[SIGLAW] – Sáng ngày 16/09/2023, Luật sư Lê Thị Dung tham gia Hội nghị đối thoại “Một số vấn đề cần lưu ý khi áp dụng pháp luật lao động cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai”. Đây là hoạt động do Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai tổ chức với mục đích hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vận dụng pháp luật lao động giai đoạn 2021-2025.
Hội nghị có sự tham dự của nhiều đại diện UBMTTQVN tỉnh, Sở LĐTBXH, Sở KH-ĐT, Công an tỉnh, phòng PA03; hơn 40 tổ chức hành nghề luật sư và 90 doanh nghiệp tới từ Đồng Nai và các tỉnh thành khác. Tại Hội nghị, khoảng 14 bài tham luận từ các luật sư, chuyên gia, giảng viên trường Đại học Luật trong và ngoài tỉnh đã được nêu ra.
Khai mạc Hội nghị, Luật sư Lê Quang Y (Chủ nhiệm đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai) cho biết: Mục tiêu của Hội nghị lần này là cung cấp thông tin, trang bị kiến thức pháp lý về lao động cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, giải đáp những vướng mắc và đưa ra giải pháp cho những phát sinh mà doanh nghiệp gặp phải trong mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Hiện nay, nguồn vốn FDI đang đóng góp 24% trong tổng số vốn đầu tư toàn xã hội, chiếm khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu và hơn 50% sản lượng công nghiệp chế biến chế tạo. Trong đó, 7 tháng đầu năm 2023 vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt gần 16,24 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năm 2022, tỉnh Đồng Nai xếp thứ tư cả nước về thu hút vốn FDI với 1.800 dự án, tổng vốn khoảng 33 tỷ USD. Hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ đã đầu tư vào tỉnh Đồng Nai, dẫn đầu là Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản.
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng suy thoái toàn cầu và quỹ đất công nghiệp cho thuê còn lại ít, nhưng 4 tháng đầu năm 2023, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) của tỉnh Đồng Nai tăng hơn 2 lần so cùng kỳ năm 2022.
Điều này cho thấy Đồng Nai vẫn đang là điểm đến hấp dẫn cho thị trường thu hút vốn đầu tư nước ngoài và kéo theo đó là sự gia tăng nguồn lao động nước ngoài, đặc biệt tập trung lao động tại các quốc gia Đông Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Ls. Lê Thị Dung – giám đốc điều hành Công ty Luật Siglaw đã có bài phát biểu tại Hội nghị liên quan tới việc áp dụng pháp luật lao động. Luật sư Lê Dung nhận định, lý do cần quan tâm tới các quy định đối với lao động nước ngoài tại Việt Nam là vì nguồn vốn đầu tư nước ngoài tâp trung lớn sẽ luôn mang theo nguồn nhân lực, chuyên gia nước ngoài lớn vào Việt Nam. Vậy nên, việc nắm bắt các quy định về quản lý lao động là người nước ngoài là hoàn toàn quan trọng và cần thiết, bảo đảm được quyền và lợi ích của lao động nước ngoài, quản lý được tình hình thị trường lao động, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư và phát triển kinh tế đất nước, đảm bảo an ninh quốc gia và khu vực.
Theo Luật sư Lê Dung, trong việc quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, có ba điều quan trọng cần lưu ý. Thứ nhất, xác định vị trí làm việc cho lao động nước ngoài. Pháp luật Việt Nam cho phép người nước ngoài làm việc tại các vị trí bao gồm: Nhà quản lý, Giám đốc điều hành, Chuyên gia, Lao động kỹ thuật. Mỗi vị trí có những yêu cầu những tiêu chuẩn và điều kiện khác nhau. Vì thế, việc xác định vị trí lao động phải phù hợp với tiêu chuẩn và điều kiện tương ứng. Thứ hai, về thẩm quyền cấp phép. Thực tiễn hiện nay có 3 cơ quan chủ yếu cấp phép lao động cho người nước ngoài, bao gồm: Sở LĐTBXH cấp tỉnh, Ban Quản lý các KCN, KKT cấp tỉnh, Cục việc làm thuộc Bộ LĐTBXH. Vậy tùy thuộc vào địa điểm làm việc, vị trí làm việc mà người lao động nước ngoài phải nộp hồ sơ tại cơ quan tương ứng có thẩm quyền. Cuối cùng, lưu ý về thời hạn cư trú và làm việc. Người lao động nước ngoài sẽ được cấp một thời hạn visa hay thời hạn theo thẻ tạm trú bởi cơ quan có thẩm quyền, cơ bản sẽ phụ thuộc vào thời hạn của giấy phép lao động hoặc thẻ tạm trú được cấp.
Không chỉ vậy, pháp luật về quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam là một trong những mục tiêu quan trọng của Chính phủ. Vậy để xây dựng hệ thống pháp lý đảm bảo quyền lợi của người lao động nước ngoài và sự phát triển bền vững của nền kinh tế, xã hội, một số nội dung mà Luật sư Lê Thị Dung định hướng nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý lao động nước ngoài bao gồm:
- a) Tăng cường hợp pháp quốc tế: Việc chủ động mở cửa thu hút nguồn vốn FDI vào Việt Nam sẽ là nền tảng của việc thu hút nguồn chuyên gia lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc. Việt Nam sẽ tích cực hợp tác và chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và tạo ra các thỏa thuận trong việc quản lý lao động nước ngoài nói chung, cải thiện môi trường quản lý lao động nước ngoài được hiệu quả nhất;
- b) Đảm bảo quyền và lợi ích của người lao động: xây dựng các chính sách quản lý mạnh mẽ, bảo đảm quyền và lợi ích của người lao động nước ngoài, bao gồm cả việc cải thiện môi trường làm việc, bảo đảm việc trả lương và bảo hiểm xã hội, và các quyền lợi khác của người lao động…;
- c) Quản lý hệ thống thông tin dữ liệu về người lao động nước ngoài: áp dụng công nghệ trong việc quản lý lao động sẽ giúp cải thiện quá trình đăng ký, theo dõi được tình hình cư trú, tạm trú, thường trú của người lao động trên địa bàn. Qua đó các cơ quan quản lý cũng sẽ thuận tiện hơn trong việc theo dõi tình hình cư trú và thời hạn cư trú, thu thập dữ liệu và tình hình làm việc của người lao động trên địa bàn;
- d) Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực: Xu hướng thu hút nhân tài hoặc các chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm trên thế giới vào làm việc tại Việt Nam, qua đó sẽ giúp nâng cấp chất lượng công việc, hỗ trợ và đào tạo nâng cao chất lượng lao động trong nước, xây dựng đội ngũ nghiên cứu và phát triển thị trường, chia sẻ kinh nghiệm làm việc, chia sẻ văn hóa với người lao động trong nước;
- e) Giám sát và thúc đẩy tuân thủ pháp luật của lao động nước ngoài: các cơ quan quản lý cần có các kế hoạch xử lý tình huống khẩn cấp, tăng cường giám sát và xây dựng môi trường hòa nhập, thân thiện, giúp người lao động nước ngoài hòa nhập thuận tiện và đảm bảo tính tuân thủ pháp luật tốt nhất.
Có thể thấy, diễn đàn đã thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp cũng như giải đáp được những thắc mắc của doanh nghiệp. Thông qua hội nghị, nhà sử dụng lao động có thể vận dụng tốt hơn pháp luật lao động trong duy trì và ổn định quan hệ lao động tại doanh nghiệp của mình, từ đó hạn chế tranh chấp lao động, giảm thiểu những áp lực, gánh nặng cho Tòa án.