Doanh nghiệp FDI là gì? Đặc điểm & Điều kiện thành lập DN FDI

Các doanh nghiệp FDI đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, mang lại nguồn vốn, công nghệ, kỹ năng quản lý và tiếp cận thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, họ cũng đặt ra những thách thức liên quan đến môi trường, phân phối lợi nhuận, cạnh tranh với doanh nghiệp trong nước. Hiểu rõ bản chất của doanh nghiệp FDI là điều quan trọng để các quốc gia tận dụng tối đa những lợi ích và giải quyết các thách thức. Vậy Doanh nghiệp FDI là gì? Hãy cùng Công ty Luật Siglaw tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây!

Khái niệm về doanh nghiệp FDI

Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa đưa ra định nghĩa về doanh nghiệp FDI nhưng ta có thể hiểu doanh nghiệp FDI thông qua việc tìm hiểu các định nghĩa liên quan. Theo đó, FDI là viết tắt của “Foreign Direct Investment” (Nghĩa là: Đầu tư trực tiếp nước ngoài). Vậy Doanh nghiệp FDI là Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. 

Doanh nghiệp FDI có 2 hình thức:

  • Doanh nghiệp vốn nước ngoài 100%;
  • Doanh nghiệp vốn nước ngoài liên doanh với các tổ chức Việt Nam.

Căn cứ quy định tại Điều 21 Luật Đầu tư 2020 thì các hình thức đầu tư của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam bao gồm:

  •  Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế tại Việt Nam;
  • Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của doanh nghiệp khác;
  • Đầu tư dưới hình thức hợp đồng BCC (hay còn gọi là hợp đồng hợp tác kinh doanh);
  • Thực hiện dự án đầu tư;
  • Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ.
Doanh nghiệp FDI là gì? Đặc điểm & Điều kiện thành lập DN FDI
Doanh nghiệp FDI là gì? Đặc điểm & Điều kiện thành lập DN FDI

Đặc điểm của doanh nghiệp FDI

Mỗi loại doanh nghiệp đều có những đặc điểm riêng và đây cũng là những ưu điểm để các loại hình doanh nghiệp này thu hút sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân khi thực hiện việc kinh doanh. Theo đó, loại hình FDI có các đặc điểm sau:

  • Mục đích chính của FDI là tối ưu lợi nhuận cho nhà đầu tư nước ngoài;
  • Chủ đầu tư giữ quyền quyết định trong quá trình kinh doanh, sản xuất;
  • Nguồn vốn đầu tư FDI thông thường sẽ bị thu hút bởi các quốc gia có nền tảng, hành lang pháp lý chắc chắn, rõ ràng;
  • Hầu hết các doanh nghiệp FDI được thành lập mới hoặc mua lại công ty đang hoạt động theo hình thức chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp…

Những điều kiện cần thiết để thành lập doanh nghiệp FDI tại Việt Nam

Để thành lập doanh nghiệp FDI tại Việt Nam cần đáp ứng đầy đủ những yếu tố sau:

Thứ nhất, doanh nghiệp được thành lập hoặc có phần góp vốn sở hữu bởi nhà đầu tư nước ngoài

Doanh nghiệp FDI cần có nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, nên để thành lập Doanh nghiệp FDI tại Việt Nam thì cần phải được thực hiện hoặc có phần vốn góp sở hữu bởi nhà đầu tư nước ngoài.

Căn cứ theo khoản 19 Điều 3 Luật đầu tư 2020 thì có thể hiểu về Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Thứ hai, doanh nghiệp phải kinh doanh ngành, nghề hợp pháp tại Việt Nam

Để được phép hoạt động tại Việt Nam, doanh nghiệp FDI không được phép kinh doanh những ngành nghề bị cấm theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật đầu tư 2020, cụ thể:

+ Kinh doanh các chất ma túy quy định tại Phụ lục I Luật đầu tư 2020;

+ Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục II Luật đầu tư 2020;

+ Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục III Luật đầu tư 2020;

+ Kinh doanh mại dâm;

+ Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người;

+ Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người;

+ Kinh doanh pháo nổ;

+ Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Thứ ba, doanh nghiệp thiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Theo điểm c khoản 1 Điều 22 Luật đầu tư 2020 thì trước khi thành lập tổ chức kinh tế nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Chính vì vậy, nhà đầu tư nước ngoài muốn thành lập hoặc góp vốn vào Doanh nghiệp FDI thì cần phải thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, ngoại trừ việc thành lập doanh nghiệp FDI nhỏ, vừa khởi nghiệp sáng tạo và có quỹ  đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.

Thứ tư, doanh nghiệp phải thực hiện đăng ký thành lập doanh nghiệp

Doanh nghiệp phải chuẩn bị và nộp hồ sơ đăng ký thành lập Doanh nghiệp FDI cho Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở kế hoạch và đầu tư nơi đặt trụ sở chính.

Trên đây là toàn bộ những thông tin cần thiết Công ty Luật Siglaw giải đáp về Doanh nghiệp FDI là gì?. Nếu quý khách hàng gặp các vấn đề liên quan đến Dịch vụ Thành lập doanh nghiệp, vui lòng liên hệ cho Công ty Luật Siglaw để được tư vấn miễn phí một cách toàn diện.

Trụ sở chính tại Tp. Hà Nội: Số 44/A32 – NV13, Khu A Glexemco, đường Lê Trọng Tấn, An Khánh, Hoài Đức, Tp.Hà Nội.

Email: vphn@siglaw.com.vn

Chi nhánh tại miền Nam: A9.05 Block A, Tòa Sky Center, số 5B đường Phổ Quang, Phường 2, Quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh.

Chi nhánh miền Trung: 177 Trưng Nữ Vương, Quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng

Email: vphcm@siglaw.com.vn

Hotline: 0961 366 238

Facebook: https://www.facebook.com/hangluatSiglaw

Tư vấn miễn phí: 0961 366 238