Hiện nay, việc nhờ người Việt Nam để đứng tên thành lập công ty thay cho nhà đầu tư nước ngoài không phải hiếm gặp. Mặc dù nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện đầu tư, góp vốn vào Việt Nam được hưởng nhiều các chính sách ưu đãi, hỗ trợ từ Chính phủ cũng như pháp luật của Việt Nam, tuy nhiên thủ tục nhà đầu tư nước ngoài cần thực hiện khi thành lập công ty tại Việt Nam sẽ phức tạp và tốn nhiều chi phí hơn so với nhà đầu tư trong nước. Ngay từ quá trình thành lập doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài phải tiến hành nhiều thủ tục, bao gồm cả việc lập Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo Luật Đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp. Ngược lại, nhà đầu tư trong nước chỉ cần thực hiện thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Việc này không chỉ kéo dài thời gian, tốn nhiều chi phí hơn so với doanh nghiệp trong nước mà thủ tục cũng phức tạp, rườm rà hơn.
Ngoài ra, có những ngành, nghề kinh doanh, nhà đầu tư nước ngoài bị hạn chế tiếp cận như tạm nhập tái xuất; đánh bắt hoặc khai thác hải sản; đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng… Do đó, các nhà đầu tư nước ngoài thường lựa chọn “mượn tên” của người Việt Nam để đầu tư kinh doanh nhằm được hưởng đầy đủ quyền lợi và được tạo điều kiện như nhà đầu tư trong nước. Sau đây Công ty Luật Siglaw xin điểm qua Một vài rủi ro khi đứng tên thay cho người nước ngoài thành lập công ty.
Các rủi ro có thể gặp khi đứng tên thay cho người nước ngoài thành lập công ty
Có thể bị phạt do vi phạm nghĩa vụ của doanh nghiệp được quy định theo pháp luật doanh nghiệp Việt Nam
Doanh nghiệp chịu trách nhiệm về tính trung thực và chính xác của thông tin được kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và các báo cáo. Vì vậy, việc đứng tên cho công ty dưới tên người khác là vi phạm nghĩa vụ của doanh nghiệp và có thể bị xử phạt hành chính.
Có thể phải chịu các rủi ro pháp lý liên quan đến quá trình hoạt động, vận hành của công ty
Người đứng thay cho người nước ngoài thành lập công ty chỉ mang tính chất danh nghĩa, do đó, họ không tham gia vào các hoạt động quản lý và vận hành của công ty. Trường hợp doanh nghiệp rơi vào tình trạng vỡ nợ, phá sản, người đứng tên thay sẽ có thể gánh chịu rủi ro đi kèm như có thể phải chịu trách nhiệm về các khoản lỗ, nợ thuế của công ty do đứng tên thay là chủ sở hữu công ty, thành viên, cổ đông góp vốn công ty…
Nếu người Việt Nam không đủ trình độ để am hiểu lĩnh vực kinh doanh của công ty, không am hiểu pháp luật, dễ dẫn đến tình trạng nhà đầu tư thâu tóm toàn bộ và chi phối hoạt động kinh doanh. Người đứng tên hộ chỉ làm theo chỉ đạo của nhà đầu tư và tất cả chữ ký của các giấy tờ liên quan người Việt đều ký thì người Việt có thể sẽ phải chịu toàn bộ trách nhiệm trước pháp luật và có thể phải chịu trách nhiệm trước các cơ quan hành chính, tư pháp Việt Nam, đại diện doanh nghiệp làm việc với cơ quan thuế, đại diện doanh nghiệp tham gia tố tụng…
Có thể không được giải thể do nhiều yếu tố liên quan đến người nước ngoài
Trường hợp doanh nghiệp quyết định giải thể và chấm dứt sự tồn tại, tuy nhiên vì các lý do liên quan đến người nước ngoài, như việc họ không kê khai thu nhập ở nước ngoài hoặc không thực hiện các nghĩa vụ về bảo hiểm và hoàn thiện sổ sách kế toán theo quy định của pháp luật Việt Nam,… dẫn đến tình trạng doanh nghiệp không thể thực hiện quá trình giải thể.
Rủi ro của người nước ngoài khi để người Việt Nam đứng tên hộ
(1) Khi để người Việt Nam đứng tên trên các giấy tờ hợp pháp của công ty, thì các cơ quan nhà nước chỉ công nhận chủ sở hữu/ thành viên góp vốn/ cổ đông là người Việt Nam đó. Do đó, khi có tranh chấp xảy ra về quyền lợi của chủ sở hữu/ thành viên góp vốn/ cổ đông công ty và người nước ngoài, thì người nước ngoài đó sẽ không được pháp luật thừa nhận tư cách là chủ sở hữu/ thành viên góp vốn/ cổ đông của công ty.
(2) Người nước ngoài sẽ có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất hoặc hao hụt tài sản, thậm chí mất luôn công ty vì không kiểm soát được công ty do pháp luật chỉ thừa nhận chữ ký và quyền hạn của người chủ công ty “trên giấy tờ”.
(3) Người nước ngoài gặp khó khăn trong quản lý công ty hoặc thực hiện các giao dịch thương mại nếu như người đại diện pháp luật công ty/ chủ sở hữu “trên giấy tờ” không ủy quyền cho người đó thực hiện các giao dịch kể trên.
(4) Do sự bất đồng trong ngôn ngữ và văn hóa, nếu nhà đầu tư nước ngoài không có sự am hiểu đầy đủ về hệ thống pháp luật cũng như văn hóa ở Việt Nam và chỉ thực hiện theo ý thức chủ quan của mình, có khả năng cao sẽ gây ra sự chệch hướng trong quá trình vận hành công ty. Điều này có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc lợi dụng và tiến hành các hoạt động vi phạm pháp luật nhằm mục đích cá nhân.
Trên đây là một số thông tin cơ bản về Rủi ro khi đứng tên thay cho người nước ngoài thành lập công ty. Nếu có thắc mắc gì về dịch vụ thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam bạn có thể liên hệ trực tiếp với Công ty Luật Siglaw để được hỗ trợ!
Trụ sở chính tại Tp. Hà Nội: Số 44/A32 – NV13, Khu A Glexemco, đường Lê Trọng Tấn, An Khánh, Hoài Đức, Tp.Hà Nội.
Email: vphn@siglaw.com.vn
Chi nhánh tại miền Nam: A9.05 Block A, Tòa Sky Center, số 5B đường Phổ Quang, Phường 2, Quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh.
Chi nhánh miền Trung: 177 Trưng Nữ Vương, Quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Email: vphcm@siglaw.com.vn
Hotline: 0961 366 238
Facebook: https://www.facebook.com/hangluatSiglaw