Chấm dứt dự án đầu tư ra nước ngoài là một quy trình phức tạp và quan trọng trong lĩnh vực kinh doanh và đầu tư. Việc chấm dứt dự án đầu tư đòi hỏi sự chú ý đến các quy định và thủ tục pháp lý của quốc gia không chỉ nơi dự án được thực hiện mà còn tại quốc gia nơi có hoạt động đầu tư ra nước ngoài.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về quy trình chấm dứt dự án đầu tư ra nước ngoài và các yêu cầu pháp lý cần thiết. Bài viết cũng sẽ trình bày một số hướng dẫn và lưu ý để giúp bạn hoàn thành quy trình thủ tục chấm dứt dự án đầu tư ra nước ngoài một cách hiệu quả và đáp ứng các yêu cầu pháp lý cần thiết.
Cơ sở pháp lý để làm thủ tục chấm dứt dự án đầu tư ra nước ngoài
- Luật số 61/2020/QH14, Luật Đầu tư;
- Nghị định số 31/2021/NĐ-CP, Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư;
- Thông tư số 03/2021/TT-BKHĐT quy định mẫu văn bản, báo cáo liên quan đến hoạt động đầu tư tại Việt Nam, đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài và xúc tiến đầu tư;
Các trường hợp chấm dứt dự án đầu tư ra nước ngoài
Dự án đầu tư ra nước ngoài chấm dứt nếu thuộc một trong số các trường hợp dưới đây:
- a) Nhà đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư;
- b) Hết thời hạn hoạt động của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư;
- c) Theo các điều kiện chấm dứt hoạt động được quy định trong hợp đồng, điều lệ doanh nghiệp;
- d) Nhà đầu tư chuyển nhượng toàn bộ vốn đầu tư ở nước ngoài cho nhà đầu tư nước ngoài;
đ) Quá thời hạn 24 tháng kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài mà nhà đầu tư không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện dự án đầu tư theo tiến độ đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước và không thực hiện thủ tục điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư;
- e) Tổ chức kinh tế ở nước ngoài bị giải thể hoặc phá sản theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư;
- g) Theo bản án, quyết định của Tòa án, phán quyết trọng tài.
Hồ sơ, thủ tục đề nghị chấm dứt dự án đầu tư ra nước ngoài
Bước 1: Nộp hồ sơ chấm dứt dự án đầu tư ra nước ngoài
Theo quy định tại Điều 87 Nghị định 31/2021/NĐ-CP, nhà đầu tư nộp 02 bộ Hồ sơ đề nghị chấm dứt hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài (trong đó có 01 bộ hồ sơ gốc) gồm các tài liệu sau:
- Văn bản đề nghị chấm dứt hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài;
- Bản gốc các Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài đã cấp;
- Quyết định chấm dứt dự án đầu tư tại nước ngoài tương ứng;
- Tài liệu chứng minh nhà đầu tư đã hoàn thành việc kết thúc, thanh lý dự án và chuyển toàn bộ tiền, tài sản, các khoản thu từ kết thúc, thanh lý dự án về nước theo quy định tại Điều 86 của Nghị định này;
- Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư.
Bước 2: Xét duyệt hồ sơ
Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
– Kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ hoặc có nội dung cần được làm rõ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư để hoàn thiện hồ sơ.
- Gửi hồ sơ lấy ý kiến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tình hình giao dịch ngoại hối của nhà đầu tư; việc chấp hành quy định của pháp luật về ngoại hối của nhà đầu tư, các vi phạm và xử lý vi phạm thuộc thẩm quyền (nếu có);
Bước 3: Trả kết quả chấm dứt dự án đầu tư ra nước ngoài
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ra quyết định chấm dứt hiệu lực và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài gửi nhà đầu tư.
Một số trường hợp lưu ý khi chấm dứt dự án đầu tư ra nước ngoài
Trường hợp chấm dứt dự án đầu tư ra nước ngoài do nhà đầu tư chuyển nhượng toàn bộ vốn đầu tư ở nước ngoài cho nhà đầu tư nước ngoài: trước khi thực hiện việc chuyển toàn bộ vốn đầu tư ở nước ngoài cho nhà đầu tư nước ngoài và chấm dứt dự án, nhà đầu tư phải thông báo với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Trường hợp chấm dứt dự án đầu tư ra nước ngoài do nhà đầu tư chuyển nhượng toàn bộ vốn đầu tư ở nước ngoài cho nhà đầu tư nước ngoài mà nhà đầu tư không thực hiện thủ tục chấm dứt hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư, căn cứ Luật Đầu tư và Nghị định này, thực hiện chấm dứt hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài gửi nhà đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan.
Sau khi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài bị chấm dứt hiệu lực, nếu nhà đầu tư muốn tiếp tục thực hiện dự án đầu tư ra nước ngoài thì phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư và Nghị định này.
Đối với các dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư, cơ quan quyết định việc đầu tư ra nước ngoài thực hiện chấm dứt dự án và báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài.
Để được TƯ VẤN VỀ CHẤM DỨT DỰ ÁN ĐẦU TƯ RA NƯỚC NGOÀI miễn phí một cách toàn diện, Quý khách liên hệ: Công ty Luật Siglaw
Trụ sở chính: Số 44/A32 – NV13, Khu A Glexemco, đường Lê Trọng Tấn, An Khánh, Hoài Đức, Tp.Hà Nội.
Hotline: 0961 366 238 Email: vphn@siglaw.com.vn
Chi nhánh Miền Nam: Khu phức hợp thương mại dịch vụ và nhà ở tại số 16/9 đường Bùi Văn Ba, Phường Tân Thuận Đông, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh.
Chi nhánh Miền Trung: 177 Trưng Nữ Vương, Quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng