Điều kiện đầu tư dịch vụ phân phối đối với NĐT NN

Đầu tư dịch vụ phân phối là một trong phân ngành thu hút lượng lớn nguồn vốn FDI tại Việt Nam. Dịch vụ phân phối được hiểu là hoạt động liên quan đến các hoạt động bán buôn, bán lẻ, đại lý bán hàng hóa và nhượng quyền thương mại. Theo số liệu của Cục đầu tư nước ngoài – Bộ kế hoạch và đầu tư, trong 3 tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư FDI vào các ngành bán buôn, bán lẻ đứng thứ 3 trong các ngành, nghề được đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt gần 276 triệu USD tăng gấp 2 lần cùng kỳ.

Nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư kinh doanh tại Việt Nam sẽ được xem xét áp dụng quy định của pháp luật Việt Nam về điều kiện tiếp cận thị trường. Đối với dịch vụ phân phối, Siglaw sẽ đưa đến những chia sẻ về điều kiện đầu tư kinh doanh dịch vụ phân phối đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết cũng như quy định pháp luật quốc gia Việt Nam.

Điều kiện đầu tư dịch vụ phân phối đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại các Điều ước quốc tế Việt Nam ký kết

Điều kiện đầu tư dịch vụ phân phối đối với NĐT NN
Điều kiện đầu tư dịch vụ phân phối đối với NĐT NN

Căn cứ theo các điều ước quốc tế WTO, FTAs, VKFTA mà Việt Nam là thành viên, việc đầu tư trong lĩnh vực phân phối sẽ đặt ra các điều kiện sau đối với nhà đầu tư nước ngoài như sau:

Thứ nhất, về phạm vi đầu tư, kinh doanh. Khi người nước ngoài thực hiện đầu tư dịch vụ phân phối tại Việt Nam sẽ được thực hiện các hoạt động sau: (i) Đại lý hoa hồng; (ii) Bán buôn, bán lẻ; (iii) Nhượng quyền thương mại.

Thứ hai, về phạm vi các sản phẩm phân phối theo cam kết của Việt Nam trong các điều ước. Nhà đầu tư sẽ không được thực hiện phân phối các hàng hóa, sản phẩm sau: Thuốc lá và xì gà, sách, báo và tạp chí, vật phẩm đã ghi hình, kim loại quý và đá quý, dược phẩm, thuốc nổ, dầu thô và dầu đã qua chế biến, gạo, đường mía và đường củ cải. Những sản phẩm, hàng hóa này được loại trừ ra khỏi phạm vi cam kết của Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoại trừ những hàng hóa kể trên, tại thời điểm hiện tại công ty có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực phân phối sẽ được phép cung cấp dịch vụ đại lý hoa hồng, bán buôn và bán lẻ tất cả các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam và nhập khẩu hợp pháp vào Việt Nam.

Thứ ba, điều kiện khác:

  • Với đầu tư dịch vụ phân phối bán lẻ trong trường hợp NĐT nước ngoài lập cơ sở bán lẻ thì việc thành lập cơ sở bán lẻ (ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất) của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài sẽ được xem xét trên cơ sở kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT). Cụ thể, việc xin phép thành lập nhiều hơn một cơ sở bán lẻ phải tuân thủ quy trình đã có và được công bố công khai và việc cấp phép phải dựa trên các tiêu chí khách quan. Các tiêu chí chính để kiểm tra nhu cầu kinh tế là số lượng các nhà cung cấp dịch vụ đang hiện diện trong một khu vực địa lý, sự ổn định của thị trường và và quy mô địa lý.
  • Với dịch vụ nhượng quyền thương mại, sau 3 năm kể từ ngày gia nhập, sẽ cho phép  thành lập chi nhánh.

Như vậy, tại thời điểm hiện tại không còn quy định về điều kiện tỷ lệ sở hữu vốn trong doanh nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Điều kiện đầu tư dịch vụ phân phối đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định pháp luật Việt Nam

Điều kiện đầu tư dịch vụ phân phối bán buôn, bán lẻ

Thứ nhất, đáp ứng điều kiện để được cấp giấy phép kinh doanh.  Khi hoạt động đầu tư dịch vụ phân phối bán buôn, bán lẻ thuộc các trường hợp sau đây sẽ cần nhà đầu tư đáp ứng các điều kiện để được cấp giấy phép kinh doanh:

  • Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện quyền phân phối bán lẻ tất cả các loại hàng hóa.
  • Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện quyền phân phối bán lẻ gạo; đường; vật phẩm đã ghi hình; sách, báo và tạp chí. Trường hợp này chỉ xem xét cấp phép thực hiện quyền phân phối bán lẻ cho tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã có cơ sở bán lẻ dưới hình thức siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi để bán lẻ tại các cơ sở đó.
  • Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện quyền phân phối bán buôn đối với hàng hóa là dầu, mỡ bôi trơn. Trường hợp này chỉ xem xét cấp phép thực hiện quyền phân phối bán buôn cho tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có thực hiện một trong các hoạt động sau:

+ Sản xuất dầu, mỡ bôi trơn tại Việt Nam.

+ Sản xuất hoặc được phép phân phối tại Việt Nam máy móc, thiết bị, hàng hóa có sử dụng dầu, mỡ bôi trơn loại đặc thù.

