Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế

Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế là một trong những loại giấy phép con thông dụng để doanh nghiệp có thể hoạt động trong lĩnh vực lữ hành. Vậy điều kiện & hồ sơ thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế như thế nào? Mời bạn tìm hiểu chi tiết trong bài viết này nhé:

Điều kiện xin cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế

Xã hội càng phát triển, nhu cầu tinh thần con người càng nâng cao và du lịch là một hoạt động không thể thiếu. Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế là yêu cầu bắt buộc để kinh doanh loại hình dịch vụ này. Sau đây sẽ là các điều kiện để được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế.

Điều kiện xin cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế
Điều kiện xin cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế

Khi xin cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, trước đó doanh nghiệp muốn kinh doanh dịch vụ này cần đáp ứng các điều kiện nhất định như sau:

Doanh nghiệp tổ chức kinh doanh hoạt động dịch vụ lữ hành quốc tế là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.

Doanh nghiệp ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế tại ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động tại Việt Nam:

  • Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam: 250.000.000 (hai trăm năm mươi triệu) đồng;
  • Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch ra nước ngoài: 500.000.000 (năm trăm triệu) đồng;
  • Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài: 500.000.000 (năm trăm triệu) đồng.

Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành về lữ hành; trường hợp tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế.

Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành là người giữ một trong các chức danh sau: chủ tịch hội đồng quản trị; chủ tịch hội đồng thành viên; chủ tịch công ty; chủ doanh nghiệp tư nhân; tổng giám đốc; giám đốc hoặc phó giám đốc; trưởng bộ phận kinh doanh dịch vụ lữ hành.

Chuyên ngành về lữ hành bao gồm một trong các chuyên ngành sau:

  • Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành;
  • Quản trị lữ hành;
  • Điều hành tour du lịch;
  • Marketing du lịch;
  • Du lịch;
  • Du lịch lữ hành;
  • Quản lý và kinh doanh du lịch.

Thủ tục xin cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế

Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế là giấy phép bắt buộc khi doanh nghiệp tổ chức các tour du lịch mang tính quốc tế. Thủ tục xin giấy phép này sẽ được thực hiện theo trình tự cụ thể như trong bài viết dưới đây.

Thủ tục xin cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế
Thủ tục xin cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế

Sau khi đáp ứng đủ các điều kiện cần để được cấp phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, doanh nghiệp tiến hành thực hiện các thủ tục như sau:

Cơ quan có thủ tục cấp phép: Tổng cục du lịch.

Thời gian thực hiện: 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

Hồ sơ bao gồm:

  1. Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế (Mẫu số 04 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15 tháng 12 năm 2017).
  2. Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
  3. Giấy chứng nhận ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế.
  4. Bản sao có chứng thực bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành về lữ hành của người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành; hoặc bản sao có chứng thực bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành khác và bản sao có chứng thực chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế. Văn bằng do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp phải được công nhận theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
  5. Bản sao có chứng thực quyết định bổ nhiệm hoặc hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành với người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành.

Số lượng hồ sơ: 01 (bộ).

Thủ tục cấp đổi Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế

Thủ tục cấp đổi Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế là thủ tục bắt buộc khi các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành có những thay đổi trong trường hợp cần phải xin cấp đổi.

Thủ tục cấp đổi Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế
Thủ tục cấp đổi Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế

Sau đây là trình tự thủ tục cụ thể khi tiến hành cấp đổi Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế mà Siglaw muốn giới thiệu đến các bạn.

Các trường hợp cấp đổi Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế.

Doanh nghiệp đề nghị cấp đổi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế trong các trường hợp sau đây:

  • Thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
  • Thay đổi phạm vi kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế.

Cấp đổi Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế

Trình tự thủ tục cấp đổi Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế sẽ được tiến hành thực hiện cụ thể như sau:

Cơ quan thẩm quyền: Tổng cục Du lịch.

Thời gian thực hiện:  05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

Hồ sơ bao gồm:

  • Đơn đề nghị cấp đổi Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế (Mẫu số 05 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15 tháng 12 năm 2017);
  • Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của doanh nghiệp;
  • Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong trường hợp thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; giấy chứng nhận ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phù hợp với phạm vi kinh doanh trong trường hợp thay đổi phạm vi kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế.

