nộp hồ sơ tại Sở Công Thương để xin cấp giấy phép thành lập cơ sở bán lẻ.
- Siglaw liên tục theo dõi cập nhật báo cho khách hàng trong thời gian chờ giải quyết hồ sơ.
- Nhận giấy phép lập cơ sở bán lẻ sau đó đưa trực tiếp cho khách hàng và tư vấn thêm về các vấn đề pháp lý khác liên quan đến hoạt động kinh doanh của công ty, doanh nghiệp.
Căn cứ pháp lý
- Luật Thương mại 2005.
- Luật doanh nghiệp 2020.
- Nghị định 09/2018/NĐ-CP Quy định chi tiết Luật thương mại và Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.