Nhu cầu sử dụng chuyển phát nhanh trong nước và quốc tế tăng cao đã thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào lĩnh vực này. Nhưng làm thế nào để nhà đầu tư nước ngoài thành lập công ty kinh doanh dịch vụ chuyển phát nhanh tại Việt Nam? Việc thành lập công ty kinh doanh dịch vụ này có điều kiện hay yêu cầu trình tự thủ tục gì không? Hãy cùng Siglaw tìm hiểu trong bài viết này nhé!
Cơ sở pháp lý để nhà đầu tư nước ngoài thành lập công ty kinh doanh dịch vụ chuyển phát nhanh
- Cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế như WTO, AFAS, VJEPA, VKFTA, CPTPP, EVFTA;
- Luật số 61/2020/QH14, Luật đầu tư;
- Luật số 59/2020/QH14, Luật doanh nghiệp;
- Luật số 49/2010/QH12, Luật Bưu chính;
- Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư;
- Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp;
- Nghị định 47/2011/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Luật Bưu chính;
- Nghị định số 25/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 47/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Luật Bưu chính;
- Quyết định 27/2018/QĐ-TTg ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam;
Mã ngành dịch vụ chuyển phát nhanh
Mã ngành theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài có thể kinh doanh dịch vụ chuyển phát nhanh theo mã ngành dưới đấy:
- Mã ngành 5310: Bưu chính
Nhóm này gồm: Các hoạt động bưu chính theo các quy định phổ biến và thống nhất. Hoạt động bưu chính sử dụng cơ sở hạ tầng chung để thực hiện việc nhận, phân loại, đóng gói và chuyển thư, bưu thiếp, báo, tạp chí, ấn phẩm quảng cáo, bưu phẩm, bưu kiện, hàng hóa hoặc tài liệu theo các tuyến và khu vực.
Nhóm này cũng gồm: Các dịch vụ khác nhằm hỗ trợ trực tiếp cho hoạt động này như:
- Nhận, phân loại, vận chuyển và phân phối (trong nước hoặc quốc tế) thư, bưu phẩm, bưu kiện bằng dịch vụ bưu chính qua mạng lưới bưu điện được quy định bằng các giao ước dịch vụ thống nhất. Hoạt động này có thể sử dụng một hoặc nhiều phương thức vận tải, có thể sử dụng phương tiện vận tải thuộc sở hữu của bưu điện hoặc phương tiện vận tải công cộng;
- Nhận thư hoặc bưu phẩm, bưu kiện từ các hòm thư công cộng hoặc cơ sở bưu điện;
- Phân phối và phân phát thư, bưu phẩm, bưu kiện.
Loại trừ: Chuyển khoản bưu điện, tiết kiệm bưu điện và chuyển tiền bưu điện được phân vào nhóm 64190 (Hoạt động trung gian tiền tệ khác).
- Mã ngành 5320: Chuyển phát
Nhóm này gồm:
- Nhận, phân loại, vận chuyển và phân phối (trong nước hoặc quốc tế) thư, bưu phẩm, bưu kiện của các doanh nghiệp không hoạt động theo giao ước dịch vụ chung. Hoạt động này có thể sử dụng một hoặc nhiều phương thức vận tải, có thể sử dụng phương tiện vận tải của doanh nghiệp hoặc các phương tiện vận tải công cộng;
- Phân phối và phân phát thư, bưu phẩm, bưu kiện.
Nhóm này cũng gồm: Dịch vụ giao hàng tận nhà.
Loại trừ: Vận tải hàng hóa theo các phương thức vận tải được phân vào các nhóm 4912 (Vận tải hàng hóa đường sắt), 4933 (Vận tải hàng hóa bằng đường bộ), 5012 (Vận tải hàng hóa ven biển và viễn dương), 5022 (Vận tải hàng hóa đường thủy nội địa), 5120 (Vận tải hàng hóa hàng không).
Điều kiện để nhà đầu tư nước ngoài thành lập công ty kinh doanh dịch vụ chuyển phát nhanh
Căn cứ vào các điều ước quốc tế Việt Nam tham gia, nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào lĩnh vực chuyển phát nhanh, cụ thể là dịch vụ bưu chính (CPC 7511), các dịch vụ chuyển phát (CPC 7512) thì cần phải đáp ứng các điều kiện về tiếp cận thị trường sau:
Điều kiện WTO, AFAS, VJEPA, VKFTA, CPTPP
Việt Nam chỉ có quy định đối với dịch vụ chuyển phát (CPC 7512**): không hạn chế.
* Dịch vụ chuyển phát nhanh, tức là dịch vụ gồm thu gom chia chọn, vận chuyển và phát trong nước hoặc quốc tế:
(a) Thông tin dưới dạng văn bản, thể hiện trên bất kỳ hình thức vật lý nào, bao gồm cả:
– Dịch vụ có lai ghép (hybrid mail service);
– Thông tin quảng cáo trực tiếp (direct mail).