Số lượng hồ sơ: 01 (bộ)..

Thủ tục cấp lại giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế

Do một số lý do như mất, giấy phép hết hạn… mà các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế cần xin cấp lại Giấy phép kinh doanh dịch vụ này. Sau đây, SigLaw sẽ giới thiệu thủ tục cấp lại Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế đến mọi người trong bài viết sau đây.

Thủ tục cấp lại Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế
Thủ tục cấp lại Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế

Doanh nghiệp muốn được cấp lại Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế thì doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ này vẫn phải đáp ứng đủ các điều kiện như khi xin cấp Giấy phép này. Thủ tục cấp lại tiến hành như sau:

Cơ quan có thẩm quyền: Tổng cục Du lịch.

Thời gian thực hiện: 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn đề nghị.

Hồ sơ bao gồm:

  • Đơn đề nghị cấp lại Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế (Mẫu số 05 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15 tháng 12 năm 2017) *.

Số lượng hồ sơ: 01 (bộ).

Các trường hợp bị thu hồi Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế

Trong một số trường hợp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế có thể bị thu hồi, hết hạn, không phù hợp với hoạt động kinh doanh. Trong bài viết dưới đây, Siglaw sẽ giới thiệu đến mọi người các trường hợp bị thu hồi Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế.

Các trường hợp bị thu hồi Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế
Các trường hợp bị thu hồi Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế

Khi thuộc trong số các trường hợp sau đây doanh nghiệp hoạt động dịch vụ lữ hành quốc tế sẽ bị thu hồi Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế:

  • Chấm dứt hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành, giải thể hoặc phá sản.
  • Không đáp ứng một trong các điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 31 của Luật Du lịch.
  • Không đổi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định tại khoản 1 Điều 35 của Luật Du lịch.
  • Làm phương hại đến chủ quyền, lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh.
  • Lợi dụng hoạt động du lịch để đưa người từ Việt Nam ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài vào Việt Nam trái pháp luật.
  • Cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành của doanh nghiệp để hoạt động kinh doanh.
  • Không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ quy định tại điểm i khoản 1 Điều 37 của Luật Du lịch, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của khách du lịch.
  • Giả mạo hồ sơ đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành.

Thu hồi Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế đối với doanh nghiệp giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động kinh doanh.

Hồ sơ thực hiện

Trường hợp doanh nghiệp giải thể, bị giải thể:

  • Thông báo chấm dứt hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế (Mẫu số 06 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15 tháng 12 năm 2017);
  • Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế đã được cấp;
  • Quyết định giải thể, biên bản họp của doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp giải thể theo quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 201 Luật Doanh nghiệp; Quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Quyết định giải thể của Tòa án trong trường hợp doanh nghiệp giải thể theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 201 Luật Doanh nghiệp.

Trường hợp doanh nghiệp chấm dứt hoạt động kinh doanh

  • Thông báo chấm dứt hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế (Mẫu số 06 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15 tháng 12 năm 2017) *;
  • Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế đã được cấp.

Trường hợp doanh nghiệp bị phá sản

  • Quyết định của Tòa án về việc mở thủ tục phá sản;
  • Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế đã được cấp;

Trình tự thực hiện

– Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Tổng cục Du lịch ra quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế;

– Sau 60 ngày, kể từ ngày đăng quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, trường hợp không có khiếu nại, tố cáo liên quan đến nghĩa vụ đối với khách du lịch, cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch thì Tổng cục Du lịch có văn bản gửi ngân hàng để doanh nghiệp được rút tiền ký quỹ

Thu hồi Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế đối với các trường hợp còn lại.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày có kết luận thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng, cơ quan cấp phép ban hành quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành; quyết định thu hồi giấy phép được gửi đến doanh nghiệp, cơ quan chức năng về thanh tra, kiểm tra, cơ quan nhà nước về xuất nhập cảnh, cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính, công bố trên cổng thông tin điện tử của cơ quan cấp phép và trang mạng quản lý doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có quyết định thu hồi giấy phép, doanh nghiệp gửi báo cáo về việc hoàn thành nghĩa vụ với khách du lịch, cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch theo hợp đồng đã ký kèm theo giấy phép đã được cấp đến cơ quan cấp phép.

