Ưu đãi đầu tư FDI tại Việt Nam theo Luật Đầu Tư 2020

Việt Nam đã và đang trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài khi có một nền kinh tế đang phát triển và tiềm năng đầu tư lớn. Luật Đầu tư 2020 đã được ban hành với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam. Một trong những vấn đề rất được quan tâm đó là những ưu đãi đầu tư dành cho nhà đầu tư nước ngoài. Vậy ưu đãi đầu tư FDI theo Luật Đầu tư 2020 được quy định thế nào? Hãy cùng Siglaw tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Ưu đãi khi đầu tư FDI tại Việt Nam theo Luật Đầu Tư 2020
Ưu đãi khi đầu tư FDI tại Việt Nam theo Luật Đầu Tư 2020

Ưu đãi đầu tư là gì?

Ưu đãi đầu tư là những chính sách do Nhà nước ban hành nhằm mang lại những lợi ích nhất định cho các nhà đầu tư trong nước cũng như các nhà đầu tư nước ngoài khi tiến hành hoạt động đầu tư kinh doanh, trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước và các nhà đầu tư. Mục đích của ưu đãi đầu tư nhằm thúc đẩy đầu tư, tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Chính phủ quy định những danh mục ngành, nghề của từng lĩnh vực ưu đãi đầu tư; danh mục về địa bàn ưu đãi đầu tư, các tiêu chuẩn về trình độ công nghệ và quy mô sử dụng lao động, cùng với quy định các mức ưu đãi đầu tư.

Nguyên tắc ưu đãi đầu tư FDI tại Việt Nam

Theo Luật đầu tư năm 2020 bổ sung thêm một nguyên tắc đầu tư: “Ưu đãi đầu tư được áp dụng có thời hạn và trên cơ sở kết quả thực hiện dự án của nhà đầu tư. Nhà đầu tư phải đáp ứng điều kiện hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật trong thời gian hưởng ưu đãi đầu tư”. Đây là một nguyên tắc quan trọng, nhằm giải quyết vấn đề ưu đãi đầu tư FDI tràn lan, nhà đầu tư chỉ được hưởng ưu đãi khi dự án đầu tư FDI hoạt động hiệu quả, tránh trường hợp lợi dụng ưu đãi đầu tư để trốn thuế, để chuyển giá như tình trạng đã xảy ra phức tạp tại Việt Nam trong những năm gần đây.

Xem thêm: Danh mục ngành nghề hưởng ưu đãi đầu tư tại Việt Nam

Đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư FDI

Đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư đặc biệt

Luật Đầu tư năm 2020 đã mở rộng đối tượng hưởng ưu đãi đầu tư, theo đó 10 đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư, bao gồm:

(1) Dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư hoặc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư theo quy định tại Phụ lục II của Nghị định 31/2021/NĐ-CP;

  • Dự án đầu tư thành lập mới (bao gồm cả việc mở rộng dự án thành lập mới đó) các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển có tổng vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư; trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ;
  • Dự án đầu tư thuộc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư có quy mô vốn đầu tư từ 30.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 10.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư.

(2) Dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định tại Phụ lục III của Nghị định 31/2021/NĐ-CP.

(3) Dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư từ 6.000 tỷ đồng trở lên được áp dụng ưu đãi đầu tư khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

  • Thực hiện giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư (đối với dự án không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư) hoặc Quyết định chấp thuận nhà đầu tư (đối với dự án không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư);
  • Có tổng doanh thu tối thiểu đạt 10.000 tỷ đồng mỗi năm trong thời gian chậm nhất sau 03 năm kể từ năm có doanh thu hoặc sử dụng từ 3.000 lao động thường xuyên bình quân hằng năm trở lên theo quy định của pháp luật về lao động chậm nhất sau 03 năm kể từ năm có doanh thu.

(4) Dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng từ 500 lao động trở lên; dự án đầu tư sử dụng lao động là người khuyết tật theo quy định của pháp luật về người khuyết tật được hưởng ưu đãi đầu tư gồm:

  • Dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở;
  • Dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng từ 500 lao động thường xuyên bình quân hằng năm trở lên theo quy định của pháp luật về lao động (không bao gồm lao động làm việc không trọn thời gian và lao động có hợp đồng lao động dưới 12 tháng);
  • Dự án đầu tư sử dụng từ 30% số lao động thường xuyên bình quân hằng năm trở lên là người khuyết tật theo quy định của pháp luật về người khuyết tật và pháp luật về lao động.