Trừ việc xử lý các vật gửi là thông tin dưới dạng văn bản có giá cước dịch vụ thấp hơn 10 lần giá cước của một bức thư tiêu chuẩn gửi trong nước ở nấc khối lượng đầu tiên 9 Đôla Mỹ quốc tế; với điều kiện tổng khối lượng của các vật phẩm này không quá 2000 gam.
(b) Kiện ( bao gồm cả sách và catalogues) và các hàng hóa khác.
* Xử lý các vật phẩm không ghi địa chỉ người nhận (non-addressed items).
Dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của các Thành viên sẽ được dành cho sự đối xử không kém thuận lợi hơn sự đối xử dành cho Bưu chính Việt Nam hoặc các công ty con của Bưu chính Việt Nam đối với các hoạt động cạnh tranh.
Điều kiện EVFTA
Phụ lục 8-B: Dịch vụ bưu chính (CPC7511** và 7512**) (Ngoại trừ các dịch vụ công cộng và dịch vụ dành riêng) là không hạn chế.
Dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của các Thành viên sẽ được dành cho sự đối xử không kém thuận lợi hơn sự đối xử dành cho Bưu chính Việt Nam hoặc các công ty con của Bưu chính Việt Nam đối với các hoạt động cạnh tranh.
Pháp luật Việt Nam
Căn cứ vào mục B Phụ lục I Nghị định 31/2021/NĐ-CP , dịch vụ bưu chính thuộc ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Nhà đầu tư nước ngoài cần thỏa mãn các điều dưới đây:
- Điều kiện về tài chính: trước đây nhưng điều này đã bị bãi bỏ bởi Nghị định 25/2022/NĐ-CP. Do đó, hiện nay nhà đầu tư nước ngoài đầu tư chuyển phát nhanh bằng việc đăng ký kinh doanh hoạt động bưu chính sẽ không bị yêu cầu về khả năng tài chính như trước kia.
- Thỏa mãn đủ điều kiện để được cấp giấy phép bưu chính, cụ thể: Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoạt động bưu chính hoặc giấy chứng nhận đầu tư trong lĩnh vực bưu chính; có nhân sự phù hợp với phương án kinh doanh theo nội dung đề nghị được cấp giấy phép; Có phương án kinh doanh khả thi phù hợp với quy định về giá cước, chất lượng dịch vụ bưu chính; Có biện pháp đảm bảo an ninh thông tin và an toàn đối với con người, bưu gửi, mạng bưu chính.
- Tỷ lệ góp vốn: sau 5 năm kể từ thời gian gia nhập WTO, pháp luật VIệt Nam cho phép người nước ngoài có thể đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ chuyển phát nhanh với tỷ lệ từ 1-100% vốn điều lệ. Tức không có giới hạn về tỷ lệ vốn góp đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Hình thức kinh doanh dịch vụ chuyển phát nhanh cho nhà đầu tư nước ngoài
- Thành lập tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài;
- Góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế kinh doanh dịch vụ chuyển phát nhanh;
- Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC;
- Liên doanh với nhà đầu tư trong nước;
Trình tự, thủ tục thành lập công ty kinh doanh dịch vụ chuyển phát nhanh cho nhà đầu tư nước ngoài
Bước 1: Xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (IRC)
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư:
- Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư kinh doanh dịch vụ chuyển phát nhanh, gồm cả cam kết chịu mọi chi phí, rủi ro nếu dự án không được chấp thuận;
- Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư: CMND, hộ chiếu, thẻ căn cước đối với nhà đầu tư là cá nhân; bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức có xác nhận của lãnh sự
- Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư gồm ít nhất một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu khác chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;
- Đề xuất dự án đầu tư kinh doanh dịch vụ chuyển phát nhanh gồm các nội dung chủ yếu sau: nhà đầu tư hoặc hình thức lựa chọn nhà đầu tư, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm, thời hạn, tiến độ thực hiện, thông tin về hiện trạng sử dụng đất tại địa điểm thực hiện dự án và đề xuất nhu cầu sử dụng đất (nếu có), nhu cầu về lao động, đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án, đánh giá sơ bộ tác động môi trường (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Trường hợp pháp luật về xây dựng quy định lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thì nhà đầu tư được nộp báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thay cho đề xuất dự án đầu tư;
- Trường hợp dự án đầu tư không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc tài liệu khác xác định quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư;
- Nội dung giải trình về công nghệ sử dụng trong dự án đầu tư kinh doanh dịch vụ chuyển phát nhanh đối với dự án thuộc diện thẩm định, lấy ý kiến về công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ;
- Hợp đồng BCC đối với dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC;
- Tài liệu khác liên quan đến dự án đầu tư, yêu cầu về điều kiện, năng lực của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật (nếu có).