Sau 60 ngày, kể từ ngày đăng quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành trên cổng thông tin điện tử của cơ quan cấp phép và trang mạng quản lý doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, trường hợp không có khiếu nại, tố cáo liên quan đến nghĩa vụ đối với khách du lịch, cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch thì cơ quan cấp phép có văn bản gửi ngân hàng để doanh nghiệp được rút tiền ký quỹ; trường hợp có khiếu nại, tố cáo liên quan đến nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với khách du lịch, cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch thì cơ quan cấp phép phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền liên quan giải quyết theo quy định của pháp luật

Hậu quả pháp lý sau bị khi bị thu hồi giấy phép:

  • Doanh nghiệp đã bị thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành theo trường hợp b và c mục 1 chỉ được đề nghị cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành sau 06 tháng kể từ ngày quyết định thu hồi giấy phép có hiệu lực
  • Doanh nghiệp đã bị thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành theo trường hợp d, e, f, g và h mục 1 chỉ được đề nghị cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành sau 12 tháng kể từ ngày quyết định thu hồi giấy phép có hiệu lực.

Mức xử phạt trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế

Khi có các hành vi không đúng quy chuẩn đạo đức, pháp luật, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế sẽ phải chịu các chế tài xử phạt. Sau đây là các chế tài xử phạt trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế mà doanh nghiệp cần nắm được.

Chế tài xử phạt trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế
Chế tài xử phạt trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế

Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng

Đối với hành vi phối hợp không kịp thời với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của khách du lịch trong thời gian tham gia chương trình du lịch.

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng

Đối với một trong các hành vi sau đây:

  • Không hướng dẫn, cung cấp cho bên nhận đại lý lữ hành thông tin liên quan đến chương trình du lịch.
  • Không phổ biến, hướng dẫn khách du lịch tuân thủ pháp luật, quy định của nơi đến du lịch.
  • Không phổ biến, hướng dẫn khách du lịch ứng xử văn minh, tôn trọng bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán của Việt Nam và nơi đến du lịch.
  • Hợp đồng lữ hành thiếu một trong các nội dung theo quy định.
  • Chương trình du lịch thiếu một trong các nội dung theo quy định.
  • Hợp đồng đại lý lữ hành thiếu một trong các nội dung theo quy định.

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng

Đối với một trong các hành vi sau đây:

  • Không gửi hồ sơ về người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành thay thế theo quy định.
  • Không thông báo bằng văn bản về việc thay đổi người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định.
  • Cung cấp thông tin không rõ ràng hoặc không công khai hoặc không trung thực về chương trình du lịch, dịch vụ, điểm đến du lịch cho khách du lịch hoặc đại diện khách du lịch.

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng

Đối với một trong các hành vi sau đây:

  • Không phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của khách du lịch trong thời gian tham gia chương trình du lịch.
  • Không cung cấp thông tin về chương trình du lịch, dịch vụ, điểm đến du lịch cho khách du lịch hoặc đại diện khách du lịch.
  • Không công khai tên doanh nghiệp, số giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành trên biển hiệu tại trụ sở, chi nhánh, văn phòng giao dịch hoặc trong hợp đồng lữ hành hoặc trên ấn phẩm quảng cáo hoặc trong giao dịch điện tử.

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng

Đối với một trong các hành vi sau đây:

  • Sử dụng hướng dẫn viên du lịch quốc tế, hướng dẫn viên du lịch nội địa không có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc không là hội viên của tổ chức xã hội – nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch theo quy định.
  • Sử dụng hướng dẫn viên du lịch để hướng dẫn cho khách du lịch không đúng phạm vi hành nghề của hướng dẫn viên du lịch.
  • Sử dụng hướng dẫn viên du lịch để thực hiện chương trình du lịch mà không có hợp đồng hướng dẫn hoặc văn bản phân công hướng dẫn theo quy định.
  • Không viết hoặc không gắn tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh tại trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh.

Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng

Đối với một trong các hành vi sau đây:

  • Không có biện pháp kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng của bên nhận đại lý lữ hành.
  • Không có biện pháp kiểm tra, giám sát hoạt động của hướng dẫn viên du lịch theo quy định.
  • Không tổ chức thực hiện chương trình du lịch do bên nhận đại lý lữ hành bán.

