Môi trường đầu tư tại Việt Nam, dù hấp dẫn, cũng đặt ra nhiều thách thức pháp lý cho các nhà đầu tư. Việc đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt, như phòng cháy chữa cháy và điều kiện kinh doanh, thường là rào cản lớn. Khi đối mặt với những khó khăn này, nhiều doanh nghiệp buộc phải xem xét giải pháp chuyển nhượng dự án đầu tư. Vậy điều kiện và thủ tục để chuyển nhượng dự án đầu tư theo quy định pháp luật Việt Nam là gì? Hãy cùng Công ty Luật Siglaw khám phá qua bài viết sau đây.
Chuyển nhượng dự án đầu tư là gì?
Căn cứ theo quy định tại Khoản 4 Điều 3 Luật đầu tư 2020, chuyển nhượng dự án đầu tư là một hoạt động kinh doanh khi nhà đầu tư chuyển một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư cho nhà đầu tư khác thông qua hợp đồng chuyển nhượng dự án đầu tư. Hợp đồng chuyển nhượng dự án đầu tư sẽ mang bản chất và đặc điểm cơ bản của hợp đồng mua bán tài sản, với tài sản là dự án đầu tư hoặc một phần của nó.
Nguyên nhân chuyển nhượng dự án đầu tư
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chuyển nhượng dự án đầu tư trong đó bao gồm:
- Khó khăn về mặt tài chính: Nhà đầu tư gặp khó khăn trong vấn đề tài chính để tiếp tục hoạt động dự án đầu tư
- Nhà đầu tư thay đổi chiến lược hoạt động kinh doanh: Dự án đầu tư hiện tại đã không còn phù hợp với chiến lược phát triển của công ty
- Cơ hội đầu tư mới hấp dẫn hơn: Có dự án đầu tư mới tốt hơn dự án đang hoạt động.
- Các vấn đề pháp lý: Dự án đầu tư đang hoạt động gặp phải một số rắc rối về mặt pháp lý.
Điều kiện chuyển nhượng dự án đầu tư
Khi thực hiện thủ tục chuyển nhượng dự án đầu tư, các nhà đầu tư cần phải thoả mãn các điều kiện được quy định tại Khoản 1 Điều 46 Luật đầu tư 2020:
- Dự án đầu tư hoặc phần dự án đầu tư chuyển nhượng không bị chấm dứt hoạt động;
- Nhà đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng dự án đầu tư, một phần dự án đầu tư phải đáp ứng điều kiện sau đây:
- Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Điều 9 Luật đầu tư 2020;
- Bảo đảm quốc phòng, an ninh;
- Quy định của pháp luật về đất đai về điều kiện nhận quyền sử dụng đất, điều kiện sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, xã, phường, thị trấn ven biển.
- Điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai trong trường hợp chuyển nhượng dự án đầu tư gắn với chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;
- Điều kiện theo quy định của pháp luật về nhà ở, pháp luật về kinh doanh bất động sản trong trường hợp chuyển nhượng dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án bất động sản;
- Điều kiện quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc theo quy định khác của pháp luật có liên quan (nếu có);
- Khi chuyển nhượng dự án đầu tư, doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp trước khi thực hiện việc điều chỉnh dự án đầu tư.
Thủ tục chuyển nhượng dự án đầu tư
Thủ tục chuyển nhượng dự án đầu tư bao gồm nộp hồ sơ & xét duyệt hồ sơ với từng trường hợp cụ thể. Chi tiết như sau:
Hồ sơ chuyển nhượng dự án đầu tư gồm có:
- Văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư;
- Báo cáo tình hình thực hiện dự án đầu tư đến thời điểm chuyển nhượng dự án đầu tư;
- Hợp đồng hoặc hợp đồng nguyên tắc về việc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư;
- Bản sao tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng;
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư; Quyết định chấp thuận nhà đầu tư (nếu có);
- Bản sao Hợp đồng BCC (đối với dự án đầu tư theo hình thức Hợp đồng BCC);
- Bản sao một trong các tài liệu sau của nhà đầu tư nhận chuyển nhượng dự án đầu tư: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất hoặc báo cáo kiểm toán vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ, cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính, bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư, tài liệu thuyết minh năng lực tài chính của nhà đầu tư.
Trường hợp: Đối với dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư
Cơ quan thẩm quyền: Nhà đầu tư chuyển nhượng dự án nộp 08 bộ hồ sơ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với dự án đầu tư thuộc quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ hoặc nộp 04 bộ hồ sơ cho Cơ quan đăng ký đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.
Thời gian xét duyệt hồ sơ:
Dự án đầu tư thuộc quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng:
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi hồ sơ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều 32 của Nghị định 31/2021/NĐ-CP để lấy ý kiến về những nội dung điều chỉnh dự án đầu tư;
- Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, các cơ quan được lấy ý kiến có ý kiến về nội dung điều chỉnh dự án thuộc phạm vi quản lý nhà nước của cơ quan đó;
- Trong thời hạn 35 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập báo cáo thẩm định các nội dung điều chỉnh dự án đầu tư để trình Thủ tướng Chính phủ;
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư. Quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư được gửi cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cơ quan đăng ký đầu tư và nhà đầu tư, các bộ, cơ quan có liên quan đến việc thực hiện dự án đầu tư, cơ quan chấp thuận nhà đầu tư (nếu có).
Dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Cơ quan đăng ký đầu tư:
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan đăng ký đầu tư có thẩm quyền theo quy định tại điểm b khoản 7 Điều 33 của Nghị định 31/2021/NĐ-CP để lấy ý kiến về những nội dung điều chỉnh dự án đầu tư;
- Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, các cơ quan được lấy ý kiến có ý kiến về nội dung điều chỉnh dự án thuộc phạm vi quản lý nhà nước của cơ quan đó;
- Trong thời hạn 25 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan đăng ký đầu tư quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư. Quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư được gửi cho nhà đầu tư, cơ quan có liên quan đến việc thực hiện dự án đầu tư.
Trường hợp: Đối với dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư
Cơ quan thẩm quyền: Nhà đầu tư chuyển nhượng dự án nộp 01 bộ hồ sơ cho Cơ quan đăng ký đầu tư.
Thời gian xử lý hồ sơ: 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Cơ quan đăng ký đầu tư điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư.
Lưu ý khi chuyển nhượng dự án đầu tư
Khi chuyển nhượng dự án đầu tư thông thường nhà đầu tư sẽ gặp một số vấn đề cần lưu ý như sau:
- Việc chuyển nhượng dự án đầu tư tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý dẫn đến những khó khăn cho doanh nghiệp sau này.
- Lưu ý về quyền lợi của các bên liên quan theo quy định của pháp luật tránh trường hợp xảy ra những tranh chấp sau này.
- Phí chuyển nhượng dự án đầu tư thông thường sẽ có những phát sinh vì vậy cần phải nắm rõ chi tiết.
Trên đây là thông tin về điều kiện và quy trình thủ tục chuyển nhượng dự án đầu tư. Để được hỗ trợ thêm về pháp luật, hãy liên hệ công ty luật Siglaw để được hỗ trợ một cách tốt nhất.