Thành lập công ty FDI tại quận Đống Đa

Vị trí thuận tiện, cơ sở hạ tầng được đầu tư không ngừng cùng tài nguyên du lịch, thương mại khiến Đống Đa trở thành một khu vực giàu tiềm năng cho việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Qua bài viết này, Siglaw sẽ giúp những nhà đầu tư nước ngoài đang có ý định thành lập công ty FDI tại quận Đống Đa có những thông tin hữu ích cho việc bắt đầu hoạt động kinh doanh tại khu vực này.

Tổng quan về quận Đống Đa

Quận Đống Đa nằm ở phía Tây Nam của Thành phố Hà Nội, là 1 trong 4 quận nội thành đầu tiên của Thủ đô Hà Nội. Với vị trí trung tâm, quận Đống Đa kết nối thuận tiện với những khu vực khác trong thành phố. Quận có diện tích khoảng 9,95km2, gồm 21 phường với dân số trên 400.000 người. Mật độ dân cư quận Đống Đa thuộc loại đông đúc nhất thủ đô, cơ sở hạ tầng cũng hết sức phát triển với hơn 14.000 cơ quan, doanh nghiệp; khoảng 20 bệnh viện và gần 20 trường cao đẳng, đại học tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút đầu tư thành lập doanh nghiệp có vốn nước ngoài tại đây.

Quận Đống Đa đặc biệt có hạ tầng giao thông thuận lợi cho việc kết nối với các khu vực khác trong thành phố, cũng như các tỉnh thành lân cận, nổi bật là đường Vành đai 1, Vành đai 2 chạy qua. Theo quy hoạch đến năm 2020 tầm nhìn 2030 của UBND thành phố Hà Nội, trên địa bàn quận Đống Đa sẽ có 18 dự án giao thông huyết mạch được gấp rút triển khai, như: cải tạo nút giao thông Chùa Bộc – Thái Hà, cải tạo nút Tây Sơn – Hồ Đắc Di, mở rộng đường Lương Định Của – Trường Chinh… Gần đây nhất, quận Đống Đa đã thông xe tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, giúp giảm ùn tắc giao thông trên trục đường Vành đai 2 vì vậy đã thu hút nhiều nhà đầu tư thành lập doanh nghiệp xây dựng 100% vốn nước ngoài tại đây.

Điều kiện thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại quận Đống Đa

Thành lập công ty FDI tại quận Đống Đa
Thành lập công ty FDI tại quận Đống Đa

Điều kiện tiếp cận thị trường khi thành lập doanh nghiệp FDI tại quận Đống Đa

Theo quy định tại Điều 9 Luật Đầu tư 2020, nhà đầu tư nước ngoài thành lập doanh nghiệp FDI tại quận Đống Đa nói riêng và Việt Nam nói chung phải chú ý tới Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư không được lựa chọn các ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường trong Danh mục này. Đối với các ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện, nhà đầu tư phải tuân thủ các điều kiện về: Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế; Hình thức đầu tư; Phạm vi hoạt động đầu tư; Năng lực của nhà đầu tư; đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư; Điều kiện khác theo quy định của pháp luật Việt Nam. 

Ngành nghề bị cấm, hạn chế kinh doanh khi thành lập doanh nghiệp vốn nước ngoài tại quận Đống Đa

Nhà đầu tư cần lưu ý các ngành nghề bị cấm đầu tư kinh doanh khi thành lập công ty có vốn nước ngoài tại quận Đống Đa bao gồm các ngành nghề được quy định tại Điều 6 Luật Đầu tư 2020. Ngoài ra, các ngành nghề bị hạn chế đầu tư tại quận Đống Đa hiện được quy định tại Phụ lục IV của Luật Đầu tư 2020, do đó, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ để đáp ứng đủ các điều kiện trước khi đầu tư vào khu vực này.

Quy trình thành lập công ty FDI tại quận Đống Đa

Bước 1: Nhà đầu tư thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thành lập công ty có vốn nước ngoài tại quận Đống Đa

Hồ sơ cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gồm:

  • Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư tại quận Đống Đa (theo mẫu Mẫu A.I.1 ban hành kèm theo Thông tư 03/2021/TT-BKHĐT);
  • Bản chứng thực giấy tờ chứng thực cá nhân đối với nhà đầu tư là cá nhân; bản sao Đăng ký doanh nghiệp đối với nhà đầu tư là tổ chức;
  • Đề xuất dự án đầu tư thành lập doanh nghiệp có vốn nước ngoài tại quận Đống Đa;
  • Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư gồm ít nhất một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu khác chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư; 
  • Hợp đồng thuê địa điểm hoặc tài liệu khác xác nhận nhà đầu tư có quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư tại quận Đống Đa nếu không có đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất;
  • Hợp đồng hợp tác kinh doanh (Hợp đồng BCC) đối với dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.

Ngoài ra, nếu doanh nghiệp có sử dụng công nghệ trong hoạt động kinh doanh, hoặc có nhu cầu thuê đất của nhà nước cần nộp bổ sung các hồ sơ sau:

  • Đề xuất nhu cầu sử dụng đất; 
  • Giải trình về sử dụng công nghệ đối với dự án đầu tư thành lập công ty FDI tại quận Đống Đa nếu doanh nghiệp có sử dụng công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ gồm các nội dung: tên công nghệ, xuất xứ công nghệ, sơ đồ quy trình công nghệ; thông số kỹ thuật chính, tình trạng sử dụng của máy móc, thiết bị và dây chuyền công nghệ chính;

Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, nhà đầu tư sẽ nộp hồ sơ tại Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội, Địa chỉ: 258 Đ. Võ Chí Công, Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Sở Kế hoạch và đầu tư thành phố Hà Nội xét và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; trường hợp từ chối cấp phải lập thành văn bản và nêu rõ lý do.