- Số lượng hồ sơ: 01 bộ
- Cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ
- Thẩm quyền cấp: Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp tỉnh
Bước 2: Xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (ERC)
Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp bằng một trong ba phương thức sau:
- Đăng ký doanh nghiệp trực tiếp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh;
- Đăng ký doanh nghiệp qua dịch vụ bưu chính;
- Đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.
Hồ sơ gồm các tài liệu sau:
- Giấy đề nghị thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát nhanh;
- Điều lệ công ty;
- Danh sách thành viên hoặc cổ đông công ty (nếu là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc là công ty cổ phần);
- Bản sao giấy tờ pháp lý của thành viên, cổ đông, người đại diện (Đối với nhà đầu tư là cá nhân: Bản sao thẻ căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của các thành viên hoặc cổ đông sáng lập; Đối với nhà đầu tư là tổ chức kinh tế: Bản sao quyết định thành lập công ty, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương khác của tổ chức; bản sao chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn hiệu lực của đại diện pháp luật của tổ chức);
- Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
- Các giấy tờ cần thiết khác (nếu có);
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp đăng ký doanh nghiệp; trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho người thành lập doanh nghiệp FDI. Trường hợp từ chối đăng ký doanh nghiệp thì phải thông báo bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp FDI và nêu rõ lý do.
Thẩm quyền cấp:
- Ở cấp tỉnh: Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư
Phòng Đăng ký kinh doanh có thể tổ chức các điểm để tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thuộc Phòng Đăng ký kinh doanh tại các địa điểm khác nhau trên địa bàn cấp tỉnh;
- Ở cấp huyện: Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc UBND cấp huyện
Bước 3: Xin cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ chuyển phát nhanh
Theo Luật Bưu chính, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thư có địa chỉ nhận có khối lượng đơn chiếc đến 02 kilôgam (kg) phải có giấy phép con kinh doanh dịch vụ bưu chính (sau đây gọi là giấy phép bưu chính) do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính cấp.
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép bưu chính được lập thành 01 bộ là bản gốc, gồm:
- Giấy đề nghị giấy phép bưu chính (theo mẫu tại Phụ lục I);
- Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoạt động bưu chính hoặc giấy chứng nhận đầu tư hoạt động bưu chính tại Việt Nam do doanh nghiệp tự đóng dấu xác nhận và chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản sao;
- Điều lệ tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp (nếu có);
- Phương án kinh doanh;
- Mẫu hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính phù hợp với quy định của pháp luật về bưu chính;
- Mẫu biểu trưng, nhãn hiệu, ký hiệu đặc thù hoặc các yếu tố thuộc hệ thống nhận diện của doanh nghiệp được thể hiện trên bưu gửi (nếu có);
- Bảng giá cước dịch vụ bưu chính phù hợp với quy định của pháp luật về bưu chính;
- Tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ bưu chính công bố áp dụng phù hợp với quy định của pháp luật về bưu chính;
- Quy định về mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp phát sinh thiệt hại, quy trình giải quyết khiếu nại của khách hàng, thời hạn giải quyết khiếu nại phù hợp với quy định của pháp luật về bưu chính;
- Thỏa thuận với doanh nghiệp khác, đối tác nước ngoài bằng tiếng Việt, đối với trường hợp hợp tác cung ứng một, một số hoặc tất cả các công đoạn của dịch vụ bưu chính đề nghị cấp phép;
- Tài liệu đã được hợp pháp hóa lãnh sự chứng minh tư cách pháp nhân của đối tác nước ngoài quy định tại điểm k khoản 2 Điều này.
- Hợp đồng nhượng quyền thương mại với doanh nghiệp đang cung ứng dịch vụ bưu chính (nếu có).
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, Cơ quan có thẩm quyền thực hiện cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ bưu chính cho doanh nghiệp đề nghị.
Lưu ý: Giấy phép bưu chính được cấp với thời hạn không quá 10 năm. Do đó, tối thiểu 30 ngày trước ngày giấy phép hết thời hạn, nhà đầu tư tiến hành thủ tục cấp lại giấy phép bưu chính để gia hạn.
_____________________________________________________
Để được TƯ VẤN VỀ THÀNH LẬP CÔNG TY KINH DOANH DỊCH VỤ CHUYỂN PHÁT NHANH CHO NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI Ở VIỆT NAM miễn phí một cách toàn diện, Quý khách liên hệ:
Công ty Luật Siglaw Trụ sở chính: Số 44/A32 – NV13, Khu A Glexemco, đường Lê Trọng Tấn, An Khánh, Hoài Đức, Tp.Hà Nội.
Hotline: 0961 366 238 Email: vphn@siglaw.com.vn
Chi nhánh: Khu phức hợp thương mại dịch vụ và nhà ở tại số 16/9 đường Bùi Văn Ba, Phường Tân Thuận Đông, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh.
Văn phòng đại diện tại Đà Nẵng: 177 Trưng Nữ Vương, Quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng