Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu ngày càng phát triển, việc sử dụng các nguồn vốn vay nước ngoài trở nên quan trọng hơn bao giờ hết đối với các doanh nghiệp và tổ chức. Để thúc đẩy sự phát triển và mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh, viêc tìm kiếm và sử dụng các loại khoản vay nước ngoài đã trở thành một chiến lược quan trọng.
Tuy nhiên, để hiểu rõ và lựa chọn đúng loại vay phù hợp, các doanh nghiệp cũng cần nắm vững về những loại khoản vay nước ngoài khác nhau và điều kiện của từng loại khoản vay để lựa chọn cho doanh nghiệp loại hình phù hợp. Bài viết sau đây của Siglaw sẽ đi sâu vào tìm hiểu các loại khoản vay nước ngoài để giúp các doanh nghiệp đưa ra quyết định thông minh và hiệu quả về vấn đề tài chính.
Khoản vay nước ngoài là gì?
Khoản vay nước ngoài là cụm từ chung để chỉ khoản vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh (khoản vay tự vay, tự trả) và khoản vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh dưới mọi hình thức vay nước ngoài thông qua hợp đồng vay, hợp đồng nhập khẩu hàng hoá trả chậm, hợp đồng uỷ thác cho vay, hợp đồng cho thuê tài chính hoặc phát hành công cụ nợ trên thị trường quốc tế của bên đi vay.
Các loại khoản vay nước ngoài hiện nay
Khoản vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh
Khoản vay này tồn tại dưới hình thức hợp đồng vay, hợp đồng nhập khẩu hàng hoá trả chậm, hợp đồng uỷ thác cho vay, hợp đồng cho thuê tài chính, phát hành công cụ nợ trên thị trường quốc tế của bên đi vay.
Khoản vay nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hoá trả chậm là khoản nhập khẩu hàng hoá có ngày rút vốn đầu tiên trước ngày thanh toán cuối cùng, trong đó:
- Ngày rút vốn của khoản vay nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hoá trả chậm là: ngày thứ 90 kể từ ngày phát hành chứng từ vận tải trong trường hợp ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản yêu cầu bộ chứng từ thanh toán phải có chứng từ vận tải; ngày thứ 45 kể từ ngày hoàn thành kiểm tra ghi trên tờ khai hải quan đã được thông quan trong trường hợp ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản không yêu cầu bộ chứng từ thành toán phải có chứng từ vận tải.
- Ngày thanh toán cuối cùng được xác định là: ngày thanh toán cuối cùng của thời hạn thanh toán theo hợp đồng; ngày thanh toán thực tế cuối cùng trong trường hợp không thực hiện theo hợp đồng hoặc hợp đồng không quy định cụ thể thời hạn thanh toán. Thời hạn khoản vay nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hoá trả chậm là thời hạn được xác định từ ngày rút vốn đầu tiên đến ngày thanh toán cuối cùng.
Khoản vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh
Khoản vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh là việc bên đi vay thực hiện vay nước ngoài theo phương thức tự vay, tự chịu trách nhiệm trả nợ với bên cho vay nước ngoài. Đối với trường hợp này, có thể phân ra thành khoản vay nước ngoài ngắn hạn và khoản vay nước ngoài trung, dài hạn.
Khoản vay nước ngoài ngắn hạn tự vay, tự trả là khoản vay nước ngoài không được Chính Phủ bảo lãnh có thể hạn đến 1 năm. Đối với loại khoản vay này, bên đi vay không được vay ngắn hạn cho các mục đích sử dụng vốn trung, dài hạn.
Khoản vay trung, dài hạn nước ngoài tự vay, tự trả là khoản vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh có thời hạn trên 1 năm. Đối với loại khoản vay này, bên đi vay có dự án đầu tư sử dụng vốn vay nước ngoài đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, số dự nơ vay trung, dài hạn (gồm cả dự nợ vay trong nước) của bên đi vay phục vụ cho dự án đó tối đa không vượt quá phần chênh lệch giữa tổng vốn đầu tư và vốn góp ghi nhận tại giấy chứng nhận đầu tư.
Trường hợp bên đi vay vay nước ngoài để thực hiện các phương án sản xuất kinh doanh, dự án đầu tư không cấp Giấy chứng nhận đầu tư, số dư nợ trung, dài hạn (gồm cả dư nợ vay trong nước) của bên đi vay không vượt quá tổng nhu cầu vốn vay tại phương án sản xuất kinh doanh, dự án đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định pháp luật.
Quy định pháp luật về khoản vay nước ngoài
Về thoả thuận vay: thoả thuận vay nước ngoài phải được ký kết bằng văn bản trước khi thực hiện giải ngân khoản vay và không trái với quy định của pháp luật Việt Nam.
Về đồng tiền vay nước ngoài: Đồng tiền vay nước ngoài là ngoại tệ, việc vay nước ngoài bằng Việt Nam đồng chỉ được thực hiện trong các trường hợp sau: bên đi vay là tổ chức tài chính vi mô; bên đi vay là doanh nghiệp FDI vay từ nguồn lợi nhuận được chia bằng Việt Nam đồng từ hoạt động đầu tư trực tiếp của bên cho vay là nhà đầu tư nước ngoài góp vốn tại bên đi vay; và các trường hợp khác khi được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, chấp thuận.
Về giao dịch bảo đảm cho khoản vay: Các giao dịch bảo đảm cho khoản vay nước ngoài không trái với các quy định hiện hành liên quan của pháp luật Việt Nam. Việc sử dụng cổ phẩn, cổ phiếu, phần vốn góp của Doanh nghiệp hoặc trái phiếu chuyển đổi do doanh nghiệp phát hành để thế chấp cho người không cư trú là bên cho vay nước ngoài hoặc bên có liên quan phải đảm bảo tuân thủ các quy định về chứng khoán, tỉ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp Việt Nam và/hoặc các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Như vậy, việc nắm rõ, đúng đắn về các loại khoản vay nước ngoài là điều quan trọng để doanh nghiệp có thể tận dụng các khoản vay nước ngoài để tiến xa. Từ vay ngắn hạn đến vay dài hạn hay các loại hình vay khác đều mang đến cho doanh nghiệp những cơ hội và thách thức riêng biệt. Quan trọng nhất, là việc hiểu rõ về nhu cầu và khả năng thanh toán để lựa chọn đúng loại khoản vay phù hợp với chiến lược phát triển cụ thể của từng doanh nghiệp.
Trên đây là những chia sẻ của Siglaw và phân loại về các loại khoản vay nước ngoài. Nếu như có bất kì thắc mắc nào liên quan đến các loại khoản vay nước ngoài xin hãy liên hệ với Siglaw để nhận được những tư vấn chính xác, chuyên nghiệp và hiệu quả nhất!
Trụ sở chính tại Tp. Hà Nội: Số 44/A32 – NV13, Khu A Glexemco, đường Lê Trọng Tấn, An Khánh, Hoài Đức, Tp.Hà Nội.
Email: vphn@siglaw.com.vn
Chi nhánh tại miền Nam: A9.05 Block A, Tòa Sky Center, số 5B đường Phổ Quang, Phường 2, Quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh.
Chi nhánh miền Trung: 177 Trưng Nữ Vương, Quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Email: vphcm@siglaw.com.vn
Hotline: 0961 366 238
Facebook: https://www.facebook.com/hangluatSiglaw