Điều kiện nhập cảnh, quá cảnh, xuất cảnh với người nước ngoài

Cũng giống như chính sách của nhiều quốc gia khác trên thế giới, các quy định của Việt Nam về việc xuất cảnh, nhập cảnh và quá cảnh của người nước ngoài được xây dựng trên nguyên tắc thị thực (visas). Các quy định này được thể hiện trong Luật Nhập cảnh, Xuất cảnh, Quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014, được sửa đổi bổ sung năm 2019.

Lưu ý khi nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh với người nước ngoài

  1. Người nước ngoài là người mang giấy tờ xác định quốc tịch nước ngoài và người không quốc tịch nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam.
  2. Giấy tờ xác định quốc tịch nước ngoài là loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài hoặc Liên hợp quốc cấp, gồm hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu (sau đây gọi chung là hộ chiếu).
  3. Giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế là loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của một nước cấp cho người không quốc tịch đang cư trú tại nước đó và được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chấp thuận.
  4. Nhập cảnh là việc người nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam qua cửa khẩu của Việt Nam.
  5. Quá cảnh là việc người nước ngoài đi qua hoặc lưu lại khu vực quá cảnh tại cửa khẩu quốc tế của Việt Nam để đi nước thứ ba.
  6. Xuất cảnh là việc người nước ngoài ra khỏi lãnh thổ Việt Nam qua cửa khẩu của Việt Nam.
  7. Thị thực là loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, cho phép người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.
Điều kiện nhập cảnh, quá cảnh, xuất cảnh với người nước ngoài
Điều kiện nhập cảnh, quá cảnh, xuất cảnh với người nước ngoài

Điều kiện để nhập cảnh với người nước ngoài

Người nước ngoài khi nhập cảnh vào Việt Nam phải có đủ các điều kiện sau đây:

  • Có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế và thị thực, trừ trường hợp được miễn thị thực theo nghị quyết, quyết định của Chính Phủ tùy theo từng thời kỳ.
  • Người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực thì hộ chiếu phải còn thời hạn sử dụng ít nhất 06 tháng;
  • Không thuộc trường hợp chưa cho nhập cảnh

Những trường hợp chưa cho nhập cảnh

  • Trẻ em dưới 14 tuổi không có cha, mẹ, người giám hộ hoặc người được ủy quyền đi cùng.
  • Giả mạo giấy tờ, khai sai sự thật để được cấp giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú.
  • Người bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh truyền nhiễm gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng.
  • Bị trục xuất khỏi Việt Nam chưa quá 03 năm kể từ ngày quyết định trục xuất có hiệu lực.
  • Bị buộc xuất cảnh khỏi Việt Nam chưa quá 06 tháng kể từ ngày quyết định buộc xuất cảnh có hiệu lực.
  • Vì lý do phòng, chống dịch bệnh.
  • Vì lý do thiên tai.
  • Vì lý do quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Điều kiện quá cảnh

Người nước ngoài phải đảm bảo đủ các điều kiện sau:

  • Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế;
  • Vé phương tiện phù hợp với hành trình đi nước thứ ba;
  • Thị thực của nước thứ ba, trừ trường hợp được miễn thị thực.

Khu vực quá cảnh là khu vực thuộc cửa khẩu quốc tế, nơi người nước ngoài được lưu lại để đi nước thứ ba. Khu vực quá cảnh do cơ quan có thẩm quyền quản lý cửa khẩu quốc tế quyết định. Có 2 hình thức là quá cảnh đường hàng không và quá cảnh đường biển:

Người nước ngoài quá cảnh đường hàng không được miễn thị thực và phải ở trong khu vực quá cảnh tại sân bay quốc tế trong thời gian chờ chuyến bay. Trong thời gian quá cảnh, người nước ngoài có nhu cầu vào Việt Nam tham quan, du lịch theo chương trình do doanh nghiệp lữ hành quốc tế tại Việt Nam tổ chức thì được xét cấp thị thực phù hợp với thời gian quá cảnh.

Người nước ngoài quá cảnh đường biển được miễn thị thực và phải ở khu vực quá cảnh tại cửa khẩu cảng biển trong thời gian tàu, thuyền neo đậu; trường hợp có nhu cầu vào nội địa tham quan, du lịch theo chương trình do doanh nghiệp lữ hành quốc tế tại Việt Nam tổ chức thì được xét cấp thị thực phù hợp với thời gian quá cảnh; trường hợp có nhu cầu xuất cảnh qua cửa khẩu khác thì được xét cấp thị thực ký hiệu VR.

Điều kiện xuất cảnh

Theo Điều 27 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 (sửa đổi 2019) thì người nước ngoài được xuất cảnh khi có đủ các điều kiện sau:

– Có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế;

– Chứng nhận tạm trú, thẻ tạm trú hoặc thẻ thường trú còn giá trị;

– Không thuộc trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh quy định tại Điều 28 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 sau:

+ Người nước ngoài có thể bị tạm hoãn xuất cảnh nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

++ Đang là bị can, bị cáo, người có nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc đang là bị đơn, người bị kiện, người có nghĩa vụ liên quan trong vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính, hôn nhân và gia đình;

++ Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án, quyết định của Tòa án, quyết định của Hội đồng xử lý cạnh tranh;

++ Chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế;

++ Đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính;

++ Vì lý do quốc phòng, an ninh.

+ Các trường hợp quy định tạm hoãn xuất cảnh này không áp dụng đối với người đang chấp hành hình phạt tù bị dẫn giải ra nước ngoài để cung cấp chứng cứ theo quy định tại Điều 25 Luật Tương trợ tư pháp.

+ Thời hạn tạm hoãn xuất cảnh không quá 03 năm và có thể gia hạn.

Ngoài ra, người nước ngoài sử dụng thị thực điện tử xuất cảnh phải đủ các điều kiện quy định và xuất cảnh qua các cửa khẩu quốc tế do Chính phủ quyết định.

5/5 - (2 votes)
Luật sư Lê Dung

Tư vấn chuyên môn bài viết:

Luật sư Lê Dung (Elena)

CEO Công ty luật Siglaw

Luật sư Lê Dung đã có hơn 10 năm kinh nghiệm tư vấn pháp lý cho nhà đầu tư đến từ hơn 10 quốc gia như: Mỹ, Singapore, Canada, Đan Mạch, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc….

Tư vấn miễn phí: 0961 366 238