Theo đó, để được cấp Giấy phép kinh doanh nhà đầu tư nước ngoài cần đáp ứng được các điều kiện sau đây:

Một là, trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thuộc nước, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có cam kết mở cửa thị trường cho hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa, cần:

  • Đáp ứng điều kiện về tiếp cận thị trường tại Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
  • Có kế hoạch về tài chính để thực hiện hoạt động đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh.
  • Không còn nợ thuế quá hạn trong trường hợp đã thành lập công ty tại Việt Nam từ 01 năm trở lên.

Hai là, trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài không thuộc nước, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; trong trường hợp dịch vụ kinh doanh chưa được cam kết mở cửa thị trường trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và trong trường hợp hàng hóa kinh doanh chưa được cam kết mở cửa thị trường trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên: Dầu, mỡ bôi trơn; gạo; đường; vật phẩm đã ghi hình; sách, báo và tạp chí, cần: 

  • Có kế hoạch về tài chính để thực hiện hoạt động đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh;
  • Không còn nợ thuế quá hạn trong trường hợp đã thành lập doanh nghiệp FDI tại Việt Nam từ 01 năm trở lên.
  • Đáp ứng tiêu chí sau:

+ Phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành;

+ Phù hợp với mức độ cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước trong cùng lĩnh vực hoạt động;

+ Khả năng tạo việc làm cho lao động trong nước;

+ Khả năng và mức độ đóng góp cho ngân sách nhà nước.

Việc xem xét chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp hai sẽ phụ thuộc vào 05 tiêu chí chính sau đây:

  • Sự phù hợp với quy hoạch, chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực của vùng, quốc gia.
  • Tiến trình đàm phán mở cửa thị trường của Việt Nam.
  • Nhu cầu mở cửa thị trường của Việt Nam.
  • Chiến lược hợp tác với đối tác nước ngoài của Việt Nam.
  • Quan hệ ngoại giao, vấn đề an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội đối với trường hợp nhà đầu tư nước ngoài không thuộc nước, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Thứ ba, cần đáp ứng điều kiện về lập cơ sở bán lẻ trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài có lập cơ sở bán lẻ. Cụ thể, điều kiện về lập cơ sở bán lẻ của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được quy định như sau:

  • Đối với việc lập cơ sở bán lẻ thứ nhất cần: (i) Có kế hoạch về tài chính để lập cơ sở bán lẻ; (ii) Không còn nợ thuế quá hạn trong trường hợp đã được thành lập tại Việt Nam từ 01 năm trở lên; (iii) Địa điểm lập cơ sở bán lẻ phù hợp với quy hoạch có liên quan tại khu vực thị trường địa lý.
  • Đối với việc lập cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất: Trong trường hợp không phải thực hiện kiểm tra nhu cầu kinh tế thì cần đáp ứng các điều kiện áp dụng như điều kiện lập cơ sở bán lẻ thứ nhất. Còn trong trường hợp phải thực hiện kiểm tra nhu cầu kinh tế thì ngoài việc phải đáp ứng các điều kiện áp dụng như điều kiện lập cơ sở bán lẻ thứ nhất thì còn phải đáp ứng tiêu chí Kiểm tra nhu cầu kinh tế.

Khi đáp ứng các điều kiện thì nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài sẽ được cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ. Đối với từng cơ sở bán lẻ, nhà đầu tư sẽ cần xin từng giấy phép riêng cho mỗi cơ sở đó.

Điều kiện đầu tư dịch vụ phân phối nhượng quyền thương mại

Để thực hiện nhượng quyền thương mại, cần đáp ứng các điều kiện cơ bản là Hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền đã hoạt động ít nhất 01 năm. Nếu thương nhân Việt Nam là Bên nhận quyền sơ cấp từ Bên nhượng quyền nước ngoài, thương nhân Việt Nam đó phải kinh doanh theo phương thức nhượng quyền thương mại ít nhất 01 năm ở Việt Nam trước khi tiến hành cấp lại quyền thương mại.

Việc đăng ký nhượng quyền sẽ được thực hiện Bộ Công Thương nếu là nhượng quyền của Thương nhân nước ngoài vào VN. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ tới Sở công thương không cần đăng ký nếu nhượng quyền trong nước; nhượng quyền Việt Nam ra nước ngoài.

Cần thực hiện nhượng quyền hàng hóa, dịch vụ không thuộc danh mục cấm kinh doanh. Trường hợp nhượng quyền hàng hóa, dịch vụ có điều kiện thì bên nhượng quyền cần có giấy phép con hoặc có đủ điều kiện kinh doanh.

Như vậy, đối với đầu tư dịch vụ phân phối việc gia nhập thị trường sẽ đòi khỏi NĐT nước ngoài đáp ứng các điều kiện chặt chẽ hơn so với nhà đầu tư Việt Nam. Với đội ngũ luật sư, chuyên gia pháp lý giàu kinh nghiệm, công ty luật Siglaw sẵn sàng tư vấn, giải đáp cho bạn những vấn đề còn vướng mắc đối với Điều kiện đầu tư dịch vụ phân phối đối với nhà đầu tư nước ngoài. Hãy liên hệ chúng tôi để nhận tư vấn.

5/5 - (3 bình chọn)
Luật sư Lê Dung

Tư vấn chuyên môn bài viết:

Luật sư Lê Dung (Elena)

CEO Công ty luật Siglaw

Luật sư Lê Dung đã có hơn 10 năm kinh nghiệm tư vấn pháp lý cho nhà đầu tư đến từ hơn 10 quốc gia như: Mỹ, Singapore, Canada, Đan Mạch, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc….

Tư vấn miễn phí: 0961 366 238