Bước 2: Đăng ký thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại quận Đống Đa (xin cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp)

Hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp FDI tại Quận Đống Đa bao gồm:

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp (Theo mẫu tại Thông tư 02/2019/TT-BKHĐT);
  • Điều lệ công ty;
  • Danh sách thành viên (Đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên); Danh sách cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài (Đối với công ty Cổ phần);
  • Bản sao hợp lệ thuộc một trong các giấy tờ sau: Giấy tờ chứng thực cá nhân; Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của các cổ đông sáng lập và cổ đông cá nhân là nhà đầu tư nước ngoài; Quyết định thành lập của pháp nhân nước ngoài, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương khác của tổ chức và văn bản ủy quyền; Giấy tờ chứng thực cá nhân của người đại diện theo ủy quyền của cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức;
  • Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã được cấp.

Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ đăng ký thành lập công ty FDI tại quận Đống Đa thì nộp tại Sở Kế hoạch và đầu tư thành phố Hà Nội, Địa chỉ: 258 Đ. Võ Chí Công, Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội; hoặc nộp hồ sơ online tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (dangkykinhdoanh.gov.vn). 

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Phòng đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và đầu tư thành phố Hà Nội sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp từ chối cấp thì phải thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do.

Những việc cần làm sau khi thành lập doanh nghiệp FDI tại Quận Đống Đa

  • Đăng ký tài khoản báo cáo đầu tư: Công ty có vốn đầu tư nước ngoài có nghĩa vụ báo cáo tình hình thực hiện dự án đầu tư thông qua tài khoản được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp. Nhà đầu tư cần nộp đơn đăng ký tài khoản, sau đó chú ý báo cáo định kỳ theo quy định pháp luật.
  • Mở tài khoản ngân hàng: Công ty có vốn đầu tư nước ngoài bắt buộc phải mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp để nhà đầu tư chuyển vốn vào, sau đó chuyển sang tài khoản thanh toán để thanh toán các chi phí vận hành công ty.
  • Đăng ký lao động: Thực hiện đăng ký lao động, báo cáo và xin Giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài và các loại bảo hiểm xã hội cho nhân viên.
  • Xin Giấy phép con: Xin cấp các giấy phép con cần thiết cho các ngành nghề có điều kiện (nếu có).

Lưu ý và thách thức khi thành lập công ty vốn đầu tư nước ngoài tại Quận Đống Đa

Thủ tục hành chính và pháp lý phức tạp

  • Đăng ký kinh doanh: Việc thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đòi hỏi tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Quy trình này có thể mất thời gian và phức tạp, yêu cầu nắm vững quy định pháp lý và làm đúng thủ tục theo đúng quy định của cơ quan chức năng.
  • Vốn đầu tư: Các quy định về vốn đầu tư nước ngoài cần được tuân thủ, bao gồm việc chứng minh nguồn gốc và hợp pháp của vốn, xác định các ngành nghề kinh doanh được phép và giới hạn vốn đầu tư trong các ngành đó.
  • Giấy phép con: Sau khi đăng ký kinh doanh, công ty cần làm thủ tục xin cấp giấy phép con nếu hoạt động trong các ngành, nghề có điều kiện. Quá trình này có thể tốn thời gian và yêu cầu kiên nhẫn, vì phải tuân thủ quy định của các pháp luật chuyên ngành và các cơ quan quản lý chuyên môn khác nhau.

Đặc thù môi trường kinh doanh tại Đống Đa

  • Ngôn ngữ và văn hóa: Tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức tại Việt Nam và do đó, việc hiểu và sử dụng tiếng Việt có thể là một thách thức đối với những người nước ngoài. Ngoài ra, hiểu biết về văn hóa, phong tục tập quán và cách làm việc của người Việt cũng rất quan trọng để xây dựng mối quan hệ kinh doanh tốt.
  • Môi trường kinh doanh: Quận Đống Đa, Hà Nội là một thị trường đầy tiềm năng nhưng cũng cạnh tranh khá cao. Cần phân tích kỹ thị trường, hiểu rõ nhu cầu và thói quen tiêu dùng của người dân địa phương để có được một chiến lược kinh doanh hiệu quả.

Cạnh tranh từ doanh nghiệp bản địa

Thị trường kinh doanh tại quận Đống Đa nói riêng và Hà Nội nói chung đang có sự cạnh tranh khốc liệt từ các doanh nghiệp bản địa. Cần đối mặt với sự cạnh tranh này bằng cách nắm vững thị trường, tạo ra lợi thế cạnh tranh và xây dựng một mô hình kinh doanh hiệu quả.

Trên đây là những thông tin về chủ đề “Thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại quận Đống Đa, Hà Nội” từ đội ngũ nhân viên Công ty Luật Siglaw. Nếu quý khách hàng còn vấn đề gì vướng mắc cần giải quyết, hãy liên hệ với Siglaw để được hỗ trợ nhanh nhất.

5/5 - (2 bình chọn)
Luật sư Lê Dung

Tư vấn chuyên môn bài viết:

Luật sư Lê Dung (Elena)

CEO Công ty luật Siglaw

Luật sư Lê Dung đã có hơn 10 năm kinh nghiệm tư vấn pháp lý cho nhà đầu tư đến từ hơn 10 quốc gia như: Mỹ, Singapore, Canada, Đan Mạch, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc….

Tư vấn miễn phí: 0961 366 238