Thực phẩm chức năng nhập khẩu luôn là sản phẩm được nhiều người tin dùng vì vậy luôn thu hút được nhiều người tham gia đầu tư kinh doanh. Để thực phẩm chức năng nhập khẩu được lưu thông trên thị trường thì cần phải đáp ứng điều kiện đảm bảo an toàn với thực phẩm chức năng nhập khẩu, bao gồm đăng ký bản công bố. Vậy khi cần công bố thực phẩm chức năng nhập khẩu thì doanh nghiệp phải làm gì? Trong bài viết này, Công ty Luật Siglaw sẽ cung cấp cho bạn những điều cần biết khi cần công bố thực phẩm chức năng nhập khẩu.
Điều kiện đảm bảo an toàn với thực phẩm chức năng nhập khẩu
Thực phẩm chức năng được hiểu là loại thực phẩm được dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh, bao gồm thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm dinh dưỡng y học.
Theo quy định của Luật An toàn thực phẩm, thực phẩm chức năng nhập khẩu cần phải đáp ứng các điều kiện sau để đảm bảo an toàn:
- Thực phẩm chức năng nhập khẩu phải được đăng ký bản công bố hợp quy tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi nhập khẩu;
- Thực phẩm chức năng nhập khẩu phải được cấp “Thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu” đối với từng lô hàng của cơ quan kiểm tra được chỉ định theo quy định của Bộ trưởng Bộ quản lý ngành.
- Phải có giấy chứng nhận lưu hành tự do hoặc giấy chứng nhận y tế theo quy định của Chính phủ.
- Có thông tin, tài liệu khoa học chứng minh về tác dụng của thành phần tạo nên chức năng đã công bố.
- Thực phẩm chức năng lần đầu tiên đưa ra lưu thông trên thị trường phải có báo cáo thử nghiệm hiệu quả về công dụng của sản phẩm.
Trình tự đăng ký bản công bố thực phẩm chức năng
Doanh nghiệp thực hiện theo trình tự sau để đăng ký bản công bố thực phẩm chức năng nhập khẩu:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ. Doanh nghiệp cần tiến hành chuẩn bị hồ sơ với đầy đủ thành phần hồ sơ sau:
Theo quy định của pháp luật, hồ sơ đăng ký bản công bố thực phẩm chức năng nhập khẩu sẽ bao gồm những giấy tờ, văn bản như sau:
- Bản công bố sản phẩm
- Giấy chứng nhận lưu hành tự do (Certificate of Free Sale) hoặc Giấy chứng nhận xuất khẩu (Certificate of Exportation) hoặc Giấy chứng nhận y tế (Health Certificate) (cần phải được hợp pháp hóa lãnh sự);
- Phiếu kết quả kiểm nghiệm an toàn thực phẩm của sản phẩm trong thời hạn 12 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ (bản chính hoặc bản sao chứng thực);
- Bằng chứng khoa học chứng minh công dụng của sản phẩm hoặc của thành phần tạo nên công dụng đã công bố (bản chính hoặc bản sao có xác nhận của tổ chức, cá nhân).
- Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu Thực hành sản xuất tốt (GMP) hoặc chứng nhận tương đương (bản có xác nhận của tổ chức, cá nhân).
Doanh nghiệp cần lưu ý các tài liệu trong hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm phải được thể hiện bằng tiếng Việt; trường hợp có tài liệu bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch sang tiếng Việt và được công chứng. Tài liệu phải còn hiệu lực tại thời điểm nộp hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm.
Bước 2: Nộp hồ sơ. Doanh nghiệp tiến hành nộp hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến hoặc đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp đến cơ quan tiếp nhận hồ sơ. Theo quy định của pháp luật, hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm đối với thực phẩm chức năng phải được nộp đến Bộ Y tế.
Bước 3: Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ và thẩm định hồ sơ.
- Trong thời hạn 21 ngày làm việc đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe, Bộ Y tế có trách nhiệm thẩm định hồ sơ và cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm theo Mẫu số 03 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP.
- Thời gian thẩm định hồ sơ tính từ thời điểm hồ sơ được nộp trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến hoặc theo dấu đến của cơ quan tiếp nhận (trong trường hợp nộp hồ sơ qua đường bưu điện hoặc nộp hồ sơ trực tiếp).
- Trong trường hợp không đồng ý với hồ sơ công bố sản phẩm của tổ chức, cá nhân hoặc có yêu cầu sửa đổi, bổ sung, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải ban hành văn bản nêu rõ lý do và căn cứ pháp lý của việc yêu cầu sửa đổi, bổ sung. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ chỉ được yêu cầu sửa đổi, bổ sung 01 lần
- Trong thời hạn 07 (bảy) ngày làm việc kể từ khi nhận hồ sơ sửa đổi, bổ sung, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thẩm định hồ sơ và có văn bản trả lời. Sau 90 ngày làm việc kể từ khi có công văn yêu cầu sửa đổi, bổ sung nếu tổ chức, cá nhân không sửa đổi, bổ sung thì hồ sơ không còn giá trị.
- Về phí thẩm định, doanh nghiệp có trách nhiệm nộp phí thẩm định hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí. Theo quy định tại Thông tư 67/2021/TT-BTC, mức phí thẩm định hồ sơ đăng ký bản công bố thực phẩm chức năng sản xuất trong nước là 1.500.000 đồng/lần/sản phẩm.
Bước 4: Cơ quan tiếp nhận thông báo công khai. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm có trách nhiệm thông báo công khai tên, sản phẩm của tổ chức, cá nhân đã được tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm trên trang thông tin điện tử (website) của mình và cơ sở dữ liệu về an toàn thực phẩm.
Trên đây là toàn bộ những thông tin cần thiết Công ty Luật Siglaw giải đáp về công bố thực phẩm chức năng nhập khẩu. Nếu quý khách hàng gặp các vấn đề về liên quan đến công bố thực phẩm chức năng nhập khẩu, vui lòng liên hệ cho Công ty Luật Siglaw để được tư vấn miễn phí một cách toàn diện.
Trụ sở chính tại Tp. Hà Nội: Số 44/A32 – NV13, Khu A Glexemco, đường Lê Trọng Tấn, An Khánh, Hoài Đức, Tp.Hà Nội.
Email: vphn@siglaw.com.vn
Chi nhánh tại miền Nam: A9.05 Block A, Tòa Sky Center, số 5B đường Phổ Quang, Phường 2, Quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh.
Chi nhánh miền Trung: 177 Trưng Nữ Vương, Quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Email: vphcm@siglaw.com.vn
Hotline: 0961 366 238
Facebook: https://www.facebook.com/hangluatSiglaw