Trong thời gian gần đây, việc mở quán ăn nhỏ đang trở thành xu hướng phổ biến, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi và nhu cầu ẩm thực ngày càng tăng. Trong bài viết này, Công ty Luật Siglaw sẽ giúp bạn tìm hiểu những thông tin cần biết về Mở quán ăn nhỏ có cần giấy phép kinh doanh không?
Mở quán ăn nhỏ có cần giấy phép kinh doanh không?
Giấy phép kinh doanh (tên tiếng Anh là Business license) hay còn được gọi là Giấy phép con, là văn bản pháp lý được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho các cá nhân hoặc tổ chức cho phép họ được hoạt động kinh doanh trong ngành nghề có điều kiện. Giấy phép này xác nhận doanh nghiệp đã tuân thủ các điều kiện pháp lý cần thiết và được phép thực hiện các hoạt động kinh doanh theo đúng quy định đối với từng ngành nghề có điều kiện cụ thể. Do đó, cá nhân hoặc tổ chức chỉ được cấp Giấy phép kinh doanh khi đáp ứng đủ các điều kiện của ngành nghề kinh doanh.
Mặc dù mở quán ăn nhỏ có thể không cần đầu tư quá nhiều vốn như các doanh nghiệp lớn, nhưng cá nhân hoặc tổ chức khi kinh doanh quán ăn nhỏ vẫn cần phải có giấy phép kinh doanh.
Bởi lẽ, quán ăn là cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Vì vậy, để đi vào hoạt động, quán ăn cần phải đăng ký kinh doanh và phải có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Việc đảm bảo an toàn thực phẩm không chỉ là yêu cầu của pháp luật mà còn là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng uy tín và niềm tin của khách hàng đối với quán ăn hay nhà hàng của bạn.
Thủ tục xin giấy phép kinh doanh cho quán ăn nhỏ
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Để mở quán ăn nhỏ, cá nhân, tổ chức cần chuẩn bị 01 hồ sơ bao gồm:
Đối với quán ăn nhỏ mô hình hộ kinh doanh:
- Giấy đề nghị thành lập hộ kinh doanh quán ăn nhỏ;
- Thông tin đăng ký hộ kinh doanh: tên, địa chỉ, vốn, số lao động sử dụng, thông tin chủ hộ kinh doanh…;
- Bản sao công chứng hợp lệ:
- Biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh quán ăn nhỏ;
- CMND/CCCD chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình;
- Sổ hồng hoặc hợp đồng thuê/mượn địa điểm mở quán ăn nhỏ;
- Văn bản ủy quyền cho người nộp hồ sơ (nếu có);
- Bản sao công chứng CMND/CCCD/hộ chiếu của người được ủy quyền nộp hồ sơ.
Đối với quán ăn nhỏ mô hình công ty:
- Điều lệ công ty kinh doanh quán ăn nhỏ;
- Giấy đề nghị thành lập công ty kinh doanh quán ăn nhỏ;
- Danh sách cổ đông đối với công ty cổ phần;
- Danh sách thành viên góp vốn đối với công ty TNHH;
- Văn bản ủy quyền cho người nộp hồ sơ (nếu có);
- Bản sao công chứng CMND/CCCD/hộ chiếu của người đại diện pháp luật, thành viên/cổ đông góp vốn và người được ủy quyền nộp hồ sơ.
Bước 2: Nộp hồ sơ
- Đối với quán ăn nhỏ mô hình hộ kinh doanh:
Nộp trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh hoặc Phòng Tài chính – Kế hoạch của UBND cấp quận/huyện hoặc nộp trực tuyến tại trang dịch vụ công của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh/thành phố;
- Đối với quán ăn nhỏ mô hình công ty:
Nộp trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh/thành phố nơi công ty đặt trụ sở chính hoặc nộp online trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Bước 3: Nhận kết quả
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ ra thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do và các yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ.
Nếu hồ sơ hợp lệ, quán ăn nhỏ sẽ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Kinh doanh quán ăn nhỏ là một loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống, do vậy sau khi mở quán ăn nhỏ mô hình hộ kinh doanh hoặc công ty, để đi vào hoạt động, quán ăn nhỏ cần xin thêm Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, cụ thể hồ sơ bao gồm:
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
- Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho cơ sở;
- Bản trình bày về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm;
- Giấy xác nhận sức khỏe tốt của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp;
- Giấy chứng nhận đã tham gia và hoàn thành tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định của Bộ trưởng Bộ quản lý chuyên ngành.
Cơ quan tiếp nhận hồ sơ: Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm hoặc Cục An toàn vệ sinh thực phẩm.
Mở quán ăn nhỏ là một cơ hội kinh doanh thú vị, nhưng bạn cần phải tuân thủ các quy định pháp lý để đảm bảo hoạt động của mình là hợp pháp. Giấy phép kinh doanh không chỉ là yêu cầu cần thiết mà còn là bước đầu tiên để xây dựng một doanh nghiệp bền vững và uy tín.
Trên đây là toàn bộ những thông tin cần thiết Công ty Luật Siglaw giải đáp về Mở quán ăn nhỏ có cần giấy phép kinh doanh không? Nếu quý khách hàng gặp các vấn đề liên quan về Mở quán ăn nhỏ vui lòng liên hệ cho Công ty Luật Siglaw để được tư vấn miễn phí một cách toàn diện.