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng

Đối với một trong các hành vi sau đây:

  • Không có hợp đồng lữ hành với doanh nghiệp, khách du lịch hoặc đại diện của khách du lịch theo quy định.
  • Không có hợp đồng đại lý lữ hành với đại lý lữ hành theo quy định.
  • Không có chương trình du lịch theo quy định.
  • Không thực hiện chế độ lưu giữ hồ sơ liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành.
  • Kê khai không trung thực các giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành.

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng

Đối với một trong các hành vi sau đây:

  • Không sử dụng hướng dẫn viên du lịch để hướng dẫn cho khách du lịch theo hợp đồng lữ hành.
  • Thay đổi chương trình du lịch, tiêu chuẩn, dịch vụ đã ký kết mà không được sự đồng ý của khách du lịch hoặc đại diện khách du lịch.
  • Không quản lý khách du lịch theo chương trình du lịch đã thỏa thuận với khách du lịch.

Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng

Đối với một trong các hành vi sau đây:

  • Không mua bảo hiểm cho khách du lịch trong thời gian thực hiện chương trình du lịch theo quy định.
  • Không sử dụng dịch vụ do tổ chức, cá nhân thuộc Danh mục tổ chức, cá nhân đáp ứng đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn cho khách du lịch theo quy định.
  • Sử dụng hướng dẫn viên du lịch có hành vi cung cấp, giới thiệu cho khách du lịch các nội dung thông tin mang tính chất xuyên tạc lịch sử, văn hóa, chủ quyền quốc gia.

Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng

Đối với một trong các hành vi sau đây:

  • Sử dụng người không có thẻ hướng dẫn viên du lịch để hướng dẫn cho khách du lịch.
  • Sử dụng người sử dụng thẻ hướng dẫn viên du lịch giả để hướng dẫn cho khách du lịch.

Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng

Đối với một trong các hành vi sau đây:

  • Không thực hiện đúng quy định về ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành.
  • Không bổ sung đủ số tiền ký quỹ đã sử dụng theo quy định.
  • Sử dụng người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành không bảo đảm điều kiện theo quy định.

Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng

Đối với một trong các hành vi sau đây:

  • Không làm thủ tục đổi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định.
  • Hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành không đúng phạm vi kinh doanh dịch vụ lữ hành ghi trong giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành.

Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 90.000.000 đồng

Đối với một trong các hành vi sau đây:

  • Cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành của doanh nghiệp để hoạt động kinh doanh.
  • Sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành của doanh nghiệp khác để hoạt động kinh doanh đối với doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành.
  • Để khách du lịch trốn ở lại nước ngoài hoặc trốn ở lại Việt Nam trái pháp luật.
  • Sử dụng người nước ngoài hoạt động hướng dẫn du lịch tại Việt Nam.

Phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng

Đối với một trong các hành vi sau đây:

  • Kinh doanh dịch vụ lữ hành sau khi đã thông báo tạm ngừng hoạt động.
  • Kinh doanh dịch vụ lữ hành sau khi bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành.
  • Kinh doanh dịch vụ lữ hành sau khi bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành.
  • Hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành mà không có giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành.
  • Sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành giả để hoạt động kinh doanh.

Dịch vụ xin cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế tại Siglaw

  • Công ty luật Siglaw tư vấn chi tiết các điều kiện để được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế.
  • Chúng tôi sẽ thay mặt khách hàng để lên một bộ hồ sơ hoàn chỉnh và nộp hồ sơ tại tổng cục du lịch để xin cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế.
  • Siglaw liên tục theo dõi cập nhật báo cho khách hàng trong thời gian chờ giải quyết hồ sơ.
  • Nhận giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế sau đó đưa trực tiếp cho khách hàng và tư vấn thêm về các vấn đề pháp lý khác liên quan đến hoạt động kinh doanh của công ty, doanh nghiệp.

Căn cứ pháp lý

  • Nghị định số 45/2019/NĐ-CP ngày 21 tháng 05 năm 2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch.
  • Luật Du lịch ngày 19 tháng 06 năm 2017.
  • Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch.
  • Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15 tháng 12 năm 2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch.
Tư vấn miễn phí: 0961 366 238