(5) Doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ; dự án có chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao; cơ sở ươm tạo công nghệ và cơ sở ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ; doanh nghiệp sản xuất, cung cấp công nghệ, thiết bị, sản phẩm và dịch vụ phục vụ các yêu cầu về bảo vệ môi trường được hưởng ưu đãi đầu tư là các doanh nghiệp, tổ chức, cơ sở, dự án đầu tư đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ; công nghệ cao; chuyển giao công nghệ; bảo vệ môi trường.

(6) Dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển gồm:

  • Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ;
  • Trung tâm đổi mới sáng tạo khác do cơ quan, tổ chức, cá nhân thành lập nhằm hỗ trợ thực hiện các dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, thành lập doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, thực hiện hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển tại trung tâm đáp ứng điều kiện quy định tại mục (7);
  • Dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo;
  • Dự án thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển.

(7) Trung tâm đổi mới sáng tạo được hưởng ưu đãi đầu tư khi đáp ứng các điều kiện sau:

  • Có chức năng hỗ trợ, phát triển, kết nối doanh nghiệp đổi mới sáng tạo với hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo;
  • Có một số hạng mục hạ tầng kỹ thuật để phục vụ hỗ trợ, phát triển và kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo gồm: phòng thí nghiệm, phòng sản xuất thử nghiệm và thương mại hóa công nghệ, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản phẩm mẫu; cơ sở hạ tầng lắp đặt thiết bị kỹ thuật bảo đảm cung cấp một hoặc nhiều hoạt động cho doanh nghiệp để thiết kế, thử nghiệm, đo lường, phân tích, giám định, kiểm định sản phẩm, hàng hóa, vật liệu; có hạ tầng công nghệ thông tin hỗ trợ doanh nghiệp và mặt bằng tổ chức sự kiện, trưng bày, trình diễn công nghệ, sản phẩm đổi mới sáng tạo;
  • Có đội ngũ quản lý chuyên nghiệp để cung cấp các dịch vụ hỗ trợ, phát triển và kết nối cho doanh nghiệp hoạt động tại trung tâm; có mạng lưới chuyên gia và cung cấp dịch vụ hỗ trợ, phát triển và kết nối cho doanh nghiệp.

(8) Dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo là một trong các dự án sau:

  • Sản xuất sản phẩm hình thành từ sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, phần mềm máy tính, ứng dụng trên điện thoại di động, điện toán đám mây; sản xuất dòng, giống vật nuôi mới, giống cây trồng mới, giống thủy sản mới, giống cây lâm nghiệp mới; tiến bộ kỹ thuật đã được cấp văn bằng bảo hộ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, quyền tác giả hoặc được công nhận đăng ký quốc tế theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận;
  • Sản xuất sản phẩm được tạo ra từ các dự án sản xuất thử nghiệm, sản phẩm mẫu và hoàn thiện công nghệ; sản xuất sản phẩm đạt giải tại các cuộc thi khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, các giải thưởng về khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về giải thưởng khoa học và công nghệ;
  • Dự án của các doanh nghiệp hoạt động tại các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển;
  • Sản xuất sản phẩm công nghiệp văn hóa hình thành từ quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả đã được cấp văn bằng bảo hộ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ hoặc được công nhận đăng ký quốc tế theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

(9) Chuỗi phân phối sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa được hưởng ưu đãi đầu tư là mạng lưới các trung gian thực hiện phân phối sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa đến người tiêu dùng và đáp ứng các điều kiện sau:

  • Có ít nhất 80% số doanh nghiệp tham gia là doanh nghiệp nhỏ và vừa;
  • Có ít nhất 10 địa điểm phân phối hàng hóa đến người tiêu dùng;
  • Tối thiểu 50% doanh thu của chuỗi được tạo ra bởi các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia trong chuỗi.

(10) Cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa; cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo được hưởng ưu đãi đầu tư là cơ sở được thành lập theo quy định pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Xem thêm: Thủ tục thành lập công ty FDI

Hình thức ưu đãi đầu tư FDI

Theo Khoản 1 Điều 15, Luật Đầu tư 2020, hiện có 04 hình thức ưu đãi đầu tư FDI đối với nhà đầu tư nước ngoài, cụ thể:

Hình thức ưu đãi đầu tư FDI

Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp

Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, bao gồm áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường có thời hạn hoặc toàn bộ thời gian thực hiện dự án đầu tư; miễn thuế, giảm thuế và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp. Mức ưu đãi cụ thể được pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp quy định tại Văn bản hợp nhất số 12/VBHN – VPQH ngày 15 tháng 7 năm 2020, cụ thế:

  • Miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với: Doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
  • Áp dụng mức thuế suất 20% trong thời gian 10 năm, miễn thuế tối đa không quá 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá 4 năm tiếp theo đối với: Doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện KT-XH khó khăn; doanh nghiệp thực hiện dự án thuộc ngành sản xuất công cụ, vật liệu;…
  • Áp dụng thuế suất 15% đối với: Doanh nghiệp trồng trọt, chăn nuôi, chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản không thuộc địa bàn có điều kiện KT-XH khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn.
  • Miễn thuế tối đa không quá 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá 4 năm tiếp theo đối với: Doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại khu công nghiệp.
  • Áp dụng mức thuế suất ưu đãi 10% trong thời gian 15 năm đối với: Dự án đầu tư thành lập mới các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển có tổng vốn đầu tư FDI từ 3.000 tỷ đồng trở lên.

Ưu đãi thuế nhập khẩu

Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Trước yêu cầu hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, đồng thời thực hiện chính sách khuyến khích đầu tư phát triển kinh tế của đất nước, tại khoản 11, 13, 16 Điều 16 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 quy định chi tiết việc miễn thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật ưu đãi đầu tư.

Ưu đãi miễn, giảm tiền sử dụng đất

Luật Đầu tư năm 2020 quy định nhà đầu tư có dự án đầu tư thuộc đối tượng ưu đãi đầu tư thì được miễn, giảm tiền sử dụng đất. Tại điểm a khoản 1 Điều 110 Luật Đất đai 2013 có quy định đối với trường hợp sử dụng đất vào mục đích sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư hoặc theo địa bàn đầu tư thì được miễn giảm tiền sử dụng đất, trừ dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại. Tại Nghị định 45/2014/NĐ-CP về thu tiền sử dụng đất, quy định miễn tiền sử dụng đất đối với 05 trường hợp. Miễn giảm tiền sử dụng đất đối với dự án đầu tư vào lĩnh vực ưu đãi và địa bàn ưu đãi được quy định như sau:

  • Miễn giảm tiền sử dụng đất đối với các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (theo Điều 5 Nghị định 57/2018/NĐ-CP).
  • Miễn giảm tiền sử dụng đất đối với dự án trong khu kinh tế.

Khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế

Theo quy định hiện nay thời gian trích khấu hao tài sản cố định từ 5 đến 20 năm. Phương pháp tính khấu hao doanh nghiệp theo đường thẳng. Tuy nhiên trong các trường hợp cụ thể doanh nghiệp được phép trích khấu hao nhanh. Mục đích trích khấu hao nhanh để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp được đầu tư đổi mới công nghệ phục vụ cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo quy định, việc trích khấu hao nhanh không quá hai lần so với trích khấu hao theo phương pháp đường thẳng và sau khi trích khấu hao nhanh doanh nghiệp phải đảm bảo có lợi nhuận.

Ưu đãi khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế là một hình thức ưu đãi đầu tư mới theo quy định của Luật đầu tư, hiện pháp luật chuyên ngành chưa có quy định chi tiết về trường hợp ưu đãi này, nên chúng ta chờ đợi những quy định chi tiết hơn về các ưu đãi đầu tư này.

Như vậy, so với luật đầu tư 2014 thì luật đầu tư 2020 đã bổ sung thêm một hình thức ưu đãi đầu tư là khấu hao nhanh cho nhà đầu tư. Nhìn chung chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam rất thông thoáng, nhiều  ưu đãi và ngày càng hoàn thiện là cơ hội tốt cho nhà đầu tư muốn đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Pháp luật Việt Nam có quy định cụ thể về ưu đãi đầu tư dành cho các nhà đầu tư khi thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh ở thị trường Việt Nam. Qua đó, thị trường kinh doanh ở Việt Nam trong những năm gần đây đã có nhiều bước tiến vượt bậc, góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế cho đất nước.

Căn cứ pháp lý

  • Luật Đầu tư 2020
  • Luật doanh nghiệp 2020
  • Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016
  • Nghị định 31/2021/NĐ-CP
5/5 - (4 votes)
Luật sư Lê Dung

Tư vấn chuyên môn bài viết:

Luật sư Lê Dung (Elena)

CEO Công ty luật Siglaw

Luật sư Lê Dung đã có hơn 10 năm kinh nghiệm tư vấn pháp lý cho nhà đầu tư đến từ hơn 10 quốc gia như: Mỹ, Singapore, Canada, Đan Mạch, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc….

Tư vấn miễn phí: 0961 366 238